Im lặng trước tội ác là đồng lõa

Chào các bạn,

Chúng ta có thói quen thấy điều sai trái trước mặt cũng giả vờ không thấy, vì mình không muốn dây dưa vào, có thể tạo ra gây gổ và kẻ thù. Nín thinh cho yên thân. Hơn nữa, người ta thường nói rằng những người tốt là người hòa bình yên lặng, không gây chiến tranh và sóng gió.

Thật là khó khi chúng ta thấy những điều không tốt xảy ra trước mắt.

Chuyện thông thường nhất là hai đám học sinh đang cãi nhau có vẻ sẽ đánh nhau. Nếu bạn có mặt đó thì bạn có nên nói vài câu can gián không? “Các cháu/em học cùng trường, nhịn nhau một chút đi, cùng là anh em với nhau cả, gây gổ làm mất uy tín trường mình.” Một vài câu nói như thế rất có thể can gián được hai bên và tạo lập hòa bình. Đôi khi mình can cũng chẳng ai nghe, thì đành chịu vậy. Nhưng rất ít khi mình can gián mà bị thiệt hại gì. Nếu mình can mà thiên hạ không nghe thì họ cũng chẳng làm gì mình.

Điều khó khăn là khi ai đó làm gì sai mà mình muốn chỉnh. Thiên hạ có thể tự ái và đập mình.

Có vài lần mình chỉnh thiên hạ, chỉ vì lúc đó tự nhiên muốn chỉ thiên hạ một chút. Nhưng lần nào như thế mình cũng chuẩn bị thiên hạ có thể gây lộn và đòi đánh nhau. Một lần mình vào công viên gì đó quên rồi, có tượng Lê Thái Tổ, ở Sài Gòn. Mình muốn đến gần xem tượng. Thấy một anh lực lưỡng đang tập tạ. Anh ta ngưng tập, bước vài bước vào một bụi hoa trước tượng và tè ở đó. Mình đợi anh ta xong và nói: “Anh tè ở đây sao được? Trước mặt Lê Thái Tổ?” Anh ta nhìn mình rồi quay đi. Mình bước ra công viên, nhưng cũng liếc để ý phía sau lưng xem anh ta có chạy theo tấn công từ sau lưng không. Rất may là anh ta chẳng đi theo.

Một lần mình đi bộ trên đường Pasteur ở Sài gòn thấy một anh bảo vệ đứng tè ngay gốc cây bên đường. Mình nói: “Anh làm bảo vệ thì phải làm gương cho mọi người. Làm vậy sao được?” Anh ta nhìn mình rồi quay đi, chẳng nói năng gì.

Có lần trong nhà sách Borders ở gần nhà mình ở vùng Washington DC. Mình đang ngồi trong góc “thư viện” của nhà sách, uống cà phê và làm việc với laptop. Tự nhiên nghe có tiếng đàn ông lớn giọng chửi bới ì đùng. Nhìn lên thấy một anh Mỹ da đen vĩ đại, cao lớn, nặng ít nhất là bằng 3 hoặc 4 lần mình, đang đứng chửi bới. Nghe một chút thì biết là anh ta chửi một ông Tàu và có lẽ là một cô con gái khoảng hơn 20 tuồi ngồi cùng bàn, gần chỗ mình. Cả quán sách im phăng phắc, các khách ngồi trong thư viện cũng nín thinh như chẳng nghe thấy gì. Chỉ có tiếng chửi của anh khồng lồ. Mình quay tìm các quý vị quản lý và nhân viên quán để nhờ họ can thiệp, nhưng chẳng thấy ai cả. Hình như họ biến hết rồi. Mình tính là chẳng ai dám nói gì với anh khổng lồ, và anh được đà, càng lúc càng chửi to hơn. Với đà này thì chắc một chút nữa anh sẽ đến đập ông già Tàu. Thế nên mình tìm cách cản trước.

Mình bước lên đi về phía anh Mỹ khổng lồ, trong lòng cũng lo là anh ta có thể hiểu nhầm là mình cùng phe Á Châu với ông Tàu, đến để kiếm chuyện với anh ta. Đến gần anh chàng, mình liếc nhìn các giá sách gần đó, để nhỡ anh chàng đập mình, mình còn biết chuyển động lối nào. Mình đến trước anh chàng, và mình chỉ cao tới vai anh chàng. Mình đưa hai bàn tay làm hình chữ T – bàn tay phải thẳng, đưa lên trời, bàn tay trái nằm ngang ngay trên đầu các ngón tay của bàn tay phải. Hai bàn tay làm hình chữ T. Đó là dấu hiệu “time out” (hết giờ/tạm ngưng) mà các trọng tài dùng trong thể thao. Và mình nói nho nhỏ và rất dịu dàng: “That’s OK, that’s OK”. Và mình nói vài lần như thế. Anh ta nín ngay và từ từ ngồi xuống. Mình đứng ngay đó một chút, thấy anh ta ngồi yên, mình trở về ghế mình. Thấy mọi khách hàng trong góc thư viện đó nhìn mình có vẻ rất biết ơn và phục. Mình cũng tạ ơn trời đã cho mình được việc mà chẳng phải cãi nhau hoặc đánh nhau.

Mỗi lần can thiệp vào chuyện người khác như thế luôn có cơ nguy người ta nổi điên và đập mình. Nhưng rất may là mình chưa phải đánh nhau bao giờ, vì mình luôn ăn nói rất nhỏ nhẹ và lịch sự. Nhưng vẫn luôn e ngại mỗi khi can thiệp.

Chẳng phải lúc nào mình cũng can thiệp như thế, vì như vậy thì cả ngày cũng chẳng hết việc. Chỉ lâu lâu cảm thấy muốn can thiệp một chút, hy vọng giúp thế giới đẹp hơn một chút.

Luôn có tiềm năng bị phiền toái khi chúng ta nhúng tay vào chuyện người khác. Nhưng thế giới cũng cần người chỉ ra cái sai của người khác, thì thế giới mới không bị những người bất trật tự làm hỏng.

Rất nhiều chuyện sai trái xảy ra trước mắt chúng ta hằng ngày. Mình chẳng nói các bạn chuyện nào cũng nhúng tay vào. Lâu lâu một lần thì tốt hơn, ít nguy hiểm và phiền toái hơn. Hơn nữa, ta còn nhiều việc của ta để làm trong ngày. Nhưng im lặng trước tội ác là đồng lõa. Những chuyện lớn, gọi được là “tội ác”, nếu ta thấy thì cần tìm cách xử lí chúng – như là báo công an, báo lãnh đạo, hay nói một tiếng với ai đó. Đúng là chúng ta có thể gặp phiền toái khi nhúng tay vào việc chống tội ác, đưa tội ác ra ánh sáng. Nhưng ta phải chấp nhận có thể có phiền toái, để làm cho thế giới đẹp hơn một chút.

Có người làm bẩn thế giới, thì cũng cần có người làm sạch thế giới. Nếu không có người làm sạch, thì thế giới này sẽ tiêu tùng rất sớm.

Chúc các bạn can đảm và chịu phiền toái lâu lâu một lần, cho thế giới của chúng ta.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s