Bảo trọng bản tính chân thật

Chào các bạn,

Nếu đọc các bản tin về các đại gia tham nhũng bị bắt, các bạn hẳn cũng thấy là các vị này khi trước là những sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ nồng nhiệt tài cao, phục vụ tốt, lên chức vù vù…  Rồi một ngày nào đó trên ghế quyền lực, chàng tuổi trẻ hào kiệt năm xưa trở thành một ông trung niên mập ú, bệnh hoạn, xôi thịt, và hạm tham nhũng.  Điều gì đã xảy ra?
honesty
Dĩ nhiên ta có thể hiểu ngay là những người này đã qua một tiến trình “tồi hóa” trong khi đang “trưởng thành” (nếu ta gọi đó là trưởng thành); tức là càng lớn tuổi họ càng tồi đi.

Các bạn hơi có tuổi một tí đều thấy được điều này.  Có những người bạn hồi học trung học đại học thì trong sáng và ly’ tưởng.  Sau khi ra trường một thời gian thì bắt đầu có tác phong chụp giật từ từ.  Đến lúc lên ghế quyền lực là bắt đầu biến thể thành người ích kỷ và tham nhũng.  Tiến trình trưởng thành của chúng ta luôn luôn là tiến trình nhìn thấy nhiều người trong sáng và tích cực từ từ biến thành tiêu cực, ham hố, ích kỷ, và tồi tệ.

Tại sao?

Tại sao tiến trình đó không đi theo chiều ngược lại?  Tại sao nó không đi từ con người tiêu cực tồi tệ từ từ biến thành các nhà lãnh đạo trong sáng l‎y’ tưởng?  Nếu đời sống con người tiến hóa theo chiều này có phải là thế giới thành thiên đàng hết rồi không?

Thưa câu trả lời là:  Vì tuổi trẻ trong sáng và l‎y’ tưởng.

Một tờ giấy trắng tinh chỉ có thể bẩn thêm, chứ rất khó mà trắng đẹp hơn được nữa.  Tuổi trẻ trong sáng và l‎y’ tưởng thì thường là chỉ có thể bị tồi đi chứ không trong sáng và ly’ tưởng hơn được.  Trong đời sống tinh thần, chúng ta thường chỉ có thể “trưởng thành” theo hướng đi xuống vì không thể lên cao hơn được.
honesty1

Cho nên khoảng bắt đầu lên đại học, và nhất là lúc xong đại học trở đi, là các bạn trẻ bắt đầu được huấn luyện để “trưởng thành” bằng đủ mọi chiêu thức:

*     Phải biết đút lót để thành việc.

*      Phải biết báo cáo láo.

*      Phải biết làm cho bên ngoài thấy đẹp, còn cứ rút ruột bên trong bỏ túi.

*      Phải sử dụng giấy tờ kế toán giả.

*      Phải biết cách trốn thuế.

*      Phải biết cách nói chuyện đổi trắng thay đen.

*      Phải biết đi theo bè đảng—nhóm này, đảng này, đạo này—các nhóm khác phe khác là sai, và điều gì “phe ta” làm cũng đúng, kể cả những điều vô đạo đức.

*      Phải biết nói A về sự thật B.

*      Nói chung là phải biết “thức thời” và “trưởng thành.”

Các bạn à, mình đã thấy các chuyện này xảy ra với không biết bao nhiêu người đã từng trong sáng và l‎y’ tưởng một thời.  Họ có thể có nhiều công việc khác nhau, tại những nơi khác nhau, với những hòan cảnh khác nhau.  Nhưng tất cả đều có một điểm chung:  Họ tin rằng muốn trưởng thành thì phải bỏ đi cái trong sáng, thành thật và l‎y’ tưởng của tuổi thơ.
honesty2
Nếu bạn mặc một bộ đồ trắng ra phố, giữ cho nó sạch trắng thì khó, chứ làm cho nó dính bùn thì có gì là khó?   Cái gọi là học cách “trưởng thành” của nhiều người thực ra chỉ là học để dính bùn.  Nhưng, nếu muốn dính bùn thì bệt bùn vào là xong, có gì phải học?  Học cách giữ gìn sạch sẽ mới là thử thách, mới là xây dựng nội lực, mới là công phu tu luyện chứ.

Cho nên, công phu chính của các bạn khi trưởng thành trong đường đời, không phải là các trò ma đạo đâu.  Công phu chính là làm thế nào để trưởng thành mà vẫn trong sáng, thành thật, tích cực như khi còn đi học. Cho nên đừng dại dột nghe theo lời chỉ dạy của các vị thầy và quân sư hạng trộm vặt.

Và nếu bạn là người tài giỏi, bạn có thể có một công phu khác nữa là thông minh đủ để thấy ngay các đòn phép ma đạo mà những người khác đang sử dụng quanh bạn. Thấy để không bị lừa.  Tức là nếu bạn có nghiên cứu các việc ma đạo thì nghiên cứu để biết phân biệt chân tà, như là cảnh sát nghiên cứu tội phạm, chứ không nghiên cứu để chính mình thành ma đầu.

Một tờ giấy trắng thì chỉ có 2 cách giữ nó đẹp thôi.  Một là giữ nó trắng mãi như thế.  Hai là, vẽ lên đó các bức ảnh tuyệt đẹp.  Tức là, một là hoàn toàn trong sáng l‎y’ tưởng như lúc còn thơ.  Hai là, thêm vào tâm hồn ta những đóa hoa đẹp mà cả thế giới cổ kim đông tây đều chấp nhận—khiêm tốn, thành thật, từ bi, bác ái, vị tha, hỉ xả, sáng tạo thêm cái tốt cái đẹp cho đời.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ:  Giữ mình làm lãnh đạo 

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

20 thoughts on “Bảo trọng bản tính chân thật”

  1. “Nếu bạn mặc một bộ đồ trắng ra phố, giữ cho nó sạch trắng thì khó, chứ làm cho nó dính bùn thì có gì là khó?”
    Nói rất đúng. Bài viết này sẽ nhắm trúng, nhắm đúng vào tầng lớp sinh viên, những người đang đứng giữa thật nhiều sự lựa chọn để đi tiếp. NHưng có điểm em chưa đồng ý, à không, không hẳn là chưa đồng ý mà là chưa thấy có lối ra cho câu hỏi: những tờ giấy đã bị vẽ bẩn rồi, liệu nó có trở lại trong trắng được không. Về lý thuyết rõ ràng là không rồi anh nhỉ. Nhưng nhiều khi mình biết nó bẩn mà không thể vứt bỏ nó đi được. Phải làm sao đây?
    Nếu mình không hy vọng là một con người sẽ sửa chữa được những lỗi lầm của mình thì mình sẽ bỏ cuộc và tờ giấy một thời trong trắng kia sẽ ra đi khỏi cuộc đời mình. Như thế thì cũng sẽ thật buồn.

    Like

  2. Hi Sesame,

    Câu hỏi hay lắm. Anh cũng đã hỏi trước đây, và đã viết bài trả lời rồi.

    Em vào bài Thân em như tờ giấy trắng đọc nhé. 🙂

    Khi đọc thì em nhớ là hai bài có hai ngữ cảnh hơi khác nhau, dù là dùng một hình ảnh nhé. 🙂

    Like

  3. ah cho em hoi .bay gio em 21 tuoi .da co 1 thoi em váy ban nguoi minh ..da 1 thoi em noi xao rat nhieu noi gat nguoi ta ,nhu muon bào chua cho minh la “minh la nguoi tot that su tot” nhung ngoi dem suy nghi sao thay minh toi te,toi tan wa nguong mieng wa mong aNH CO THE GIUP DUM EM DC KO CHO EM LOI KHUYEN ,em muon ko nnoi sao nua ko doi gat ai nua

    Like

  4. Hi hihi 🙂

    Em có can đảm nói ra cái xấu của mình để sửa sai thì em còn can đảm hơn cả anh một trời một vực rồi. Anh chẳng nhớ đã có can đảm hỏi ai kiểu “xưng tội” như vậy cả.

    Anh phục em lắm đó. Không nói kiểu vuốt ve đâu.

    Em đã không muốn nói dối nữa thì mọi sự xem như đã được giải quyết 98% rồi. Khó là muốn hay không. Chứ đã bước qua ải khó khăn đó rồi, đã trả lời “Muốn ngưng”, thì đâu còn gì khó.

    1. Nói dối để làm người khác có ấn tượng tốt về mình, đó là vì mình không tự tin về chính mình thôi.

    Ẹm có nghe câu “Theo tình tình phớt, phớt tình tình theo” chưa? Mấy cô mà gặp anh nào cũng cứ như là đeo cứng vào các anh, thì chẳng anh nào thích. Mấy cô cứ đi một mình thong thả, ngắm trời ngắm mây, chẳng để ý đến ai, thì lại có cả tiểu đội tò tò theo sau.

    Ấn tượng là vậy đó. Càng cố gây ấn tượng, thì lại càng chẳng tạo được ấn tượng gì cả. Thật ra, có tạo, nhưng chỉ là ấn tượng tồi.

    Đừng cố tạo ấn tượng một tí gì, thì người ta lại có ấn tượng cực tốt về mình.

    “Đừng cố tạo” không có nghĩa là cố lạnh lùng. Ta vẫn tự nhiên vui vẻ với mọi người. Chỉ tự bảo mình là “Tôi chỉ vui cười tự nhiên, nhưng sẽ không cố gây ấn tượng tí nào.”

    2. Đừng nói về mình. Đừng nói về kiến thức của mình (cái mình biết). Đừng nói về gia thế của mình (gia đình tôi giàu có sang cả). Đừng nói về thế lực của họ hàng mình…

    Đây là những chuyện người ta hay nói dối. Nếu không nói về các chuyện này thi cơ hội nói dối sẽ biến mất. Nếu bạn bè có hỏi tại sao ít nói, thì trả lời “Lúc này chỉ thích nghe hơn thích nói.”

    3. Tâm niệm: Bất kỳ một chữ nào tôi nói ra khỏi miệng, chữ đó cũng phải đúng sự thật như tôi hiểu. “Tôi không nói dối”. Chấm hết.

    4. Nói dối là chuyện cực dễ, của người hoàn toàn không có nội công tí nào, không có danh dự tí nào, không có ý chí tí nào.

    Nói thật mới là chuyện khó khăn của người chiến sĩ phải chiến đấu chống lại cám dỗ.

    Chết đuối dưới nước là chuyện dễ. Bơi hoài để nổi hoài, không chết, mới khó.

    Vậy tại sao phải làm chuyện chết đuối thay vì bơi?

    5. Nếu em biết các quí vị cấp cực cao về chính trị và thương mãi (như là thủ tướng, tổng thống, tổng giám đốc công ty số 1, số 2, của thế giới) quý tính thành thật hơn cả kim cương, em sẽ không bao giờ nói dối dù chỉ là nửa chữ.

    Hihi khỏe nhé. 🙂

    Cứ tự nhiên hỏi anh thêm nếu em muốn nhé 🙂

    Like

  5. Anh Hoành ơi em có một câu hỏi: Nếu mình cảm nhận được người khác đang nói dối (không có bằng chứng), mà vẫn cư xử bình thường giống như mình vẫn tin họ nói thật thì có phải là dối trá ko?

    Like

  6. Hi Thu Hương,

    Anh có thói quen là đôi khi anh biết họ nói dối 100% có bằng chứng, anh vẫn cư xử như chẳng có điều gì xảy ra cả.

    Đó không phải là mình dối đối với họ, vì không có điều lệ bắt mình phải xư với người nói dối cách nào cả.

    Tùy theo trường hợp đòi hỏi mình làm gì: (1) Đôi khi mình nói thẳng dể giáo dục con cái, học trò. (2) Đôi khi vì một nhu cầu gì đó mình bắt buộc phải nói ra (như đó là hành động phi pháp nguy hiểm, cần phải ngưng). (3) Coi như chẳng có việc gì xảy ra vì nó không quan trọng tí nào cho ai cả, hoặc quan trọng cho mình nhưng mình sống buông xả như Phật dạy và tha thứ như Chúa dạy, và để người đó tự học trong đời sống của anh ta.

    (4) Cách này thì nhiều người hay làm, nhưng không có trong sách của anh: “Lột trần” họ ra để hạ nhục họ.

    Anh có quy luật rất rõ của riêng anh: Ai có nói dối mà anh biết chắc 100% anh vẫn vui vẻ và kính trọng họ như chẳng có gì xảy ra (trong tâm anh, không phải là chỉ bên ngoài). Đôi khi người ta vì yếu lòng, hay vì nhiệm vụ, phải nói dối. Cũng là chuyện thường. Nên hiểu nhau vì đều là con người, hơn là hạ nhục nhau vì “tôi đạo đức anh không đạo đức.”

    Các quy luật của tư duy tích cực thường chỉ có một chiều: Ta nên thành thật (và khuyến khích người khác thành thật), nhưng không bắt tội người khác không thành thật (vì ta nên xả bỏ, nên hiểu và thông cảm người khác, và không nên self-righteous-tự cho mình là đạo đức).

    Em khỏe nhé. Câu hỏi rất hay, TH, ạ.

    Like

  7. Hi anh,
    Đối với em, việc biết được suy nghĩ của người khác, hay người khác nói dối mình hay không là việc có thể làm được. Tuy nhiên, khi xử sự lại thì em không nghĩ ra cách nào để có thể ứng xử chung cho các trường hợp.
    – Nếu mình vẫn tốt với người ta, người ta lại nghĩ người này khờ, dễ lừa
    – Nếu mình đối xử xấu lại, thì là không ổn rồi, vì cái đó như vòng xoay, không bao giờ hết được, như người ta hay nói oan oan tương báo 😀
    – Bố em hồi xưa khuyên em, cứ đối xử tốt với người ta, nhưng làm sao để cho người ta biết mình vẫn biết người ta xấu chơi với mình. Cái này thì em thấy rất đúng, nhưng quả thực là quá khó, 24 tuổi rồi vẫn cảm thấy mình đối nhân xử thế còn kém

    Like

  8. Hi Tuấn,

    Có lẽ khó khăn của em ở chỗ là em muốn tìm cách “ứng xử chung”. CHẳng có cách ứng xư chung nào cả, mỗi trường hợp đều khác và thường đòi hỏi cách ứng xử riêng.

    Anh có các quy luật thế này:

    — Ai lừa anh cũng được và anh xem như không hay không biết, không quan tâm và cũng buông xả cho người khác. Mình cũng nhiều khi làm chuyện stupid, thì người khác làm chuyện stupid đối với mình cũng là chuyện thường. Có gì là lớn lao?

    DÍ nhiên nếu chuyện đó là điều gì quá lớn, liên hệ đến hiều người, hay đến việc quan trọng nào đó của mình, cần phải làm sáng tỏ, thì đó là chuyện khác. Nhưng trường hợp như vậy cực kỳ hiếm.

    — Nếu bị lừa nhiều lần và thấy có lý do phải làm gì đó, như là mình bị phiền phức hoài và hỏng việc hoài, thì anh nói nhỏ với người đó công việc này anh cần quality (phẩm chất cao hơn), chứ cũng không nói là bị lừa. Yêu cầu họ làm lại với đúng quality cho anh. Nếu họ làm được thì cứ như vậy mà làm mai sau. Nếu họ không làm lại tốt, thì anh sẽ không nhờ họ trong tương lai nữa.

    Anh thường xử với người khác, dùng ý niệm “quality” (phẩm chất) chứ không thích nói là họ lừa mình.

    Còn người ta nghĩ mình khờ hay dại hay gì gì đó, không bao giờ nên là lý do để em làm gì cả. Đó là tự ái vặt, phải bỏ đi. Chúa Giêsu nói muốn vào được Thiên đàng thì phải như trẻ em. Không phải trẻ em là người khờ sao?

    Quyết định của mình nên do mình muốn sống cách nào, chứ không phải người ta nghĩ gì về mình.

    Em khỏe nhé.

    Like

  9. Dear anh,
    1. Ve van de thanh that, nhu anh co giai thich o tren, khong nen noi ve minh, vi do la nhung dieu ma minh rat hay noi doi. Nhung e dang ban khoan: trong giao tiep, chung ta khong the chi lang nghe, thanh cong trong giao tiep la mot van de hai chieu, co lang nghe va co phan hoi. Neu chi co lang nghe thi chung ta se that bai trong giao tiep. Khong the lang im va neu co ai hoi thi tra loi “toi chi thich nghe”. Ma khi noi thi phai chia se cung moi nguoi ve nhung hoan canh cung nhu nhung y kien cua minh. Nhu vay thi rat kho trong giao tiep anh nhi? Vi ai cung co “cai toi”, cung muon minh good trong suy nghi va cach nhin cua nguoi khac. Anh nghi sao ve van de nay?
    2. Nhu salesman chang han, cong viec cua ho la ban hang, ho co ap luc rat lon vi income bases On Target Earnings. Noi doi se khong tranh khoi. Anh co the share voi e nhung suy nghi cua anh ve van de nay duoc ko? Va cho e loi khuyen luon anh nhe!
    Cam on anh rat nhieu!
    Chuc anh luon thanh cong trong cuoc song!

    Like

  10. Hi Kim Khanh,

    1. “Lắng nghe” đau có nghĩa là “không nói”. Người lắng nghe rất kỹ thì đương nhiên biết lúc nào nên nói, nên nói gì, và nói thế nào. Tức là lắng nghe thi mình sẽ hiệu lực hơn khi nói.

    2. Anh không nghĩ là salesman thì phải nói dối. Anh đã học nhiều lớp bán hàng cho salesman, chẳng thấy có lớp nào bảo người ta nói dối cả. Thực sự thì luật sư phải “bán vụ kiện” của mình cho thẩm phán và bồi thẩm đoàn mỗi ngày. Và luật sư luôn luôn dạy nhau “thành thật” là cách bán hay nhất.

    Salesman luôn luôn nói (thật) đến sức mạnh của sản phẩm mình. Và không nhắc đến cái yếu của sản phẩm mình, trừ khi được hỏi. Vậy thôi. Mọi sản phẩm đều có các đặc tính đó: Vài điểm mạnh, và các điểm khác thì trung bình, đôi khí có một hai điều thua các sản phẩm khác.

    Hơn nữa, salesman bán nhiều hiệu sản phẩm, thường phải phân tích cái mạnh cái yếu của từng sản phẩm cho khách hàng để tư vấn khách hàng lựa chọn sản phẩm hợp nhu cầu và túi tiền nhất. Sao lại nói dối được?

    Salesman giỏi phải là người thầy giỏi, có thể phân tích hay dở của nhiều sản phẩm khác nhau và lựa sản phẩm hợp với nhu cầu khách hàng nhất.

    Mọi sản phẩm thường là khác nhau, cho các nhu cầu khác nhau của các khách hàng khác nhau. Không hẳn là có số 1 và số chót một cách trừu tượng.

    Em khỏe nhé.

    Like

  11. Chào anh hoành!
    Trước đây em cũng từng hoang mang: “muốn trưởng thành thì phải bỏ đi cái trong sáng, thành thật và l‎y’ tưởng của tuổi thơ.”…Bây giờ, nhờ có ĐCN em như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh vậy. Cảm ơn ĐCN rất nhiều! 😀

    Like

  12. “Và nếu bạn là người tài giỏi, bạn có thể có một công phu khác nữa là thông minh đủ để thấy ngay các đòn phép ma đạo mà những người khác đang sử dụng quanh bạn”.

    Anh Hoành ơi, muốn luyện tập đạt đến công phu này, mình phải luyện tập ra sao? Thông thường tất cả những đòn phép ma đạo đều là bất ngờ và mình chẳng bao giờ lường được hết. Vậy mình phải luyện tập ra sao hả anh? đó có phải là luyện cho đến khi trái tim mình đủ tĩnh lặng, quan sát và nhạy cảm với mọi thứ diễn ra xung quanh không ạ?

    Và nếu mình bị những đòn này thì có phải là mình chưa tĩnh lặng ĐỦ phải không anh?

    Like

  13. Hi Thuận,

    Anh chẳng biết trả lời thế nào cho đúng.

    Nếu đọc Tây Du Ký (tức Đường Tăng Thỉnh Kinh) thì thầy người chuyên bị lừa là Đường Tam Tạng, và người ít bị lừa nhất là Tôn Ngộ Không, vì Tôn Ngộ Không “streetwise” và Đường Tam Tạng thì quá ngây thơ.

    Đó có lẽ là tùy theo kinh nghiệm sống và quan tâm của mỗi người. Các kiếm sĩ Thiền để tĩnh lặng đến mức có thể cảm được một đòn tấn công sắp đến ngay cả khi đối thủ chưa ra đòn. Nhưng chắn chắn là nhiều Thiền sư chẳng nhạy về kiếm tí nào, vì chẳng quan tâm đến kiếm bao giờ.

    Nếu ta tĩnh lặng và quan tâm đến các đòn ma đạo vì lý do gì đó (như là làm luật sư hay cảnh sát) thì ta sẽ nhạy cảm về các đòn phép ma đạo. Nhưng nếu ta không quan tâm vào đó, thì dù tĩnh lặng ta cũng có lẽ là không thấy được.

    Like

  14. Hi Thuận,

    Anh có cảm tưởng anh trả lời Thuận chưa đầy đủ.

    Anh nghĩ là em đang đặt trọng tâm không đúng chỗ. Em dang chú tâm vào tĩnh lặng, nhưng lại lo chuyện bị lừa, thế thì không tĩnh lặng được, vì chính cái lo bị lừa là một xung động lớn.

    Anh nghĩ là em cần gạt bỏ chuyện lo bị lừa ra ngoài, chỉ chú trọng vào tĩnh lặng MÀ THÔI. Rồi tĩnh lặng sẽ làm vài việc cho em:

    1. Năng lượng tĩnh lặng sẽ làm 80 hay 90% người gặp em không muốn lừa em.

    2. Nếu có người muốn lừa tự nhiên em sẽ có cảm giác bất thường về người ấy việc ấy — vì tĩnh lặng làm em rất nhạy cảm, và tiềm thức em vẫn quan tâm về việc bị lừa, dù trên bình diện ý thức em đã gạt nó ra ngoài.

    3. Và nếu em không biết em đang bị lừa, có thể có người bên cạnh đỡ đòn cho em vì người đó không muốn em bị đòn (vì tĩnh lặng của em làm động lòng người).

    Cho nên quy luật rất giản dị: Nêu em muốn tĩnh lặng thì em phải tĩnh lặng. Không thể tĩnh lặng nếu lo trong đầu.

    Like

  15. Cám ơn anh đã bổ sung kiến thức cho bài viết bằng những comment và chúc anh luôn an lạc.

    Em nghĩ rằng trong cuộc đời mình nên “buông xả” mọi thứ để được “tâm tĩnh lặng”. Nhưng trong luật tư duy tích cực thì thứ gì tốt cho mình và cho mọi người thì mình nên “giữ lại”. Nó giống như hình ảnh cái cây luôn buông xả “những chiếc lá úa héo vàng” nhưng “cái lõi” thì luôn được giữ lại và ngày càng được củng cố thêm để cây luôn vững chắc.

    Trước đây, khi liên tưởng tâm tĩnh lặng đến “mặt nước hồ” em thường chỉ nghĩ đến cái ao quê nhà. Cho đến khi được đi đến một số hồ thuỷ điện và một số thác nước em mới nghiệm ra là phải liên tưởng đến mặt nước trên này mới đúng là tĩnh lặng. Nước luôn được bổ sung từ lòng đất, khe núi và những xung động của mặt nước hồ luôn được “buông xả” theo dòng thác dưới hạ lưu.

    Vì vậy, thực hành “tâm tĩnh lặng” không chỉ liên tưởng đến sự tĩnh lặng của mặt nước hồ rộng lớn mà nên chú tâm đến một điểm quan trọng, đó là điểm tiếp giáp giữa mặt nước hồ với đỉnh dòng thác đang “xả” xuống hạ lưu. Em cảm thấy chỗ đó “thực sự tĩnh lặng”.

    Vài dòng lan man và mong anh chỉ bảo thêm cho em.

    Một lần nữa em cám ơn anh và chúc anh chị một ngày an lạc.

    Like

  16. Chào anh Hoành!

    Em đang nhận được một lời đề nghị của một anh giám đốc ăn nên làm ra trong ngành bất động sản. Anh ấy sẽ chỉ cho em cách để làm (tất nhiên sau này em phải trả công cho anh ấy).

    Nhưng một trong những công việc đầu tiên anh đó chỉ em…đó chính là nên đăng một tin ảo để lấy thông tin, số điện thoại của khách hàng trước. Sau đó, nhân viên của anh ấy sẽ liên hệ và đưa ra những ngôi nhà thật, giá thật cho vị khách hàng đó.

    Lúc em thắc mắc làm vậy khác gì lừa lấy thông tin. Anh ấy nói rằng mình không hại người ta. Vả lại có những người môi giới lừa đảo khác còn ác hơn. Để họ đến với anh, anh còn đưa thông tin thật cho họ.

    Anh giám đốc này chọn em vì em và anh ấy có tính cách giống nhau…Anh ấy thấy tiềm năng ở em. Anh chia sẻ với em rằng…ngoài kia, người ta lừa lọc nhiều…nếu em cái gì cũng thật, thì em sẽ chết đói (mà em thấy thật vậy. Ở nhiều trường hợp, chỉ cần lươn lẹo xíu là em có thể qua chuyện và có thể kiếm được tiền)…Không có tiền lo cho bản thân huống gì là lo cho cha mẹ.

    Anh nói rằng…Sau này công ty anh có thương hiệu, có uy tín rồi anh thì anh vẫn đăng bán những sản phẩm thật. Nhưng trước khi đó, mới lúc đầu….phải ảo chút xíu, không thật được. Vì thế nếu thật thì sẽ không hợp thời…không hợp ở hiện tại. Khi mà thật giả lẫn lộn…Lý Thông nhiều hơn Thạch Sanh….

    Để khách hàng đến với anh, dù sao cũng tốt hơn với những người khác. Bởi vì dù gì bên anh cũng đưa thông tin thật.

    Đọc sách Tư Duy Tích Cực của anh…nhưng nhiều trường hợp và nhiều lúc em bị phân vân và đắn đo cực kỳ.

    Mong anh có thể cho em vài lời khuyên và nhận xét trong trường hợp của em. Cảm ơn anh!

    Like

  17. Kwideur,

    Anh chàng này ngớ ngẩn chẳng biết quy luật kinh doanh gì cả.

    Trong một thế giới kinh doanh đầy gian dối, công ty nào, người nào, có tiếng là thành thật, lời nói luôn chính xác và đáng tin, thì công ty đó sẽ nổi tiếng như hạt kim cương nẳm trên bãi cát.

    Anh làm bất cứ kinh doanh gì ở VN anh cũng thành lớn được, vì anh biết thị trường rất rõ. Mọi người gian dối, chỉ có một mình mình là lời nói đáng tin 100%, mình nhất định sẽ nổi tiếng cực lớn. Độc quyền về thành thật.

    Em chỉ cần kiên nhẫn làm việc (dù là kinh doanh loại gì) và tạo uy tính thành thật của em. QUan tâm đến lời nói. Không bao giờ nói úp úp mở mở. Nói chính xác. Không nói kiểu: “Có gì ngày mai em đến gặp chị.” Mà nói: “Ngày mai, em sẽ đến gặp chị lúc 10 giờ.”

    Làm thương mãi muốn thành công thì phải có cái gì chẳng ai có. Đó là bí quyết thành lớn.

    Em phải tập tư duy “số 1” như thế thì mới thành công lớn ở đời được. Đừng học theo những người có đầu óc lớn bằng hạt đậu xanh.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment