Tâm huyền diệu

Chào các bạn,

Có sự liên hệ mật thiết giữa chúng ta với thế giới quanh ta (xóm, làng, phường, trường…), đất nước ta, và thế giới ta. Về mặt luận lý thì rất dễ hiểu. Mọi tập thể người, dù nhỏ dù lớn, đều chỉ là các cá nhân gộp lại mà thành, cho nên đời sống của mỗi cá nhân trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống tập thể. Các trường phái tâm linh lớn của thế giới cũng đều lấy điều này làm cơ sở – ta và thế giới là một, hay ta là thế giới là thân thể của Thượng đế (Christ), v.v…

Tuy nhiên, trong tư duy thì con người thường trực cho thấy dấu hiệu của vị kỷ, chỉ thấy mình mà chẳng thấy người, từ vị kỷ cá nhân đến vị kỷ quốc gia, từ liên hệ đồng nghiệp trong cùng công ty đến liên hệ quốc tế giữa các quốc gia. Và đương nhiên là mọi vấn đề và khổ nạn của con người xảy ra từ cái nhìn vị kỷ đó.

“Cái nhìn vị kỷ” là nói đến tâm thức của chúng ta, thái độ của chúng ta, tư duy của chúng ta. Đó là vấn đề của cái đầu, từ đó sinh ra vấn đề của hành động. Nhà Phật hay dùng từ “si mê”. Si mê là gì? Nói một cách rốt ráo thì si mê là say mê mình, tập trung vào chính mình. Đó là chấp ngã, là nguồn gốc mọi tội lỗi. Bỏ si mê là giác ngộ, vượt qua mọi khổ não của cuộc đời, là không còn tập trung vào chính mình trong cách sống nữa.

Bát Nhã Tâm Kinh nói:

Khi Quán Tự Tại Bồ tát thực hành trí tuệ Bát Nhã giải thoát thâm sâu
Thấy mình là không, người vượt qua mọi khổ nạn

Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách

Các bạn, chấp ngã (dính cứng vào tôi) là si mê. Không còn dính cứng vào “tôi” là giác ngộ. Đây là một công thức giác ngộ rất giản dị, dễ hiểu, không cần phải đọc hàng trăm cuốn sách.

Nếu chúng ta sống mà lấy an lạc và hạnh phúc của thế giới quanh ta làm đích điểm sống, thì ta giác ngộ, an lạc, vượt qua mọi khổ nạn, và tự nhiên góp phần giúp thế giới an lạc và hạnh phúc.

Cách sống này có lẽ chẳng khác cách sống bạn đang sống là bao nhiêu. Bạn vẫn cứ làm mọi thứ bạn đang làm hàng ngày, chỉ xoay tư duy của bạn từ “mình” đến “mọi người”: Tôi sống để giúp cuộc đời và mọi người được an lạc hơn và hạnh phúc hơn.

Chỉ một xoay chuyển tư duy như thế, bạn đã từ phàm phu thành Bồ tát.

Chúng ta chuyển xoay thế giới của mình không bằng một đòn bẩy vĩ đại của vũ trụ với một cánh tay vận hành dài mấy ngàn năm ánh sáng, mà bằng một xoay chuyển của ý chí chỉ đúng hai chữ: “Yêu người”.

Đó gọi là huyền diệu.

Chúc các bạn luôn đạt tâm huyền diệu.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Tâm huyền diệu”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s