Chào các bạn,
Có lẽ các bạn nghe “tài và đức” lâu rồi và chẳng nghĩ nhiều về nó. Có lẽ từ hồi học tiểu học mình đã nghe nó rồi, và hoặc là không quan tâm, hoặc có khi nào nghĩ đến nó trong một giây thì cũng thấy rất là hiển nhiên, như “trời mưa”, không có gì để suy nghĩ hơn một giây. Lên đến đại học mình chú tâm về tài, cố học biết càng nhiều điều càng tốt để mai sau còn làm việc tốt, chẳng quan tâm gì đến đức vì thấy mình chẳng có gì phải lo về đức – mình cũng là người thật thà tử tế, chẳng ưa trộm cướp. Nhưng càng lớn tuổi mình càng suy nghĩ nhiều hơn về “tài và đức”, và thấy cụm từ này quan trọng hơn đa số người có thể nghĩ đến.
Trước hết “tài và đức” thì “tài” đi trước “đức”. Why? Tại sao tài đi trước đức? Ai sáng tác câu này đầu tiên mà lạ vậy?
Nếu các bạn thấy các quý vị quan chức cao cấp và đại gia ngân hàng, địa ốc, hay các lĩnh vực khác rủ nhau đi tù hằng loạt mấy năm nay thì các bạn sẽ đồng ý với mình là “tài”, tự chính nó, chẳng nghĩa lý gì cả. Càng tài cao càng giỏi ăn trộm lớn. Chẳng được công ích gì.
Nghĩa là “đức” phải đi trước tài – “Đức và tài”.
Đức và tài. Các bạn nên bắt đầu chuyển đổi cụm từ này như thế.
Đức là đức hạnh, tức là cái tâm thiện lành, cái tâm muốn làm tốt cho mọi người và cho đất nước.
Tâm là chủ.
Lấy tâm đức hạnh của mình làm chủ tài của mình. Tài là khí cụ, như là lưỡi kiếm. Tâm là cánh tay sử dụng kiếm, hoặc là cứu người hoặc là ăn cướp. Sử dụng tài thế nào là do tâm. Tâm là chủ.
Các bạn, trái tim các bạn đang trong sáng, hãy cố gắng giữ nó trong sáng, vì sau khi xong đại học và ra đời làm việc, các bạn có thể thấy hết 90% số người quanh bạn hoặc thúc dục bạn học đòi nhũng lạm dối trá để sống “khôn ngoan” với đời, hoặc bảo bạn rán cắn răng chịu đựng nhũng lạm. Nhũng lạm là một từ khác của trộm cắp đó mấy bạn.
Chẳng tự nhiên mà sinh viên thì trong sáng nhưng cựu sinh viên thì tồi tệ. Cuộc đời có cách dạy cho người ta tồi đi, nếu người ta không quyết tâm bảo vệ trái tim trong sáng của mình.
Trái tim trong sáng của bạn cần được bảo vệ để giữ trong sáng. Đa số người càng lớn càng mất tự tin, càng thêm tiêu cực trong tư duy, và nhiều người sẽ càng ngày càng tăng nhũng lạm – hoặc trong vai chi tiền, hoặc trong vai nhận tiền.
Không phải là bạn phải tu để thành Bồ tát, nhưng rất có thể lúc nhỏ bạn đã là Bồ tát, lớn lên thì có thể từ từ thành ma, mỗi ngày một chút, nhỏ đến nỗi bạn chẳng nhận ra, cho đến khi bạn chừng 40 tuổi, nhìn lại trong gương, thấy đầu mình đã có hai sừng của quỷ.
Và mọi chúng ta thường dễ trong sáng khi mình chẳng có quyền lực. Đợi đến khi bạn có quyền lực, nhiều người tự động mang phong bì đến nhà bạn mà bạn không cần phải mời chào, lúc đó sẽ biết trái tim bạn trong sáng tới đâu.
Các bạn, các đại học trên khắp thế giới ngày nay tập trung vào “tài”, rất có thể bạn học cả mấy năm đại học cũng chưa được nghe ai nhắc đến từ “đức”. Cho nên, đức là điều bạn phải tự thông minh để mà gìn giữ, vì thường là chẳng ai nhắc bạn (ngoại trừ ĐCN).
Mình đã thấy hàng loạt hàng loạt bạn của mình ngã gục với đời lúc trưởng thành – tiêu cực, dối trá, nhũng lạm – dù là hồi nhỏ cả một đám trong sáng như thiên thần. Canh giữ trái tim ta là việc thường trực, không bao giờ ngừng. Ngày nào bạn ngừng canh giữ, ngày đó bạn có cơ nguy gục ngã.
Cho nên, các bạn, khiêm tốn, thành thật, và yêu người. Đây là đức hạnh của chúng ta, cố mà gìn giữ.
Và đừng lo vào “tài” quá đáng. Nếu bạn có đức, thường là bạn có tài, vì sẽ có thầy dạy bạn tài năng. Khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy liền xuất hiện.
Và mọi điều ta nói ở đây, dù là nói về bạn, thì thật ra là nói về đồng bào và đất nước.
Chúc các bạn luôn nhiều trí tuệ.
Mến,
Hoành
© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Tài Đức, Đức Tài.
Chúng ta không bao giờ biết được hoặc đo lường được cái Tài và cái Đức của mình được, vì khi cái Tôi được coi là trọng tâm, khi tính Ái Kỷ cầm đầu, làm cho chúng ta quá thổi phồng, quá đầy cái tôi và quá ít nhận thức về Thiên Chúa, đấng ban cho.
Vì khi cái Tài và Đức không được thực hành chuẩn chỉ làm khổ bạn thôi.
Chúa Giêsu nói, chúng ta chỉ có thể tìm được sự sống khi mất đi sự sống.
Nếu chúng ta vì tha hương, nhân loại mà cống hiến Tài Đức của mình thì thế gian này cũng bớt đi nhiều đau khổ.
Cám ơn Anh.
Thùy Phạm
ThíchThích
Dear Anh Hoành,
+)Năm em học lớp 3, vì học chậm tiêu môn toán nên em hỏi mẹ. (Mẹ em vì nhà nghèo nên cũng chỉ học hết lớp 7)
Mẹ ơi? Con học không giỏi, nên chắc con chỉ học môn đạo đức thôi có được không mẹ?
– Thôi thì cần cù bù thông minh, có chí thì nên con à. Nghe xong, thì em cũng thấy được an ủi. Nếu muốn học giỏi thì mình chỉ cần có chí và cần cù là được rồi.
+) Lên lớp 4, mẹ em nghe trên tivi nói câu này ” có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
– Em lại hỏi mẹ, mẹ ơi thế là vẫn phải có tài rồi 😦
+) Lên cấp 2, 3 với tinh thần “có chí và cần cù” em cũng đã học giỏi lên. Nhưng thường thì thầy, cô và các bạn thích những bạn thông minh hơn. Những ai học giỏi mà cần đầu tư nhiều thời gian thì chỉ là giỏi vì chăm chỉ thôi.
Bây giờ ra ngoài đời, hôm trước em tự nhiên nghĩ đến chữ “Tài và đức”. Còn tự an ủi mình : đúng là không có tài chỉ chẳng làm được gì nhưng mà còn có câu “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thế nên nếu cố gắng học chữ tâm thì tự nhiên được 3 chữ tài rồi. =))
Thật trùng hợp khi hôm nay đọc bài viết này của anh. Anh giúp em hiểu rõ hơn về chữ “đức và tài”.
Cảm ơn anh, có anh và anh chị ở ĐCN chỉ đường dẫn lối, em tin mình đang đi đúng đường.
Chúc anh một ngày vui, 🙂
Em. An An
ThíchĐã thích bởi 2 người
Comment của An An làm anh cảm động quá.
Đức sinh ra Tài. Chúa Giêsu, làm nghề thợ mộc, tài đến mức thợ mộc, chon các đề tử làm nghề đánh cá, trong sách chẳng nói quý vị biết viết gì không, chắc là không, vào lúc đó. Nhưng chúng ta đã thấy một nhóm thầy trò lớ ngớ không tài cán này, đã thay đổi thế giới đến đâu.
“Đức” là thật sự khiêm tốn, thành thật, và yêu người.
Người như thế tự nhiên có trí tuệ rất lớn, thấy được trái tim sâu thẳm của con người và thế giới. Nhà Phật gọi là trí tuệ Bát Nhã, Thiên chúa giáo gọi là Thánh linh Chúa – Spirit of God, là nguồn trí tuệ. Chữ dùng khác nhau nhưng mọi truyền thống đều biết trí tuệ đến từ đâu.
Những vị thầy lớn, hoặc không lớn nhưng chỉ thông minh một chút, khi tìm người thì tìm người có đức, không cần tài, chọn về rồi mình sẽ chỉ việc cho làm, chẳng khó khăn gì cả. Nhưng người làm bên cạnh thầy lớn thì chỉ một thời gian ngắn là biết nhiều hơn thiên hạ, tức là có tài hơn thiên hạ. Đó là câu anh nói: Khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy liền xuất hiện.
Nhưng thiên hạ thường nhầm “đức” với đi nhà thờ, đi chùa, tụng kinh, gõ mõ, ăn chay, kiêng thịt… Những điều này đều tốt, nhưng thường là đa số những người này bị lạc, thường xem mình là người đức độ, hơn thiên hạ đang giành giật ở chốn chợ đời. Đó là chấp ngã, tức kiêu căng. Không những có zero đức, mà tội rất nặng. Chấp ngã/kiêu căng là tội nặng nhất trong cả truyền thống Phật gia lẫn Thiên chúa gia. Những người này đầu óc rất si mê, chẳng học được điều gì tốt cả.
Cho nên đừng nhầm Đức và không có đức.
Và, Đức và Tài không ngang nhau. Đức là mẹ của tài – sinh ra tài và luôn kiểm soát tài. Tài một mình thì thường là tội phạm
Chúc em vui.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người
Hi Anh Hoành,
Cảm ơn anh đã chỉ rõ thêm cho em về “Đức và tài” ạ.
Em xin tóm tắt những gì em hiểu theo cách giảng giải của anh. Chỗ nào chưa đúng, anh chỉnh giúp em nhé.
+) Đức là mẹ của tài. Đức sinh ra tài.
Muốn làm mẹ của tài thì cần có đức “khiêm tốn, thật thà, yêu người”.
-“Khiêm tốn” là mẹ của các kỹ năng. Muốn khiêm tốn thì tập trung vào cái hay, cái hơn mình của người khác. “Hơn” mình ở mảng này, “thấp hơn” ở mảng khác. Bản chất thì là ai cũng như ai, mọi sự so sánh “hơn, kém” đều khập khiễng.
-“Thành thật” với chính mình và người khác. Hiểu bản chất thật thì sẽ hiểu được cái giả. Nên “khôn chợ” một tí. Thật thà nhưng không có nghĩa là mình không khôn.
-“Yêu người” tập trung nhìn vào cái hay, cái đẹp của người ta.
Làm sao để yêu được ” 1 kẻ giết người, 1 tên trộm, 1 tên nghiện hút, 1 cô gái bán hoa..?” Khó mà yêu được những người này, chỉ có thể thương cho hoàn cảnh của họ và cầu nguyện cho họ sớm tỉnh giác, quay về với tính Phật của mình mà thôi.
+) Tài: tập trung vào một vài điểm mạnh của mình. Nên nhớ “chữ tài gắn liền chữ tai một phần”. Lắm tài nhiều tật. Đôi khi có tài nhưng cũng phải biết giấu tài của mình đi, chẳng có gì hay mà khoe tài của mình cả. Điều này không có nghĩa là tự ti, không dám thể hiện bản thân mà là biết thể hiện đúng chỗ.
+) Khi học trò đã sẵn sàng thì người thầy liền(sẽ) xuất hiện.
-Nếu mình sẵn sàng học, thì nhìn đâu đều thấy ai, cái gì, con gì, điều gì cũng là thầy của mình hết. Thầy dạy dở, thì mình học tránh cái dở. Thầy dạy hay, thì học theo cái hay. Do đó người thầy “liền” xuất hiện.
– Còn kiểu sẵn sàng nhưng mà ngồi tưởng tượng vị thầy trong mơ, perfect thì vị thầy đó đúng là “sẽ” xuất hiện, nhưng chưa biết là khi nào đến.
Tóm lại là nên học cách làm “mẹ” và chịu khó học thầy.
Cảm ơn Anh Hoành và anh chị trong ĐCN luôn xuất hiện,
Chúc anh cuối tuần nhiều niềm vui,
Em. An An
ThíchThích
An An, cứ tiếp tục hướng em đang đi là được.
Chúc em vui.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người
Em cảm ơn anh nhiều ạ =)
Em cũng xin chúc anh luôn vui khỏe 🙂
ThíchThích