Phê phán xây dựng hay lải nhải tiêu cực?

Chào các bạn,

Chúng ta ai cũng muốn đóng góp vào việc giúp người khác tốt hơn, làm cho thế giới ta sống đẹp hơn, với những phê phán xây dựng. Tuy nhiên, rất thông thường ta có thể thấy được, nhiều người lải nhải tiêu cực hơn là phê phán xây dựng. Phê phán xây dựng, luôn luôn có tư duy tích cực tiềm ẩn trong đó, làm môi trường ta sống tích cực hơn. Lải nhải tiêu cực mang gió tiêu cực đi khắp nơi, chỉ làm cho không khí thêm tối tăm u ám bứt rứt khó thở mà chẳng đem lại lợi ích nào hết. Một đằng là ánh sáng, một đằng là bóng tối. Vậy thì làm thế nào phân biệt sáng tối, biết đâu là phê phán xây dựng và đâu là lải nhải tiêu cực, để hành động cho đúng?

Đôi khi phân biệt phê phán tích cực và lải nhải tiêu cực cũng hơi khó. Tuy nhiên trong đa số các trường hơp, các tiêu chuẩn phân biệt sau đây sẽ giúp chúng ta nhận diện sáng tối:

1. Phàn nàn chung chung mà không có việc gì cụ thể, không liên hệ đến người nào cụ thể, là lải nhải tiêu cực. Ví dụ: Chính quyền toàn là một lũ tham ô; doanh nhân toàn là một lũ xảo trá; thời thế loạn lạc sâu bộ cai trị người; công giáo toàn là một lũ bán nước; Phật giáo toàn là một lũ dốt; Trung quốc là lưu manh không tin được; Hồi giáo là cực đoan khủng bố; Mỹ là lũng đoạn chính trị các nước khác …

2. Khi nói đến người hay việc cụ thể, cũng chỉ phê phán chung chung mà chẳng đưa ra được điều gì cụ thể, đó là lải phải tiêu cực. Ví dụ: Ôi anh chàng dốt đó mà giám đôc giám điếc gì; xây cái cầu chỗ này là ngu; lại một dự án dốt nữa của nhà nước…

Nếu đã đưa ra các kết luận chung thế, thì phải đưa ra các sự kiện cụ thể chứng minh được kết luận của mình. Không có sự kiện cụ thể mà kết luận phê phán, là lải nhải tiêu cực.

3. Khi đưa ra các l‎ý lẽ để phê phán, thì các l‎ý lẽ phải liên hệ đến sự việc; nói lăng nhăng các sự việc không liên hệ là lải nhải tiêu cực. Ví dụ: Năm năm trước cũng UBND của thành phố này quyết định xây cầu Bến Thủy, 2 năm sau cầu sập một góc. Năm ngoái UBND lại cho xây công viên Xuân Hồng, xây xong lụt nước cây chết hết. Bây giờ dự án xây trường học này cũng sụp thôi.

4. Không nói đến các vấn đề liên hệ mà “tấn công cá nhân” là lải nhải tiêu cực. Ví dụ: Ôi, thằng đó tiếng tăm bồ bịch lung tung mà cho làm kiến trúc sư trưởng dự án này là xập cầu. Ôi, mấy thằng từ Nam Định vào đây mà cho lãnh thầu dự án này là tiêu tán.

Nói chung, khi phê phán một vấn đề gì, chủ đề phê phán phải cụ thể, và các lý lẽ phê phán phải cụ thể và liên hệ trực tiếp đến chủ đề.

Nhưng như vậy cũng chỉ mới là phê phán nửa chuyên nghiệp, chưa có phần “xây dựng” nào trong đó. Muốn được gọi là phê phán xây dựng, thì người phê phán cần đề nghị một biện pháp mới, khác với biện pháp mình đang phê phán. Hay ít ra thì cũng đề nghị một vài sửa đổi trong biện pháp có sẵn. Chỉ phê phán mà không đề nghi giải pháp thì đa phần là lải nhải tiêu cực–có lẽ giải pháp đang có là giải pháp tối ưu rồi, cho nên người phê phán cũng chẳng nghĩ ra được thay đổi nào mới.

Ngoài ra, người có tư duy tích cực thì khi phê phán vấn đề gì đó thì cũng cần lên tiếng khen các điều hay trong đó. Không nên chỉ phê phán cái dở trong khi có cả trăm điều hay mà lại không nói đến. Ít ra cũng là một câu “Các điểm khác trong dự án này tôi chẳng thấy có vấn đề gì cả, duy chỉ có điều này là tôi thấy cần phải xét lại…”

Chúng ta cần phân biệt rất rõ thế nào là phê phán tích cực và thế nào là lải nhải tiêu cực, để tự mình tránh lải nhải, đồng thời giúp chặn đứng rác rến trong dòng thông tin của chúng ta. Các bạn có để ý đến từ “DÒNG thông tin” không? “Dòng” là một dòng sông. Nếu chúng ta cứ đổ rác vào nhiều quá, dòng sông đương nhiên sẽ đen kịt và hôi thối, không những không còn giúp ích gì cho ai được mà lại trở thành một hiểm nguy đe dọa sức khỏe mọi người.

Dòng thông tin trên Internet hiện nay có quá nhiều rác rến. Mọi người nhận rác, không thèm biết đó là rác hay không, tự động ấn nút chuyển tiếp đống rác đến 20 người khác, 20 người này lại tự động chuyển tiếp, mỗi người đến 20 người khác. Đầu ngày là một đống rác, đến cuối ngày ta đã có hơn 2000 đống rác nhập vào dòng sông! Thế thì dòng sông nào mà chịu nổi.

Trong kỷ nguyên thông tin, thông tin có tính cách quyết định thắng bại. Cho nên chúng ta hãy cùng tâm niệm bảo vệ dòng thông tin của chúng ta càng trong xanh càng tốt. Đừng làm ô uế môi trường.

Hãy giúp cho môi trường chúng ta sống trong sạch và hữu ích. Mỗi người hãy làm công việc vệ sinh của mình—nói năng tử tế chính xác, và không chuyển rác và tăng rác.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ: Làm thế nào để phê phán tích cực

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Phê phán xây dựng hay lải nhải tiêu cực?”

  1. Cảm ơn anh Hoành, đúng là phải phê phán có tính xây dựng, còn không thì đừng chê gì cả 🙂

    Like

Leave a comment