Teamwork: Nghe và học

Chào các bạn,

Hai điều quan trọng nhất cho khả năng teamwork của bạn là nghe và học, và hai điều này liên kết với nhau rất chặt chẽ.

Nếu các bạn nghĩ rằng bạn đã có hai tai là bạn biết nghe rồi, thì bạn rất nhầm. Có nhiều người mình không dạy được, vì cái tôi lớn như trái núi, nói một điều lập lại chừng 100 lần, với đủ cách gián tiếp, trực tiếp, nói đường vòng, nói thẳng, nói nhẹ, nói nặng… người đó vẫn không hiểu.

Cái tôi của chúng ta ngầm thể hiện qua rất nhiều hình thức cho đến nỗi ta thường không biết – tôi biết rồi, tôi hiểu rồi, nói mãi, anh khó quá, anh coi thường trí tuệ của tôi, anh đì tôi… Các bạn nghe có quen thuộc không? Người hay có các tiếng cồng chiêng đó trong đầu thì thầy nói, boss nói, bạn đồng nghiệp nói… họ chẳng nghe được gì cả, vì ai nói gì thì cũng bị các tiếng cồng chiêng trong đầu cản lại ngay, không nghe được, và đương nhiên là không học được gì. Không nghe được thì không học được. Nghe và học liên kết với nhau chặt chẽ như thế.

Cái tôi của bạn làm bạn thành khiếm thính, không nhạy cảm được với lời nói của người khác, không hiểu được lời nói của người khác, và bạn trở thành khuyết tật.

Chúng ta phải biết nhạy cảm để có thể nghe lời nói của người khác một cách sâu sắc. Và nhạy cảm thì phải bỏ cái tôi đi, không có cách nào khác.

Chúng ta phải tôn trọng một cháu bé đến mức có thể nghe lời cháu nói mà hiểu những ý nghĩa sâu sắc cháu không biết để mà nói ra.

Tôn trọng boss đến mức boss nói một mình hiểu mười. Tôn trọng bạn đến mức nghe lời bạn nói mà hiểu được lời bạn không nói… Nghe như vậy mới là nghe. Nghe chú tâm và không có tiếng cồng chiêng nào phá rối trong đầu.

Boss nói: “Anh cần nó sáng mai.” Có nghĩa là chiều mai họp với ông A, mà anh không nắm được tình hình rõ ràng để nói chuyện là hỏng cuộc điều đình.

Boss nói: “Em làm việc với Mai.” Có nghĩa là Mai là thầy em đó, theo Mai học nghề, mai mốt em sẽ giỏi.

Vào sở mới, bạn chỉ mình làm việc cách này, thì cứ làm như vậy, cho đến khi mình hiểu tại sao phải làm vậy mà không theo cách mình đang nghĩ trong đầu.

Bạn không chỉ là học trò của boss mà còn là học trò của tất cả mọi đồng nghiệp cũ, nếu bạn là người mới vào.

Làm gì thì cũng nên bàn với các bạn, viết gì quan trọng thì cũng nên chuyển cho các bạn đọc để góp ý, lấy ý hay của người làm ý của mình, đó là khiêm tốn và khôn ngoan.

Bạn càng có cái tôi cao, sự học của bạn càng chậm.

Nếu cái tôi bạn rất thấp, bạn sẽ học nhanh ít nhất là bằng 10 lần người trung bình. Và bạn sẽ có kỹ năng teamwork rất ít người có thể bì kịp. Người không có cái tôi, nghe được tất cả những điều người trong team nói ra hoặc không nói ra, hiểu từng người từng việc rất rõ, và cứ theo đó mà làm việc với mọi người.

Cái tôi của bạn càng lớn, ánh sáng trí tuệ càng thấp, vì bạn không nghe được nhiều và không học được nhiều.

Cái tôi là cái tội.

Khiêm tốn. Không tôi.

Chúc các bạn luôn sáng suốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 7 thoughts on “Teamwork: Nghe và học”

  1. Dear Anh Hai

    Em cảm ơn anh Hai đã chỉ dạy: “Cái tôi của bạn càng lớn, ánh sáng trí tuệ càng thấp, vì bạn không nghe được nhiều và không học được nhiều”

    Em M Lành

    Thích

  2. Em có một câu hỏi là : Làm sao mình phân biệt được là mình đang hiểu đúng ý hay là mình đang suy diễn ý mình thành ý người ?

    Ví dụ trên của anh :

    Boss nói: “Em làm việc với Mai.” Có nghĩa là Mai là thầy em đó, theo Mai học nghề, mai mốt em sẽ giỏi.

    Lỡ ý Boss là tớ không thích cậu nên cho người tệ nhật là bạn Mai giúp cậu, để cậu mau chóng rời khỏi công ty. thì sao ạ ?

    Thích

  3. Hi Hoa,

    Em với boss làm việc với nhau hàng ngày, đâu có phải chưa gặp nhau bao giờ đâu mà không hiểu ý nhau. Thường thì em hiểu được ý bos nếu em để ý đến mọi chuyện đang xảy ra.

    Giả sử em không biết chuyện gì đang xảy ra, thì em cũng có thể đọc được tính nghiêm trọng của vấn đề trong giọng nói ánh mắt của boss (ngôn ngữ của thân thể, body language).

    Và nếu em chẳng nhận ra gì hết, thì hôm nay boss nhờ em một chuyện mà nói là cần sáng mai, thì đó là chuyện khẩn và quan trọng. Em phải ngưng tất cả để làm cho xong sáng mai.

    Trong ví dụ cuả em: “Lỡ ý Boss là tớ không thích cậu nên cho người tệ nhất là bạn Mai giúp cậu, để cậu mau chóng rời khỏi công ty. thì sao ạ?”. Nếu em nghĩ về boss như vậy thì quá tiêu cực. Giả sử em nhất định suy nghĩ đó là đúng, thì em nên rời công ty là tốt nhất.

    Và nếu ở công ty nào em cũng nghĩ về boss “có thể là đì mình” như thế, thì em có 2 lựa chọn: Một là tư duy tích cực và tích cực về teamwork, hai là ở nhà nấu ăn cho vợ/chồng và không nên đi làm.

    Thích

  4. Hi anh, quả thật em cũng gặp vấn đề về teamwork. Quả thật, vào làm công ty ở Việt Nam thì teamwork là cả một vấn đề.

    Công việc của em là viết bài…Content Marketing…Em sẽ tự đưa ra ý tưởng để viết một bài hoặc viết bài theo yêu cầu của sếp.

    Đầu tháng 8 sếp có tuyển thêm một bạn nữ nhỏ hơn em 3 tuổi. Sếp không để em tự duyệt bài đăng lên website (có thể em viết vài bài đầu tiên, sếp đọc không thấy ổn và lọt tai nên đã không tin tưởng em nữa) mà phải đưa qua bạn nữ này duyệt, biên tập lại trước, ok rồi thì mới được đăng lên.

    Điều này làm em rất khó chịu khi làm việc. Bởi riêng việc em không thể tự do trong việc tạo ra sản phẩm của mình mà phải chịu điều chỉnh của người khác (mà người đó lại nhỏ tuổi hơn em nữa, em cũng nhận thức được điều này nhưng vẫn bực bội ngâm trong lòng), bài viết của em muốn được người dùng đọc thì phải làm hài lòng một là bạn nữ đó, hai là sếp (sếp không hài lòng em cũng không ấm ức), chủ yếu là bạn nữ đó đọc bài viết phải ổn thì em mới được đăng. Điều này làm em rất khó chịu.

    Thật sự là khi bạn nữ nói em đọc lại bài và sửa lại…Em đọc lại và chẳng biết phải sửa một cái gì cả. Sau đó bạn nữ vào biên tập lại bài của em.

    Em cũng biết kỹ năng teamwork của mình yếu. Nhưng mỗi lần bạn nữ edit bài của em xong, sửa lại lỡ trúng vài chỗ mà em không mong muốn (như tiêu đề chẳng hạn) là em cảm thấy nóng ruột gan, bực bội vô cùng.

    Và có những câu chữ em tốn thời gian suy nghĩ để viết ra, thế mà bạn nữ đó lại sửa mất. Điều này làm em rất bực mình.

    Em sợ rằng bạn nữ sửa gì em cũng theo thì em sẽ mất đi chính kiến và sự độc lập về tư duy của mình. Bởi cái cảm giác mình viết ra cái gì cũng bị sửa, cũng bị đánh giá nó làm cho em nản không viết nữa.

    Việc tranh luận, đem ra xem xét câu nào đúng, câu nào sai, câu nào hiệu quả hơn thì nó rất mơ hồ. Khó có một cái gì đó để đo lường. Câu chữ khó đo lường hơn con số.

    Về việc lắng nghe, bạn nữ lúc đầu nhận xét rất mơ hồ. Không vào thẳng vấn đề…Một là bạn nữ không muốn nói thẳng. Hai là bạn cũng chỉ nhận xét theo cảm giác chứ không thể chính xác được. Và như anh nói trong bài, em thường phải đợi người khác nói huỵch toẹt ra em mới hiểu vấn đề. Chứ thông thường để hiểu điều gì đó từ vài lời nói nhẹ, vu vơ lúc đầu là rất khó…Thường thì em chẳng nghĩ được điều gì cả.

    Hiện tại em đã dừng tranh luận với bạn nữ đó…Bởi em biết có tranh luận nữa, em lại nôn nóng và chẳng thể thuyết phục được bạn, cũng như để bạn thuyết phục em.

    Anh nói rằng mình nên không tôi/khiêm tốn để học hỏi được nhiều…Không tôi thì em lo sợ rằng bài viết của mình sẽ không có chất riêng của mình…Sợ sẽ giống như đẽo cày giữa đường đấy anh. Bài viết, hay công việc hay sản phẩm của mình sẽ thành một mớ tạp nham, và không ra gì cả, dở òm.

    Thích

  5. Kwideur,

    Sếp em đã cho cô ấy làm editor của em, nghĩa là cô ấy giỏi hơn em, thực sự là đang làm sếp của em về viết lách.

    Nghệ thuật thì rất khó giải thích. Anh đã dạy rất nhiều người viết, từ luật sư mới ra trường viết luật đến các admins của anh dịch bài và viết bài. Nghệ thuật thì chẳng thể giải thích, không thể tranh luận vì sao câu này hay hơn câu kia. Học trò của anh mà thắc mắc thì anh chỉ nói từ từ rồi em sẽ hiểu. Một cô ca sĩ không thể tranh luận với học trò học hát tại sao chỗ này nên hát mạnh hơn và chỗ này nên yếu hơn thì mới hay. Học trò thì nên tin thầy, rồi tử từ sẽ hiểu ra khi trình độ nghệ thuật của mình tăng.

    ANh nghĩ là em nên tin là cô ấy đang là thầy em, cứ làm theo cô ấy và đẻ ý cách cô ấy chỉnh sửa bài, từ từ rồi em sẽ hiểu.

    Đừng tự ái vặt. Có thầy nữ nhỏ tuổi hơn mình thì không phải là điều thích thú lắm sao?

    A. Hoành

    Đã thích bởi 4 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s