Chào các bạn,
Đây là câu hỏi dường như khó trả lời, vì mỗi người thích một câu trả lời khác nhau: “Chúng ta có nên nghiêm chỉnh với đời sống hay không?”
Tùy theo tư duy, mọi người có thể tạm được chia thành hai khối chính. Khối thứ nhất là sống nghiêm chỉnh – sống có kỷ luật, tử tế, nhân lễ nghĩa trí tín, đi nhà thờ nhà chùa, kinh sách, lễ bái. Đa số các tôn giáo và tín đồ của các tôn giáo nằm trong khối này, tuy nhiên rất nhiều người chẳng thuộc tôn giáo mà cũng rất nghiêm chỉnh trong cuộc sống.
Khối thứ hai có vẻ như xem cuộc đời nhẹ như lông hồng. Lông hồng là lông ngỗng trời. (Tự điển nói chim hồng là chim nhạn lớn, ngỗng trời lớn. Hồng Bàng có lẽ là chim nhạn lớn, và đông đúc – bàng có nghĩa là lớn hoặc đông đúc. Theo giáo sư Kim Định thì Hồng Bàng là vật tổ (totem) của dân Việt – dân Việt đã chọn chim Hồng lớn làm vật tổ. Điều này rất có lý vì trên các trống đồng Ngọc Lũ và Đông Sơn thì hình chim bay là hình chính, và tên của dòng tộc rõ ràng là Hồng Bàng).
Anyway, khối xem cuộc đời nhẹ như lông hồng thường cho rằng đời là ảo, không thật, phù du, tạm bợ, sống là “rong chơi đường trần” trong một lúc, chẳng có gì đáng quan tâm quá đáng.
Tuy nhiên, “sống tạm” và “rong chơi” lại cũng có thể là sống rất nghiêm chỉnh, cách của các thiền sư sống tự do, thoải mái, và không bám chấp vào đâu. Tức là những người đó nói là thuộc khối hai, không nghiêm chỉnh, nhưng thật ra là họ ở khối một – nghiêm chỉnh, một cách thoải mái tự do của họ.
Thái độ thực sự không nghiêm chỉnh thường cho rằng đời chẳng có nghĩa lý gì, chẳng cần phải quan tâm gì, cứ sống với bản năng tham sân si, hỉ nộ ái ố ai lạc dục, cho tới chết là hết. Và phần chính của khối không nhiêm chỉnh này là thiên hạ tham sân si, chẳng nghĩ gì nhiều hơn là sống với bản năng thấp kém của mình.
Còn một khối thứ ba vĩ đại nữa, đó là khối làng nhàng, muốn làm tốt nghĩ tốt, nhưng sống thì phần chính vẫn là sống với bản năng tham sân si. Dòng người vĩ đại đọc Internet mỗi ngày phần lớn thuộc khối này. Nhưng mình nhập khối ba này vào khối hai (không nghiêm chỉnh), chỉ giữ lại hai khối, để vấn đề giản dị và dễ hiểu hơn.
Nói chung là thế giới chia hai khối sống: nghiêm chỉnh và không nghiêm chỉnh. Nhưng nghiêm chỉnh không có nghĩa là khá hơn không nghiêm chỉnh, vì rất nhiều người nghiêm chỉnh nhưng tư duy lại rất hạn hẹp, nhiều thành kiến, và độc đoán. Những người này, phần lớn ở trong các tôn giáo, thường có tư duy và tác phong tự cho mình thánh thiện, và chống lại mọi loại người có tư duy khác mình – và đó là mầm mống chia rẽ và chiến tranh thường xuyên nhất trong lịch sử thế giới.
Nghĩa là trong số người nghiêm chỉnh thì chỉ có một thiểu số nghiêm chỉnh với đầu óc rộng mở, huynh đệ, thương yêu và hòa bình. Số lớn còn lại thì nghiêm chỉnh độc đoán và si mê. Họ có lẽ chẳng hơn được người không nghiêm chỉnh bao nhiêu, mà rất có thể còn tai hại hơn những người không nghiêm chỉnh vì tính độc đoán và chia rẽ của họ.
Phân tích tổng quát như thế để chúng ta có thể thấy được người nghiêm chỉnh thật sự, với đầu óc rộng mở, thân thiện và hòa bình với người khác là thành phần rất nhỏ của thế giới. Mọi người khác thuộc về một khối vĩ đại, gọi là si mê (dùng từ nhà Phật) của thế giới.
Nhưng điều chính mình muốn nói với các bạn là: Dù nhiều người sống nghiêm chỉnh vẫn có thể sai lạc cả đời, chúng ta cũng cần sống nghiêm chỉnh. Vì sao?
Vì: Những người sống nghiêm chỉnh thường là những người đi tìm sự thật – dù họ nghiêm chỉnh và rộng mở, hay nghiêm chỉnh kiểu vui chơi như các thiền sư rong chơi đường trần, hay nghiêm chỉnh kiểu lễ bái hạn hẹp trong đầu óc – thì những người nghiêm chỉnh có một điểm chung là họ thực sự muốn có chân lý về đời sống, và họ tìm chân lý. Ngay cả những người nghiêm chỉnh kiểu nhắm mắt tin mê muội, thì trong lòng họ vẫn có một ước muốn lớn lao về những chân lý sống trường cửu.
Mà nguyên lý sống là: “Hỏi và bạn sẽ được cho, tìm và bạn sẽ thấy, gõ và cửa sẽ mở cho bạn.” (“Ask and it will be given to you; seek and you will find; knock and the door will be opened to you.” Matthew 7:7).
Nguyên lý này rất dễ hiểu: Hỏi /xin mãi thì cũng sẽ được. Tìm mãi thì cũng sẽ tìm ra. Gõ cửa mãi thì cửa sẽ mở. Đó chỉ là nguyên lý kiên trì và tập trung. Bạn kiên trì và tập trung tìm chân lý, thì một lúc nào đó bạn sẽ có chân lý.
Người thật sự không nghiêm chỉnh sẽ chẳng bao giờ có chân lý vì họ chẳng tìm chân lý bao giờ.
Tùy theo căn cơ và trái tim của chúng ta, chúng ta có thể thấy được chân lý trong một sátna, trong nhiều năm, hay trong nhiều kiếp sống. Nhưng nếu bạn tìm chân lý, chân lý sẽ đến với bạn. Đó là điểm mấu chốt.
Cho nên, dù bạn vẫn sống chưa thực sự nghiêm chỉnh, nhưng nếu bạn có ước ao muốn biết được những chân lý sâu thẳm về đời sống của chính mình (và của mọi người), hãy giữ ước ao đó trong lòng. Ước thì sẽ được. Một lúc nào đó.
Hãy bền tâm tìm kiếm.
Chúc các bạn tìm được chân lý.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Yes, If you believe, somehow you will ! Em cảm ơn bài viết của anh ạ.
ThíchThích