Chào các bạn,
Trưa thứ Bảy cả nhà vừa dùng cơm trưa xong, một chị đến cho mình biết chị mới đi Buôn Hằng về, và các mẹ Buôn Hằng gởi lời thăm mình, đồng thời chị cũng kể cho biết trong tuần qua ở Buôn Hằng có hai bố đi với ông bà, và cả hai bố mình đều biết vì một bố ở xóm Đào là bố của em Chi học sinh Lưu trú, và bố của em Kiệt. Nghe chị nói đến bố em Kiệt mình đã rất đỗi ngạc nhiên hỏi lại:
– “Bố Phong đã đi với ông bà rồi sao?”
– “Đúng! Mới đi hôm tối thứ Sáu.”
– “Bố Phong bị gì mà đi với ông bà một cách đột ngột quá vậy?”
– “Mình có đến thăm và hỏi người nhà, chỉ nghe người nhà kể bố Phong bị bệnh chở đến bệnh viện huyện, và bệnh viện huyện chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăklăk. Ở bệnh viện tỉnh được các bác sĩ thăm khám và đề nghị chuyển về bệnh viện Tp. HCM người nhà đồng ý, và bố Phong được chuyển viện. Nhưng khi xe gần đến Tp. HCM thì bố Phong tắt thở, xe không đi tiếp nhưng chở bố Phong quay trở lại về Buôn Hằng.”
Mỗi lần nghe một người anh em buôn làng bị bệnh và đi với ông bà mình thấy rất tội. Bởi mặc dầu người anh em đồng bào bị bệnh được người nhà chở đến bệnh viện khám, thì người nhà cũng chỉ biết bị bệnh mà không bao giờ biết cụ thể là bệnh gì, cùng lắm nếu người nhà bị bệnh ung thư máu chẳng hạn thì cũng chỉ biết là bị bệnh hiểm nghèo. Mình hỏi lại bị bệnh hiểm nghèo là bệnh gì thì được trả lời:
– “Mình không biết!”
Tình trạng này không riêng gì các bố mẹ không được đi học, nhưng kể cả những gia đình có trình độ hóa văn minh như gia đình bố mẹ Phong hôm nay cũng vậy! Bố Phong không phải là người không hiểu biết gì, bởi ngày xưa gia đình bố Phong ở Kontum và bố Phong được gia đình cho đi tu dòng Lasan ở Nha Trang, đến khi làm thầy được năm năm bố Phong không muốn tu nữa đã xuất tu về lập gia đình, và các con đều được bố mẹ Phong cho học hành đến nơi đến chốn, vậy mà giờ bố Phong đi với ông bà vì bệnh gì cả nhà không ai biết!
Phải chăng đối với anh em đồng bào buôn làng, sự ra đi về với ông bà hoặc là ở lại gia đình của một người thân cũng không khác biệt gì, bởi đi hay ở cũng vẫn chỉ là một gia đình một dòng tộc?
Sau đó, mình gọi điện cho em Kiệt bởi những năm tháng mình ở Buôn Hằng, em Kiệt giúp mình rất nhiều trong những việc như tráng xi-măng sân trước nhà, đúc lại miệng giếng khoan cho đẹp sân đẹp nhà bởi em Kiệt học trung cấp xây dựng. Sau khi mình gởi lời chia sẻ với gia đình và góp lời cầu nguyện cho bố Phong, em Kiệt đã chia sẻ:
– “Mặc dầu bố Phong đi với ông bà một cách hết sức đột ngột, nhưng mình với gia đình cũng vẫn bằng lòng bởi là con cháu thì phải có ngày đoàn tụ với ông bà thôi. Tuy nhiên mình vẫn có điều hối tiếc là chưa báo hiếu được bao nhiêu khi bố Phong còn ở với mình.”
Matta Xuân Lành
Em cảm ơn chị! Em sẽ lấy bài viết này để chia sẻ với bạn em có cùng hoàn cảnh như em Kiệt ở trên.
Em Linh.
ThíchThích
Hi Thiều Linh,
Cảm ơn em đã chia sẻ.
@ Hi Hằng Huấn và Thùy Linh, Không biết các bạn còn nhớ em Kiệt mà mình đi dự đám cưới ở Buôn Hằng không? Bố Phong là bố của em Kiệt đã về với ông bà, còn em Kiệt hiện tại đã có hai người con trai.
Matta Xuân Lành
ThíchThích
Dạ chị Lành, em còn nhớ đám cưới của anh Kiệt và chị Thoan, thời gian sau anh chị có em bé hỏi ý kiến chị để đặt tên, em nhớ có những tên hay như Khiêm hay Nhu. Không biết em bé tên gì.
Em hợp lời cầu nguyện với chị đến bố Phong và gia đình anh Kiệt ạ.
e. Huấn.
ThíchThích
Em vẫn nhớ chị Lành a, có hình ở đây, vợ chồng em Kiệt, và gia đình. Thật là nhanh quá. Bố em Kiệt trông còn thật trẻ
Xe đưa dâu đây https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10152551417393544&set=a.10152551382803544.1073741849.696123543&type=3&theater
ThíchThích