Category Archives: Kỹ năng thành thật

Mỗi ngày là một món quà

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu với các bạn một tác giả mới của ĐCN nhé – đó là Nhữ Hoa Quỳnh Nga.

Quỳnh Nga hiện đang học Master in Finance ở University of Porto, Bồ Đào Nha theo học bổng Erasmus Mundus.

Quỳnh Nga biết đến Đọt Chuối Non qua Thu Hằng. Cám ơn Hằng đã mang Quỳnh Nga tới ĐCN. 🙂 Continue reading Mỗi ngày là một món quà

Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết

 

Chào các bạn,

Khổng Tử nói: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy”.

Nhưng làm sao ta có thể biết ta không biết điều gì?

Thường thì ta biết ta biết điều gì—ví dụ nếu ta đã học nhạc 3 năm thì ta biết ta biết nhạc với kiến thức của người đã học nhạc 3 năm.

Nhưng nếu có một hành tinh như trái đất và một loại sinh linh gần giống người trên hành tinh đó, cách ta mấy trăm triệu năm ánh sáng. Chẳng ai biết sự hiệu hữu của hành tinh đó cả, thì làm sao ta biết là ta không biết đến hành tinh đó?

Continue reading Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết

Chuẩn mực sống thành thật

Chào các bạn,

Những chuẩn mực đạo đức từ ngàn xưa cho đến ngày nay vẫn còn là chuẩn mực đạo đức, và vẫn được con người tôn trọng mạnh mẽ, và vẫn là chuẩn mực sống hàng ngày cũng như là nền tảng cho mọi hệ thống luật pháp và luân lý của mọi quốc gia.

Trong ba đức tính chúng ta nói đến thường xuyên trên Đọt Chuối Non—khiêm tốn, nhân ái và thành thật—thì khiêm tốn và nhân ái thường là tiêu chuẩn trần, tức là tiêu chuẩn của các việc nên làm, và không có giới hạn. Tức là nếu bạn không khiêm tốn và không nhân ái, sống rất kiêu căng và ích kỷ, thì cũng chẳng tội vạ gì. Chỉ là sẽ có lúc cực thân bạn, và rất cô đơn, thiếu thốn tình yêu và chia sẻ của mọi người khác.

Continue reading Chuẩn mực sống thành thật

Ngưng phàn nàn, sống thành thật

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta bàn thêm một tí về thành thật mà ta đã nói trong bài Làm thế nào để thành thật.
behonest
Vấn đề lớn về tình trạng nhiều gian dối trong đất nước chúng ta hiện nay là đa số mọi người nghĩ rằng “ta phải gian tham thì mới thành công, và người thành thật là người sẽ chịu thiệt thòi”. Không cần biết điều này đúng hay sai, nếu ta nghĩ thế thì nó sẽ thành sự thật như thế, bởi vì nếu ta nghĩ thế ta sẽ hành động thế–ta gian tham để thành công—và vậy thì cả đất nước sẽ biến thành đất nước “Gian tham để thành công.” Đây là “Lời tiên tri tự hòan thành” (self-fulfilling prophecy) mà chị TD vừa nhắc đến trong bài Hiệu ứng Pygmalion.

Nếu chúng ta cứ suy tư (và hành động) như cũ—tức là phàn nàn về tình trạnh gian tham trong nước—thì ta chẳng giải quyết được gì cả. mà chỉ làm cho vấn đề thành trầm trọng thêm, vì càng phàn nàn ta càng tin điều ta phàn nàn, mà càng tin thì ta càng có khuynh hướng sống theo “sự thật” ta tin, tức là mọi người tiếp tục sống theo kiểu gian tham.

Cách giải quyết vấn đề DUY NHẤT là nghĩ và nói rằng “Thành thật sẽ đưa đến thành công” và sống thành thật như thế để thành công. Và điều này rất dễ làm, không có ly’‎ do gì người nào có thể nói là khó. Nếu trong nhà nước cần băng đảng, và bạn cho rằng bạn không thành thật được, thì ra ngoài làm tư. Trong nền kinh tế tư nhân, khách hàng chỉ muốn sống với các công ty đáng tin cậy, nếu bạn đáng tin cậy thì bạn sẽ thành công, nếu không thì phải đóng cửa. Khách hàng không muốn gian dối.

Tức là thay vì phàn nàn, hãy ngưng phàn nàn và sống thành thật, đồng thời dạy bảo khuyến khích người khác sống thành thật để thành công. Tức là chúng ta phải đổi môi trường tíêu cực (của phàn nàn về gian dối) thành môi trường tích cực của thành thật, bằng chính hành động thành thật của mình.

Chúng ta không thể lấy đi bóng tối bằng cách ngồi nguyền rủa chưởi bới bóng tối. Ta phải thắp lên một ngòn đèn bằng tấm gương tích cực thành thật của ta.
integrity
Các bạn hơi lớn tuổi một tí chắc chắn đã nghiệm ra điều này. Trong vòng mấy mươi năm nay, chúng ta phàn nàn hết việc này đến việc kia, và đa số những việc ta phàn nàn nhiều thì càng ngày càng tệ hại, từ thập niên này qua thập niên kia. Vì sao? Vì đó là nguyền rủa bóng tối, chẳng nên công cán gì. Vì đó là “lời tiên tri tự hòan thành”. Vì đó là “hiệu ứng Pygmalion.”

Cho nên chúng ta nên ngưng làm thức giả, ngưng làm kẻ sĩ than khóc, ngưng làm nhà đạo đức phán đoán, mà chỉ làm một việc thôi—thành thật—rồi để ngọn nến nhỏ đó rọi sáng một khoảng phòng, và từ từ đốt sáng các ngọn nến gần đó.

Hãy tự hỏi mình: Tôi có thành thật không? Tôi có hành động thành thật không? Nếu có, tôi có cố để ngày mai tôi thành thật hơn ngày hôm nay một tí không? Và tôi có kêu gọi mọi người chung quanh tôi thành thật không?

Nếu bạn tin rằng, xã hội chúng ta có quá nhiều gian dối, thì ít nhất tin thêm rằng, nếu bạn thành thật bạn sẽ nổi bật giữa đám người gian dối như viên kim cương giữa bãi cát. Nếu nổi bật thế thì cơ hội để bạn ảnh hưởng tốt đến người khác có thể rất cao.

Chỉ có một cách giải quyết vấn đề, không có cách thứ hai: Ngưng phàn nàn về gian dối , và sống thành thật. Vấn đề của chúng ta là chúng ta phàn nàn về gian dối, và ta sống thiếu thành thật. Hãy làm điều ngược lại: Ngưng phàn nàn về gian dối, và bắt đầu sống thành thật. Bạn có thể làm được điều đó không?

Không được cũng phải được, vì chữ tín là thành trì cuối cùng của đạo làm người.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Làm thế nào để thành thật

Chào các bạn,

Trong một phim xi-nê mình xem đã khá lâu, một nhóm khoa học gia tạo dựng một đứa bé, hình như là bằng cloning (tạo từ tế bào mẫu) thì phải. Đứa bé lớn lên khỏe mạnh và bắt đầu biết nói như bình thường. Rồi một hôm nọ, đứa bé nói dối một câu gì đó, đó là câu nói dối đầu tiên em nói, và cả nhóm khoa học gia nhảy lên vui mừng, “Ô, nó nói dối, nó nói dối. Nó đã biết nói dối rồi.” Và đó là bằng chứng trí óc em đã tiến triển tốt, đến mức thông thái hơn.
honest
Phải chăng đó là sự phát triển tự nhiên của tâm trí con người. Trẻ em thì không biết nói dối. Bắt đầu khoảng 3 tuổi là đã học được nói dối chút xíu, thông thường là vì làm gì đó, như là làm vỡ cái gì đó, và không dám nhận tội với bố mẹ. Và càng lớn, khả năng nói dối càng tăng lên cao độ, đến mức thành nghệ thuật trong mọi lãnh vực nghề nghiệp, như là PR, tiếp thị, biện hộ, “đào mỏ”, hay lãnh đạo chính trị. Và rất nhiều người trong chúng ta nói dối một ngày 24 tiếng mà không thấy ngượng miệng, mà cũng có thể là không biết mình nói dối, cũng như người chửi thề quen miệng, mở miệng là chửi thề mà không biết là mình đang chửi thề 3 câu trong một câu nói.

Trong bài Tư duy tích cực và chiều sâu con tim, chúng ta đã nhắc đến năm đức tính làm người của Khổng tử, có thể đại diện cho mọi đức tính làm người trong mọi nền triết l‎ý khác—nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Và chúng ta có nói:

“Phan Bội Châu trong quyển Khổng Học Đăng có nói chữ “nhân” bao gồm tất cả các chữ khác. Và năm chữ “ngũ thường” này đi theo thứ tự quan trọng của nó: Nhân lễ nghĩa trí tín. Mất Nhân thì phải dùng Lễ. Mất Lễ thì phải dùng Nghĩa. Mất Nghĩa thì phải dùng Trí. Mất Trí thì phải dùng Tín.

“Theo mình thấy trong mấy mươi năm nay, ở nước ta, và ở cả nhiều nơi trên thế giới, có một luồng văn hóa tích cực dạy người ta không thành thật, tức là sống mà bỏ chữ tín, bỏ cái thành thật đi, sống theo kiểu giành giật lươn lẹo, và cho đó là thức thời.

“Chính sức mạnh dữ dội của luồng văn hóa đó đã gây ra bao nhiêu dối trá trộm cắp trong xã hội. Chúng ta phải đứng vững, vận động gạt luồng văn hóa đó ra ngoài, trước hết là trong tim mình, sau đó là thuyết phục những người chung quanh.

“Chữ Tín là thành trì cuối cùng, chữ cuối cùng, trong đạo làm người; mất chữ này là ta đã mất hết cả năm chữ của đạo làm người.

“Đây là vấn đề lớn cho đất nước và cho cả guồng máy giáo dục (vì thế, ta có chiến dịch nói “Không” với tiêu cực trong giáo dục). Chúng ta phải vững tâm để xua luồng văn hóa dối trá đi xa. Nếu không thì rất khó phát triển đất nước. Chỉ trong một ngôi trường nhỏ, thiếu chữ tín là bao nhiêu xào xáo đã xảy ra rồi, huống chi là cả một nước.”

Trong phát triển kinh tế, chính trị, hay thương mãi, chữ tín cực kỳ quan trọng. Nếu nhà nước nói mà dân không tin, thì chẳng chính sách nào có thể thành công. Nếu người tiêu thụ không tin công ty, thì công ty sập tiệm. Nếu bạn có danh tiếng là lời nói không đáng tin, thì rất khó để tìm việc hay làm ăn.
honesty1
Nhưng làm sao ta thành thật?

1. Thành thật với chính mình

Người thứ nhất ta cần thành thật là với chính mình. Bạn đã gặpngười nào cứ mở miệng ra là làm người khác bực mình, hoặc vì nói chuyện đâm chọc, hoặc vô duyên, hoặc thiếu tế nhị, hoặc kiêu căng… nhưng người đó hầu như chẳng bao giờ biết mình có tật đó không?

Biết mình không phải là việc dễ.

Mình phải dành thời gian yên lặng mỗi ngày, quán sát mình một tí xem mình có kiêu căng không, có hay thiếu thành thật không… Nếu mình không có “thời gian mỗi ngày để quán sát mình”, dù là chỉ vài phút, thì mình không thể thành thật với chính mình, vì mình không thể biết được là mình không thành thật đến mức nào. Mà nếu ta không thành thật với chính mình, thì bảo đảm là ta không thành thật với cả thế giới. Cho nên thành thật với chính mình là điểm khởi đầu. Nếu bạn không khởi đầu nơi này, thì nên bỏ luôn đọan sau vì không thể có đoạn sau nếu không có điểm khởi đầu.

2. Thành thật với người khác

• Công thức căn bản thì quá dễ, phải không các bạn? Nói thật có nghĩa là nói sự thật; không dối trá. Cái bàn màu xanh thì nói là màu xanh, đừng nói là màu đỏ. Giản dị thế thôi. Đừng bóp méo sự thật để thổi phòng mình lên như là “Tôi là sinh viên cao học” trong khi mình đang học năm thứ hai đại học thôi. Không biết thì nói là không biết, biết thì nói là biết. Có gì là phức tạp đâu?

• Đôi khi, có một loại “nói thật” nhưng thực ra là đánh lạc hướng để người nghe hiểu lầm sự thực. Đây gọi là misleading. Ví dụ: “Các bạn bước vào tiệm đầu tiên ngày thứ 7 này sẽ mua được HP computers với giá hạ 50% , cho đến khi hết hàng.” Sáng thứ bảy, 500 người sắp hàng trước khi tiệm mở cửa, mở cửa ra, 500 chen lấn người ùa vào để giành giật chỉ có 2 HP computers trong đó. Đó là quảng cáo misleading, và đó là phi pháp, vì đa số mọi người không nghĩ là cả một chiến dịch cho cả mấy trăm người sắp hàng chỉ có 2 món hàng (Có thể là 10 hay 15 computers thì hợp l‎y’ hơn). Nếu ông tòa nào đó, cho rằng đó là hợp pháp, thì nó cũng vẫn vi phạm đạo đức thương mãi. Và dĩ nhiên, là với các công ty lươn lẹo như vậy, các bạn nên tự hỏi là có tin tưởng được để mua hàng của họ không.
honesty2
Tuy nhiên, thành thật không có nghĩa là nói bậy.

— Nói bậy ta thường nghe nhất là “Để tui thành thật nói điều này cho bà nghe…” rồi tiếp theo là một màn phê phán làm người ta tối tăm mày mặt. Chữ “thành thật” không thể được dùng để xúc phạm người khác như thế, nhất là đối với bạn bè hay người thân của mình. Thành thật không có nghĩa là lạm dụng. Thành thật là nội dung, cách trình bày nhã nhặn làm mát lòng người là hình thức. Có phở ngon cũng không thể bỏ vào chậu rửa chân mời bạn ăn.

Có nhiều chuyện không thể nói, vì nó liên hệ đến bí mật thương mãi của công ty hay bí mật quốc phòng, hay chuyện đời tư người khác, hay chuyện người khác tâm sự riêng với mình… không thể nói ra được. Thành thật không phải là “đài phát thanh chợ cầu muối.” Cái miệng nói lảm nhảm sẽ kiện cái thân. Đó là vô trách nhiệm, vô ‎y’ thức, chứ không phải thành thật.

Thành thật không có nghĩa là ngu. Bí mật làm ăn, bí mật chiến đấu, không thể cho địch thủ biết được. Trong chiến trận người ta thường hay misleading địch thủ bằng các đòn như là dương đông kích tây, thực mà hư hư mà thực… Đây là vấn đề rất phức tạp về nghệ thuật chiến đấu. Theo quan sát và kinh nghiệm của mình thì nếu ta rất giỏi biến hóa, ta chẳng cần phải nói dối một câu nào, chỉ cần nín thinh, thì các đòn phép chiến đấu của mình người khác không thể lường được, chỉ vì nó biến hóa quá nhanh.

Thực ra trong chiến đấu, làm cho địch thủ tin vào sự thành thật trong lời nói của mình rất quan trọng. Ví dụ: Mình nói, “Nếu anh không bằng lòng rút thì tôi buộc sẽ tấn công;” địch thủ mình phải tin là mình sẽ làm đúng như thế. Nếu không thì mình chẳng điều đình được việc gì. Hoặc là mình nói, tôi sẽ chiến đấu đến lúc thắng hoặc chết, địch thủ mình phải tin là mình sẽ làm như thế, để liệu mà một là chuẩn bị đánh nhau trí chết hai là làm hòa với mình bây giờ.

Đó là chưa kể ta sống trong thế giới nhiều người, ngay cả khi hai người đối đầu, nếu ta dối trá với đối phương thì chỉ làm cho đa số thiên hạ bàn quang bỏ ta mà ủng hộ đối phương.

Thành thật không có nghĩa là tin người. Giang hồ hiểm hóc. Thành thật nghĩa là nói ra câu nào thì đúng sự thật câu đó; chuyện không nên nói thì không nói. Nhưng thành thật không có nghĩa là ai nói gì cũng tin. Đó là khờ khạo chứ không phải thành thật. Điều này thì bạn phải “khôn kiểu đường phố” (street wise) một tí.

Tập lắng nghe cho kỹ, đọc email cho kỹ, nhìn cho kỹ, để khi người ta nói cái gì đó có vẻ thiếu thành thật là mình nhận ngay. Không thấy được sự dối trá của người là khờ, chứ không phải thành thật. Nhưng, biết người dối trá, không có nghĩa là mình phải dối trá lại. Cũng như biết người sắp cướp, mình nhận ra để tránh bị cướp, chứ không phải để mình cướp họ.

• Nói chung là, thành thật có nghĩa là nói câu nào là mình muốn người nghe hiểu đúng câu đó và câu đó đúng sự thật. Chuyện nào không thể nói được thì đừng nói, không cần thiết phải nói dối. Cũng không nói chỉ một phần tí xíu của một sự thật, và che dấu các phần còn lại, chỉ để đánh lạc hướng và lừa người khác.

Trong chiến đấu, người ta thường làm cho địch thù không nhận ra được sự thật, cho nên người ta dối trá nhiều. Tuy nhiên, người giỏi biến hóa, chuyển động chớp nhoáng, thì không cần dối trá trong chiến đấu. Và người dối trá vẫn bị thiệt thòi trong chiến trận, vì dối trá thì không thể điều đình được với địch thủ–không ai muốn điều đình với người dối trá. Mà trong chiến đấu, như binh pháp Tôn gia nói, “không đánh mà thắng” mới là tướng giỏi–không đánh là thắng bằng điều đình, thắng bằng cách nói.

Thành thật cũng không có nghĩa là khờ khạo, ai nói gì cũng tin theo mà không nhận ra các dấu hiệu khả nghi. Thành thật không có nghĩa là đi đâu cũng nhắm măt, bịt mũi, che tai.

Thành thật sẽ làm cho người tin ta. Mà nhiều người tin ta thì nhất định là phải thành công, vì trong liên hệ con người trong xã hội, chẳng có gì được mọi người quí trọng hơn thành thật.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Bài liên hệ: Tư duy tích cực và chiều sâu con tim, Giữ mình làm lãnh đạo, Bảo trọng bản tính chân thật.

Bảo trọng bản tính chân thật

Chào các bạn,

Nếu đọc các bản tin về các đại gia tham nhũng bị bắt, các bạn hẳn cũng thấy là các vị này khi trước là những sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ nồng nhiệt tài cao, phục vụ tốt, lên chức vù vù…  Rồi một ngày nào đó trên ghế quyền lực, chàng tuổi trẻ hào kiệt năm xưa trở thành một ông trung niên mập ú, bệnh hoạn, xôi thịt, và hạm tham nhũng.  Điều gì đã xảy ra?
honesty
Dĩ nhiên ta có thể hiểu ngay là những người này đã qua một tiến trình “tồi hóa” trong khi đang “trưởng thành” (nếu ta gọi đó là trưởng thành); tức là càng lớn tuổi họ càng tồi đi.

Các bạn hơi có tuổi một tí đều thấy được điều này.  Có những người bạn hồi học trung học đại học thì trong sáng và ly’ tưởng.  Sau khi ra trường một thời gian thì bắt đầu có tác phong chụp giật từ từ.  Đến lúc lên ghế quyền lực là bắt đầu biến thể thành người ích kỷ và tham nhũng.  Tiến trình trưởng thành của chúng ta luôn luôn là tiến trình nhìn thấy nhiều người trong sáng và tích cực từ từ biến thành tiêu cực, ham hố, ích kỷ, và tồi tệ.

Tại sao?

Tại sao tiến trình đó không đi theo chiều ngược lại?  Tại sao nó không đi từ con người tiêu cực tồi tệ từ từ biến thành các nhà lãnh đạo trong sáng l‎y’ tưởng?  Nếu đời sống con người tiến hóa theo chiều này có phải là thế giới thành thiên đàng hết rồi không?

Thưa câu trả lời là:  Vì tuổi trẻ trong sáng và l‎y’ tưởng.

Một tờ giấy trắng tinh chỉ có thể bẩn thêm, chứ rất khó mà trắng đẹp hơn được nữa.  Tuổi trẻ trong sáng và l‎y’ tưởng thì thường là chỉ có thể bị tồi đi chứ không trong sáng và ly’ tưởng hơn được.  Trong đời sống tinh thần, chúng ta thường chỉ có thể “trưởng thành” theo hướng đi xuống vì không thể lên cao hơn được.
honesty1

Cho nên khoảng bắt đầu lên đại học, và nhất là lúc xong đại học trở đi, là các bạn trẻ bắt đầu được huấn luyện để “trưởng thành” bằng đủ mọi chiêu thức:

*     Phải biết đút lót để thành việc.

*      Phải biết báo cáo láo.

*      Phải biết làm cho bên ngoài thấy đẹp, còn cứ rút ruột bên trong bỏ túi.

*      Phải sử dụng giấy tờ kế toán giả.

*      Phải biết cách trốn thuế.

*      Phải biết cách nói chuyện đổi trắng thay đen.

*      Phải biết đi theo bè đảng—nhóm này, đảng này, đạo này—các nhóm khác phe khác là sai, và điều gì “phe ta” làm cũng đúng, kể cả những điều vô đạo đức.

*      Phải biết nói A về sự thật B.

*      Nói chung là phải biết “thức thời” và “trưởng thành.”

Các bạn à, mình đã thấy các chuyện này xảy ra với không biết bao nhiêu người đã từng trong sáng và l‎y’ tưởng một thời.  Họ có thể có nhiều công việc khác nhau, tại những nơi khác nhau, với những hòan cảnh khác nhau.  Nhưng tất cả đều có một điểm chung:  Họ tin rằng muốn trưởng thành thì phải bỏ đi cái trong sáng, thành thật và l‎y’ tưởng của tuổi thơ.
honesty2
Nếu bạn mặc một bộ đồ trắng ra phố, giữ cho nó sạch trắng thì khó, chứ làm cho nó dính bùn thì có gì là khó?   Cái gọi là học cách “trưởng thành” của nhiều người thực ra chỉ là học để dính bùn.  Nhưng, nếu muốn dính bùn thì bệt bùn vào là xong, có gì phải học?  Học cách giữ gìn sạch sẽ mới là thử thách, mới là xây dựng nội lực, mới là công phu tu luyện chứ.

Cho nên, công phu chính của các bạn khi trưởng thành trong đường đời, không phải là các trò ma đạo đâu.  Công phu chính là làm thế nào để trưởng thành mà vẫn trong sáng, thành thật, tích cực như khi còn đi học. Cho nên đừng dại dột nghe theo lời chỉ dạy của các vị thầy và quân sư hạng trộm vặt.

Và nếu bạn là người tài giỏi, bạn có thể có một công phu khác nữa là thông minh đủ để thấy ngay các đòn phép ma đạo mà những người khác đang sử dụng quanh bạn. Thấy để không bị lừa.  Tức là nếu bạn có nghiên cứu các việc ma đạo thì nghiên cứu để biết phân biệt chân tà, như là cảnh sát nghiên cứu tội phạm, chứ không nghiên cứu để chính mình thành ma đầu.

Một tờ giấy trắng thì chỉ có 2 cách giữ nó đẹp thôi.  Một là giữ nó trắng mãi như thế.  Hai là, vẽ lên đó các bức ảnh tuyệt đẹp.  Tức là, một là hoàn toàn trong sáng l‎y’ tưởng như lúc còn thơ.  Hai là, thêm vào tâm hồn ta những đóa hoa đẹp mà cả thế giới cổ kim đông tây đều chấp nhận—khiêm tốn, thành thật, từ bi, bác ái, vị tha, hỉ xả, sáng tạo thêm cái tốt cái đẹp cho đời.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ:  Giữ mình làm lãnh đạo 

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Thành công và sự chân thật

Chào các bạn,

Oprah Winfrey được xem người chủ trì “talk show” (“chương trình nói chuyện”) thành công nhất thế giới ngày nay. Chị là nguời da đen với một tuổi thơ rất khó khăn. Làm phóng viên truyền hình khi còn đi học, và khi được chuyển qua talk show, chị trở thành thiên tài về talk show với The Oprah Winfrey Show. Chị là người da đen giàu nhât thế kỷ 20 và là người da đen tỉ phú duy nhất. Chị cũng bỏ tiền rất nhiều cho các công tác từ thiện và ủng hộ Obama trong kỳ tranh cử tổng thống vừa qua. Người ta nhẩm tính là chị giúp Obama tăng 1 triệu phiếu.

Sau đây là lời tâm sự của chị về thành công và sự chân thật của mình.

Chúc các bạn một ngày thành công !! 🙂

Hiển

.

Oprah Winfrey
”Tiếng gọi” của bạn không phải là cái gì một ai đó có thể nói cho bạn biết. Đó là cái bạn cảm thấy. Đó là một phần của năng lực cuộc sống của bạn. Đó là cái cho bạn hóa chất diệu kỳ. Điều mà bạn nên làm. Và chẳng ai có thể bảo bạn điều đó là gì. Bạn biết điều đó ở trong bạn.

Các bạn biết đấy, tôi đến từ một giống tốt. Ông Swygert mới đề cập là bà ngoại của tôi có một giấc mơ cho tôi. Và giấc mơ của bà không phải là một giấc mơ to. Giấc mơ của bà là một ngày kia, tôi sẽ trưởng thành – bà từng nói như vậy, bà muốn cháu trưởng thành và kiếm cho cháu mấy đứa da trắng tốt, bởi bà của tôi là một người hầu gái và bà làm việc cho đám da trắng suốt đời bà.

Và ý tưởng của bà về một giấc mơ lớn là có được mấy người da trắng đối xử với bà với chút trân trọng, mấy người cho bà một ít kính trọng. Và bà từng nói, bà muốn cháu, bà hy vọng cháu có được vài người da trắng tử tế với cháu. Và tôi tiếc là bà không sống quá năm 1963 để thấy rằng tôi đã trưởng thành và có được một số người da trắng rất tốt làm việc cho tôi.

Tôi dành tám năm làm việc ở Baltimore. Tôi biết trong những năm ở Baltimore là tôi không vui vẻ làm phóng viên tin tức truyền hình. Nhưng giọng nói của bố tôi, ông nghĩ là ông biết điều tôi nên làm nằm ở trong đầu tôi. Ông bảo, đừng bỏ công việc đó, con gái. Con sẽ không bao giờ kiếm được quá $25,000 một năm đâu. Đó là giấc mơ của bố tôi cho tôi. Nhưng Chúa trời có thể mơ một giấc mơ lớn hơn giấc mơ bạn có thể mơ cho bạn. Và tôi cố gắng sống thong không gian của giấc mơ của Chúa . Và những giám đốc điều hành xướng truyền hình bảo tôi khi tôi đang ở Baltimore là tôi đơn giản là … nó quá sức tôi. Tôi quá béo, và tôi quá đen.

Họ bảo tôi là tôi quá dấn thân, rẳng tôi quá nhiều xúc cảm, tôi quá— quá đáng cho tin tức,vì vậy một ngày nọ họ chuyển tôi quan một “talk show” chỉ để đợi cho hết hợp đồng. Và đó là khởi đầu của câu chuyện của tôi. Vậy tôi nói rằng, kể cả khi mọi thứ khó khăn, hãy cám ơn. Tôn trọng “tiếng gọi” của bạn, đừng lo lắng về bạn sẽ thành công như thế nào. Đừng lo lắng gì. Tập trung vào chuyện bạn có thể quan trọng như thế nào trong dịch vụ, và thành công sẽ tự nó định liệu. Và luôn luôn giữ một quan điểm cho mình. Những giá trị của bạn, những giá trị bạn đại điện sẽ định hình bạn là ai. Sự chân thực của bạn không thể mang ra bán.

Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp của tôi ở Baltimore, khi tôi bước vào phòng và tất cả đám đàn ông trong phòng nói với tôi là tôi cần đổi tên, bởi chẳng ai có thể nhớ được tên tôi. Cô cần đổi tên, và tôi nói các anh cần tôi đổi tên tôi thành gì? Họ nói chúng tôi nghĩ Susie là một tên tốt. Susie là một tên thân thiện. Susie là tên mà mọi người sẽ nhớ. Người ta có thể liên hệ với tên Susie. Tôi bảo là tôi nghĩ tôi sẽ giữ tên của tôi dù người ta có nhớ hay không. Tên của tôi là tên của tôi. Bạn phải đứng dậy cho những gì bạn tin tưởng. Nếu tôi- nếu tôi có thể đếm số lần tôi được yêu cầu thỏa hiệp và bán chính mình vì lý do này hay khác, tôi sẽ là tỉ phú giàu hơn 10 lần. Sự chân thực của tôi không phải đồ để bán và sự chân thực của bạn cũng thế.

Nguyễn Minh Hiển dịch

.
barack_oprah
Your calling isn’t something that somebody can tell you about. It’s what you feel. It’s a part of your life force. It is the thing that gives you juice. The thing that are you supposed to do. And nobody can tell you what that is. You know it inside yourself.

You know, I come from good stock. Dr. Swygert was mentioning my grandmother who had a dream for me. And her dream was not a big dream. Her dream was that one day I could grow up — she used to say, I want you to grow up and get yourself some good white folks, because my grandmother was a maid and she worked for white folks her whole life.
And her idea of having a big dream was to have white folks who at least treated her with some dignity, who showed her a little bit respect. And she used to say, I want you to — I hope you get some good white folks that are kind to you. And I regret that she didn’t live past 1963 to see that I did grow up and get some really good white folks working for me.

I spent eight years in Baltimore. I knew in those years in Baltimore that I was unhappy being a television news reporter. But the voice of my father, who thought he knew what I was supposed to do was in my head. He said don’t you give up that job, girl. You’re never going to $25,000 in one year. That’s my father’s dream for me. But God could dream a bigger dream than you can dream for yourself. And so I tried to live in the space of God’s dream. And the television executives told me when I was in Baltimore that I was just — it was too much. I was too big, and I was too black.

They told me that I was too engaged, that I was too emotional, I was too — too much for the news and so they put me on a talk show one day just to run out my contract. And that was the beginning of my story. So I say, even when things are difficult, be grateful. Honor your calling, don’t worry about how successful you will be. Don’t worry about it. Focus on how significant you can be in service and the success will take care of itself. And always take a stand for yourself. Your values, you are defined by what you stand for. Your integrity is not for sale.

From the very beginning of my career in Baltimore, and I walked in the room and all of the men in the room said to me you need to change your name, because nobody is going to remember your name. You need to change your name and I said what do you want me to change it too? They said we think Susie is a good name. Susie is a friendly name. Susie is a name that people will remember. People can relate to Susie. I said I think I’m going to keep my name if people remember it or not. It is my name. You have to be willing to stand up for what you believe in. If I — if I could count the number of times I have been asked to compromise and sell out myself for one reason or another, I would be a billionaire 10 times over. My integrity is not for sale and neither is yours.

Oprah Winfrey

Nói và viết như thế nào?

powerofwords

Chào các bạn,

Hôm nay kỷ niệm 84 năm Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2009), chúc các bạn nhà báo nói riêng, và tất cả các bạn sử dụng ngôn từ thường xuyên trong công việc nói chung, sức nóng không bao giờ nguội của con tim. Nhân ngày kỷ niệm viết lách, mình xin chia sẻ với các bạn một vài suy tư về viết lách và ngôn từ.

Mấy muơi năm nay mình sống với viết lách. Ra tòa vào tòa cũng viết, viết báo, viết trên các diễn đàn, liên tục, hằng ngày, ròng rã 20 năm về các vấn đề Việt Nam. Khoảng thời gian này giúp mình rút ra một số những qui tắc căn bản mà mình nghĩ là những người viết lách, hay nói chung là người sử dụng ngôn từ cần có, dù là nghiệp dư hay nghiệp dĩ.

1. Tình yêu

Viết là để chia sẻ với người đọc. Nói là để chia sẻ với người nghe. Và đã là chia sẻ thì ta chỉ nên chia sẻ tình yêu. Thế giới này đã có đủ chiến tranh và thù hận. Thế giới không cần và không nên có thêm một giảng sư thuyết giảng thù hận và ghen ghét.

Và tình yêu đây không có nghĩa là tình yêu với cách mạng, với chính trị, với triết l‎y’, với đạo giáo, và với đủ mọi thứ vớ vẩn khác. Cho đến mức cùng tận, tình yêu chỉ có một nghĩa đúng mà thôi; đó là tình yêu cho con người—những người chung quanh ta, gia đình, trường học, sở làm, làng xã, thành phố, quốc gia, thế giới.

Tình yêu ở đây là tình yêu cho những người đang đi lại gồng gánh ngoài đường, còng lưng ngoài ruộng, hì hục với máy móc trong công xưởng, dán mắt vào màn ảnh computer trong văn phòng, dãi nắng dầm mưa trên những chiếc xe ôm ngoài phố. Con người đây không phải là khái niệm trừu tượng “con người là một con vật suy tư” hay là “con người là một con vật kinh tế” của các triết gia.

Tình yêu cho con người ở đây cụ thể như mẹ thưong con, vợ thương chồng, anh thương em. Nếu không có loại tình yêu như thế làm căn bản, thà rằng đừng viết, vì viết mà không có tình yêu thật sự thì thường là hại hơn là lợi cho thế giới này.

2. Cẩn trọng với lời nói

Một bài viết có thể có hàng nghìn người đọc. Một lời nói trước đám đông có ít nhất là vài chục người nghe. Ảnh hưởng của một lời nói, một bài viết, có thể đi rất xa, cho nên ta phải có trách nhiệm đủ để cẩn thận lời nói. Đừng để lời nói thiếu suy xét, thiếu bình tĩnh, thiếu yêu ái, thiếu xây dựng của mình đi ra. Nói chuyện với bạn trong quán cà phê là khác. Viết cho hàng nghìn người đọc hay nói trước một nhóm cử tọa hay một lớp học trò đòi hỏi ta phải cẩn trọng.
powerofwords1
Con người ta chỉ có ba loại hoạt động chính: từ suy tư của ta, từ thân ta, và từ lời nói của ta. Suy tư là loại hành vi tri thức quan trọng nhất. Nhưng rốt cuộc suy tư cũng đi ra ngoài bằng ngôn từ và hành động. Và trong thời đại này, hành động bằng thân thể thì ít mà bằng ngôn từ thì nhiều. Vì vậy, ngôn từ là hành động quan trọng và thường xuyên nhất trong kỷ nguyên này. Ta phải rất cẩn trọng với ngôn từ, và phải luôn luôn nghĩ đến hậu quả của ngôn từ của mình lên thế giới của mình.

Có những chuyện nên nói cách này mà không nên nói cách kia. Có những chuyện chưa nên nói lúc này, mà chỉ nên đợi lúc khác. Ngôn từ phải được sử dụng tùy nơi, tùy lúc tùy trường hợp, không thể bừa bãi được.

3. Thành thật

Mỗi người chúng ta có thể bị chi phối từ cả chục hướng khác nhau khi nói hay viết một bài: quyền lợi riêng của mình, mấy chủ nghĩa lăng nhăng trong đầu mình, quyền lợi của công ty của mình, quyền lợi của đảng mình, quyền lợi của hội thánh mình, nói theo đám đông để được khen thưởng và tránh đụng chạm, nói ngược đám đông để nổ, nói điều mình không tin chỉ để chỉ nghe tán thưởng, không biết cũng nói như biết, biết một thì nói như biết mười, chỉ biết lơ mơ l‎y’ thuyết cũng nói như chính kinh nghiệm của mình, nói ngược lại sự thật của mình vì sợ, v.v… Nói chung là l‎y’ do để chúng ta không thành thật có rất nhiều và luôn luôn nằm đó mỗi khi ta viết, ta nói. Bạn có đủ thành thật để không bị chúng chi phối và chỉ viết và nói đúng những điều gì mình tin tưởng tận đáy lòng không?

4. Can đảm

Nếu ta không có can đảm thì ta không thể có được 3 điều trên. Tình yêu, lời nói cẩn trọng và thành thật cũng vô ích, và không thể phát tiết ra ngoài được.

5. Khiêm tốn

Nếu bạn không thực sự khiêm tốn trong lòng thì bốn điều trên—tình yêu, ngôn từ cẩn trọng, thành thật và can đảm– đều sẽ bị phá vỡ không sớm thì muộn.

* Dĩ nhiên là ta có thể kể thêm nhiều đức tính khác cần thiết cho người sử dụng ngôn từ, nhưng đây là 5 điều căn bản nhất để ngôn từ của bạn có thể làm đẹp, thay vì là rác rến, cho thế giới.

Và “người sử dụng ngôn từ” ở đây bao gồm báo giới, người viết trên mạng Internet, người nói với học trò trong lớp, và các quí vị chính chị chính em đọc diễn văn.

Trong kỷ nguyên thông tin của chúng ta, thông tin, tức là ngôn từ, là cốt lõi chính của kỷ nguyên này. Muốn cho cái lõi của ta chắc chắn, ngôn từ của ta phải chắn chắn, vững chải, đáng làm nền. Nếu ta chỉ nói ra rác rến, cái lõi của nền văn minh hiện tại của chúng ta sẽ dần dần biến thành rác rến.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Giữ mình làm lãnh đạo

Gandhi -- The leader leads
Gandhi -- The leader leads

Chào các anh chị,

Chúng ta thường nghe “trưởng thành thành lãnh đạo” như là tiến trình của một người tăng kinh nghiệm và tăng chức vụ dần dần, và đến một lúc nào đó thì thành lãnh đạo. Như vậy, người ta nói đến một tiến trình “trưởng thành” như là “trưởng thành thành người lớn.” Nhưng mà, để mình nói cho các bạn nghe. Không có điều gì xa sự thật hơn thế. Ta không “trưởng thành” thành lãnh đạo. Ta phải giữ gìn bản tánh hiện tại của ta, như lúc này, để làm lãnh đạo.

Khi còn trẻ, ta năng động, lạc quan, thành thật và can đảm. Những điều này chính là các đặc tính lãnh đạo.

Và khi ta “trưởng thành”, ta được những người khác dạy những điều như “Phải khôn ngoan để sống”, (nghĩa là, phải biết tham ô như những kẻ tham ô quanh ta), hay “Một con én không làm được mùa xuân”, (nghĩa là, bạn chẳng có kilogram nào hết), hay “Đừng ngây thơ. Trưởng thành lên”, (nghĩa là, hãy học nói dối và gian lận), hay “Tốn thời giờ làm gì? Chẳng ai quan tâm cả !” (nghĩa là, hãy ích kỷ và lạnh lùng như nhiều người khác), và hàng triệu câu nói tiêu cực khác liên tục rót những quả bom công phá vào tai và vào tim óc chúng ta hằng ngày, cho đến lúc chúng ta “trưởng thành” thành một đám người tầm thường, tiêu cực, lờ đờ, hay, tệ hại hơn, thành một đám lãnh đạo ích kỷ, tham ô.

Nelson Mandela
Nelson Mandela

Vì vậy , khi được dạy ta sẽ “trưởng thành” thành lãnh đạo, chúng ta đã được dạy điều rất sai. Chúng ta phải giữ gìn bản tánh hiện tại của chúng ta—năng động, lạc quan, thành thật, can đảm—để trở thành lãnh đạo.

Thử thách là, làm thế nào để chúng ta đi trong đời mà không bại trận trước những giảng dạy tiêu cực thường xuyên của đời sống và của những người quanh ta, để giữ gìn con tim và khối óc nguyên vẹn như lúc ta còn học trung học hay đại học. Điều này nói dễ hơn làm. Rất nhiều sinh viên đại học nhiều tài năng và lý tưởng đã trở thành tiêu cực và lờ đờ những năm sau đó. Giữ gìn quả tim trẻ thơ để đi suốt cuộc đời là một nghệ thuật siêu việt, không mấy người đạt được.

Nếu bạn đã tốt nghiệp đại học nhiều năm trước, có lẽ là bạn không cần “học thêm” điều gì mới, nhưng cần “học bỏ” tất cả những tư tưởng tiêu cực đã thấm nhập lâu ngày, hầu trở thành một lãnh đạo tốt.

Thanh niên xung phong
Thanh niên xung phong

Nói đến đây tự nhiên mình nhớ đến câu trong Thánh kinh, “Phải như trẻ em mới vào được thiên đàng.” Thiên đàng, hoặc là niềm vui trong tâm mình, hoặc là cái đẹp trong mình làm cho người khác muốn theo, thì cũng chỉ đến từ trái tim trẻ thơ—năng động, tích cực, lạc quan, can đảm. Vì vậy, muốn thắng được phần thưởng cuối cùng, hãy gột bỏ các thấm nhuần “người lớn” và trở về với quả tim thơ trẻ.

Mình không có ý nói các bạn nên sống trong đời một cách ngớ ngẩn. Ta nên hiểu mọi trò xấu người ta làm, mọi siêu thủ đoạn người ta dùng để gạt nhau, mọi lời nói dối người ta có thể chế tạo, mọi phương thức trơn tru người ta dùng để đẩy một áp phe tham ô. Ta muốn hiểu tất cả các điều này, để khi bước trên mặt đất, ta biết được nơi nào có thể có bẫy, nơi nào có thể có gai. Nhưng ta muốn đối xử với tất cả những quỉ quái đó bằng quả tim dịu dàng, thành thật, can đảm và đầy tình yêu của một trẻ thơ.

Chỉ có các vị thầy siêu phàm mới làm được như vậy—Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, v.v… Và họ là những thiên tài lãnh đạo.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

PS: Bài này viết từ bài “Staying to be a leader,” bằng tiếng Anh, trên VNBIZ forum ngày 12 tháng 3 năm 2007.

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use