Kinh Chuyển Pháp Luân – Bát Chánh Đạo: Chánh Định

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn bài cuối cùng trong loạt bài Kinh Chuyển Pháp Luân, bài về Chánh Định. Đây vừa là bước cuối cùng trong Bát Chánh Đạo, là mục đích tâm định tĩnh trên con đường tu đạo, vừa là phương tiện trợ giúp hành giả trên con đường thực chứng.

Mục đích của loạt bài này, như các bạn đã biết, (1) là để giới thiệu đến các bạn những lời trực tiếp ghi lại trong kinh sách từ một trong ba vị thầy lớn nhất của thế giới: Đức Phật Thích Ca và (2) là để mình và các bạn có cơ hội học hỏi và thảo luận về Phật pháp với người thầy của chúng ta trên ĐCN.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ_ Chương 45.8.VIII. Phân Tích (S.iv,8) viết:

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo,

(i) Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

(ii) Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh, nhất tâm.

(iii) Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

(iv) Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.

Như thế, Chánh Định đạt được qua các cấp độ của Thiền, được đề cập như là bốn cấp độ nhập Định thông qua Tứ thiền. Đức Phật đã mô tả kĩ càng về mỗi cấp độ Thiền này trong Kinh Trường Bộ.

Kinh Sa-Môn Quả (thuộc bộ Kinh Trường Bộ) kể lại một câu chuyện rất thú vị, khi vua Ajàtasattu nước Magadha đến diện kiến Thế Tôn (Đức Phật Thích-ca Mâu-ni) nơi vườn xoài của Jìvaka.

Chuyện kể rằng trong một đêm rằm sáng trăng, vua Ajàtasattu nước Magadha đã có cảm hứng muốn đi chiêm bái một vị trưởng thượng tu hành để tâm có thể được tịnh tín. Lần lượt các Đại thần giới thiệu rất nhiều những bậc “sư trưởng giáo hội, xuất gia đã lâu năm, có tiếng tốt, có danh vọng khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày”. Mỗi vị Đại thần đều khẳng định “Mong Đại vương chiêm bái vị … này. Chiêm bái vị … này có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín.”

Chỉ riêng Jìvaka ngồi yên lặng, vua Ajàtasattu liền hỏi: “Này khanh Jìvaka, sao ngươi lại yên lặng như vậy?

Jìvaka trả lời: “Tâu Đại vương, chính tại vườn xoài này của chúng con, có Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang trú ngụ với đại chúng Tỷ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị… Đại vương hãy đến chiêm bái Thế Tôn này. Rất có thể, nhờ chiêm bái Thế Tôn, tâm của Đại vương được tịnh tín.”

Vua Ajàtasattu đã quyết định đi đến nơi vườn xoài của Jìvaka để diện kiến Đức Phật. Khi đi gần đến vườn xoài, Vua Ajàtasattu đã kinh ngạc vì sự yên tĩnh trầm lặng của các vị Tỷ-kheo:

Khi Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi đến không xa vườn xoài, ngài bỗng sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên. Lúc bấy giờ Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên, nói với Jìvaka Komàrabhacca:

– Này khanh Jìvaka, người phản ta chăng? Này khanh Jìvaka, người lường gạt ta chăng? Này khanh Jìvaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?

Khi đến trước Đức Phật, vua Ajàtasattu đã tán thán sự tĩnh lặng của đại chúng Tỷ-kheo:

Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha liền tiến đến chỗ Thế Tôn. Khi đến rồi, vua đứng một bên. Sau đi đứng một bên, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha nhìn khắp chúng Tỷ-kheo đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong, cảm hứng nói rằng: “Mong hoàng tử Udàyibhadda (Ưu-đà-di-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị Tỷ-kheo này vậy”.

Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, chấp tay vái chào chúng Tỷ-kheo, ngồi xuống một bên, Vua Ajàtasattu đã có câu hỏi về những phước báu, những kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa-môn (tu sĩ xuất gia), như thế nào để được thành tựu?

Trong câu trả lời của mình, Đức Phật đã mô tả các thành tựu của hạnh Sa-môn lần lượt từ thấp đến cao, dưới đây mình chỉ tóm lược những phần mô tả về bốn mức Thiền để nhằm tìm hiểu làm rõ cho Chánh Định trong Bát Chánh Đạo.

1) Sơ Thiền

Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, Từ bỏ trạo cử hối tiếcTừ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

…Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc. Này Đại vương, cũng như không mắc nợ, như không bệnh tật, như được khỏi tù tội, như được tự do, như đất lành yên ổn, này Đại vương, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi diệt trừ chúng.

Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.

Trạng thái Sơ thiền đạt được sau khi người hành giả thiền quán và buông bỏ được năm triền cái (năm chướng ngại trong tâm, tiếng Phạn là “nìvarana”, tiếng Anh là “hindrances”):

  • Từ bỏ tham ái, là lìa bỏ tham lam và ham muốn (Tham ái là Kàmacchanda, Sense desire)
  • Từ bỏ sân hận, là lìa bỏ thù hận và tức giận. (Sân hận là Vyàpàda, ill will)
  • Từ bỏ hôn trầm thụy miên, là lìa bỏ lười biếng và tinh thần bạc nhược. (Hôn trầm và thụy miên là Thìna-middha, Sloth and Torpor)
  • Từ bỏ trạo cử hối tiếc, là lìa bỏ những hoạt động không ngừng của tâm (thường là để tìm lỗi của chính mình) và những hối hận về các “lỗi” tìm ra đó. (Trạo cử hối tiếc là  Uddhacca-kukkucca, Restlessness)
  • Từ bỏ nghi ngờ, là lìa bỏ nghi ngờ về chính mình và về giáo pháp. (Vicikicchà, Doubt)

Người đã phá bỏ năm triền cái thì hỷ lạc; hỷ là tâm thoải mái, lạc là thân thoải mái.

Trong đời sống chúng ta cũng đã gặp những người rất nhiều hỷ lạc, tuy vậy hỷ lạc bên ngoài này nếu không phải là do tu luyện buông bỏ các triền cái, mà hỷ lạc do các điều kiện ngoại cảnh thì sẽ dễ dàng bị rơi vào thái cực sầu khổ khi các điều kiện ngoại cảnh mất đi.

Những cảm thọ hân hoan hỷ lạc càng ít phụ thuộc vào ngoại cảnh mà càng hướng vào tự tâm thanh tịnh, thì năm triền cái dần được xả ly và ngược lại. Sơ thiền có thể thấy được ở những hành giả nhẹ nhõm vui tươi thường xuyên, không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài.

Dù vậy trạng thái hỷ lạc của sơ thiền còn tầm còn tứ. Tức là còn tìm kiếm (tầm) hỷ lạc và còn suy nghĩ (tứ) về lìa bỏ ham muốn (ly dục) và lìa bỏ điều ác (ly ác pháp).

Đức Phật so sánh trạng thái Sơ thiền với trạng thái mềm lỏng như một khối xà bông nhồi nước, tuy đã được“thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt”.

2) Nhị Thiền

Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Nhị thiền đạt được khi người hành giả thiền quán và đạt được tâm định tĩnh, không tầm (không suy tư nghĩ ngợi, tìm kiếm một điều gì), không tứ (không khởi niệm ngay cả niệm, ý tứ vi tế). Điểm đặc trưng của Nhị thiền vẫn là hỷ lạc, nhưng khác với hỷ lạc của Sơ thiền là do ly dục sanh, hỷ lạc của Nhị thiền là do định sanh. Phật gọi là hết tầm hết tứ.

Nhị thiền được Đức Phật so sánh với sự tuôn tràn của suối nước mát (xem thêm Cái tôi của nước_TĐH)

3) Tam Thiền

Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Đặc trưng của Tam thiền là lạc thọ không có hỷ, trong khi trong Sơ thiền và Nhị thiền thì có cả hỷlạc. Hỷ là cảm thấy thoải mái trong tâm. Tâm cần tĩnh lặng, nên cảm giác thoải mái trong tâm đó cũng cần được xả bỏ. Điều này một lần nữa nói lên mục đích của tu tập theo Phật là buông xả, không chỉ buông bỏ sự phụ thuộc chấp bám vào hoàn cảnh bên ngoài, mà buông bỏ ngay cả cảm giác thoải mái đạt được trong tâm trong tiến trình thành tựu của tu tập.

4) Tứ Thiền

Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Tiếp tục theo con đường buông xả, để trú vào mức thiền thứ tư, hành giả phải xả bỏ hoàn toàn tất cả những hỷ và lạc đã cảm thọ từ những mức thiền trước, xả khổ hoàn toàn (vì xả hết mọi cảm giác thoải mái trong tâm và thân, cũng chính làxả hết khổ), xả luôn cả mọi ý niêm về thanh tịnh, vượt khỏi Ý thức và Vô thức.

Trong kinh điển, những vị có công phu nhập định ở mức thiền thứ tư này có thể khai mở những thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông… Người ở mức tâm hoàn toàn rỗng lặng này rất nhạy cảm với người và với đời, cho nên nghe có thể hiểu những điều mà người khác không nhận ra, nhìn thì có thể thấy những điều người khác không thấy.

Tuy vậy, các “phép thần thông” này không phải là mục đích của Phật pháp, mà chỉ là thành quả tự nhiên khi hành giả đạt được mức xả niệm thanh tịnh. Nếu tập trung vào những phép thần thông này, bởi bất kì mục đích gì: thu hút người học, chứng tỏ mức độ đắc đạo, chứng tỏ đạo pháp nhiệm màu, hoằng pháp, v.v. đều là đi lạc đường Thế Tôn đã giảng về Bát Chánh Đạo (xem thêm Phép lạ thật).

Chúc các bạn luôn tinh tấn trên con đường định tâm qua tìm hiểu những lời Phật dạy rõ ràng chi tiết trong kinh điển này.

Thân mến,

_()_

Phạm Thu Hường

Các bài cùng chuỗi:
Kinh Chuyển Pháp Luân: Trung Đạo
Kinh Chuyển Pháp Luân: Tứ Diệu Đế
Kinh Chuyển Pháp Luân– Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh Tư Duy
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh nghiệp
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh ngữ
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh mạng
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh Tinh Tấn
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh niệm
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh định

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Kinh Chuyển Pháp Luân – Bát Chánh Đạo: Chánh Định”

  1. Em cảm ơn chị Q.Linh, vậy là tròn 1 năm kể từ ngày em bắt đầu comment trên ĐCN và “lôi kéo” chị cùng quan tâm đến Phật pháp và hành thiền, 1 năm qua em hiểu thêm về Chúa, chị tinh tấn về Thiền, thật là lợi lạc quá ^^ Chia sẻ ý tưởng luôn làm chúng ta giàu có thêm 🙂

    Chúc chị em mình và cả nhà luôn trực nhận giáo pháp trong chính mình,
    e. Hường

    Thích

  2. Dạ, hỷ là nói về trạng thái của tâm, lạc là nói về trạng thái của thân (hỷ là tâm thoải mái, lạc là thân thoải mái.)

    Trạng thái hỷ của tâm nếu còn vướng mắc (chưa phá bỏ 5 triền cái) thì thường đi kèm với desire – thỏa mãn được lòng tham ái trong dục lạc, ví dụ như có được người mình yêu, được ăn món ngon, được nằm nhung lụa, sở hữu được món đồ đắt tiền,…

    Trạng thái hỷ của người đã phá bỏ 5 triền cái là hỷ trong lẽ vô thường, không bị những phiền não từ 6 trần mang lại, điển hình là tâm hỷ của Phật Di Lặc.

    Khi mới hành thiền thì lưng rất đau, ngồi lâu rất tê chân, ngồi một chỗ hàng ngày thì cảm thấy thân nhức mỏi, nhưng khi đã đạt được Sơ thiền thì thân cảm thấy thoải mái, an lạc mỗi lần ngồi thiền. Giống như thiết lập một thói quen tốt ít nhất cũng mất 1 tháng đầu khó khăn mệt mỏi nhưng khi đã đến mức thành thục thì cảm thấy trạng thái “lạc” của thân thoải mái khi làm việc đó. Em nghĩ tâm hỷ cũng một phần từ trạng thái lạc này sinh ra.

    Chị thấy em giải thích vậy có ổn không ạ?
    e. Hường

    Đã thích bởi 1 người

  3. Mình đọc Kinh Phật hay bị thiếu khái niệm cơ bản, ví dụ như hỷ và lạc khi đọc về tầng thiền thứ 3 và thứ 4 ở trên. 🙂 Mình hơi bất ngờ khi được biết hỷ là về tâm, còn lạc là về thân. Cám ơn Hường. 🙂

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s