Tổ quốc… là gì? Yêu tổ quốc là … yêu cái gì?
Ngô Quỳnh Linh, luật sư, Tp HCM
Tình yêu tổ quốc khởi đầu từ đâu?
Sr. M Matta Trần Thị Lành, Dòng Nữ Vương Hòa Bình Buôn Ma Thuột
Thế nào là yêu nước thông minh, sáng suốt?
Phạm Thu Hương, tác giả, dịch giả, admin dotchuoinon.com, Đà Nẵng
Tổ quốc là đất nước của tổ tiên, đất nước do tổ tiên để lại.
Tổ quốc trong tiếng Anh gọi là fatherland (đất cha) hay motherland (đất mẹ). Người Việt ta có thể gọi giản dị là “đất nước” hay “nước”. Tổ quốc của tôi cũng là “đất nước tôi” hay “nước tôi”.
Chúng ta thấy trong tiếng Anh người ta dùng chữ “land” (đất) để chỉ cái mà người Việt gọi là “nước” (country). Ví dụ: Thailand, Ireland, Holland – Nước Thái Lan, nước Ailen, nước Hà Lan. Tức là trong tiếng Anh, người ta lấy “nơi sống” (đất) làm chính. Trong tiếng Việt, chúng ta lấy “nguồn sống” (nước) là chính—không có nước thì con người không thế sống được.
Cách dùng từ như thế rất sâu sắc và rất phù hợp với tình cảm của người Việt chúng ta:
Anh xa nước nên yêu thêm nước
Anh xa em càng nhớ thêm em
(Bài thơ tình ở Hàng Châu – Tế Hanh)
Tôi đang là bác sĩ ở Ba Lan (Poland), nhưng nguồn sống của tôi là “nước Việt”. Tôi đang du học ở Anh (England), nhưng nguồn sống của tôi là “nước Việt”.
Ý niệm tổ quốc là nước, là nguồn sống, như thế rất phù hợp với thực tế chính trị và kinh nghiệm của người Việt. Ngày xưa, nếu mất nước, nếu quốc gia bị nước khác xâm chiếm, thì nước mình thành nô lệ của nước đô hộ mình, và con dân nước mình thành nô lệ của các quan chức đô hộ . Điều này chúng ra hiểu rất rõ. Cho nên nếu mất nước, mất nguồn sống, thì sống cũng như chết, vì đó là đời sống của người nô lệ.
Với lịch sử bị Bắc phương đô hộ hàng nghìn năm, người Việt chúng ta hiểu rất rõ thực trạng chính trị này. Cho nên, đối với người Việt, chiến tranh chống xâm lăng, chiến tranh giải phóng, chiến tranh giành độc lập—chiến tranh giành nguồn sống—luôn là sứ mệnh cao cả nhất cho mỗi người dân Việt. Đối với người Việt, chiến tranh giành độc lập là cuộc chiến “cuồng tín” một chiều—không trả giá, không điều đình, không nhượng bộ, không đầu hàng. Người dân Việt quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Các bạn, đó là yêu nước. Sẵn sàng vị quốc vong thân.
Rất tiếc là mình phải lấy chiến tranh và chết chóc để minh họa thế nào là yêu nước, nhưng đối với người Việt chúng ta, có lẽ dùng chiến tranh bảo vệ tổ quốc để giải thích thế nào là yêu nước là cách dễ dàng và chính xác nhất.
Yêu nước, trước hết là một cảm xúc. Người ta không xả thân chịu chết nếu người ta không cảm xúc yêu thương tràn ngập trong lòng. Đương nhiên là lý trí có phần trong đó, nhưng lý trí thì dễ–ai cũng có thể hiểu được tại sao mình phải hy sinh cứu nước. Nhưng lý trí không đủ để người ta hăng hái tùng chinh trừ khi người ta thấy trong lòng nao nức tùng chinh.
Ngày nay trong thời bình, người trẻ chẳng phải hy sinh gì cả, không ai đòi mình phải dấn thân cho điều gì cả, cho nên nói chuyện yêu nước đôi khi vài bạn không nắm được.
Khi nói về quê hương đất nước, người ta nói đến con sông, nói đến cánh đồng, nói đến vườn cây:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Dù luật gia nói với các bạn là một quốc gia cần có 3 yếu tố: “Một dân tộc, sống trên một lãnh thổ, có một chính quyền”, nếu bạn đi xa và thương nhớ quê hương, có lẽ là bạn sẽ tương tư chùm khế ngọt, con đường rợp bướm vàng bay, con diều trên đồng lúa, con đò nhỏ ven sông… Ngoại trừ người yêu của mình, không ai khi nói đến yêu nước nhớ nhà mà lại nói đến chị Ba bán đậu hủ, anh Bảy xích lô, bà Tám bán chè, cô bé bán bánh mì… Nhưng sự thật là trong 3 yếu tố tạo thành quốc gia, thì yếu tố dân tộc (hay nhân dân) là yếu tố quan trọng nhất. Hãy nhìn dân Do Thái, họ bị phân tán khắp thế giới khoảng một nghìn năm, không lãnh thổ, không chính quyền, nhưng họ vẫn giữ ngôn ngữ, tôn giáo, và sắc thái Do Thái, và vẫn liên kết với nhau trong một mạng lưới dân tộc Do Thái, cho đến khi họ lập quốc trở lại năm 1947.
Không có gì cả thì một dân tộc vẫn có thể là một quốc gia, nhưng một mảnh đất không có gì cả thì chỉ là một mảnh đất.
Cho nên, yêu nước, trước hết là yêu dân tộc mình, đồng bào mình, nhân dân mình. Ở đây ta cần nhắc thêm, từ “dân tộc” nên được hiểu là “đồng bào, 55 dân tộc anh em”. Yêu nước trước hết là yêu đồng bào của mình, yêu người dân của mình…
Nếu bạn đi qua một cánh đồng và thấy một đoàn phụ nữ còng lưng cấy lúa, bạn có mến phục sức dẻo dai của họ không? Bạn thử đứng yên cúi lưng xuống, và xem bạn có thể cong lưng như thế bao lâu. Và bạn có thương cảm cuộc sống của những người dân phải nai lưng cầy cấy như thế không?
Nếu bạn thấy một cụ bà gầy còm gánh năm bảy nải chuối đi vòng vòng thành phố cả ngày để bán, bạn có muốn khóc không?
Nếu bạn thấy nhiều cô gái trẻ phải phục vụ khách bia ôm trong một quán cà phê, bạn có tội nghiệp họ không?
Nếu bạn vào các khách sạn năm sao, dù bạn đang là khách ở đó, thấy người mình làm giường cho Tây, bạn có thấy tủi thân không?
Nếu bạn lên Tây Nguyên thấy các em không được đi học, phải đi bẫy chuột đào rắn mỗi ngày, bạn có thấy chạnh lòng không?
…
Các bạn, những tình cảm bên trên là yêu đồng bào, là yêu nước.
Và nếu bạn yêu đồng bào như thế, thì bạn muốn làm gì?
Không phải là bạn muốn dân ta không còn cảnh khổ đó sao?
Đó là yêu nước. Và đó là tiếng gọi trong lòng thôi thúc bạn lên đường tòng chinh nhập ngũ để vào một cuộc chiến mới chống nghèo đói, chống bệnh tật, chống lạc hậu, đẩy chúng ra khỏi đất nước này, biến quốc gia chúng ta thành một đất nước cường thịnh.
Cuộc chiến mới này là cuộc chiến của chúng ta, của thế hệ thời bình này. Và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, đây là một cuộc chiến gắt gao, đòi hỏi nhiều trí tuệ và nhiều cống hiến.
Bạn có sẵn sàng để cống hiến không?
Đừng nói bạn không biết làm gì khi cuộc chiến đang xảy ra khốc liệt trước mặt bạn hàng ngày. Thử tượng tượng, giữa mưa bom lửa đạn hàng ngày trong thành phố của bạn, bạn nói tôi không biết phải làm gì. Đó là một sự chạy trốn trách nhiệm táo tợn đến mức không thể tha thứ. Trước những nghèo đói và bệnh tật bạn thấy mỗi ngày trên khắp nẻo đường đất nước, sao bạn lại có thể nói tôi không biết làm gì?
Bạn phải nói tôi phải góp phần vào việc xóa sổ nghèo đói và bệnh tật ra khỏi nước tôi.
Để làm vậy, tối thiểu bạn cần phải làm hai điều:
1. Bạn phải vượt qua nghèo đói và bệnh tật. Tức là bạn phải thành công. Bạn phải học hành tốt, phải có nhiều kỹ năng tốt, phải có công việc tốt, phải thành công tốt… Bạn phải là chuyên viên xã hội, là kỹ sư, là thầy giáo, là bác sĩ, là doanh nhân… Nếu bạn không vực được bạn và không thành mạnh mẽ, bạn sẽ không vực ai được cả.
2. Giữ trái tim của bạn trong sạch. Đừng học thói chụp giật, gian tham, nhũng lạm, theo gương người những người xấu khác. Một người có học mà gian tham nhũng lạm thì tai hại bằng 1 ngàn hay 10 ngàn kẻ trộm vặt trong đêm.
Còn rất nhiều việc một người công dân tốt có thể làm. Nhưng đây là hai điều tối thiểu, để bạn bắt đầu và gìn giữ cả đời.
Và như thế là yêu nước.
Chúc các bạn luôn yêu tổ quốc.
Mến,
Hoành
© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Yêu cầu của anh Hoành với lớp trẻ thật trong trẻo và vô cùng giá trị.
Cảm ơn anh về bài viết hay.
ThíchThích
Cám ơn anh Hoành. Một bài viết rất sâu sắc.
Tôi hoàn toàn đồng quan điểm với anh Hoành. Tôi vẫn thường nghĩ thế này: là dân của một quốc gia, một dân tộc mà không yêu nước thì đừng tự xưng mình là người của quốc gia, dân tộc đó; là cha mẹ mà không yêu thương con cái thì đừng làm cha mẹ; làm công chức mà không có tinh thần phụng sự xã hội thì đừng làm công chức nữa.
Hai câu đầu chắc là ai cũng hiểu. Thế nên câu cuối cùng mới là câu tôi muốn gửi gắm
ThíchThích
Cám ơn anh vì bài viết. Nhiều lúc em định đặt câu hỏi, nhưng chắc là không cần đặt nữa, vì cả nhà đặt câu hỏi hộ rồi, và đang nghĩ đến câu trả lời và có chút băn khoăn thì lại nhìn thấy câu trả lời của anh. Vậy là có thêm sự khẳng định chắc chắn 🙂
ThíchThích
Bài viết hay và sâu sắc quá! Cám ơn anh Hoành rất nhiều!
ThíchThích
Cám ơn anh Hoành,
Em có 1 câu hỏi. Một người thành công, nhưng trước đó lại làm điều xấu, và đã nhận ra. Bây giờ phải làm gì ạ?
ThíchThích
Mot nguoi ban than da doc bai viet nay va chuyen cho minh voi loi nhan xet bai viet tot nhung ban khoan mot chi tiet trong bai la vao khach san 5 sao thay nguoi Việt don phong cho khach tay cam thay buon thi e ngai long yeu nuoc nhu the se tro thanh cuc doan, ich ky, phan biet chung toc qua chang? Minh doc bai viet thay tac gia co nhieu goi gam ve tinh cam, mong moi… cung hieu dieu e ngai cua nguoi ban do la co thuc, mong tac gia trinh bay them giup nguoi ban cua toi va nhieu nguoi khac, nhat la nguoi de tranh hieu sai ve tinh yeu to quoc. Tran trong cam on.
ThíchThích
Cảm ơn mọi người.
Một đề tài rất hay hấp dẫn với người VN. Quan điểm yêu nước của VN khá gần với T Quốc, 1 kiểu yêu nước dân tộc chủ nghĩa điển hình. Có lẽ là vì sự gần gũi về mặt địa lý, tôn giáo và quan niệm đạo lý từ xa xưa.
Theo tôi biết thì quan điểm về lòng yêu nước không giống nhau ở các quốc gia khác, Mỹ là 1 điển hình. Mình cảm thấy yêu nước kiểu Mỹ là 1 khái niệm rộng lớn hơn, không bị gò bó trong phạm vi đồng bào, dân tộc. 1 cách tiếp cận khá nổi tiếng về lòng yêu nước của Cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt: “Yêu nước là giúp nước. Điều này không có nghĩa là ủng hộ tổng thống này hay quan chức kia … Yêu nước là ủng hộ tổng thống, hay quan chức đó, bằng đúng mức mà ông ta đã giúp nước. Sẽ là không yêu nước nếu không phản đối ông ta, cũng ở mức mà ông ta đã tỏ ra thiếu năng lực hoặc thiếu trách nhiệm trong giúp nước. Trong mọi trường hợp, sẽ là không yêu nước nếu không nói sự thật, cho dù nó liên quan đến tổng thống hay ai đi chăng nữa.”
Gần đây mình có xem các bộ phim kiểu như Avatar, Last Resort…, mình cảm nhận rõ 1 cách yêu nước rất Mỹ như thế. TQ có lẽ không bao giờ muốn trình chiếu những bộ phim kiểu đó.
Nếu mình có cảm tình với cách yêu nước như thế liệu có tội không nhỉ?
Dân tộc không thể chọn nhưng con người có quyền chọn lựa cách suy nghĩ không?
ThíchThích
Hi Tuấn,
Ở đời có hàng triệu việc thiện cần làm. Anh tin rằng nếu người ta làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người nghèo, lo lắng cho người thiếu thốn, và trong lòng thành tâm hướng thiện, thì công đức đó nếu không xóa hết lỗi lầm cũ thì cũng xóa được một mớ.
ThíchThích
Hi Đức,
Anh chẳng biết yêu nước kiểu Mỹ hay kiểu TQ, hay kiểu VN là thế nào.
Anh chỉ biết yêu nước là những xúc động về đồng bào và dân tộc của chính anh thôi. Và anh mong là em có xúc động của chính em.
ThíchThích
Hi Toàn,
Nếu dân mình dọn phòng cho cả dân mình và Tây thì chẳng sao, nhưng thấy dân mình dọn phòng cho Tây, cái nghèo của dân mình hiện ra rất rõ rệt. Không đau lòng sao được.
Nhưng như vậy đâu có ngĩa là ghét Tây hay kỳ thị Tây đâu. Sao lại có thể là “cực đoan, ích kỷ, phân biệt chủng tộc” ?
Thấy cái yếu của mình để cố gắng hơn, khác với ganh tị và thù ghét người khá hơn mình.
ThíchThích
Ở anh Hoành luôn toát lên những tình cảm của 1 người xa xứ với quê hương.Tôi rất trân trọng điều đó.Tôi cũng đang sống ở nước ngoài.Hồi còn đi học ở VN, sự căm ghét Pháp, Mỹ ngấm vào những đứa trẻ như tôi tự nhiên như hơi thở, lớn lên 1 chút là những ác cảm đối với T Quốc. Lý do tại sao?
Đến tuổi này, sau những trải nghiệm ở nhiều quốc gia, cách nhìn nhận của tôi đã hoàn toàn khác. Tôi không dạy cho con trai mình về VN như cách truyền thống mà nền giáo dục VN đang tuyên truyền về cái gọi là lịch sử. Vì nó không phải là lịch sử chân chính. Tôi vẫn nói với con tôi về những giao tranh của đất nước và cũng không “cứng họng” tránh né về những cuộc “nam tiến” mở rộng lãnh thổ, “khai hoang” của VN chúng ta. Tôi dạy con tôi về 1 VN bình thường như các nước khác và con người VN cũng thế. VN không phải là 1 chính nghĩa trong 1 thế giới phi nghĩa xung quanh cũng chẳng là 1 hiện tượng gì đó đặc biệt nổi trội để yêu quý. Con trai tôi yêu nước tự nhiên, gần gũi như nó yêu cha mẹ không phải bởi vì cha mẹ nó tốt hơn, nổi bật hơn những bậc cha mẹ khác.
ThíchThích
Tôi rất thích comments của bác Lê Văn Đức: “Con trai tôi yêu nước tự nhiên, gần gũi như nó yêu cha mẹ không phải bởi vì cha mẹ nó tốt hơn, nổi bật hơn những bậc cha mẹ khác”.
Đúng là như vậy. Cám ơn bác.
ThíchThích
E that bai viet rat hay.gia ma nhung ban dang ngoi tren ghe nha truong Kia deu Nghi Ve nhung dieu nho nhat nhu vay Thi Dat nuoc Tuong lai se giai dep
ThíchThích