Ảnh bìa: Ngư dân đánh bắt cá gần đảo Đá Tây, Trường Sa. Ảnh: Đoàn Quý
Motthegioi – 15:06 16-01-2014
Vào ngày 29.11.2013, 6 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố thành lập vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông, chính quyền tỉnh Hải Nam đã âm thầm ban hành lệnh cấm đánh bắt cá mới tại biển Đông.
Đến ngày 3.12.2013, lệnh cấm này được công bố công khai và có hiệu lực vào hôm 1.1.2014. Lệnh cấm đánh bắt cá mới do chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ban hành quy định tất cả tàu thuyền nước ngoài đánh cá hoặc khảo sát tại biển Đông phải xin phép Trung Quốc.
Chính quyền Hải Nam tuyên bố có chức năng quản trị hành chính đối với đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield và vùng nước xung quanh. Vùng biển này rộng khoảng 2 triệu km2, tức tương đương 57% của khu vực đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.
Phải công khai đầy đủ thông tin này để mọi người Việt Nam đều biết đây là một quyết định đơn phương bất chấp luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam( Trung Quốc). Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước luật pháp và các tòa án quốc tế về quyết định vô lý và ngang ngược này của họ.
Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển thuộc hai quần đảo này từ bao đời nay đã thuộc lãnh hải Việt Nam, là ngư trường truyền thống và quen thuộc của ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân đảo Lý Sơn.
Ngày 14.1.2014 này, Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Quyết định của nhà cầm quyền Trung Quốc về “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông” một lần nữa tô đậm thêm tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, xâm hại đến lợi ích của nhiều quốc gia khác có lãnh thổ kết liền với biển Đông, trong đó đặc biệt là Việt Nam, quốc gia bị xâm hại nhiều nhất vì quyết định ngang ngược này.
Trong lãnh thổ Việt Nam, thì tỉnh Quảng Ngãi và ngư dân Quảng Ngãi là đối tượng bị bức hại lớn nhất từ quyết định này. Trước nay, ngư dân Quảng Ngãi vẫn thường xuyên đánh bắt hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia mình.
Nay thì lệnh cấm nhảm nhí này buộc họ phải “xin phép Trung Quốc” khi đánh cá trên vùng biển của họ. Bình luận về quyết định ngang ngược này của Trung Quốc, GS Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc đã nói:
“Tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế. Bất kỳ hành động ngăn chặn những tàu thuyền này có thể bị xem như hành động của hải tặc nhà nước. Điều này có thể dẫn đến việc quốc tế chống lại các tàu thuyền Trung Quốc”, ông Thayer nói với tờ báo The Diplomat của Nhật Bản.
Để bảo vệ ngư dân trong khi đánh bắt cá hòa bình trên biển Đông, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có kế hoạch và hành động cụ thể, thiết thực một khi ngư dân của mình gặp những cản trở, thậm chí bị bắt bớ trái phép từ phía Trung Quốc.
Nếu không có những bước chuẩn bị cụ thể, chỉ hô hào chung chung: ngư dân cứ đi đánh cá đi! Thì khi xảy ra việc, sẽ rất khó để kịp thời đối phó có hiệu quả. Đây không hề là chuyện dễ dàng, nhưng là chuyện không thể không làm.
Những sự cố chắc chắn xảy ra khi ngư dân chúng ta vẫn đi đánh bắt cá bình thường trên những vùng biển mà bây giờ Trung Quốc “cấm”. Ngư dân chúng ta không sợ, nhưng họ rất cần được bảo vệ an toàn.
Hải quân Việt Nam nên đi tuần thường xuyên trong các vùng biển thuộc hải phận Trường sa và Hoàng Sa và vùng biển ta xem là vùng đi lại tự do của mọi quốc gia, vừa đẻ bảo vệ ngư dân vừa khẳng định là VN không chấp nhận cái gọi là “Lệnh cấm đánh bắt cá ” của Trung quốc là hợp lý.
ThíchThích