Luật tắt của Tư duy tích cực

Chào các bạn,

Trước đây chúng ta đã nói rằng các quy luật tư duy tích cực là các quy luật ngược bình thường, hoạt động không như cách người bình thường suy nghĩ và hành động. Như là, khiêm tốn hèn mọn thì lại cho người ta sức mạnh vô địch, còn người lúc nào cũng tôi tôi thì lại không có được sức mạnh bên trong. Hôm nay chúng ta đi một bước xa hơn về các nguyên lý tư duy tích cực bằng một nguyên tắc thực hành giản dị.

Hãy quan sát một chút về hiện tượng các quy tắc tư duy tích cực (“TDTC”) thường ngược với các quy tắc ứng xử bình thường (“BT”). Ví dụ:

BT: Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn. TDTC: Quân tử không trả thù.
BT: Người hạ nhục ta, ta hạ nhục lại. TDTC: Người hạ nhục ta, ta mỉm cười.
BT: Bảo vệ danh dự ta với mọi cách. TDTC: Cái “danh” là hư ảo.

Vậy thì, dù là ta có thể nói rất nhiều về ứng xử tích cực trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong đại đa số trường hợp nguyên tắc vẫn là: Cách ứng xử tư duy tích cực ngược lại với cách ứng xử bình thường. Cho nên phương pháp giản dị nhất để thực hành tư duy tích cực là ứng xử ngược với lối suy nghĩ bình thường .

BT : Người nói xấu ta, ta giận. TDTC : Người nói xấu ta, ta bỏ qua và không giận.
BT: Phải có danh gì với núi sông. TDTC: Không chạy theo danh.
BT: Làm nhiều tiền để phục vụ đời. TDTC: Phục vụ đời, dù có tiền hay không.
BT: Ghét người làm tội. TDTC: Ghét tội, nhưng vẫn thương người làm tội.
BT: Thấy người sai thì chỉnh. TDTC : Thấy người sai thì nghĩ rằng họ vẫn có thể đúng.
BT: Người yêu bỏ ta thì hận. TDTC: Người yêu bỏ ta thì cầu nguyện cho người hạnh phúc.
BT: Tranh luận. TDTC: Chia sẻ.
BT: Thắng thua. TDTC: Đồng cảm.
BT: Mọi sự ta được là do ta. TDTC: Mọi sự ta được là do công ta và ơn trời.
BT: Lúc này đang xui. TDTC: Lúc này đang có các bài học cao cấp và khó.

Đại loại là thế. Trong đại đa số các trường hợp, chúng ta cứ lật ngược cách ứng xử bình thường của ta, thì nó sẽ thành tư duy tích cực. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, ta đã tư duy tích cực rồi thì đương nhiên là không cần lật ngược. Và mỗi người chúng ta tự biết các trường hợp đó là gì cho chính mình.

Mong rằng “luật tắt” này có thể giúp các bạn và làm cho hành động tư duy tích cực trở thành giản dị hơn mỗi ngày.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 8 thoughts on “Luật tắt của Tư duy tích cực”

  1. Chào anh Hoành,
    “BT: Làm nhiều tiền để phục vụ đời. TDTC: Phục vụ đời, dù có tiền hay không.”
    Em nghĩ là có tiền để phục vụ đời thì vẫn hơn chứ anh. Nhiều lúc em đọc báo thấy các hoàn cảnh khó khăn, rất muốn gửi tiền ủng hộ mà không có, nhất là những người bệnh không có tiền để phẫu thuật.
    Có thể hiểu luật nhân quả ở những người nghèo và bệnh tật, khổ sở thế nào hả anh? Kiếp trước họ làm những việc xấu, gây bệnh tật cho người khác chăng?

    Thích

  2. Hi Minh,

    Dĩ nhiên là có tiền vẫn hơn không có tiền. Nhưng phục vụ đời dù có tiền hay không, đừng đợi đến khi có tiền mới phục vụ đời, vì đa số người nghĩ thế thường không bao giờ cảm thấy họ có đủ tiền.

    Em khỏe nhé.

    Thích

  3. Thưa anh,

    Câu “có thực mới vực được đạo” người ta nói đó là do ông bà xưa nói, và như vậy lo kiếm ăn mới là sống thực tế. Em xin hỏi em có thể hiểu câu này như thế nào ạ?

    Thích

  4. Hi Mỹ Huệ,

    Câu “có thực mới vực được đạo” là một trong những câu bị lạm dụng nhiều nhất và bị hiêu sai nhiều nhất trong văn hóa Việt Nam, cho nên anh phải trả lời đầy đủ một tí.

    • Bất kì câu nói nào chỉ thực sự có ý nghĩa khi mình biết người nói là ai trong hoàn cảnh nào. “Tôi yêu vợ tôi” do một ông mới vừa ngồi đấm bóp chân cho vợ nửa tiếng đồng hồ nói thì khác với một ông mới cho vợ một tát tai nói (Tôi yêu vợ tôi, nên tôi phải dạy nó. Thương cho roi cho vọt).

    • Câu “có thực mới vực được đạo” đúng nghĩa là “Có ăn mới giữ đạo được.”

    • Trước hết trên phương diện quản lí xã hội, nhà nước lo cho dân đầy đủ thì mới có thể làm cho dân giữ được đạo lý, bớt tội ác.

    • Nếu người ăn trộm, mà nói câu này với ông tòa, đương nhiên ông tòa sẽ nổi nóng: “Chú mày đã ăn trộm mà còn già mồm láu cá”. Tuyên án tối đa.

    Nhưng nếu luật sư bào chữa nói với ông tòa: “Thưa qu‎ý tòa, quý tòa cũng thấy thân chủ tôi quá nghèo, con lại bị bệnh, thành ra túng quá hoá quẩn, xin tòa hiểu dùm,” thì may ra tòa sẽ thông cảm mà khoan hồng.

    Cho nên, câu này KHÔNG BAO GIỜ ta có thể dùng để tự bào chữa cho hành động của chính mình. Không bao giờ nói “Tôi đang kẹt, dẹp bỏ dạo lý qua một bên.” Nói cho chính mình thì luôn luôn phải là: “Dù đói tôi cũng không ăn trộm.”

    • Trong thực tế, những người tự nói câu này cho mình, chẳng ai là thiếu “ăn” cả. Thiếu ăn hối lộ thì có.

    • Còn Mỹ Huệ nói “lo kiếm ăn mới là sống thực tế” thì đương nhiên rồi. Không kiếm ăn thì lấy gì mà ăn. Nhưng “kiếm ăn” có nghĩa là “kiếm miếng ăn bỏ vào miệng để sống” hay chỉ là kiếm tiền kiếm tiền mà không cần bỏ một tí thời gian nào cho xã hội—như là nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ một tuần để tham dự việc công ích, như “Phong trào cùng nhặt rác để làm sạch đường phố”–hoặc chỉ kiếm tiền mà không cần biết “đạo nghĩa”?

    Nói chung là tùy người nói để hiểu câu nói. Nhưng câu “có thực mới vực được đạo” không phải là câu dùng để tự bào chữa, vì chẳng bao giờ nghe lọt tai, chẳng bao giờ đúng, và nếu ở trong tòa dùng câu đó để tự biện hộ cho mình thì đúng là tự tử.

    Em khỏe nhé.

    Thích

  5. Cám ơn Thiên Ân đã nhắc nhở World Animal đây. Khi nào có mấy ngày như vậy, Thiên An viết dùm cho một bài về ngày đó để post thì hay biết mấy. Cám ơn trước nha.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s