Thương người trong hoạn nạn của ta

 

Chào các bạn,

 bh

Hôm rồi anh Hoành có bài viết Nâng họ lên mình rất cảm động, bài viết khiến mình nhớ lại lần chăm sóc người nhà ở bệnh viện và muốn chia sẻ với các bạn.

Hồi hai năm trước, mẹ mình bị đột quỵ phải cấp cứu, trong những đêm đầu tiên nguy kịch mình đã cầu nguyện. Hồi đó thực sự mình cũng không biết cầu nguyện thế nào, chưa bao giờ cầu nguyên hay đọc bài kinh nào. Mình chỉ nhớ đọc ĐCN anh Hoành có khuyên khi gặp chuyện bất lực không biết làm sao, không thuộc kinh cầu nguyện thì chỉ cần đọc đơn giản câu “cầu Chúa Phật che chở cho ai hay cho điều gì đó”. Và mình đã làm vậy trong mấy đêm đầu tiên trông mẹ bằng cách lặp đi lặp lại câu “cầu trời Phật che chở cho mẹ con qua khỏi”. Và phép lạ cũng như may mắn đã đến mẹ mình đã qua khỏi.

Tuy nhiên hôm nay mình không nói về chuyện cầu nguyện, mình muốn chia sẻ một số điều trong thời gian mình chăm mẹ trong bệnh viện.Mình vẫn nhớ rất rõ, buổi tối đó lúc chạy theo lên theo xe cấp cứu, mình cũng không hiểu tại sao mình đã vơ vội 2 cuốn sách nhét vào balo là cuốn An lạc từng bước chân của thầy Thích Nhất Hạnh, và cuốn Tư duy tích cực của anh Hoành (hồi đó xuất bản lần đầu tiên). Trong thời gian ở viện chăm mẹ, thực ra mình bận và rất mệt không có thời gian đọc chút nào, mình để sách ở đầu giường của mẹ. Có mấy cô y tá thấy hỏi, mình đã cho mượn đọc.

Sau khi mẹ mình vô phòng cấp cứu, mình và người nhà vẫn khá lơ ngơ một phần vì mất bình tĩnh, một phần cũng không biết tiếp theo làm thế nào vì lúc đó cấp cứu buổi tối, bệnh viện cũng ít người có hỏi vài cô y tá thì cũng không được chỉ dẫn tận tình. Sau này mình nghĩ có thể lúc đó họ đang bận gì khác và chưa trả lời được mình một cách chi tiết. Mình nghĩ nếu bệnh viện tổ chức làm việc được với các đội tình nguyện viên, không cần thiết phải học ngành y, thay phiên nhau trực và hướng dẫn chỉ dẫn cho người nhà bệnh nhân đỡ lúng túng vừa tiết kiệm thời gian cho nhân viên ở bệnh viện thì thật tốt. Nhất là mùa cao điểm, điều này sẽ giúp được người nhà bệnh nhân rất nhiều khỏi lo lắng.

Trong lúc chờ đợi, mình cũng quan sát thấy có nhiều bác sĩ vừa khám bệnh vừa cười đùa nói chuyện rất thoải mái tỉnh bơ trong khi hầu hết người nhà bệnh nhân thì ai cũng có vẻ mặt sốt ruột. Có người hỏi nhiều khi là bị mắng, lúc đó mình cũng có cảm giác hơi bực mình. Có lúc nghĩ lại mình thấy cảnh này giống như xem trong phim, mình nghĩ cũng có thể rằng bác sĩ có kinh nghiệm và biết trường hợp nào nặng nhẹ cần làm gì gấp trước sau ra sao. Mình có bạn làm bác sĩ nên cũng hiểu được sự vất vả của bác sĩ và tâm lý người nhà bệnh nhân hầu hết là rất sốt ruột. Nhưng không tránh khỏi trường hợp đáng tiếc là bác sĩ vô trách nhiệm thì mình không nói ở đây.

Sau khi cấp cứu cho mẹ mình có phim chiếu chụp não rồi bác sĩ giải thích trường hợp của mẹ mình ra sao cần theo dõi như thế nào và bây giờ nếu người nhà có khả  năng chi trả tiền thuốc thì đến ngay hiệu thuốc ở cổng bệnh viện mua thuốc để tiêm luôn. Còn nếu không có khả năng chi trả sẽ có phác đồ điều trị kiểu khác và lên đơn thuốc kiểu khác. Mẹ mình có bảo hiểm nhưng trong những trường hợp nặng như thế này những loại thuốc đặc biệt bệnh nhân vẫn phải tự mua.

Lúc đó mình cũng không hỏi cụ thể tiền thuốc thế nào chỉ bảo bác sĩ tùy theo tình hình và xử lý sao cho hiệu quả. Mình cầm đơn thuốc đi mua, người bán thuốc còn hỏi lại mình là có chắc chắn cần hết chỗ này không, vì thuốc này đắt tiền. Nhà thuốc còn dặn dò cẩn thận, em nhớ giữ lại hóa đơn nếu dùng ko hết thuốc mang lại trả cho nhà thuốc rồi lấy lại tiền cũng được. Sau đó mình đã băn khoăn rất nhiều vì nhà mình đã may mắn có khả năng trả tiền thuốc đắt tiền này, nếu nhà mình không có đủ tiền ngay lúc đó hay những người nghèo thì họ phải làm sao qua khỏi nếu không có đủ tiền thuốc để cấp cứu trong trường hợp hiểm nghèo.

Thời gian ở bệnh viện chăm mẹ sau này nghĩ lại mình nhận thấy đó là cơ hội có nhiều điều quan sát được và cũng là cơ hội để thực hành yêu người nhưng mình đã bỏ lỡ rất nhiều và chưa làm được.

Bệnh viện ở Việt Nam có lẽ là nơi rất dễ để thấy được người nghèo khổ sở ra sao. Trong hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn bệnh tật con người chúng ta có xu hướng ích kỷ lo cho mình trước mà quên đi thậm chí dẫm đạp lên nỗi đau của người khác vì ai cũng cho mình là đau khổ nhất. Mình cũng đã vậy. Sau này khi mẹ mình khỏi bệnh ra viện mình nhìn lại thấy mình thật sao ích kỷ, thậm chí mình chẳng nhớ, chẳng biết bệnh nhân phòng bên cạnh bệnh gì, ra sao, điều kiện thế nào, sao mà rên rỉ kêu la suốt ngày. Mặc dù mình có quan sát và thấy nhiều bệnh nhân trông rất nghèo và tội hơn gia đình mình nhiều. Trong khi đó mình chỉ tập trung cho mẹ chóng khỏe, có người thay chăm mẹ là mình đi nghỉ vì mệt. Viết đến đoạn này mình nhớ đến bài viết cách đây mấy năm em bé người Nhật 9 tuổi, trong cơn hoạn nạn sóng thần cô đơn một mình và vẫn tuân thủ xếp hàng và nhường đồ ăn cho người đến trước, thật đáng cảm phục!

Rồi mình cũng chứng kiến có người nhà bệnh nhân đóng viện phí ra viện vào viện cũng tranh nhau mất trật tự rất tội. Tâm lý người nhà bệnh nhân ai cũng sốt ruột mà quầy thu ngân hình như chỉ mở trong khoảng thời gian nhất định. Khi mình nộp viện phí cho mẹ ra viện, mọi người chen nhau và mình đứng nhìn chẳng biết làm sao, có người đã kéo tay mình vào bảo con bé này đứng đấy nhìn thì đến bao giờ mới xong việc được.

Ở bệnh việc mới càng thấu hiểu tình cảnh bệnh viện ở Việt Nam, đất chật, bệnh nhân đông, từ người quét dọn đến y tá và bác sĩ đều làm việc quá tải nên cũng là một lý do rất thường xuyên cáu gắt và quát tháo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Mấy hôm sau mẹ mình tỉnh hơn, mẹ bảo lấy tiền cho cô lao công lau dọn vệ sinh ở  phòng và các chị y tá tiêm cho mẹ hàng ngày, nói là mẹ cháu đã khỏe hơn và mẹ cháu cảm ơn các cô. Mẹ mình nói mấy người đó đáng được trân trọng cũng như các bác sĩ. Mặc dù chỉ là vài chục ngàn đồng. Mình chẳng làm việc này bao giờ mà không biết phải làm sao, thực sự đã lúng túng như đi ăn trộm khi gửi tiền và lời cảm ơn.

Sau hôm đó mình nhận thấy thái độ của bác lao công cũng như y tá mềm mỏng hơn hẳn thật không có quát tháo khi đến phòng bệnh nhà mình, cởi mở nói chuyện hỏi han. Mẹ mình nói là có lẽ họ cũng trân trọng tấm lòng mình thật chứ không phải là vì mình cho tiền họ, ở bệnh viện như thế này cũng không có nhiều người gửi lời cảm ơn đến họ chứ chưa nói đến cho tiền.

Lúc đó mình cũng không có nghĩ gì nhiều, mình chỉ thấy là việc mẹ mình cho tiền những người như vậy không sai nhưng vẫn thấy có gì đó sao sao vì đối với những bệnh nhân khác, những người nghèo thì sao. Bởi vì mình biết là những phòng bên cạnh bệnh nhân vẫn bị quát mắng thường xuyên, vẫn lơ ngơ và không có người chỉ dẫn.  Mình mới nghĩ rằng nếu đưa được chương trình thiền hoặc các liệu pháp tương tự như tư duy tích cực cho các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện sẽ giúp cho bản thân họ và ngành y tế tốt hơn rất nhiều vì công việc của họ căng thẳng mệt mỏi dẫn đến hay cáu giận.

Thương người, đau nỗi đau của người khi ta có cuộc sống bình thường đã khó, khi ta gặp hoạn nạn còn khó hơn nhưng đó lại là một cơ hội để thực tập yêu người, không vì nỗi đau của mình mà thờ ơ chai sạn với nỗi đau của người khác. Ở Việt Nam hay trong bệnh viện ở Việt Nam với người không biết đến Công giáo hay Phật giáo thì có thể họ thấy lạ và không quen nếu mình nói cầu nguyện hay chúa Phật ở bên họ. Tuy nhiên ta vẫn có thể làm bất cứ việc nhỏ gì từ việc hướng dẫn nếu có người cần nhờ, hỏi thăm và động viên vài ba câu với người bệnh, nếu không vội nhường cho người cần đi trước khi xếp hàng…đơn giản chỉ vậy.

Mình viết mấy dòng trước hết để nhắc bản thân mình và chia sẻ với các bạn. Luôn luôn có một việc làm được khi không biết làm sao là cầu nguyện. Khi gặp khó khăn, nghĩ tới những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, để nhận ra mình còn may mắn và đang sống ở thiên đường mà nhiều khi không hay. Trong bất cứ hoàn cảnh nào kể cả trong hoạn nạn cũng có thể show others love and affection, lift others up cũng là lift up ourselves.

Chúc các bạn một ngày thương người.

Một suy nghĩ 7 thoughts on “Thương người trong hoạn nạn của ta”

  1. Chị rất thích câu kết luận của em, đó cũng là chân lý trong Phật pháp “lift others up cũng là lift up ourselves”, em đã luôn giữ được cái nhìn tỉnh táo trong hoàn cảnh thử thách.
    Việc mẹ em đánh giá cao sự phục vụ của những cô lao công và y tá ngang với bác sỹ thể hiện một tư duy bình đẳng rất cao đó, mặc dù có thể mẹ em không đọc bài của anh Hoành nhiều bằng tụi mình. Chị không phản đối việc đưa tiền để thể hiện sự biết ơn trong hoàn cảnh lương hành chính quá thấp hiện nay, còn thái độ của mọi người có thay đổi hay không thì cũng không cần quan tâm lắm, như mẹ em đã nhận xét vậy (chị nghĩ mẹ em ở level tích cực cao lắm đó 🙂 ).
    Điều chị lo nghĩ về văn hoá phong bì là nó ở tầm văn hoá thấp nhất: để đủ ăn đủ mặc tối thiểu. Em đừng hiểu lầm khi chị nói văn hoá thấp, vì mọi thứ phải đi từ thấp đến cao, không có thấp (đủ sống tối thiểu) thì chưa thể có cao (dân chủ, nhân quyền, bình đẳng). Để cả xã hội lâm vào cảnh người làm công phải dựa vào phong bì để sống, người làm quan dựa vào phong bì để xây biệt thự, lỗi không chỉ một người một thế hệ, lỗi ở tư tưởng của hệ thống.
    Mình cứ lựa theo dòng vừa bơi vừa quan sát, chị tin vào thế hệ trẻ như em sẽ làm nên thay đổi (bạn chị hay bảo chị nói nghe cứ như là chị 80 tuổi ^^).
    Rất thích bài viết thực tế của em 🙂
    Chị H

    Đã thích bởi 2 người

  2. Em cảm ơn chị Hường nha. Em hiểu khi chị nói về nhu cầu sống tối thiểu. Thực sự như chị nói, mẹ em chưa đọc tư duy tích cực của anh Hoành, nhưng những gì mẹ làm thể hiện TDTC bằng thực hành ở level cao mà không cần lý thuyết giáo điều. Khi còn bé và chưa biết đến TDTC thì em không nhận ra điều đó :D.
    P.S: Chúng ta đều còn trẻ mà chị 😛

    Thích

  3. Cảm ơn chị râ´t nhi`u ạ.
    Ba`i của chị râ´t gâ`n gui nguoi doc. Cung ko biet tu bao gio e da cau nguyen nhug cau don gian nhu chi khi co chuyen kho khan ko biet lam tn?
    Chi dung la ban sao tuyet voi cua me. Chuc mung chi a,
    E len bang dien thoai, lai loi phong giog doan dau tien e viet ay. Chi chiu kho dich giup e nhe.

    Thích

  4. Cảm ơn bài viết của chị, đọc bài của chị em nhớ tới lần em đi chăm chị của em trong bệnh viện. Em cảm nhận được hết những gì chị viết trong bài, em khóc luôn chứ 😀 . Xung quanh nơi em sống cũng còn nhiều những người khổ cực, khi được hỏi thăm về những việc họ đang làm, về gia đình họ em có cảm giác như họ muốn tâm sự và nói thật nhiều về sự vất vả ấy, sau cuộc trò chuyện ấy thì em thấy họ vui lên hẳn, gần gũi với mình hơn hẳn và em cũng cảm thấy yêu cuộc sống hơn. 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  5. Cảm ơn bạn anan88, bạn nganhh32 đã chia sẻ. Em cảm ơn anh Hoành.

    Mình rất vui thấy bạn anan88 và nganhh32 chia sẻ với mình. Khi nào có cảm hứng viết bài, các bạn đến ĐCN chia sẻ thường thêm với các anh chị em ở đây nha.

    Chúc 2 bạn ngày vui và luôn yêu đời 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  6. Chị thấy Hằng nói rất đúng là “Thương người, đau nỗi đau của người khi ta có cuộc sống bình thường đã khó, khi ta gặp hoạn nạn còn khó hơn”. Hình như lúc ta đau khổ, khi ta buồn bực gặp chuyện chẳng lành, thì ta trở nên ích kỉ hơn thì phải 🙂 (vì chỉ nghĩ riêng mình là đau khổ còn người khác thì không)

    Chị cám ơn bài viết của Hằng đã nhắc chị.

    Great day em nha 🙂

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s