Đời là một cuộc đấu tranh

Chào các bạn,

Người Pháp có câu: “La vie c’est une lutte – Đời là một cuộc đấu tranh – Life is a struggle.”

Đấu tranh với ai, đấu tranh với gì, để được gì?

Đương nhiên là người ta nghĩ đến mọi khó khăn trong cuộc sống để chúng ta phải tranh đấu – giành miếng ăn, chống bệnh tật, giành công việc, học hành thi cử, lắng lo, thiếu thốn, buồn đau… Nói chung, đời là một cuộc hành trình gian nan và người lữ khách thực sự là người phiêu lưu trên con đường gian khổ. Nhà Phật nói giản dị: “Đời là khổ.”

Và đó là cuộc đấu tranh không có điểm ngừng của chúng ta.

Rất đúng.

Tuy nhiên, đó chỉ là một cách hiểu đời rất phiến diện và hời hợt. Có một cuộc đấu tranh khác, rất lớn, rất nền tảng, và không có điểm ngừng, mà chẳng ai nói đến khi họ nói “La vie c’est une lutte.”

Đó là, cuộc đấu tranh của mỗi người chống lại cái tôi tham sân si của mình – cuộc đấu tranh để hoàn thiện chính mình.

Và đây mới là cuộc đấu tranh gốc rễ, nền tảng, và toàn diện. Nếu bạn thắng được cuộc chiến này, bạn tự nhiên thắng được tất cả mọi cuộc chiến khác đối với mọi thứ khác trong cuộc sống mà chúng ta mới nói bên trên.

Các bạn đã thấy gì chưa?

Đương nhiên nếu chúng ta thắng được chính mình, hoàn thiện mình thành người có công phu cực kì thâm hậu đi trên đường đời, thì mọi cuộc chiến lẻ tẻ trên đường đời biến mất vì chúng đã trở thành dễ dàng như cuộc đi dạo ngắm hoa.

Nhưng con người không quan tâm đến cuộc đấu tranh hoàn thiện chính mình, mà chỉ nghĩ đến hàng nghìn cuộc đấu tranh chống hàng nghìn thứ lắt nhắt. Đó là hoàn toàn tập trung vào sai chỗ. Thế thì cả thế giới, nói theo từ nhà Phật, không si mê sao được?

Si là không biết, mê là không tỉnh. Si mê (trong tham, sân, si) là “không biết, không tỉnh”, hay nói thẳng thừng theo từ bình dân là “ngu dốt.” Nói “người si mê” nghe rất văn vẻ và chẳng có nghĩa lý gì với người Việt, vì si mê là từ Hán. Nhưng nói “ngu dốt” thì ai cũng hiểu và cũng thấm.

Các bạn, mỗi môn học có một điểm để tập trung vào – tập trung vào đó thì toàn bộ môn học thành dễ dàng.

– Nếu học nhạc, bạn tập trung vào tai nghe – nghe để học theo và để quen với mọi âm hưởng của âm nhạc. Truyền thống dạy nhạc trong các nhạc viện của Việt Nam đi theo hướng cố điển tây phương, cho nên học sinh học nhiều bằng mắt và khó nhạy cảm với âm thanh. Ngoại trừ đờn ca tài tử (và có lẽ là dân ca các miền) – ở đó các quý vị dùng tai nhiều hơn là dùng mắt để học.

– Nếu học triết, bạn tập trung vào “hỏi”. Mọi thứ trên đời đều cho bạn nhiều câu hỏi. Triết gia là người nhìn đời với đôi mắt bỡ ngỡ của một em bé – điều gì cũng lạ, cũng khó hiểu, và cũng hỏi.

– Nếu học kinh tế bạn tập trung vào luật cung cầu – người mua nhiều người bán ít thì giá hàng lên, người bán nhiều người mua ít thì giá hàng xuống. Toàn thể kinh tế học xoay quanh điểm đó.

– Nếu học luật, bạn tập trung vào lợi ích và công bình cho xã hội – tại sao dân ở vùng này nghèo quá? Nguyên nhân gốc rễ là gì, các nguyên nhân phụ là gì? Làm sao để vùng này thành trù phú hơn? Làm sao để mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng để hưởng được tăng tiến trù phú đó?

– Nếu họ võ, bạn tập trung vào vận tốc. Anh chàng kia rất mạnh, đánh trúng bạn một cái thì bạn sẽ bẹp dí như con muỗi. Nhưng nếu bạn chuyển động rất nhanh so với anh ta thì có khả năng cao là anh ta không đánh trúng bạn được lần nào, và bạn có thể đánh trúng anh ta cả chục lần, đủ để cho anh đo đất.

Các bạn, khi bạn tập trung vào đúng chỗ cho một môn học, đầu óc bạn sẽ rất sáng và bạn sẽ thấy được và nắm được những điều mà các học trò khác không thấy. Tập trung sai chỗ thì cứ như võ sĩ tập cử tạ để mình mạnh và đô con, đẹp trai – nhưng tay chân thì chậm như rùa (bạn thấy có ai cử tạ mà nhanh vùn vụt như hỏa tiễn không?) cho nên không thể là võ sĩ được, chứ đừng nói là võ sĩ chậm.

Học sống là học hoàn thiện chính mình. Cuộc đấu tranh của cuộc đời là cuộc đấu tranh hoàn thiện chính mình. Mọi cuộc khó khăn lắt nhắt khác làm khó mình được chỉ vì mình không hoàn thiện, cho nên cứ phải đánh đỡ lắt nhắt mỗi ngày, cả đời. Nếu bạn hoàn thiện, như người đi rừng chuyên nghiệp, thì mọi gai góc mỗi ngày chỉ là cây cỏ bình thường đối với bạn. Bạn sẽ chẳng có đấu tranh lắt nhắt với gai góc mỗi ngày. Bí quyết sống tốt là ở chỗ đó.

Cho nên, các bạn, hãy nhớ rằng cuộc đấu tranh lớn và quan trọng nhất ở đời là cuộc đấu tranh hoàn thiện chính mình. Thắng trận lớn đó, bạn thỉnh thoảng vẫn còn gặp các đấu tranh tâm linh lớn trên đường đi, nhưng nói chung cả con đường trơn tru thoải mái, vì các khó khăn nhỏ không còn khó chút nào đối với bạn.

Nếu bạn không hoàn thiện, bạn sẽ tốn cả đời đấu tranh, tranh đấu, và đấu tranh với hàng nghìn khó khăn vật vã mỗi ngày. Rất tội nghiệp.

Để hoàn thiện chính mình, rất đơn giản. Hãy nhớ lời chư Phật dạy: Tránh điều dữ, làm điều lành, giữ trái tim trong sạch:

Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm Ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.

Kinh Pháp Cú – Phẩm Phật Đà – câu 183

Chúc các bạn luôn tập trung vào hoàn thiện chính mình.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Đời là một cuộc đấu tranh”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s