Thông tin cho thị trường

Loạt bài kinh tế học >>

Chào các bạn,

Trong bài Cân bằng thị trường mình có nói:

Trong một thị trường hoàn toàn (perfect market), tức là thị trường trong đó có (1) cạnh tranh hoàn toàn (perfect competition) – tức là cạnh tranh tự do (free competition) và không bị khống chế bởi những thứ như gian dối, độc quyền kinh tế, hay quy luật không hợp lý của nhà nước và (2) mọi người mua và người bán đều có thông tin đầy đủ và rõ ràng về sản phẩm, giá cả, và thị trường, thì điểm cung cầu gặp nhau – equilibrium – là điểm thị trường được cân bằng: giá cả có khuynh hướng đứng yên tại điểm đó và số lượng hàng bán được cũng có khuynh hướng đứng tại con số đó.

Điểm số 1 về thị trường cạnh tranh hoàn toàn, chúng ta sẽ nói sau này. Hôm nay mình nói đến điểm số 2 về vai trò của “thông tin” trong việc bảo đảm một thị trường làm việc với hiệu năng cao nhất của nó, tức là có được một điểm equilibrium bình ổn.

Nói giản dị, thông tin có nghĩa là những thông tin mà mọi người – người sản xuất (cung) cũng như người tiêu thụ (cầu) cần có về sản phẩm và thị trường để có thể làm những quyết định bán mua chính xác và lợi ích nhất cho họ.

Thiếu thông tin thì chúng ta thường làm quyết định sai, và do đó sẽ bị lường gạt hay lạm dụng, và thị trường do đó không có hiệu quả tốt, gọi là thất bại của thị trường (market failure).

I. Nói về cung, tức là các nhà sản xuất.

Các nhà sản xuất thường có nhiều thông tin về sản phẩm và thị trường, cho nên họ ít bị thiếu thông tin. Tuy vậy có những trường hợp nhà sản xuất thiếu thông tin, đặc biệt là trong nông nghiệp. Trong nông nghiệp, nhà sản xuất đầu tiên trong chuỗi cung ứng (supply chain) là nông dân, và chúng ta biết nông dân thường thiếu thông tin về đủ mọi thứ. Thường là những nhà bán nông phẩm lớn và các thương lái của họ có nhiều thông tin về thị trường và giá cả, nhưng nông dân thì không được cho biết gì. Cho nên nông dân dễ bị thương lái chèn giá và ép giá – tức là các đại gia kinh doanh thì rất ít khi bị lỗ, nhưng nông dân thì dù được mùa hay mất mùa thì cũng đều có một lực kinh tế lớn đứng trên đầu lạm dụng, và đương nhiên là nông dân luôn nghèo.

Các giải quyết vấn đề thông tin cho nông dân gồm hai điểm chính:

– Hệ thống khuyến nông (agriculture extension services) của nhà nước hoặc các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ (Non-government organizations, gọi tắt là NGOs), giúp chuyển giao kỹ thuật, thông tin, kiến thức, và đào tạo tay nghề cho nông dân. Các tổ chức này phần lớn làm việc về kỹ năng nông nghiệp, nhưng rất ít tổ chức lo về giá cả và thị trường.

– Hiệp hội nông dân hay các hệ thống hợp tác xã nông nghiệp lớn, để nông dân có thể tự có được nơi họ tụ lại thành sức mạnh lớn, có thể lo đủ mọi thứ – từ phối hợp với nhà nước và các NGOs để lo kỹ thuật cho nông dân, đến việc nghiên cứu giá cả và thị trường để giúp nông dân có kế hoạch làm việc tốt. Ví dụ: thị trường cam, tại địa phương, cũng như trong cả nước, hiện tại có bao nhiêu người trồng, tổng cộng bao nhiêu hecta, vậy thì tính ra mỗi hecta nên thu hoạch bao nhiêu ký cam mùa sắp tới, để giá cả tốt cho người tiêu thụ và nông dân đạt được lợi tức tối đa, tức là đạt được equilibrium. Đương nhiên là, nông dân chẳng điều chỉnh được mỗi hecta nên có nhiều cam hay ít cam, cho nên hội hay hợp tác xã có thể nhẩm tính trước số lượng cam có thể bị dư thừa là bao nhiêu, và số dư đó nên được tìm cách hợp đồng trước với các nhà máy đóng hộp nước cam.

Một hiệp hội nông dân lớn có thể có đủ tiền để có chuyên gia làm việc thường trực, phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và các viện nghiên cứu nông nghiệp, để giúp nông dân theo dõi thị trường để có chiến lược chung tốt nhất cho nông dân. Nhưng các hội hay hợp tác xã này nên là của nông dân, không nên là của nhà nước, vì như vậy hội mới gần gũi và sống chết với nông dân, thay vì chỉ là một cơ quan nhà nước có tư duy quan chức và xa lạ với nông dân.

Các lãnh vực ngoài nông nghiệp, cũng nên có các hiệp hội như vậy để giúp các nhà sản xuất nhỏ có được sức mạnh,  và kiến thức để lập chiến lược kinh doanh thường trực.

II. Nói về cầu, tức là người tiêu thụ

Người tiêu thụ thì cần thông tin nhiều hơn cả thông tin cho người sản xuất, vì người tiêu thụ thường là chỉ “tiêu” mà ít quan tâm đến thông tin, vì xì tiền ra thì dễ hơn là phải kiếm tiền.

Người tiêu thụ có thể có các nguồn thông tin sau đây:

1. Luật pháp nhà nước đòi hỏi thông tin về hàng hóa trên bao bì, giá bán, nguyên liệu gì, nhiều ít thế nào, xuất xứ ở đâu. Về thực phẩm và thuốc men thì thông tin lại phải nhiều chi tiết về nguyên liệu, số lượng dinh dưỡng so với nhu cầu mỗi ngày, v.v…

Người tiêu thụ cần có thói quen đọc bao bì cho kỹ trước khi mua, vừa tốt cho sức khỏe vừa bảo đảm cho túi tiền của mình.

2. Luật cấm quảng cáo láo, sai sự thật (untruth) hay cố tình làm người đọc bị hiểu nhầm (misleading).

3. Các tổ chức nhà nước hay NGOs chứng nhận giá trị sản phẩm như Hàng Việt Nam chất lượng cao, VietGap, thực phẩm hữu cơ…

4. Các công ty cũng thường có nhiều thông tin trong quảng cáo để người tiêu thụ biết về sản phẩm của họ. Các công ty cũng hay nhìn nhau để nếu đối thủ mình mà quảng cáo láo, công ty sẽ yêu cầu nhà nước ngăn chặn.

5. Người tiêu thụ ngày nay có thể chia sẻ thông tin rộng rãi trên mạng Internet. Mỗi người có thể Google tìm thông tin. Các thông tin này cũng có thể có vài hạn chế, vì các công ty lớn thường dọa kiện bạn nếu bạn nói gì xúc phạm đến họ trên Facebook chẳng hạn. Tuy nhiên nếu bạn chỉ nói ra các dữ kiện thật mà không kết luận gì thì chẳng ai làm được gì mình. Ví dụ: Tại sao sữa tươi ở quán A này lại đắt gấp 2 lần của mấy tiệm cách đó chỉ 1 km? Nếu sữa đó có gì rất đặc biệt, như là một số dưỡng chất đắt tiền gì đó, thì câu hỏi của bạn giúp quảng cáo cho tiệm. Nếu đó là giá ăn gian thì cũng là thông tin tốt cho mọi người cùng biết. Đằng nào thì thảo luật tốt cũng có lợi cho mọi người. (Chú ý: Khi thảo luận trên Internet, đừng phạm phải lỗi vu khống người khác. Chỉ kể sự thật bạn thấy, đừng kết luận gì, nhưng chỉ có câu hỏi vì bạn thắc mắc).

Thảo luận về sản phẩm và thị trường trên Internet giúp cho mọi người tiêu thụ thông minh hơn khi tiêu dùng, và giúp cho những nhà sản xuất tốt có thêm danh tiếng, và các nhà sản xuất tồi bị mất khách hàng. Và đó là điều rất tốt cho một nền kinh tế lành mạnh và mạnh mẽ.

Chúc tất cả chúng ta luôn lành mạnh và mạnh khỏe.

Mến,

Hoành

Bài cùng chuỗi:

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Thông tin cho thị trường”

  1. cám ơn anh vì những chia sẻ về loạt bài kinh tế, em đọc thấy thật sự dễ hiểu và có cái nhìn chung về toàn cảnh. huy vọng sau này anh sẽ có loạt bài về luật pháp để mọi người có thể nắm được cái nhìn chung

    Like

Leave a comment