Bình đẳng

Chào các bạn,

Có lẽ là các bạn đều thấy là thế giới của chúng ta xây theo hình kim tự tháp – một hay vài người trên chóp bu, rồi xuống từ từ thêm một số người, cho đến khi đến vòng cuối thì đó là đáy kim tự tháp vĩ đại.

Và hình kim tự tháp này có trong tất cả mọi tổ chức của loài người – từ tổ chức chính trị (tư bản hay xã hội chủ nghĩa), đến mọi tôn giáo. Và kim tự tháp được củng cố bằng quyền lực và lễ bái – lãnh đạo cấp cao đi đến đâu thì dân đen đều được gọi ra è cổ đứng đợi, quan xử với dân thì nguyên tắc xin cho là chính, nói chuyện với cha/thầy thì gọi “cha/thầy” xưng “con” dù con lớn hơn cha/thầy vài chục tuổi, gặp đức cha thì phải cúi xuống hôn nhẫn trong tay đức cha, có tội thì phải xưng tội với cha – cứ như là nói trực tiếp với Chúa thì Chúa không thèm nghe…

Các bạn, chúng ta học bình đẳng từ Chúa và Phật. Vậy thì hãy thực hành bình đẳng đó, và dạy người khác thực hành bình đẳng đó.

Mọi người đều có Phật tính, và đều là Phật đang thành. Mọi người đều là anh em và là bạn của Chúa Giêsu. Vậy có cách nào ta đối xử với người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người không có cơ hội, những người thường bị áp bức, như là anh em ngang hàng với ta không? Ta có cách nào nghĩ đến một người khác thật sự là một vị Phật đang thành không? Ta có thể thấy người khác như là anh em trong Chúa của ta không?

Chúng ta quá quen với hệ cấp xã hội, cho đến nỗi thấy người nghèo khổ hơn, ít học hơn, rách rưới hơn, thì ta tự động xem như mình là người cao cấp hơn, mà không nghĩ rằng đó là một thái độ si mê (tức là từ lịch sự của nhà Phật, có nghĩa là “ngu dốt”).

Bạn chẳng cần phải làm gì cho những người nghèo khổ rách rưới cả. Nếu bạn không có tiền thì không cần bố thí. Bạn chỉ cần có trái tim nhận biết rõ ràng trong lòng rằng đây là một vị Phật đang thành cũng như mình, và có thể thành Phật trước mình nhiều kiếp không biết chừng, hay đây là anh em “trong Chúa – in Christ” của mình. Cái nhận biết bình đẳng trong tâm tưởng đó, sẽ tự động tạo ra nhiều ân phước cho chính ta và cho người nghèo kia, chẳng cần điều gì hơn – năng lượng tích cực sẽ tạo ra những hiện tượng vật thể và tinh thần tốt.

Tâm là chủ. Quý trọng và yêu mến người là điều chính, mọi thứ khác như bố thí hay giúp đỡ là điều phụ, phải theo tâm. Nếu “bố thí và giúp đỡ” với tâm kiêu kỳ rằng mình là bố thiên hạ, thì “bố thí và giúp đỡ” đó có thể tốt cho người nghèo một chút, nhưng lại rất nặng tội cho chính mình.

Muốn có một đất nước bình đẳng, một thế giới bình đẳng, điều trước tiên ta cần có là tâm bình đẳng, yêu quý mọi người như đồng bạn hay anh em của mình. Đừng học theo thói quen của những người nói là họ theo Chúa theo Phật, hãy làm như Chúa làm Phật làm.

Chúc các bạn luôn có tâm bình đẳng.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Bình đẳng”

  1. Tuyệt vời vì em sẽ sung sướng chia sẻ
    Vẫn là chuyện quay trở lại với công việc, trong một lần nói chuyện sếp dẫn Marx: hiệu quả là làm được gì, có được gì….em vẫn bị nói to dù đã chú tâm vào hơi thở: vứt cái ông Marx của cậu đi, vứt cả ông Khổng tử mà cậu hay nhắc đi – ai có Minh sư của người ấy và dĩ nhiên nền tảng và sự phát triển không chỉ đạo đức mà mọi mặt mỗi người đều không giống nhau….
    Con nguyện luôn học và hành tu tập làm những gì có thể để cuộc đời thêm sự bình đẳng cho con và cho tất cả. Lạy Chư Phật, lạy Chúa, lạy các bậc Thánh, các vị Thần….mong các vị ủng hộ con.

    Thích

  2. Hi Quỳnh,

    Câu nguyện của em rất hay. Bình đẳng không cần thiết là phải hạ mình xuống bằng người ta, mà nâng người ta lên bằng mình. Đỉnh điểm của bình đẳng là yêu thương tất cả mọi người như nhau – Chúa Phật yêu moi chúng sinh, từ một em bé đến kẻ giết người – và nâng ai lên được thì nâng, ít nhất là cầu nguyện cho họ nếu mình không làm được gì khác.

    A. Hoành

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s