Trò: Hôm qua thầy nói: “Học thì học, hành thì hành, nhưng vô chấp thì vẫn vô chấp”. Điều này rất khó hiểu. Nếu học và hành một điều, không phải là mình chấp vào điều đó sao?
Thầy: Chấp là dính mắc, bám chặt, không phải là “thường xuyên”. Chúng ta làm rất nhiều điều thường xuyên: ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc, viết lách, cầu nguyện, thiền quán… Làm thường xuyên là cách làm hiệu quả nhất, và đó không có nghĩa là dính mắc.
Dính mắc là dính gỡ không ra – một thái độ của tâm trí dính cứng vào một ý niệm.
Học Thiền và hành Thiền thường xuyên không là dính mắc. Thiền là dính mắc khi ta nghĩ rằng Thiền là đường duy nhất đưa đến giác ngộ, hay đường bắt buộc để đến giác ngộ, hay đường chắc chắn để đến giác ngộ, những người không Thiền là si mê, những người không Thiền không thể nào giác ngộ… Thực sự là, nếu dính mắc vào Thiền như thế thì không thể giác ngộ, vì giác ngộ là không còn dính mắc.
Dính mắc vào bất kì điều gì cũng là lậu hoặc – điều bẩn trong tâm – kể cả dính mắc vào giáo pháp, vào Thiền định, vào Niết Bàn, vào giác ngộ…
Bồ tát bố thí chúng sinh mà thật là không bố thí cho chúng sinh nào. Tức là Bồ tát bố thí mà không dính mắc vào ý niệm bố thí, ý niệm tôi bố thí, ý niệm người được tôi bố thí, ý niệm đây là việc bố thí, ý niệm đây là việc công đức… Đó là bố thí mà không dính mắc vào bố thí.
Không còn dính mắc là vô chấp, vô trụ. Đó là giác ngộ, là Phật tâm – tâm thức hoàn toàn tự do, không còn điều bẩn, không còn dính mắc vào đâu.
Đây là Trái tim của Phật:
-
Thầy xem địa vị của vua chúa như bụi đất.
Thầy thấy vàng ngọc như gạch sỏi.
Thầy nhìn xiêm y lụa là như giẻ rách.
Thầy coi vô lượng thế giới của vũ trụ như hạt trái cây,
và hồ vĩ đại nhất của Ấn Độ như giọt dầu trên bàn chân.
Thầy nhận xét mọi giáo huấn của thế giới như ảo ảnh của ảo thuật gia.
Thầy chiêm nghiệm ý niệm tối thượng về giải thoát như chiếc áo thêu vàng trong mộng,
và xem thánh đạo của các đấng giác ngộ như hoa trong mắt.
Thầy thấy thiền định là cột trụ của quả núi,
Niết bàn là ác mộng của ban ngày.
Thầy nhìn phán đoán về đúng và sai như vũ khúc uốn lượn của con rồng,
và sự lên xuống của các niềm tin như vết tích còn lại của bốn mùa.
Phật Thích Ca
TĐH
© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
anh ơi , anh phân biệt rõ giúp em giữa việc yêu bản thân và từ bỏ cái tôi được không ạ , em cảm ơn
ThíchThích
Hi Minh,
Bồ tát có cách cao thâm của Bồ tát. Anh chỉ em cách dễ hơn.
Nếu em luôn luôn và thương xuyên tự nhủ mình: Mình sống là để phục vụ con người, phục vụ đồng bào, phục vụ đất nước, phục vụ thế giới, thì em có thể chăm lo cho em mọi điều mà cái tôi vẫn không lớn – học hành, đỗ đạt, làm mình giỏi, làm mình thông minh, làm mình sáng tạo nhiều điều, và rất có thể là thành rất nổi tiếng.
Phục vụ mình để phục vụ đồng bào, đất nước, thế giới. Đống bào, đất nước, thế giới là mục tiêu; mình chỉ là phương tiện đạt mục tiêu.
Đây là điều rất dễ làm. Nếu em làm không được thì anh chịu thua, vì những cách khác đều khó hơn.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cảm ơn anh ^^
ThíchThích