Cám dỗ

Chào các bạn,

Mình có ông bạn mục sư, có lẽ hơn mình chừng 20 tuổi và thuộc hàng lãnh đạo trong giới mục sư ở Mỹ. Có một lần ông ấy nói với mình: “Tôi càng lớn tuổi càng khám phá ra là điều đáng sợ nhất là cám dỗ (temptation). Chính vì vậy mà trong Kinh Lạy Cha (The Lord’s Prayer) có câu: Xin Cha chớ để chúng con sa chước cám dỗ – Lead us not into temptation.”

Cám dỗ là những điều mình muốn làm hay thích làm dù rằng mình biết đó là điều mình không nên làm. Điều mình muốn làm nhưng không nên làm có thể là chuyện tội phạm rõ ràng như là ăn cướp hay thụt két nhà nước, nhưng có thể là một hành động chẳng vi phạm quy luật gì ở đời nhưng mình không nên làm – ví dụ, một nhân viên của mình làm sai gì đó, mình cáu lên, và dù mình biết là mình chẳng nên nói gì vì cậu ta đã thấy cậu ta sai, mình cũng bực mình đến mức mắng cậu vài câu để xả xú bắp. Mắng nhân viên vì làm sai là chuyện rất thường, chẳng ai nói đó là tội, nhưng mình đã có chủ trương quản lý cao cấp hơn – không la mắng nhân viên mà chỉ dùng lời nhẹ nhàng. Nhưng trong trường hợp này, mình cáu sườn đến nỗi phải mắng cho nhẹ ngực. Đó là làm điều mình không muốn làm vì bị cám dỗ.

Cám dỗ có rất nhiều cấp độ – từ thô sơ thô lỗ đến rất nhỏ nhoi và vi tế. Tùy theo mức độ trưởng thành tâm linh của mình đến đâu, cám dỗ sẽ vi tế đến đó. Và chẳng bao giờ ta hết bị cám dỗ. Còn thở là còn bị cám dỗ. Và đa số chúng ta sẽ “sa chước cám dỗ” một lúc nào đó về việc gì đó. Đừng vội nói: “Tôi thành chánh quả rồi, giác ngộ rồi, tôi đã thành thánh rồi, chẳng còn có thể bị cám dỗ bởi điều gì.” Ngay câu nói này đã là sa chước cám dỗ để mình kiêu căng rồi.

Vì cám dỗ rất vi tế và mạnh mẽ, người ta thường nói cám dỗ là hành động của Chúa Quỷ/Ma Vương. Mình tin rằng Chúa Quỷ/Ma Vương chỉ là biểu tượng cho sức mạnh kinh khủng của cám dỗ từ chính những ham muốn của con người yếu kém của mình, mạnh đến mức lâu lâu mình cũng bị rơi. Do đó, phải mô tả cám dỗ như là hành động của Chúa Quỷ/Ma Vương thì mới diễn tả được quyền lực phi phàm của cám dỗ.

Nếu chúng ta quen nhìn vào trái tim mình, thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng cám dỗ mỗi khi chúng xuất hiện. Đó là thói quen quán thân (nhìn thân thể), quán thọ (nhìn cảm xúc), quán thức (nhìn tư tưởng) của mình, ba trong bốn phép quán Tứ Niệm Xứ do chính Phật Thích Ca dạy. (Xem Biết mình). Mỗi khi ta nhìn thấy được cám dỗ đang tới, ta thường chiến thắng được cám dỗ. Cám dỗ thường thắng ta khi ta không biết ta đang bị cám dỗ và do đó cứ làm theo cám dỗ.

Điều quan trọng nhất cho mỗi chúng ta là biết chúng ta bị cám dỗ rất thường xuyên, mỗi ngày, cả chục lần một ngày. Và có rất nhiều chúng ta, cám dỗ nào đến ta cũng bị thua. Đó là những người có đời sống tâm linh rất thấp kém. Thường thì đa số chúng ta có thể chống lại một số cám dỗ thường xuyên như là ăn uống, nổi giận, ganh tị… Nhưng đến mức cao hơn như là không muốn yêu người, không muốn yên lặng, thường phê phán người khác… chúng ta có thể thua cuộc thường xuyên.

Để trưởng thành trong tinh thần, các bạn cần quan tâm đến cám dỗ và nhạy cảm đối với cám dỗ, hầu có thể chiến thắng cám dỗ thường xuyên. Và trưởng thành tâm linh.

Chúc các bạn chiến thắng cám dỗ.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s