Chào các bạn,
Nếu các bạn nhìn quanh, các bạn sẽ thấy là rất nhiều người thông minh nhanh nhẹn, nhưng cả đời cứ cà tàng cà rịch, chẳng làm gì ra hồn, ngoại trừ chỉ hai việc: (1) Họ nói rất giỏi và thông minh, và (2) luôn phàn nàn về cuộc đời stupid và bất công, hay định mệnh.
Mình nhận thấy là người ta đa số có thông minh Trời cho ngang nhau, nhưng thế giới chia ra thành hai nhóm người thành công và thất bại. Những người thất bại không phải là họ thiếu thông minh, nhưng họ thiếu tập trung.
Dù cho bạn có thông mình bằng 100 lần người trung bình, nếu bạn sống mà chẳng tập trung vào đâu cả, nay làm việc này mai việc kia, nay công ty này mai công ty kia, nay ở chỗ này mai ở chỗ kia, đầu óc thì luôn nhảy từ điều nay sang điều kia, nói chung là chẳng tập trung vào đâu được, thì đương nhiên ai cũng có thể hiểu được tại sao bạn thất bại.
Mình không có ý nói các bạn sống mà không thay đổi hay chuyển dịch. Đời là vô thường, cho nên thay đổi là chuyện đương nhiên. Nhưng đổi việc vài năm một lần thì khác đổi việc 6 tháng hay 3 tháng một lần trong vòng 30 năm liền tù tì.
Làm việc gì ở đời cũng cần phải tập trung. Bạn không thể ngồi học ngữ pháp tiếng Anh, nghe nhạc rock, và chat với hai người bạn trên hai đầu Viber khác nhau cùng một lúc mà được việc gì ra hồn.
Bạn cũng không thể học ngữ pháp hai tiếng đồng hồ hôm nay, rồi làm đủ thứ khác, nửa năm sau mới học thêm hai tiếng ngữ pháp, cứ như vậy cả chục năm mà đòi hỏi bạn phải giỏi ngữ pháp.
Tập trung đòi hỏi (1) liên tục và (2) kiên trì. Nếu bạn muốn giỏi võ, bạn phải học võ mỗi tuần 2 hay 3 giờ, tập võ mỗi ngày ở trường và ở nhà, liền tù tì cả chục năm, thì mới thành võ sư tạm gọi là có hạng. Môn nào cũng cứ nên lấy 10 năm làm chuẩn nền tảng – luật, bác sĩ, hội họa, giáo sư… Nói chung là phải học và làm khoảng 10 năm bạn mới bắt đầu thực sự là thầy (dù là khoảng 4 năm bạn đã có thể bắt đầu bập bẹ dạy). Nếu bạn cứ 6 tháng hay một năm đổi nghề đổi môn một lần, thì đương nhiên là bạn chẳng biết môn nào cặn kẽ, chẳng làm được gì ra hồn.
Nhưng tìm điều gì để tập trung vào thường là một câu hỏi khó cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn sinh viên – Học gì? Làm gì?
Nói đến sinh viên đang học hoặc mới ra trường, mình có ông bạn là cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ, lớn hơn mình chừng chục tuổi. Ông ấy nói: “Con cháu của you, khi chúng nó còn trẻ, chưa vướng bận nhiều, thì khuyến khích và hỗ trợ chúng nó đi nhiều. Càng có cơ hội đi nhiều chúng nó càng mở mang đầu óc và hiểu biết nhiều.” Và ông ấy hỗ trợ các con của ông đi, đôi khi cho chúng thêm ít tiền, thường là giới thiệu đến các bạn ông ở các nước để chúng nó ghé qua.
Mình có cảm tưởng là ý này có giá trị, nhưng cũng chẳng chắc là nó có giá trị nhiều đến đâu. Ngày nay Internet giúp cho người ta biết đủ thứ chuyện của thế giới mà không tốn tiền du lịch. Hơn nữa, trí tuệ đến từ cái đầu biết suy nghĩ hơn là cái chân đi. Kinh nghiệm của mình là ngồi một chỗ để chiêm nghiệm và suy tư thì thường giúp ta thông thái bằng cả chục lần thiên hạ, dù thiên hạ đã đi tới cả chục nước và ta chỉ đi được một chục làng.
Tuy vậy, mình cũng cảm thấy nếu các bạn muốn đi thì cứ đi, nhất là đi kiểu Tây ba lô – tự lo tiền bạc và điều kiện sống cho mình. Đi nhờ tiền của bố vì bố là đại gia thì càng đi càng ngu, vì đi kiểu đó thì chỉ chơi chứ chẳng học được gì cả.
Ngoài việc đi để lấy kinh nghiệm và mở rộng tầm mắt đó, mọi người đều một lúc nào đó cần phải ở tại một chỗ và tập trung học và làm một việc gì đó cho thuần thục. Đó là con đường thành công.
Nhưng tập trung vào đâu? Nghề gì? Môn gì?
Đây thực là câu hỏi cực khó. Công thức của mình đã dùng là: (1) Tập trung vào điều gì bạn cảm thấy thích nhất. (2) Nếu không biết mình thich gì nhất, thì tập trung vào điều mình ÍT ghét nhất.
Có người có những cách dễ hơn, như là: “Bố cháu rất thông thái, cháu hỏi bố cháu, bố cháu khuyên cháu nên học gì thì cháu học môn đó.” Hoặc, cứ làm gì đụng mình lúc này, đợi lúc gặp một điều gì đó mà mình biết là “this is my calling.” (kiểu cứ sống độc thân vui tính, chờ khi đụng một cô và biết “Đây là người Trời gửi đến cho mình.”)
Dù bạn dùng cách nào để lựa chọn, bạn cần dùng thời gian có hiệu quả, vì thời gian qua đi và không quay trở lại. Bạn qua một ngày là đời bạn cạn một ngày, không lấy lại được.
Cách dùng thời gian hiệu quả nhất là tập trung vào “ở đây lúc này”. Chuyện gì bạn đang làm ở đây lúc này – dù đó là học Aikido, vẽ chân dung, đọc một cuốn sách, hay nấu nồi cơm – thì tập trung 100% vào làm công việc đó. Đó là Thiền từng phút, một cách sống làm cho đầu óc ta rất tập trung, sâu sắc, và thông thái. Thiền từng phút sẽ giúp phát triển kỹ năng tập trung của bạn.
Đừng làm một lúc năm bảy việc. Khỉ nhảy choi choi thì chẳng được gì.
Và nhớ là tập trung có nghĩa là liên tục – nghĩa là mỗi ngày – và kiên trì – nghĩa là khi gặp khó, khi chán nản, khi cảm thấy không muốn làm, cũng phải có kỷ luật để vượt qua khó khăn và lười biếng để cứ làm liên tục.
Tập trung mà thấy khó, thấy nản, thấy lười thì bỏ việc, đó là chẳng tập trung.
Các bạn, mọi người đều thông minh ngang nhau, nhưng sức tập trung thì khác nhau. Và tập trung mới là điều định hình cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Không phải thông minh.
Chúc các bạn luôn tập trung tốt.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh.
Em thấy em trong từng đoạn, từng câu từ anh viết ra.
Em thầm tạ ơn Chúa, đã ban cho em một người thầy, một người anh.
Xin Chúa gìn giữ anh và cả nhà.
Em Đức.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Dear Anh Hoành,
I have found the answers to my own questions after reading your piece of writing today. What a miracle!
Thank you so much, Anh. 🙏
Wishing you a beautiful day.
Em. An An
ThíchThích