Kích cầu là gì? Kích cung là gì?

Loạt bài kinh tế học >>

Chào các bạn,

Có lẽ những lúc này các bạn nghe từ kích cầu thường xuyên trên báo chí khi thiên hạ nói về phục hồi kinh tế. Vậy kích cầu là gì?

Kick tiếng Anh là đá, cầu tiếng Việt là bóng. Kick cầu là đá bóng. 🙂

Kích cầu kinh tế cũng có nghĩa gần như đá quả bóng khởi động trận đấu. Kích cầu, nếu giải thích từng chữ, thì kích là kích thích, làm cho di chuyển, như là nhạc kích động hay thuốc kích thích.

Cầu là muốn, như là cầu nguyện, nhưng trong kinh tế học thì hiểu là ý muốn mua, ý muốn tiêu thụ, hay sức tiêu thụ. Sức tiêu thụ (sức mua) của mọi người trong nước về gạo, đó là cầu về gạo của cả nước. Chúng ta nói “sức tiêu thụ” có nghĩa là “muốn mua” và “mua được” – tức là sẽ mua nếu có hàng. Nếu muốn mua mà không có tiền thì đó không là cầu.

Nói vắn tắt thì, cầu là tiêu thụ, tiếng Anh là demand (từ nghĩa nguyên thủy là đòi hỏi, yêu cầu).

Đó là nói về phía người tiêu thụ, nếu nói về phía bán – nhà sản xuất, chợ bán hàng, tiệm quán – thì chúng ta nói về sức cung cấp hàng hóa, gọi là “cung”. Tương tự như cầu, cung có nghĩa là có hàng và muốn bán hàng. Cung của gạo trong nước là sức cung cấp của mọi nhà bán gạo trong nước cộng lại – bao nhiêu tấn gạo mà họ có thể bán. “Cung” trong tiếng Anh là supply.

Cung (cung cấp) và cầu (tiêu thụ) là hai khái niệm căn bản nhất và quan trọng nhất của kinh tế học. Các hoạt động của cung và cầu trong một nền kinh tế, gọi là Luật cung cầu, Law of supply and demand, ấn định giá cả và mọi thứ trên đời liên quan đến giá cả. Cho nên nắm vững cung cầu là  nắm vững kinh tế học.

Trở lại kích cầu. Giải thích từng chữ thì kích cầu là “kích thích tiêu thụ”. Nhưng tiếng Anh thì người ta không nói thế. Tiếng Anh là stimulate the economy (kích thích nền kinh tế), và dùng như danh từ (noun) thì người ta dùng từ stimulus (kích thích). Gói kích cầu là stimulus package. Điều này quan trọng để nhớ, stimulus là kích thích, nghĩa là kích thích nền kinh tế, và đó có thể là kích thích cầu, hoặc có thể là kích thích cung, để kích thích nền kinh tế; không nhất thiết chỉ là kích cầu. Vì vậy, khi dùng từ kích cầu để nói “kích thích nền kinh tế” (như đang dùng ở Việt Nam), thì người ta dễ bị hiểu hơi lạc một chút là “chỉ kích thích sức tiêu thụ cho nền kinh tế” mà quên rằng có thể kích cung để kích thích nền kinh tế.

Nhưng dù sao thì hiện nay ở VN, bà con dùng “kích cầu” để nói ý “kích thích nền kinh tế”, cũng chẳng chết chóc gì nếu người dùng chữ đó hiểu được nó là stimulus, stimulating the economy.

Trong mùa Covid giãn cách, mọi sự đóng băng, mọi hàng quán đóng cửa, xe cộ ngưng chạy, nhiều người lao động thất nghiệp, thiếu tiền ăn, thiếu tiền nhà, một số khu công nghiệp vẫn mở và hoạt động với 3 tại chỗ (sản xuất, cách ly, ăn ngủ tại chỗ) với lượng nhân viên ít và năng suất yếu ớt vì tình trạng tâm lý căng thẳng và mệt mỏi… Nói chung là nền kinh tế gần như đứng yên, hoặc như người đang bò. Giờ Covid tạm giảm một chút, giảm bớt nhiều giãn cách, và nhiều người thư giãn ra một chút. Cần đẩy nền kinh tế họat động mạnh mẽ trở lại như trước kia. Và nhà nước dùng biện pháp kích cầu để kích thích nền kinh tế hoạt động trở lại.

Công việc kích cầu các bạn có thể thấy được rõ ràng nhất và tức thì là Bộ Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp để làm tháng giảm giá – đa số các doanh nghiệp tham dự đều giảm giá hàng khá lớn, có nơi giảm đến 100% (Đó là mình đọc các messages của BCT gửi vào phone của mọi người).

Đó đúng là kích thích tiêu thụ để kích thích nền kinh tế. Nếu bà con đi mua hàng nhiều, thì hai chuyện xảy ra: (1) Số tiền bà con mua sắm sẽ được dùng để trả lương cho nhân viên của các công ty và (2) tạo ra một ảnh hưởng tiêu thụ dây chuyền trong nước – nhân viên các công ty bán hàng có tiền, nhân viên lại đi mua sắm nhiều thứ – gạo, bánh mì, áo quần, đi xe ôm và taxi… Người trong các quán gạo, bánh mì, áo quần đó… có được tiền từ nhân viên các công ty, và họ lại đi mua sắm, và mua sắm của họ lại tạo ra một loạt người mới có tiền để mua sắm, cứ thế mà tiếp tục… Đó là hoạt động dây chuyền của tiêu thụ. Và (3) các hàng quán , cơ sở sản xuất có được tiền và có nguồn cầu (dòng người tiêu thụ) nên sẽ sản xuất mạnh hơn và đầu tư thêm vào việc sản xuất – máy móc, cơ xưởng sản xuất, chẳng hạn. Thế là nền kinh tế ồ ạt hoạt động trở lại và dần dần có khí thế, khởi đầu bởi một loạt mua hàng giảm giá và sau đó tiếp tục mua bán dù đã hết giảm giá.

Đó là kích cầu (kích thích tiêu thụ) để kích thích nền kinh tế. Kích cầu kiểu này có cái tiện là có thể làm ngay tức thì và thấy hiệu quả tức thì – chỉ nhìn vào các hoạt động mua bán khắp nơi tấp nập thế nào, thì người ta có thể ước lượng nền kinh tế đang phục hồi tốt đến mức nào.

Nhưng kích cầu như thế cũng có giới hạn, vì không thể giảm giá mãi được. Chỉ một lúc rồi lại lên giá để còn có chút lời để sống. Giả sử, sau khi hết giảm giá thiên hạ không mua sắm nữa thì khó mà phục hồi cả nền kinh tế, vì cạn tiền cả rồi. Cho nên rất có thể là kích cầu đó sống không được lâu. Tức là nó không có gì để giúp nó bền vững.

Một cách kích cầu khác thường thấy là chính phủ cho mỗi người dân một ít tiền gọi là cứu trợ thời Covid chẳng hạn. Mục đích có thể là để cứu đói, nhưng đằng sau đó là mục đích kích cầu. Cho một người một số tiền để họ tiêu dùng, và sức tiêu dùng của họ sẽ tạo ra hàng loạt tiêu dùng tiếp theo, kích thích cung của các nhà sản xuất tăng lên, và như vậy là kích thích nền kinh tế. Cách kích cầu này cũng có giới hạn: (1) Chẳng biết nhà nước có thể cho tiền mấy lần. Nhà nước chẳng thể cho mãi được, chẳng đủ tiền để cho không cả nước như thế. Chỉ một hai lần cho chưa chắc đã đủ để kích thích nền kinh tế. (2) Số tiền nhà nước cho dân để kích cầu là một lượng tiền đổ vào nền kinh tế mà không có cung nào để quân bằng. Khi bạn mua một cái áo, bạn trả tiền áo, đó là cầu. Để đáp ứng lại, chủ quán thời trang đưa cho bạn cái áo bạn mua, đó là cung, đáp ứng lại tiền cầu của bạn. Mọi sinh hoạt kinh tế đều cần cung cầu đáp ứng nhau như thế thì nền kinh tế mới quân bình.

Nếu nhà nước đổ một mớ tiền mặt vào nền kinh tế bằng cách cho dân tiền, nhưng dân chẳng có cung gì trao cho nhà nước để đổi lấy tiền cầu,  thì trong nền kinh tế sẽ có hiện tượng là hàng hóa vẫn chỉ có bao nhiêu đó, nhưng số lượng tiền của dân để tiêu dùng tăng lên một lượng lớn, bằng các số tiền nhà nước cho mỗi người  dân. Nếu số lượng hàng hóa (tức là cung) đứng yên không thay đổi, nhưng tự nhiên nguồn tiền tiêu dùng của dân (tức là cầu) tăng lên, thì các bạn biết ngay chuyện gì xảy ra. Khi các quán cũng chỉ có bao nhiêu hàng đó, mà người dùng tự nhiên có thêm một đống tiền để mua sắm ì đùng, thì đương nhiên là hàng lên giá, vì khan hiếm. Tức là khi cầu tăng (sức tiêu thụ tăng) mà cung không tăng (số lượng hàng bán ra không tăng), thì GIÁ hàng sẽ tăng (vì thiếu hàng). Đây là một phương diện hoạt động của cung cầu. Cách hoạt động của cung cầu với nhau gọi là Luật Cung Cầu (Law of Supply and Demand). Luật này nói nếu cầu tăng (sức mua hàng tăng) nhưng cung không tăng (không đủ hàng để phục vụ), thì giá hàng sẽ tăng, vì khan hiếm. Ngược lại, nếu sức mua đứng yên (cầu đứng yên), nhưng cung tăng (số lượng hàng hoá tăng) vì lý do gì đó — như là các công ty tính sai thị trường, nghĩ rằng nhiều người sẽ mua, nhưng sự thật là vẫn ít người mua, hoặc là hàng xuất khẩu bị trả lại vì lý do gì đó, nên tạo ra hàng hoá thặng dư trong nước – thì GIÁ hàng hóa sẽ xuống thấp, vì bị dư hàng. Đó là hai chuyển động của Luật Cung Cầu. Tóm lại, nếu người mua nhiều mà ít hàng hóa (cầu cao nhưng cung thấp), thì giá hàng tăng vì khan hiếm. Nếu người mua ít mà hàng hóa có quá nhiều (cung cao hơn cầu), thì giá hàng giảm vì dư hàng.

Trong ví dụ kích cầu của chúng ta, cho dân tiền để xài có thể kích thích nền kinh tế một xíu, nhưng cũng làm cho hàng hóa tăng giá vì thiếu hàng. Đó là hiện tượng gọi là lạm phát (inflation), tức hàng hóa tăng giá .

Đôi khi người ta phải chịu đựng hàng tăng giá (lạm phát) để đạt mục tiêu quan trọng, như là mục tiêu kích thích nền kinh tế ở đây. Nhưng lạm phát nhiều quá hay lâu quá thì lạm phát lại có ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế, vì giá hàng lên cao thì nhiều người không mua được, số lượng người tiêu thụ ít đi, thì lại làm cho nền kinh tế xìu xuống lại.

Trong trường kỳ những cách kích thích kinh tế bền vững là tạo công ăn việc làm cho dân, để dân có tiền, nhưng tiền đó là do người dân tạo ra gì đó (vì làm việc) cho nền kinh tế, ví dụ thợ may lãnh lương để tạo ra những chiếc áo. Người có tiền lương, người có thêm áo mới để bán, mọi người đều được gì đó như vậy, thì nền kinh tế rõ ràng là đi lên vì mọi người đều có thêm tài sản mới.

Nhưng vấn đề là, vì Covid làm cho đa số các công ty kiệt quệ, và nhiều công ty đóng cửa, vậy thì các công ty lấy sức đâu để tạo ra công ăn việc làm cho người dân? Dân không có tiền để mua sắm, thì các công ty lấy tiền đâu để mà có sức tăng gia sản xuất, tạo công ăn việc làm?

Vì thế, một “người” có thể có đủ sức mạnh để tạo công ăn việc làm trong khi đa số công ty đều kiệt quệ là  chính phủ (nhà nước). Nếu chính phủ cấp kỳ mở ra những dự án có lợi cho đất nước lâu dài, như xây dựng những hệ thống điện, xây dựng đường sá cầu cống, xây dựng đại học, xây dựng bệnh viện… Những dự án công (public projects) lớn này sẽ tuyển dụng rất nhiều người dân vào làm nhân viên lao động. Người dân có tiền lương để tiêu dùng – tức là có cầu – để thúc đẩy hàng quán và các nhà sản xuất tạo ra hàng hóa bán – tức là thúc đẩy cung. Nhân viên trong các hệ thống sản xuất này có lương để tiêu thụ, đồng thời những người dân khác cũng tiêu thụ thêm vì có thêm nguồn hàng mới và giá rẻ vì không còn thiếu hàng. Đó là cung đẩy cầu… Cung cầu cứ thúc đẩy nhau như thế, đó chính là thúc đẩy cả nền kinh tế.

Và nhà nước, trả tiền lương cho dân để đổi lấy một loạt hệ thống điện, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện… do dân làm nhân viên lao động xây dựng. Các dự án công này, ngoài việc tạo tiền lương cho dân để dân kích cầu bằng mua sắm, cũng tự động làm cho nền kinh tế mạnh hơn trong trường kỳ, vì làm cho điện có nhiều hơn, giao thông tốt hơn, nhiều nhân tài đại học hơn, nhiều người khoẻ mạnh hơn… Nói chung, đó là những lợi ích vật chất và tinh thần cho nền kinh tế và cho nhân tài của đất nước, và giúp đất nước đi lên.

Đầu tư vào các dự án công cần thiết để phát triển đất nước là cách tốt nhất để kích thích nền kinh tế. Và đây thực ra là kích cung. Cung cấp dịch vụ công ích và công ăn việc làm cho người dân trước, rồi người dân mới có tiền để tiêu thụ và kích cầu sau đó. Cách kích cung này, tạo công ăn việc làm và tiền cho dân tức thì để thúc đẩy nền kinh tế tức thì; và trong trường kỳ cũng giải quyết một số nhu cầu cực kì căn bản cho phát triển đất nước- như điện lực, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện… nói chung là các cơ sở hạ tầng cho moi lĩnh vực kinh tế.

Thêm vào đó, tiền lương và các chi phí khác cho các dự án công này không tạo ra lạm phát, vì tiền dùng cho các dự án này được quân bình bằng các hàng hóa – điện lực, đường sá, nhà thương, trường học, v.v… mà các dự án đó tạo ra.

Năm 1929-1930 khi cả thế giới bị khủng  hoảng kinh tế lớn và số người thất nghiệp, không có tiền, không đủ ăn tràn ngập nước Mỹ, tổng thống Franklin D. Roosevelt mở chương trình New Deal vĩ đại để cứu nước Mỹ. Chương trình đưa lại nhiều chỉnh sửa trong hệ thống ngân hàng, trong luật lao động và một tá những chỉnh sửa khác cho nước Mỹ. Nhưng điều duy nhất mà ngày nay ai cũng có thể nhắc đến dễ dàng là một loạt những dự án công vĩ đại – đập thủy điện, đường sá, cầu cống, nhà cửa cho người nghèo… để người dân có công ăn việc làm tức thì, chống thất nghiệp và thiếu ăn thiếu ở, và dân có tiền tiêu dùng để kích thích nền kinh tế. New Deal là một thành công kinh tế có thể được xem là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngày nay một dự án công lớn của Roosevelt mà mọi dân Mỹ cũng như dân du lịch khắp thế giới đến Mỹ đều biết là Hoover Dam, đập thủy điện lớn nhất nước Mỹ ở tiểu bang Nevada, cung cấp điện cho ba tiểu bang Nevada, Arizona và California. (Xem ảnh đầu bài). Đập này là một trong những tourist attraction của nước Mỹ ngày nay. Trung bình mỗi năm có 7 triệu người đến thăm.

Hy vọng Việt Nam sẽ có chương trình kích thích nền kinh tế tốt.

Chúc các bạn đều có việc làm để hỗ trợ kích cầu.

Mến,
Hoành

Bài cùng chuỗi:

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 13 thoughts on “Kích cầu là gì? Kích cung là gì?”

  1. Hay quá ạ!!!
    Hồi nọ em nghe đẩy mạnh đầu tư công sau đại dịch, cứ nghĩ là sao nhà nước đang khó khăn, nguồn thu giảm mạnh, mà lại rải tiền ra tăng đầu tư công làm gì? Thì ra nguyên nhân đằng sau là để kích thích nền kinh tế, kích thích nguồn cung…
    Hy vọng là các dự án đầu tư công của VN có hiệu quả về lâu dài, như Hoover Dam là tourist attraction của Mỹ.
    Em cảm ơn anh đã viết bài chi tiết!
    Anh Hai có kiến thức sâu ở nhiều lĩnh vực quá ạ. Em rất phục!
    Em Thành.

    Thích

  2. Sau khi đọc bài này của anh, đặc biệt là đoạn nhà nước cho dân tiền nhưng dân chẳng có gì trao cho nhà nước dẫn đến hiện tượng lạm phát, em đã hiểu tại sao tổ chức quốc tế Oxfam, khi thực hiện dự án Cứu trợ nhân đạo và phục hồi sau lũ miền Trung Việt Nam năm ngoái, bên cạnh việc cho dân tiền không điều kiện, còn có việc cho dân tiền nhưng thông qua trả công làm đường – “làm một con đường đất ở giữa cánh đồng hoa màu hàng chục hecta. Con đường này được xây để phục vụ sản xuất, đồng áng trong thôn, cũng như kết nối với các thôn khác…”

    (Chi tiết xem ở bài Làm từ thiện chuyên nghiệp
    https://dotchuoinon.com/2021/12/08/lam-tu-thien-chuyen-nghiep/ )

    Em Hương

    Đã thích bởi 1 người

  3. Em chào Anh Hoành,

    Sáng nay em có đọc bài này nói về việc đồng USD tăng mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Em biết là đồng USD là tiền tệ được sử dụng rộng rãi trên Thế Giới, nhưng em không hiểu là Tại sao khi USD tăng thì lại ảnh hưởng đến tình hình lạm phát của thế giới ạ? Mong Anh giải thích để em có thể hiểu hơn ạ.

    (Chi tiết link bài em đọc sáng nay ạ:
    https://vnexpress.net/usd-manh-dang-de-doa-kinh-te-toan-cau-4516269.html)

    Em cám ơn Anh nhiều.
    Em Tuấn

    Thích

  4. Good question, Tuấn.

    Vì đồng USD dùng khắp thế giới cho các hoạt động thương mại quốc tế (xuất nhập khẩu). cho nên khi đồng USD mạnh, thường có nghĩa là csc đồng tiền khác yếu hơn, thì giá cả trong các nước có đồng tiền yếu hơn sẽ lên cao hơn. Ví dụ:

    VN nhập khảu xăng dầu (đã tinh luyện). Một lượng xăng nhập khẩu trả bằng tiền USD theo hợp đồng là 1000 USD. Bây giờ vì USD thành mạnh hơn, tức là tăng giá so với đông VN (không mạnh lên như tiền USD), ví dụ tăng 10% – 1USD trước nay là 23000 đồng, bây giờ sẽ thanh 25300 đồng. Vầy hồi trước, nhà nhập khâu xăng VN, nhập khẩu 1000 USD xăng chỉ phải trả 23,000,000 đồng, để đổi thành 1000USD trả tiền nhập khẩu, thì sau khi đồng USD tăng giá, nhà nhập khẩu VN sẽ phải trả 25,3000,00 đồng để đổi được 1000USD để trả nợ nhập khẩu.

    Nghĩa là giá xăng nhập khẩu, tính ra tiền Việt, đã tăng lên 10%. Và em biết rồi, khi xăng tằng giá thì mọi thứ khác tăng giá theo, vì thứ gì cũng cần được vận chuyển. Mọi thứ đều tăng giá lên như thế thì tăng lạm phát rất nhanh. “Lạm phát” chỉ là một từ để nói “hàng tăng giá”.

    Hy vọng anh đã giải thích rõ đủ cho em. Nếu chưa rõ, em cứ hỏi tiếp.

    A. Hoành

    Đã thích bởi 2 người

  5. Dạ. Em đã hiểu rõ câu trả lời của anh rồi ạ. Nhưng đến đây thì em lại có câu hỏi khác nữa là: Tại sao phải sử dụng đồng USD cho hoạt động thương mại trên thế giới mà không phải là đồng tiền khác? và Điều kiện gì thì một đồng tiền có thể trở thành cho đồng tiền để thanh toán chung cho thế giới ạ? Em có đọc một số bài nhưng không nắm rõ lắm đó Anh. Mong Anh chia sẽ giúp em.

    Em cám ơn Anh.
    Em Tuấn.

    Thích

  6. Hi Tuấn,

    Sau thế chiến thứ 2, nước Mỹ là nước mạnh nhất thé giới về cả chính trị và kinh tế. Mỹ làm việc và buôn bán với mọi người, và mọi nước dùng đồng USD để giao dịch với Mỹ, và do đó cũng để giao dịch với nhau.

    Ngày nay có vài nước như China và Russia muốn đẩy đồng tiền của mình (Reminbi của China và ruble của Russia) trong giao dịch quốc tế, nhưng thế giới vẫn dùng đồng USD vì tiện hơn (cũng như cả thế giới dùng tiếng Anh, thay vì các thứ tiếng khác).

    A. Hoành

    Đã thích bởi 2 người

  7. Hi anh

    Cảm ơn anh Tuấn đã đặt câu hỏi hay ạ. Em cũng bật ra thêm vài câu hỏi muốn hỏi thêm ạ.
    Anh Hoành cho em hỏi thêm,

    Những nguyên nhân nào có thể làm cho đồng USD tăng, khi nào thì cần tăng, khi nào thì cần giảm?
    Ai hay tổ chức nào có thẩm quyền có thể quyết định cho việc tăng giá trị đồng USD?
    Các bước để có thể đưa ra quyết định tăng giá đồng tiền USD là gì?
    Và khi tăng đồng USD lên thì trong lúc đó nền kinh tế sẽ nước Mỹ được gì và mất gì?
    ….
    e. Thắng

    Thích

  8. Hi Thắng,

    Có vài cách làm cho một đồng tiền của một nền kinh tế thành mạnh mẽ (như USD trong nền kinh té Mỹ hay tiền đồng trong kinh tế Việt).

    1. Cách tự nhiên nhất là nên kinh tế đang hoạt động rất tốt – người mua nhiều, người bán nhiều, ít người thất nghiệp, lạm phát thấp, tiết kiệm cao. Nhiều người có công ăn việc làm và có tiền tiêu dùng thì các xí nghiệp sẽ sản xuất nhiều hơn, giá hàng thành rẻ hơn, vì xi nghiệp sản xuất nhiều hơn thì với ảnh hưởng của economy of scale (tiết kiệm nhờ số lượng cao) giá hàng thành thấp xuống cho người tiêu thụ. Người tiêu thụ tiêu dùng nhiều, nhưng vẫn còn tiền tiết kiệm trong ngân hàng, và nhơ đó ngân hàng cho vay nhiều hơn để thiên hạ vay mượng đầu tư, giúp nền kinh tế thêm mạnh.

    Trong nền kinh tế mà mọi thứ đều mạnh và giá hàng không tăng nhiều (hoặc đôi khi còn đi xuosng) thì đòng tiền thành mạnh, vì một đồng bây giò có thể mua nhiều hơn một đồng trươc kia. Đó là tăng sức mạnh của tiền đồng.

    2. Cách thứ hai là khí một nền kinh tế như Mỹ có liên hê kinh tế khắp thế giới trở thành mạnh hơn thì mua bán giữa Mỹ và các nước trên thế giới thành ồ ạt hơn, và mọi nước sử dụng (mua và bán) đồng USD nhiều hơn là cho nó tăng giá, tức là thành mạnh hơn, trên thị trường thế giới.

    3. Các thư ba là ngày nay có thị trường currency trading (mua bán tiền của các nước). Nước nào kinh tế mạnh lên thì các curency traders sẽ mua tiền nước đó nhiều vì, vì đồng tiền nước đó sẽ mạnh và mình sẽ có lời (kiêu như mua chứng khoán). Nếu kinh tế NHật ạnh lên, thì người ta đầu tư vào đồng Yen xủa Nhật nhiều hơn, mà làm cho no lên giá.

    Đại khái các nét chính là như thế. Nhưng tiên đoán chinh xác thì hơi khó vì còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng, như chiến tranh hay nguy cơ chiến tranh, dịch bệnh, thiên hạ đang lên tinh thần hay xuống tinh thần… Nếu tiên đoan mà dễ thì anh đã là tỉ phú hàng đầu thế giới rồi, làm luật sư làm gì cho mệt.

    A. Hoành

    Đã thích bởi 1 người

  9. Hi Thắng,

    Anh quên cách thứ tư, là cách các chinh phú, trong thị trường không tự do, ấnđịnh tỉ số hối đoái, như là ấnđịnh 1 USD sẽ bằng bao nhiều đồng bạc nội địa của nước họ.

    Nếu họ muốn làm cho đồng bạc họ giảm giá, họ ấn điịnh 1 USD sẽ đổi ra tiền của họ nhiều hơn một tí. Và như thế làm hàng xuát khẩu của họ rẻ đi và dễ xuất khảu nhiều hơn. VÍ dụ: 1 món hàng giá 1 USD bằng 1000 đồng nội dia. Nếu nhà nước nội đia ấn định một đồng USD sẽ bằng 1200 đồng nội địa, thì một món hàng xuất khẩu trị giá 1000 đồng nọi địa, thay vì chỉ tốn 1 USD như trước kia, giờ sẽ chỉ băng (1/1200)X1000 = 0,83 USD, tức là chỉ tốn 83 xu cho khách mua hàng xuất khẩu của nước nội địa, (thay vì 1 USD như trước).

    Ngược lại nếu nha nước nôi địa muốn làm cho đồng tiên họ mạnh (vì một lý do nào đó để ổn định kinh tế) họ ấn định 1USD, thay vì là 1000 đồng nội địa, thành 800 đông nội địa, thì họ có thể đạt mục tiêu ổn định kinh té của họ, nhưng sẽ khó xuất khẩu hơn, vì mốt món hàng 1000 đồng nội địa xuát khẩu bây giờ sẽ là (1/800)1000= 1,25 USD (thay vì chỉ 1 USD).

    Các cách ảnh hưởng trực tiếp giá trị đồng nội địa độc đoán như thế này, nhất là khi giảm giá tiền nội địa để tăng xuất khẩu, được xem là unfair competition (cạnh tranh không công bình) trên thị trường quốc tế và có thể bị các nước trừng phạt bằng các biện pháp đối phó hoặc kiện lên WTO (World Trade Organization).

    A. Hoành

    Đã thích bởi 2 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s