Nhớ rừng, phải vào rừng

Chào các bạn,

Đã nhiều năm nhưng mình vẫn chưa quên hình ảnh những căn nhà của anh em đồng bào sắc tộc Hmông, trong bản làng Ea Đá thuộc huyện Krông Năng tỉnh Đăklăk. Đó là những căn nhà tôn vách ván, loại ván tạp ván mỏng, chỉ có nhà, không có sân. Mỗi nhà cách nhau cũng khá xa. Từ nhà này qua nhà kia là những con đường mòn, hai bên cỏ và cây dại mọc um tùm.

Mình vào nhà bố mẹ Thắng, gặp bố Thắng đang ngồi uống rượu với ba người đàn ông khác trong gian nhà trên. Nhìn thấy mình những người đang ngồi uống rượu đứng dậy bỏ ra phía sau, chỉ còn bố Thắng là chủ nhà ở lại nói chuyện với mình. Mình hỏi bố Thắng:

– “Mới đầu tuần sao các bố không đi làm mà ở nhà tụ tập uống rượu vậy?”

– “Đàn ông ở trong bản làng chủ yếu đi làm ban đêm, chỉ đến mùa trồng mì mới đi làm ban ngày.”

– “Các bố đi làm ban đêm là làm những việc gì?”

– “À, đi săn thú rừng ban đêm.”

– “Đêm nào các bố cũng vào rừng thì thú rừng có còn để các bố săn bắn nữa không?”

– “Còn chớ, rừng làm sao hết thú được! Nhưng chắc không còn nhiều vì lâu lâu mình mới bắn được vài con chim vài con thỏ, chưa được may mắn như bố Lương. Tết năm ngoái bố Lương bẫy được một con heo rừng về bán được bảy triệu, nhờ vậy mà bố Lương có tiền về bắc ăn Tết với họ hàng ở quê. Mình hy vọng năm nay mình cũng may mắn để có thể về quê. Vào đây đã mấy năm nhưng chưa có tiền về quê ăn Tết.”

Bố Lương là bố của em Phong Lan học sinh lớp Năm nhà Lưu trú sắc tộc Buôn Ma Thuột. Sau hai tuần nghỉ Tết lên học lại, mình thấy em Phong Lan có bộ áo váy truyền thống của người sắc tộc Hmông rất đẹp, mình hỏi và được em Phong Lan cho biết:

– “Trước Tết bố Lương đã bẫy được một con heo rừng bán có tiền, bố Lương đã về bắc ăn Tết và mua bộ áo váy truyền thống này cho mình.” 

Sáng nay trước khi vào nhà bố mẹ Thắng mình ghé qua nhà bố mẹ Sơn, thấy bố Sơn vẫn còn ngủ còn mẹ Sơn đang ngồi ở giếng rửa một con khỉ đã làm sạch lông. Thấy nó nhỏ xíu được mẹ Sơn nắm gọn trong hai bàn tay, mình thắc mắc sao con khỉ nhỏ quá vậy thì được mẹ Sơn cho biết đó là con khỉ gió, bố Sơn vừa bẫy được hồi đêm.

Nói chuyện với mẹ Sơn đến đây mình đã hiểu tại sao giờ này bố Sơn không đi làm mà vẫn còn ngủ, và mình chắc mẹ Sơn làm thịt con khỉ gió xong sẽ dậy uống rượu với những người bạn cùng đi săn với bố Sơn hồi đêm. Nhìn thấy cách sống của đa số các bố trong bản làng, mình không còn lạ khi thấy các em nhỏ trong các gia đình không được đi học. Mình nói với bố Thắng:

– “Muốn có tiền về quê thì khi làm cỏ mì xong, bố Thắng đi làm thuê cho người Kinh để có tiền về quê cũng như có tiền cho các con đi học, ban đêm đừng vào rừng săn bắn nữa!”

– “Không được, mình phải vào rừng, không vào rừng mình nhớ rừng lắm!” 😦

Matta Xuân Lành

Một bình luận về “Nhớ rừng, phải vào rừng”

  1. Hi chị Lành,

    Sau khi được nghe câu chuyện chị kể, em để chi tiết “nhớ rừng, phải vào rừng” này trong đầu.

    Rồi em đọc được bài Rừng trong văn hóa Tây Nguyên (Nguyên Ngọc), em mới hiểu được một chút vì sao bố Thắng nói như thế.

    Em cảm ơn chị ngày ngày chia sẻ đời sống và tâm hồn anh em đồng bào sắc tộc thiểu số.

    Chúc chị luôn an lành.

    Em Hương

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s