Chào các bạn,
Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Thời kỳ thịnh hành nhất của hát Xẩm ở vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Là món ăn tinh thần hàng ngày của quần chúng lao động. Với cách biểu diễn theo lối kể chuyện ngẫu hứng, sự luyến láy da diết trong từng câu hát thể hiện mọi cung bậc cảm xúc của con người. Xẩm đề cập tới mọi vấn đề xảy ra trong xã hội đương thời.
Những ca từ của Xẩm thường theo thể thơ lục bát, có thêm các tiếng láy, đệm cho phù hợp với làn điệu. Xẩm có lúc là tiếng than cho những số phận bất hạnh, nghèo khổ bị trà đạp, đặc biệt là thân phận của người phụ nữ dưới thời phong kiến:
“Chị em ơi thương lẫn nhau cùng
Thuyền quyên nhỡ bước, để má hồng gian nan
Đêm ngày tôi nghĩ ngợi lo toan
Vất vả tại số, dở dang tại giời
Có may ra vào được chỗ giếng khơi”
(Xẩm Đất nước cảnh bèo)
Có lúc là tiếng diễu cợt, phê phán sâu cay những thói hư tật xấu của xã hội đương thời:
“Đương lúc đẹp giai, mỹ miều tài sắc
Mắc nghiện vào ủ rục thâm môi
Ấy còn tiền hút mãi không thôi
Nhỡ ra một bữa, rụng rời chân tay
Mũi đã xổ lại hay ngáp vặt
Bụng đã đau lại gắt vợ con
Ấy ước chi được điếu sái hòn”
(Xẩm Thuốc phiện)
Có lúc lại là tiếng cười dí dỏm về cuộc sống:
“Người nằm xuống để cho lợn cạo lông.
Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi.
Nắm xuôi chiêm nuốt thằng bé lên mười
Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao”
(Xẩm Ngược Đời)
Xẩm đôi khi là lời tỏ tình, lời tâm sự thể hiện tình vợ chồng, tình mẫu tử.
“ Chàng ơi nghe thiếp dặn lời này
Cái đạo phu thê kết tóc ở đời
Đói lo ta sẽ lấy nhời bảo nhau
Anh khuyên em đừng nề, chớ ngại cháo rau..”
(Xẩm Nhời này)
Xẩm cuốn người nghe thả hồn mình theo từng câu hát nhờ tiếng ca mộc mạc đầy cảm xúc nhưng cũng rất tinh tế, ngẫu hứng với những luyến láy, đong đưa câu chữ của các anh Xẩm, chị Xẩm – các nghệ sĩ hát rong, chủ yếu là những người khiếm thị. Cùng lời hát là sự hòa âm tuyệt vời giữa Nhị, Sênh, Phách và đàn Mảnh – ngoài ra còn có thể có thêm đàn bầu, trống Cơm hoặc Sáo.
Làn điệu đặc trưng và nổi tiếng nhất của Xẩm có lẽ là điệu xẩm Thập Ân. Xẩm Thập Ân nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Một ân kể từ lúc mang thai đến mười ân là lúc con con, cháu cháu đuề huề. Cả một chặng đường dài với bao nhọc nhằn, gian khó cha mẹ dành chịu về mình để nhường lại sự đầy đủ no ấm cho các con.
“Ướt thời mẹ chịu đành tâm
Ráo xê con lại con nằm cho êm
Đốt ngọn đèn, con ơi suốt cả thâu đêm
Chờ cho con đi ngủ ấm êm mẹ nằm
Mong mấy ngày con ơi thì mong tháng mong đủ cho đầy năm.”
(Xẩm Thập Ân)
Người thể hiện làn điệu này hay hơn cả có lẽ là nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) được cho là người cuối cùng còn hát Xẩm ở thế kỷ 20, sinh năm 1917 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Khi nghe nghệ nhân Hà Thị Cầu hát ta có cảm giác như cụ đang kể về chính cuộc đời gian truân vất vả của mình vậy:
“Vất vả xa gần, ai vò mà rối, ai dần mà đau.
Một mình đứng tủi ngồi sầu
Than thân rằng chả bạc rầu với hoa.
Thương thay chút phận đàn bà,
Những điều vất vả ấy là lời chung”
(Xẩm Hà Liễu)
Tiếng Nhị của cụ réo rắt, da diết cứa vào tận đáy lòng mỗi người nghe. Cụ Cầu còn có thể cùng một lúc vừa chơi nhị, đánh trống, phách bằng cả tay và chân, vừa nhai trầu vừa hát. 🙂
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực nhằm bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo này để trình UNESCO công nhận hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Và cũng thật vui khi nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng đã tìm được truyền nhân, ca nương Vũ Thị Thu Sợi (SN 1993) – Giải đặc biệt cuộc thi “Giọng hát chèo hay” của tỉnh Ninh Bình hai năm 2004, 2005, giải B Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc năm 2007, mới đây nhất là giải B Liên hoan tiếng hát dân la toàn quốc 2011. Mấy ngày nay có tin tức không tốt về sức khỏe của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Mong sao cụ mau chóng khỏe lại để tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau loại hình âm nhạc đặc sắc này.
Giữ gìn hát Xẩm cho muôn đời sau không chỉ nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền, các nghệ sĩ, học trò tâm huyết và đam mê Xẩm, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta – người “tiêu dùng” – nghe, yêu thích, tự hào và quảng bá rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Viêt .
Thập Ân Phụ Mẫu
(Trích lược)
Nghĩa mẹ sinh thành, chớ có quên công cha ngãi mẹ sinh thành
Mẹ mang con chín tháng, thai sinh một dạ, trong lòng mẹ chả ngại tanh rơi
Nuôi con từ thở trứng nước, ngây thơ
Chớ có quên công cha ngãi mẹ sinh con ra
Công mẹ cũng lắm, công cha thời nhiều, là khi bồng bế cơm sữa nâng niu
Sinh con trai, con gái
Công lao cha mẹ thì nhọc nhằn, cho đêm ngày con bú con ăn
Đêm nằm quần áo, chiếu chăn nó ướt đầm đầm
Ướt mấy thời mẹ chịu đành tâm, ráo xê con lại con nằm cho nó êm
Đốt ngọn đèn con ơi suốt cả thâu đêm, chờ cho con đi ngủ ấm êm
Mẹ nằm mong ngày, con ơi thì mong tháng mong đủ cho đầy năm
Mong bao giờ được, lớn khôn bằng người
Trước là con thành kính con phải đạo trời
Kính thời đôi bên cha mẹ là người hiếu trung
Công thái sơn phụ mẫu ngàn trùng
Đói nghèo mẹ khuyên con cứ ở hiếu trung thảo hiền
Cha mẹ thì thời phòng khi chân yếu tay mềm
Đền cơm trả sữa kẻo phiền mẹ cha
Nuôi con mong con tươi tốt được bằng hoa.
Phòng khi mình già mà tuổi luống, cha già nhờ con
Bõ công con lội suối trèo non
Cha tu nhân, mẹ còn tích đức cho con sau này
Ở có tiên, con ơi thời hậu được vấy hay
Cha giồng cây đức, mẹ ơn giầy đền ân
Trong phép làm người mẹ khuyên con giữ đạo lý hiếu thân
Cảm thương cha mẹ, ân cần ra con mặc lòng ai thời phải đạo làm con
Phải nhớ đến công cha mẹ lại càng nhớ thương
Đường thập ân nói đến cha mẹ con thương
Lặng mà nghe tôi kể đoạn trường khúc nhôi
Kể từ một ân trong lòng mẹ mới có thai
Âm dương nhị khí, nào ai biết gì nơi trong lòng mẹ chịu sầu bi
Miệng thời cay đắng, dạ thời mẹ héo hon
Bữa cơm ăn mẹ ăn không, biết miếng ngon
Lòng mẹ đắng cay chua xót về con đêm ngày
Sang đến hai ân mà công cha ngãi mẹ biết bao tày
Mẹ mang con chín tháng, có thai nặng nề
Thương con mẹ đi sớm về trưa
Của ngon vật lạ mẹ chả hề ước ao
Mang mẹ cùng con thì khó nhọc đã ôm giao
Não nề mẹ chịu, quản bao công trình
Sang tới ba vừa tới tháng sinh
Khác gì ruột mẹ một mình ái ương
Kể từ, con ơi thập nguyệt thai dương
Thêm vào mẹ mang mẹ cùng con nhọc nhằn
Có mang con vật lạ mẹ không ăn
Đã được chín tháng mẹ trông mong cho nó đủ mười ngày
Mong tới tuần bông hoa nở liền tay
Bao giờ con đấy cha mẹ thì đứng đây với mừng
Quý con lạng vàng con ơi cân giá đạ nào bằng
Lưng bằng thì bằng ngọc coi bằng bông hoa
Láng thấy tai nghe thời con khóc ở trong nhà
Tuy nó đau lòng mẹ, nhưng mà được làm con
Công sinh thành đạo đức bằng núi non
Vì con cha mẹ chịu chiếu giường tanh hôi
Đường cù lao vất vả con ơi, góc bể bên trời lai láng cồn toan
Sang đến bốn ân nuôi con tha thiết mẹ cơ hàn
Tanh rơ mà lai láng, chứa chan ướt đầm
Chỗ ướt thời mẹ chịu cho đành tâm
Ráo xê con lại con nằm cho nó êm
Đốt ngọn đèn con ơi suốt cả thâu đêm để chờ cho con đi ngủ ấm êm
Mẹ nằm mong mấy ngày con ơi mong tháng mong đủ đầy năm
Năm ân con sài ghẻ con cam
Của ngon vật lạ, mẹ không ham không hề
Bao nhiêu của lạ vật gì
Miếng ngon miếng ngọt cha mẹ nhường thì để cho con
Miếng nào cay đắng không ngon
Chịu khó mẹ ăn vậy cho con nhưng là
Sang đến sáu ân nuôi con phải đứa hay khóc cha mẹ mà lo thay
Ru đêm mẹ quên ngủ, ru ngày mẹ quên ăn
Sang đến mùa đông trời làm cho giá rét căm căm
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo mẹ để xê con
Thiếu gì của lạ miếng ngon, thiếu gì thịt cá, giò nem ngọt bùi
Bữa cơm mẹ ăn với muối, mẹ lại khen bùi
Cái bát nước nhân trần uống vào đắng ngắt trả biết màu gì ngon
Sang đến bảy ân mẹ giật mình về lúc con lên hoa
Biết bao cha mẹ khó nhọc xót xa đêm ngày
Tha hồ cha mẹ nặng nhọc, đắng cay
Tổn bao tiền của, thuốc ông thầy quản chi
Trông mong con từng cự từng kỳ
Cha mẹ lo cho chúng con từng tí, tí tị từng ti
Lo hoa con đau lòng cha mẹ chả an thân
Ới con ơi lòng cha mẹ nát, lo vì con
Thương thay lòng mẹ ngồi bế con
Nước mắt nó chảy ra cuồn cuộn
Như nguồn non xanh
Đói lo bấm gan mẹ nhịn cho đành
Cầu cho con khỏe mạnh lành là hơn
Sang đến tám ân kể bao siết nỗi nguồn cơn
Thời lòng cha mẹ, nhi quên bối sầu
Bể trời rộng cả cao sâu
Ai lấy câu mà nhắc, ai hầu được chưa
Cha mẹ lo cho chúng con ngày tháng đã thoi đưa
Để dương cao thì bay ráo
Bây giờ đã hay, nào là Quế, Nhung tiền nợ ông thầy
Lo cho con hết bao nhiêu của, đêm ngày vì con
Thương thay lòng mẹ vì con
Gia tài cơ nghiệp vì con nhưng là
Mừng có cầu cao bể rộng đã qua
Bây giờ cha mẹ mới đà an than
Con lớn khôn đôi bên cha với mẹ đã mừng thầm
Đêm khuya hoàng cầm, dạy bảo mà nuôi
Trông thấy con ăn nói đã tươi cười
Bây giờ cha mẹ vấy nguôi trong lòng
Trông thấy con tươi tốt đẹp đẽ thì hình rong
Bây giờ cha mẹ bằng lòng dưỡng sinh
Sang đến chín ân, nuôi con nay đã trưởng thành
Gái trai định liệu học hành đèn sách thì văn chương
Trai với thời cho thi đỗ khoa trường
Khôi nguyên thì nhất cử bảng vàng đề danh
Cô con gái thời cha mẹ thì lại dạy hiển vinh
Dạng rỡ muôn đình, rể ngọ sang đông
Sang đến mười ân nuôi con đủ cả vợ chồng
Con con thì cháu cháu, chắt chắt thong rong được thọ trường
Cả gì hơn ông bà phụ mẫu đại đường
Tử tôn huynh thịnh văn chương đời đời
Chuyện thập ân từ đó mà thôi.
Mời các bạn cùng nghe nhé!
Phần mở đầu của Thập Ân Phụ Mẫu
Phần nói về mười ân
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Xam-Thap-An-Ha-Thi-Cau/IW677AOA.html
Cuộc đời của nghệ nhân Hà Thị Cầu được đạo diễn Lương Đình Dũng phác họa bằng 35 phút hình tư liệu quý báu. Anh quay cụ trong suốt hơn 2 năm, với hơn 1.200 phút, và dựng phim trong suốt 3 tháng. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ : “Thông qua cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu, tôi muốn người xem hiểu được rằng, trong tiếng hát xẩm là tình người lớn lao và tình yêu âm nhạc đã hóa giải tất cả những nỗi bất hạnh của đời cụ. Với tôi, cụ là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những loạn lạc, binh biến, cụ đối diện với những sự rẻ rúng khinh khi của người đời bằng tiếng hát và một tấm lòng nồng hậu”. (Theo Dân Việt)
Xẩm đỏ nói về cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu
Nguyễn Chí Thuận
Nguồn tham khảo:
1. Wikipedia : http://vi.wikipedia.org/wiki/X%E1%BA%A9m
2. Nghệ thuật hát Xẩm : http://www.hoiquandisan.com/showthread.php?1833-Ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-X%E1%BA%A9m
3. Bài viết của Bùi Trọng Hiền: http://tranquanghai.info/p2678-bui-trong-hien-%3A-hat-xam%3A-tieng-long-chang-nhe-mai-hat-hiu!.html
4. Nghệ nhân Hà Thị Cầu: http://danviet.vn/120783p1c30/nghe-nhan-hat-xam-ha-thi-cau-nhu-ngon-nen-truoc-gio.htm
5. Các loại đàn trong hát Xẩm : http://hatvan.vn/forum/showthread.php?t=17708
6. Truyền nhân của hát Xẩm : http://dantri.com.vn/xa-hoi/gap-hau-due-cua-nghe-nhan-hat-xam-ha-thi-cau-479112.htm
7. Xẩm Đỏ: http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2208-cuoc-doi-ba-cau-qua-loi-xam-do.aspx
8. Xẩm : Nghệ thuật cội nguồn của dân gian http://www.baomoi.com/Home/GiaiTri/baotintuc.vn/Hat-Xam–Nghe-thuat-cua-coi-nguon-dan-gian/7334017.epi
9. Xẩm: Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp http://baoninhbinh.org.vn/news/8/2DE2A9/Hat-Xam-Di-san-van-hoa-phi-vat-the-can-duoc-bao-ve-khan-cap
10. Xẩm Đỏ : Lương Đình Dũng : http://danviet.vn/54449p1c30/ky-hoa-motbau-vat-dan-gian.htm
Bộ phim về nghệ nhân Hà Thị Cầu thật nhiều ý nghĩa. Bà hát suốt 80 năm. Cuộc đời bà gian khó, cùng cái gian khó chung của lịch sử dân tộc nhưng giọng hát của bà, em cảm tưởng, nhẹ tênh..
Nghe bà hát, tưởng chừng như có thể thấy thời gian và không gian của 80 năm trước, khi 3 vợ chồng bà cùng ngồi chung manh chiếu nhỏ dưới gốc cây gạo của buổi chợ quê, người phách, người đàn, người hát, cứ vậy mà ngẩn ngơ bao thế hệ..
Em cảm ơn anh Thuận đã giới thiệu.
ThíchThích
thanks……….
ThíchThích
Hôm nay xem bài về chầu văn lại nghĩ đến xẩm. Chầu văn và xẩm có phải … là một? Câu trả lời là không phải, và em lần mò về lại bài này.
Dân Hà Nội hay đùa nhau “hát xẩm”, khi chê một người hát … dở quá, nghe không nổi. Nhưng thành thật là em thích nghe hát xẩm. Cái trò ỉ ôi, nỉ non, kể lể… có lẽ cũng là một làn điệu gì đó chảy trong máu rồi. Không nói hay hay không hay, nhưng nghe thấy … quê hương mình, thấy vui vui. Vậy thôi.
Trong các bài xẩm, em thích nhất bài “Giăng sáng vườn chè” http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=xzHOWD4DIZ
Có lẽ vì em vốn kém nghe lời nhạc, chỉ có bản này là khá rõ chữ và em … hiểu được câu chuyện! Câu chuyện cũng đáng yêu lắm. Cả nhà nghe nha.
Cám ơn anh Thuận giới thiệu lại các làn điệu dân ca bắc bộ với nhà mình. 🙂
ThíchThích
Vui quá, vậy là nhà mình có rất nhiều “fan” của Xẩm ^.^. Cảm ơn Thu Hương, Cao Cam Lam, và Quỳnh Linh nhiều nha. 🙂
ThíchThích
Hôm nay, ngày 3/3/2013, nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời.
“Báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu qua đời
(Dân trí) – Nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” của môn nghệ thuật hát xẩm đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 30 trưa nay, ngày 3/3 tại nhà riêng ở Yên Mô, Ninh Bình.
“Tôi được anh Lới, con rể cụ Hà Thị Cầu báo tin bu đã qua đời trưa nay mà hụt hẫng vô cùng. Dù biết tình trạng ốm nặng kéo dài hơn một tháng, không nói được của bu nhưng tôi vẫn không tin được giọng hát dân gian độc đáo, thiên tài của nước nhà đã ra đi mãi mãi’, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa – học trò của cụ Hà Thị Cầu nghẹn ngào.
“Báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu qua đời
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết, cụ Hà Thị Cầu ra đi vào 12 giờ 30 trưa nay, ngày 3/3, hưởng thọ 79 tuổi. Lễ khâm niệm sẽ diễn ra sáng ngày mai, 4/3 và lễ an táng cụ Hà Thị Cầu tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ, vì tin dữ đến quá bất ngờ, chị đang đi lễ chùa nên phải đến ngày mai chị mới kịp đến tiễn biệt cụ. Chị cho biết, trước Tết chị và nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Quang Long… cũng về Ninh Bình thăm cụ. “Thấy sức khỏe của bu héo mòn, kiệt quệ mà buồn vô hạn. Mấy người bảo nhau đàn hát bên cạnh giường bu mới thấy sắc mặt bu tươi tỉnh hơn. Trước, mỗi lần gặp mặt bu đều cấu véo, mắng yêu giờ thì không nói nổi nên lời”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa thở dài.
Từ trái qua: Nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đến thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu dịp trước Tết
Học trò nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu cũng khẳng định sẽ tiếp bước nghệ thuật hát xẩm. Chị nói, trước khi cụ Hà Thị Cầu mất, các học trò của cụ đã bảo nhau quyết tâm gìn giữ nghệ thuật dân gian độc đáo này.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của cụ, theo cách mà ở vùng Yên Mô, Ninh Bình), sinh năm 1917, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, Hà Thị Cầu cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Khi lên 8 tuổi, cụ đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con cụ nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình. Sau đó cụ Hà Thị Cầu trở thành người vợ thứ của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu).
Khi nghệ nhân hát xẩm gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho người vợ 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa. Hiện tại cụ Hà Thị Cầu sống cùng vợ chồng người con gái.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt nhiều huy chương vàng, giải thưởng đặc biệt. Cụ từng nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.
Cụ Hà Thị Cầu đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 25/12/2004 và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Cụ cũng được nhân dân thương mến coi là “báu vật nhân văn sống” của môn nghệ thuật hát xẩm.
Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Nguyễn Hằng
ThíchThích
Cụ bà đã đến lúc nghỉ ngơi.
Mong là cụ bà đã có được một vài học trò nối nghiệp.
ThíchThích