Thuần dưỡng trái tim

Chào các bạn,

Khi nói đến chiều kích sâu thẳm của con người, chúng ta nói đến “trái tim”, chẳng ai nói đến “cái đầu”. Chúng ta nói Phật tâm (trái tim của Phật), tâm Bồ tát (trái tim Bồ tát), trái tim của Chúa Giêsu, trái tim Đức Mẹ… Chẳng ai nói trí óc của Phật, trí óc của Chúa, trí óc Đức Mẹ…

Nhưng đa số mọi nền giáo dục trên thế giới ngày nay là giáo dục trần tục (secular education hay secularism), tức là giáo dục tách rời khỏi tôn giáo/tâm linh. Giáo dục trần tục thì chẳng nói gì mấy đến trái tim và chỉ tập trung gần như 100% vào cái đầu – toán, khoa học, triết học tây phương… Và vì thế, nói chung là thế giới đào tạo hằng loạt trí thức ngớ ngẩn. Đó là vấn đề lớn của thế giới.

Điều này có thể bắt đầu từ cuộc Cách mạng dân quyền của Pháp năm 1789. Về chính trị đây là cuộc cách mạng phá bỏ chế độ quân chủ và thành lập chế độ dân chủ cộng hòa, bắt đầu một chuỗi cách mạng của những nước khác phá bỏ quân chủ và xây dựng dân chủ cộng hòa khắp thế giới. Nhiều sử gia cho rằng Cách mạng dân quyền 1789 của Pháp là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử loài người thời cận đại. (Rất tiếc là người Pháp có thể có dân quyền cho dân Pháp, nhưng Pháp tấn công VN tháng 8/1858, bắt đầu cuộc chiến xâm lược chiếm thuộc địa, và đô hộ VN gần 100 năm. Dân Việt chẳng có quyền gì với ông chủ Pháp. Cho đến tháng 5/1954 Pháp phải đầu hàng Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Bài học: Người ta tự tốt với người ta chẳng có nghĩa là người ta sẽ tốt với mình như thế).

Đó là chính trị, về giáo dục thì cuộc Cách mạng dân quyền Pháp làm suy yếu hẳn thế lực của giáo hội (vào thời đó là Công giáo, giáo hội quyền lực chính của thế giới). Giáo hội trước kia đi song hành với quyền lực quân chủ. Quân chủ và giáo hội dựa vào quyền lực của nhau. Cách mạng dân quyền Pháp dẹp bỏ vai trò của giáo hội, và đưa trí tuệ khoa học lên hàng đầu. Bắt đầu chủ nghĩa thế tục (secularism) trong giáo dục, ở Pháp và lan ra khắp thế giới. Từ đó cho đến nay, giáo dục ở nhiều nước chỉ nói đến cái đầu và hầu như chẳng có một chút nhấn mạnh nào vào trái tim.

Nhưng trái tim là điều chính, vì trái tim quyết định hầu như gần hết những quyết định của chúng ta trong đời.

– Bạn yêu một cô, đó là do trái tim (trừ khi bạn là kỹ sư đào mỏ và bạn tính rằng cô ấy là xa lộ đưa đến mỏ, hay chính cô ấy là cái mỏ vĩ đại).

– Bạn thich một bản nhạc, đó là do trái tim.

– Bạn thích ăn món này món kia, đó là do trái tim.

– Bạn thích học môn này môn kia, phần chính là trái tim.

– Kỹ năng liên hệ với người khác, phần chính là trái tim.

– Kỹ năng hiểu người khác, phần chính là trái tim.

– Kỹ năng lãnh đạo, phần chính là trái tim.

Chính vì thiếu giáo dục về trái tim mà trí thức ngày nay, khắp thế giới, rất ù ù cạc cạc. Ví dụ, những quyết định ngớ ngẩn của Washington tấn công Iraq, rồi lại ngớ ngẩn rút quân khỏi Iraq ồ ạt, tạo ra khoảng trống quyền lực cho Nhà nước Hồi giáo ra đời, làm lọan cả Trung đông và Phi Châu cho tới bây giờ. Ngay cả quyết định của Washington đảo chánh Ngô Đình Diệm, đưa quân vào miền Nam VN để biến quân đội Mỹ thành quân xâm lược trong mắt người VN (người Việt thấy quân ngoại quốc vào nước là tự động cho đó là quân xâm lược, đó là trái tim VN), kiếm chuyện bằng cách nói dối tàu Bắc Việt tấn công tàu Mỹ USS Maddox ở Vịnh Bắc Việt để khởi chiến ở Việt Nam… Không hiểu được trái tim VN đưa đến thất bại của Mỹ.

Tất cả những vấn đề lớn này của thế giới đã và đang xảy ra vì trí thức ngớ ngẩn, chỉ biết các con số và lý luận kiểu trung học, mà chẳng biết lý lẽ của trái tim.

Cho nên các bạn, khi chúng ta nói luyện tâm để hiểu chính trái tim mình và thuần dưỡng trái tim mình, thì chúng ta chẳng nói chuyện các sư tu trong chùa, mà chúng ta nói đến trí tuệ chân thật của chính chúng ta – trí tuệ để hiểu chính mình, để hiểu người, để hiểu quản lý, kinh doanh, kinh tế, chính trị, và những vấn đề lớn của thế giới. Để chuẩn bị cho bạn sống với chính mình và sống với thế giới.

Tâm là chủ. Không phải cái đầu là chủ như thiên hạ hiểu lầm. Trái tim là chủ.

Khi bạn học luyện tâm là bạn học điều gốc rễ của giáo dục, từ đó cây trái giáo dục cho những thứ khác nẩy sinh.

Cho nên, các bạn, luôn nhớ rằng thuần dưỡng trái tim mình là sự học lớn nhất trong mọi sự học của bạn. Rất nhiều người chẳng hiểu được điều này. Nếu bạn nắm được điều này, đó là cơ duyên rất lớn cho bạn. Không là chuyện nhỏ.

Chúc các bạn hiểu và nắm được trái tim mình.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Thuần dưỡng trái tim”

  1. Em biết ơn anh Hoành nhiều ạ!
    Được đọc anh thường xuyên là một vinh dự lớn.
    Mong Chúa Phật mang đến anh nhiều sức khỏe ạ!
    Chúc anh luôn vui vẻ và khỏe mạnh cùng chúng em.
    Em Nam

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s