Ngày quốc tế về rừng, nhìn lại những hoạt động trồng rừng ‘đặc biệt’ ở Việt Nam

NĐT –  22:36 | Thứ hai, 21/03/2022 0

Hôm nay (21.3) là Ngày Thế giới trồng cây do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) phát động từ năm 2013, kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững. Ngày 21.3 còn là Ngày Quốc tế về Rừng khích lệ các quốc gia tổ chức các chiến dịch trồng rừng, trước thực trạng rừng trên thế giới đang ngày càng suy giảm về chất lượng và diện tích.

Hoạt động trồng rừng từ nhiều đơn vị, tổ chức xã hội với sự chung tay của cộng đồng vẫn đang được tiếp tục nỗ lực duy trì. Ảnh: CTV

Theo giới chuyên gia, sau đại dịch COVID-19, con người sẽ còn phải ứng phó với nguy cơ toàn cầu lớn hơn, là biến đổi khí hậu. Hiện nhiều khu vực trên trái đất đã xảy ra hàng loạt sự thay đổi tiêu cực về nền nhiệt độ, hệ sinh thái, v.v. Trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái là một trong những giải pháp hiệu quả hiện đang được cả thế giới đẩy mạnh. Tại Việt Nam, hoạt động trồng rừng từ nhiều đơn vị, tổ chức xã hội với sự chung tay của cộng đồng vẫn đang được tiếp tục nỗ lực duy trì.

Là một trong hai dự án đến từ châu Á và là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải thưởng với sự hỗ trợ tài chính từ Hiệp hội Bảo tồn ngoại cảnh châu Âu (EOCA) ở hạng mục rừng, dự án phục hồi và bảo tồn 630 ha rừng tự nhiên tại Vân Hồ, Sơn La đang được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) triển khai.

Một trong những hoạt động thú vị của dự án này là “bom hạt” – mô hình mới đang được một vài dự án thử nghiệm tại Việt Nam. Các bạn học sinh Vân Hồ sẽ tham gia tạo và phân tán những “quả bóng đất” với những hạt giống rừng bản địa chất lượng tốt được thu gom và vùi vào bên trong, để giúp phục hồi khoảng 100 ha rừng nghèo kiệt nằm rải rác trong khu vực rừng tự nhiên Vân Hồ. Đến mùa, mưa sẽ đánh thức hạt. Hạt đủ điều kiện sẽ nảy mầm. 

Tổ Bảo tồn Vượn đen má trắng tại Vân Hồ. Ảnh: PanNature

Theo PanNature, cộng đồng được xác định là linh hồn trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Người dân là người trực tiếp lựa chọn giống cây trồng, thực hiện phục hồi rừng. Sinh kế đến từ nguồn thu lâm sản ngoài gỗ (ví dụ những cây bản địa đa mục đích như trám, dổi…) và du lịch sinh thái, giữ rừng. PanNature hi vọng trong vòng năm năm, 80% hộ gia đình tại xã Vân Hồ sẽ được cải thiện sinh kế nhờ nguồn lâm sản ngoài gỗ này. Cùng với các đối tác khác, PanNature đang hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, các tổ chức cộng đồng thúc đẩy phát triển thương hiệu, quảng bá và tìm thị trường cho các sản phẩm.

“Vá rừng trên núi đá” là một chương trình khác đang được PanNature tiến hành. Đây là dự án mở rộng sinh cảnh và bảo tồn hiệu quả các loài động thực vật quý hiếm thông qua kết nối hành lang rừng tự nhiên Vân Hồ tới Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò (Sơn La). Ở đây, ngoài nhiều loài thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng như thông Pà Cò, thông đỏ bắc, bách xanh đá, nghiến, trai lý, các loài lan kim tuyến,… đặc biệt còn có loài vượn đen má trắng đã được PanNature xác định còn tồn tại.

Quần thể vượn này đã di chuyển quanh các xã Lóng Luông và Vân Hồ từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do sinh cảnh rừng bị tác động và chia cắt mạnh nên 3 đàn vượn hiện đã tập trung sinh sống tại một khu rừng nhỏ ở xã Vân Hồ. Quần thể vượn này còn tồn tại được là nhờ có sự bảo vệ nhất định của cộng đồng người H’Mông bởi theo truyền thuyết của cộng đồng, vượn là linh vật không được săn bắt.

VARS vừa khởi động năm thứ hai dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh vào hôm nay nhân Ngày quốc tế về rừng. Dự án hỗ trợ trồng rừng bằng cây bản địa cho ba hộ dân xã Sơn Hóa là ông Phạm Đình Chiểu (3ha), Đinh Thế Hùng (5ha), Võ Đức Hoài (3ha). Các diện tích này đều là diện tích đất trồng keo trước đây, tuy nhiên, khi nhận thấy các lợi ích về kinh tế và môi trường của rừng cây bản địa, và sự hỗ trợ của dự án các hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây bản địa. Dự kiến năm nay VARS sẽ tiếp tục trồng 100ha rừng tại khu vực đầu nguồn sông Thạch Hãn tại Quảng Trị, và 100ha dự kiến sẽ trồng đầu nguồn sông Thu Bồn ở Quảng Nam. Ảnh: CTV

Cũng lấy người dân địa phương là trung tâm cho hoạt động trồng rừng, tại Chương trình “Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh” (Quảng Bình) do Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao thực hiện, sau một năm triển khai đã có hơn 80 ha rừng được trồng. Người dân địa phương sẽ trồng các loài cây bản địa, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng. Bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Tham vọng đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng, rừng tự nhiên không chỉ ở VARS. Thông qua sự kêu gọi đóng góp, chỉ khoảng từ 50 – 70 nghìn đồng, các đơn vị, tổ chức khác cũng đã và đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ các nguồn lực xã hội.

Đến nay Gaia đã trồng được gần 275.000 cây gỗ lớn bản địa tại 5 khu rừng đầu nguồn Việt Nam. Ảnh: CTV

Có thâm niên trồng rừng nhiều hơn, bắt đầu từ năm 2018 với sự đóng góp của hàng ngàn cá nhân, đội nhóm và các doanh nghiệp, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, đến nay đã trồng được gần 275.000 cây gỗ lớn bản địa tại 5 khu rừng đầu nguồn Việt Nam. Trong đó riêng tháng 3 năm nay, Gaia đã trồng gần 30.000 cây gỗ lớn bản địa thuộc 40 loài khác nhau trên hơn 30 ha rừng đặc dụng đầu nguồn nghèo kiệt tại Vườn Quốc Gia Bến En và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa).

Để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cây sống tối thiểu là 70 – 80% sau 4 năm, các khu rừng sẽ được theo dõi, và chăm sóc trong vòng 4 năm. Gaia cũng sẽ phối hợp cùng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En nghiên cứu, giám sát khu rừng và công khai báo cáo hàng năm. Sau đó, khu rừng sẽ tiếp tục được bảo vệ lâu dài từ các nguồn vốn của nhà nước. Bất cứ ai cũng đều có thể cập nhật thông tin về khu rừng hàng năm như: tỷ lệ sống, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong rừng… qua trang web của Gaia.

Dự án “Trồng rừng giữ nước Ninh Thuận” của chương trình Hạnh Phúc Xanh đã trồng được 41.000 cây thanh thất trên 33 ha rừng trồng mới. Ảnh: CTV

Ra đời muộn hơn, các dự án trồng rừng của chương trình Hạnh Phúc Xanh thuộc Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững, cam kết sẽ trồng rừng trong 70 năm, lại mang một dấu ấn đặc biệt khác, là ứng dụng công nghệ vào nghiệm thu, giúp việc quản lý và theo dõi rừng trồng được thuận lợi hơn trong dài hạn. Như công nghệ định vị tọa độ và đo chu vi, diện tích khu vực rừng trồng, giúp loại bỏ các lỗi và nâng cao độ chính xác đến mức tối đa (GNSS RTK); thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu của khu vực rừng trồng (ArcGIS Survey 123); lưu trữ bản đồ và xác định vị trí khu rừng trồng ngoài hiện trường (ArcGIS Collector); hoàn thành lắp đặt trạm quan sát thời gian thực và camera quan sát vùng trồng, hệ thống quan trắc thời tiết.

Sau một năm khởi động với sự hỗ trợ của nhiều cá nhân và doanh nghiệp, dự án “Trồng rừng giữ nước Ninh Thuận” của chương trình Hạnh Phúc Xanh đã trồng được 41.000 cây thanh thất trên 33 ha rừng trồng mới thuộc phòng hộ tại rừng phòng hộ Thuận Nam, Ninh Thuận. Rừng Ninh Thuận đặc trưng có độ dốc cao, đất đá khô cằn và các loại cây gai, vì thế việc trồng cây gặp nhiều khó khăn. Hay dự án trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng của Hạnh Phúc Xanh cũng đã trồng 37.400 cây mấm trồng sau 6 tháng bắt đầu… 

Trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng.

Mặc dù tỉ lệ độ che phủ rừng Việt Nam năm 2020 theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 42,1% – gần trở về bằng năm 1943 (43%), tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, chất lượng rừng rất thấp. Chưa kể nhiều năm qua, hàng loạt diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng… đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho nhiều loại dự án kinh tế khác nhau.

Trong bối cảnh đó, cộng việc Việt Nam còn bị hạn chế nhiều về nguồn lực và tài lực thì các hoạt động trồng rừng, đặc biệt đến từ sáng kiến của các đơn vị, tổ chức xã hội với sự chung tay của cộng đồng là những nỗ lực thực sự bền bỉ. Điều này không chỉ cần được ghi nhận mà còn gióng thêm tiếng cảnh báo, vừa là lời nhắc nhở cho một con đường phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm sinh kế người dân địa phương.

Lê Quỳnh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s