Đi tìm chính mình

Chào các bạn,

Có lẽ các bạn đã hoặc đang đi tìm chính mình. Cụm từ “Đi tìm chính mình” đã luôn là cụm từ thông thường nhất trong tư duy của con người, đặc biệt là từ cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, làm sụp đổ hệ thống chính trị xã hội cổ truyền – chấm dứt chế độ quân chủ, chấm dứt sự thống trị của giáo hội, khởi đầu của chế độ dân chủ lập hiến, khởi đầu của nhà nước thế quyền kiểm soát giáo quyền, và chữ “tự do” (la liberté) trong cụm từ Liberté, égalité, fraternité – Tự do, bình đẳng, huynh đệ trở thành sao bắc đẩu cho đời sống chính trị của con người. (Cụm từ này trở thành Khẩu hiệu Quốc gia – national motto – của Pháp từ cuộc Cách mạng đó).

Trước thời đó con người có rất ít tự do – mỗi người sống trong chỗ mình đang đứng, với những quy tắc xã hội ấn định tư duy và hành động của mình. Tu sĩ, vua, quan lớn, quan nhỏ, dân ít nghèo, dân nghèo cùng đinh, thầy, trò… mỗi người có một chỗ đứng rõ ràng trong xã hội, và phải ứng xử với chính mình và với mọi người khác trong xã hội trong những khuôn phép xã hội có sẵn. Không có bình đẳng và tự do.

Xã hội cổ truyền đó, kể từ cuộc Cách mạng Pháp sụp đổ từ từ khắp thế giới. Con người có bình đẳng và tự do.

Và tự do có nghĩa là tự do tư duy và tự do hành động. Điều đó đưa đến câu hỏi “Tôi là ai? Tôi phải sống thế nào cho đúng trong một xã hội tự do và bình đẳng? Tôi nên làm gì?” và đó là những câu hỏi “Đi tìm chính mình.”

Các bạn đã có kinh nghiệm và đã biết “đi tìm chính mình” đôi khi chẳng là việc dễ, đặc biệt là khi bạn còn trẻ, từ tuổi teen đến khoảng hơn 30. Rất nhiều người lớn tuổi hơn, 50 chẳng hạn, cũng đang đi tìm chính mình, chẳng chỉ riêng các teens.

Nói chung, đi tìm chính mình là một việc khó, đặc biệt là khi ta chỉ đi tìm một mình, như các teens ngày nay làm đủ chuyện một mình, từ chơi game, học đủ thứ môn, ăn diện đủ kiểu, đi đủ thứ nơi…. để tìm chính mình.

Vấn đề thực sự là khó khăn mà người thời trước ít gặp. Người thời trước biết mình là ai, đang đứng chỗ nào, và do đó phải tư duy và hành động thế nào. Người thời nay tự do, muốn làm gì thì làm, và cũng chẳng thấy mình đứng chỗ nào, cho nên luôn cảm thấy lạc lõng, mất định hướng, cho nên cứ phải “đi tìm.”

Nhưng các triết gia trong vòng 300 năm nay, vì đặt tư duy vào cá nhân quá nhiều – như là một phản ứng kịch liệt CHỐNG LẠI tư duy hệ thống giáo quyền, hệ thống thế quyền phong kiến, rồi đến MỌI hệ thống quyền lực trong xã hội – đã làm cho cá nhân trở thành “một mình”, cô đơn, lạc lối và thấy cuộc đời vô nghĩa. Đó là luồng tư duy hiện sinh (existentialism) bắt đầu với những người nổi loạn tư duy như Friedrich Nietzsche (1844 – 1900), đến những triết gia, tâm lý gia, và xã hội học gia ngày nay.

Nhưng đó là vấn đề. Con người là một sinh vật bầy đàn. Chúng ta sinh ra với bầy đàn và sống trong bầy đàn. Cuộc đời ta chỉ có ý nghĩa khi ta sống trong bầy đàn, rời đàn là ta chết. Cho nên trong luồng tư duy chẳng nói gì đến bầy đàn, hơn nữa lại còn gạt bỏ bầy đàn – như là thiên hạ điên rồ, ngu dốt – và đi tìm chỉ chính mình với chỉ một mình mình, chúng ta không thể tìm được chính mình, vì đó là “mình không có thật” – con người thật thì sống với bầy đàn và phải tư duy về mình cùng với bầy đàn thì mới là tư duy hợp sự thật và, do đó, hợp lý lẽ và dễ hiểu. Tư duy kiểu chỉ có một mình mình trên thế giới là tư duy không tưởng, không có thật, và do đó chỉ là tư duy lạc lối, chẳng tìm ra được gì, đừng nói là tìm ra chính mình.

Và các quý vị, đủ loại người, nói đến trưởng thành, nói đến tự do, là tập trung hoàn toàn vào cá nhân, hầu như chẳng ai nói “cá nhân sống trong bầy đàn.” Cho nên các teens lạc thì đã đành, người lớn còn giúp cho teens lạc xa hơn.

Các bạn, con người là sinh vật bầy đàn. Bạn cần phải lấy điều đó là nền tảng tư duy của bạn, thì bạn mới thấy được thế giới, con người, và chính mình trong đó. Đó là tìm ra được cả thế giới, cả loài người và chính mình. Chẳng chỉ tìm được chính mình mà chẳng thấy ai trong một thế giới chết.

Nếu bạn muốn tìm chính mình thì tìm kiểu này: Tôi sống trong đất nước này, thế giới này. Mọi người là bầy đàn của tôi – chúng tôi như một bầy cá cơm, hàng triệu con du hành đại dương cùng một lúc. Tôi sống thế nào với bầy đàn, làm gì cho bầy đàn, làm gì cho hằng trăm hàng nghìn con cá cơm đang bơi quanh tôi, để đời tôi có ý nghĩa?

Các bạn, đứng ngoài luồng tư duy này là bạn đang lạc lối tư duy, và bạn sẽ lạc lối cho tới chết. Chẳng thể tìm được chính mình, cùng lắm là bạn tìm được một zombie (xác ướp) đi cô đơn mỗi ngày qua những con phố đông người.

Open your eyes. And wise up!

Chúc các bạn luôn nhiều trí tuệ.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s