Chào các bạn,
Trong việc luyện tâm (hay luyện tư cách con người), đương nhiên là kinh sách hàng núi lớn hơn cả Himalayas, nhưng rốt cuộc mọi thứ đều chỉ quy về một điểm đơn giản: Bạn tập trung vào chính bạn hay bạn tập trung vào đồng loại (loài người) của bạn. Nói một cách đơn giản là bạn vị tha vị kỷ; bạn vô ngã hay chấp ngã. Mọi kinh sách và giáo huấn đều quy về một điểm này.
Trái tim Bồ tát là gì? Đó là trái tim thệ nguyện độ mình để độ mọi chúng sinh. Các bạn thấy thứ tự, đương nhiên là phải độ mình trước, rồi mình mới đủ kiến thức và kinh nghiệm để độ mọi chúng sinh sau. Nhưng ưu tiên về mục đích vẫn là chúng sinh hàng đầu – độ mình là để độ chúng sinh.
Chúa Giêsu dạy: Tất cả mọi giáo luật và tiên tri đều chỉ tóm tắt vào hai điều: Yêu Thượng đế và yêu loài người (yêu mọi người như yêu chính mình). Thứ tự ở đây là yêu Thượng đế trước, rồi sau đó yêu mọi người. Nhưng thực sự là yêu Thượng đế ĐỂ yêu mọi người. Yêu mọi người là đích điểm cuối cùng.
Tại sao ta cần yêu Thượng đế trước? Tại vì nếu bạn không yêu Thượng đế bạn chẳng đủ sức yêu mọi người – thế giới có rất nhiều côn đồ, cướp của, giết người, lường gạt, nhũng lạm, áp bức, giết Chúa, bỏ tù Phật… Làm thế nào để ta có thể yêu tất cả mọi người như một đống rác thối tha như thế? Thưa, ta chỉ có thể yêu được họ nếu ta yêu Thượng đế. Ta yêu mọi người vì ta yêu Thượng đế là Cha, và Cha bảo ta yêu mọi người. Ta yêu Cha và vâng lời Cha và, do đó, ta yêu mọi người. Yêu mọi người vì ta yêu Cha và vâng lời Cha và tin vào sự yêu thương, thông thái, và quyền lực của Cha. Ta thực sự chẳng yêu người vì thấy mọi người đều đáng yêu (dù đến một lúc nào đó, ở một tầng tâm linh cao hơn, ta sẽ thấy mọi người đáng yêu, hay ít nhất là đáng tội nghiệp).
Nếu bạn thực sự yêu Chúa yêu Phật, bạn sẽ có đủ sức để yêu người. Nhưng nếu bạn đi chùa đi nhà thờ, nhưng không yêu Chúa yêu Phật, bạn sẽ không đủ sức yêu mọi người.
Dù sao thì thiên hạ khắp thế giới có lẽ không hiểu được nguyên lý “vị tha versus vị kỷ” (vô ngã vesus chấp ngã) này. Người ta đi tìm chân lý và học đủ thứ luyện tâm, nhưng người ta chỉ tập trung vào phục vụ chính mình và chẳng hề biết rằng con đường thật là “mình chỉ là khí cụ để phục vụ mọi người.” Không biết được đường này, thì mọi con đường khác chỉ là lầm đường lạc lối tâm linh.
Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Chiếu kiến ngủ uẩn giai Không độ nhất thiết khổ ách.” Thấy “tôi” là Không thì liền giác ngộ. Ngược lại, cứ bám vào tôi (chấp ngã) là đầu mối của mọi tội lỗi, si mê.
Nhưng đường vạch phân cách giữa ta và mọi người thường khi rất mù mờ. Có nhiều người trẻ đã nói: “Trước hết tôi phải dành tâm huyết để xây dựng sự nghiệp cho tôi, rồi sau đó tôi mới đủ sức để phục vụ mọi người.” Điều này nghe rất hợp lý, nhưng khi thực hành thì mọi người đều đã lao đầu vào sự nghiệp của riêng họ và đã không bao giờ thoát ra được, vì lúc nào cũng thấy mình chưa đầy đủ, cho đến khi mình chết.
Cho nên, ý thức về yêu người và phục vụ mọi người phải là ý thức đầu tiên và cuối cùng của mình. Mình làm gì thì trong lòng mình cũng phải nhớ là mình đang làm để phục vụ mọi người. Không phải là lo cho mình đầy đủ trước rồi mới nghĩ đến người khác sau. Đó thường là tự lừa dối mình.
Nếu bạn yêu người thì bạn luôn yêu người, không phải là có dư tiền rồi thì mới bắt đầu yêu.
Thực sự là mọi cách luyện tâm, tất cả mọi người đều đã biết. Sách vở và Internet nói hàng núi. Chẳng có gì là bí mật. Chỉ có một điều chẳng mấy ai làm là hầu hết mọi người chỉ chăm chăm vào phục vụ chính họ như là đích điểm phục vụ duy nhất và cuối cùng, và trong họ chẳng có một ý thức nào về mọi người là mục tiêu phục vụ của họ.
Đó là cuộc tranh đấu: Vô ngã versus chấp ngã. Vị tha versus vị kỷ.
Và đa số mọi người thua cuộc ngay từ đầu.
Các bạn, bí quyết sống rất dễ nhớ: Ta chỉ là khí cụ để phục vụ loài người.
Đừng biến khí cụ thành mục tiêu.
Chúc các bạn luôn nhớ đường thật.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com