Chào các bạn,
Anh em đồng bào sắc tộc trong các buôn làng nhìn dáng vẻ bên ngoài có vẻ cứng cỏi khô cứng, nhưng bên trong lại có bản chất rất dễ thương.
Mình nhớ anh em buôn làng không có cà phê nhưng vào những tháng cà phê chín rộ, là những tháng đa số anh em đồng bào buôn làng đều đi hái cà phê thuê cho những người Kinh ở những vùng xa, như Đăkmin, Kim Châu, Kim Phát hoặc Quỳnh Ngọc… Vì ở xa buôn làng nên anh em đồng bào trong buôn làng đi và ở lại nhà của những người chủ cả tháng hoặc hơn, vì vậy khi về thường là sát ngày lễ Noel.
Do đi làm về thường có tiền nên sau Noel người Kinh vào buôn làng buôn bán đủ thứ, nhất là những người thợ chụp hình thường vào từng gia đình mời chụp hình ghép cảnh. Vì là hình ghép nên chỉ có khuôn mặt là đúng, còn áo quần giày dép thì của ai ở đâu đâu. Nhưng anh em đồng bào buôn làng mình lại rất thích nên nhà nào cũng thi nhau chụp. Nhiều bố mẹ giờ đã trên sáu mươi tuổi nhưng được những người thợ chụp ảnh mời và quảng cáo nên gần như các nhà đều đặt làm một khung ảnh cưới, mặc áo váy theo kiểu người Kinh.
Nhìn những khung hình được treo trên tường mình không có ý kiến, chỉ quan tâm đến giá tiền bởi mình biết anh em đồng bào trong buôn làng thường ngày không có tiền, chỉ đến mùa đi hái cà phê thuê về mới có tiền và khi có tiền thì không biết cất dành, không biết giữ. Bởi vậy khi vào nhà bố mẹ E, nhìn thấy những khung hình mình hỏi giá và được mẹ E cho biết:
– “Mỗi khung hình làm xong mình phải trả cho người ta một trăm sáu mươi ngàn đồng một cái.”
– “Những hình này mẹ E làm lâu chưa?”
– “Mình làm từ mùa hái cà phê năm ngoái. Chiều thứ Bảy tuần trước những người làm hình cũng vào nhà mình mời làm hình, họ nói năm nay một khung hình là một trăm tám mươi ngàn đồng. Họ mời và mình cũng đặt làm thêm một hình nữa.”
– “Nhà bố mẹ E có đủ hình rồi còn đặt thêm làm gì nữa?”
– “Mình đặt cho hai mẹ con em Thoan, hai mẹ con em Thoan chưa có hình gia đình. Họ hẹn chiều Chúa nhật này sẽ mang hình vào.”
– “Mỗi khung hình này ở Buôn Ma Thuột chỉ có bảy mươi lăm ngàn đồng, vào đây xa thì mình trả một trăm ngàn đồng là được chứ một trăm tám mươi ngàn đồng là đắt quá, mẹ E nói với họ như vậy, nếu không bớt xuống thì đừng có lấy.”
Mẹ E gật đầu đồng ý với mình và đến chiều thứ Hai mẹ E qua nhà giúp cho gà ăn mình hỏi:
– “Chiều hôm qua họ đã mang hình vào chưa và mẹ E có lấy hình không?”
– “Lúc đầu họ không chịu bớt tiền, mình cũng không chịu lấy hình, nhưng sau họ ngồi lâu trong nhà mình họ năn nỉ quá mình thấy tội. Mình nghĩ họ cũng giống mình, khi đi hái cà phê thuê biết là giá mỗi ngày được trả là bao nhiêu rồi, nhưng khi chủ trả tiền mình cũng mong được trả thêm thì mấy người làm hình cũng vậy, nên mình lấy hình và đã trả tiền như họ muốn.”
Matta Xuân Lành