Chào các bạn,
Trong khi mình mua thuốc tại tiệm thuốc tây Thái Bình, lúc thanh toán tiền thì một em thanh niên trên hai mươi tuổi bước vào tiệm, em đứng cách mình một người. Khi trả tiền xong mình quay ra để về thì thấy em nhìn mình chăm chú, lấy làm lạ mình nhìn kỹ em và thấy rất quen. Sau vài giây mình nhớ ra và hỏi:
– “Em Páo phải không?”
Lúc này em nhìn mình cười và không trả lời câu hỏi của mình nhưng em vui vẻ nói:
– “Đúng là yăh rồi!”
Qua câu nói mình nhận ra đúng là em Hờ A Páo học sinh cấp I của nhà Lưu trú sắc tộc Buôn Ma Thuột. Mình ra ngoài tiệm thuốc đứng đợi và khoảng năm phút sau em Páo ra mình nói:
– “Từ ngày yăh chuyển đi đến giờ gần bảy năm hôm nay mới gặp lại em Páo, nếu không nhìn kỹ yăh đã không nhận ra bởi bây giờ em Páo thay đổi nhiều quá, đã trở thành một thanh niên mạnh khỏe không còn nhỏ xíu còi cọt như ngày mới vào ở nhà Lưu trú nữa!”
Đúng vậy, khi mình đem em Páo từ làng Hmông xã Ea Đá thuộc thôn Giang Thịnh, lúc đó em Páo mười ba tuổi chưa đi học do hoàn cảnh khó khăn bố mẹ chưa làm giấy khai sinh, nên em Páo không thể đến các trường trong thôn bản để học. Mình nhớ mãi ngày em Páo theo mình về nhà Lưu trú chỉ với một bộ áo quần cũ mặc trên người, với một đôi dép nhựa màu vàng quai đã đứt gần đến một nửa và cũng rộng hơn chân. Mặc dầu vậy em Páo đã rất quý đôi dép, mình biết được khi mình dẫn em Páo đến chiếc ghế đá dưới gốc cây sakê trong sân nhà Lưu trú mình dặn:
– “Em Páo ngồi đây đợi yăh một chút, để yăh vào gặp hai người khách xong yăh sẽ ra chỉ phòng ngủ và bàn học cho em Páo.”
Em Páo im lặng làm theo lời mình. Sau khi mình gặp bố mẹ của em Nathan xong mình ra thấy em Páo ngồi đợi, mình định gọi em Páo đứng lên đi với mình nhưng khi nhìn xuống thấy em Páo ngồi với đôi chân trần, mình nhìn chung quanh chỗ em Páo ngồi không thấy đôi dép, mình hỏi:
– “Dép em Páo đâu? Mang vào đi theo yăh để nhận bàn học và giường ngủ.”
Em Páo nhìn mình sau đó đứng lên ghế đá để trèo lên cây sakê, mình ngạc nhiên hỏi:
– “Sao lại trèo lên cây?”
– “Mình lấy đôi dép.”
Lúc này mình nhìn lên cây thấy đôi dép em Páo trên cành cao. Ngạc nhiên và mắc cười mình hỏi em Páo:
– “Sao lại cất dép trên cây?”
– “Mình thấy trong sân nhiều chó quá, để dưới đất sợ những con chó tha mất dép.”
Và lần này sau gần bảy năm gặp lại em Páo đã là một thanh niên áo quần tươm tất và chân mang một đôi giày tây rất lịch sự. Mình hỏi:
– “Em Páo có gia đình chưa và đang làm gì?”
– “Mình chưa có gia đình. Hiện tại mình dạy cấp I trong thôn và buổi tối mình với anh Giang dạy một nhóm các em muốn đi học nhưng không được đi học, vì chưa có giấy khai sinh giống như mình trước kia! Mình đã trải qua nên hiểu được sự khát khao muốn được đi học.”
Matta Xuân Lành