Chào các bạn,
Người Việt có chữ Thời – thời đến thì thành, thời chưa đến thì bại. Đây cũng rất giống với khái niệm timing trong văn hóa Âu Mỹ – đúng timing, nghĩa là đúng lúc, thì thành, sai timing thì bại.
Tuy nhiên trong khi chữ timing chỉ có nghĩa khoa học là chính xác về thời gian, chữ Thời có thêm một chiều hướng siêu hình. Chiều hướng siêu hình này có ít nhất là hai góc cạnh khác nhau: (1) Ý Trời, (2) cơ duyên (hay nhân quả).
Ý Trời là ý của ông Trời, muốn ta thành hay muốn ta bại. Và khi Trời có ý này thì thường có nghĩa là Trời muốn thưởng hay muốn phạt ta, do các việc tốt hay xấu ta đã làm.
Cơ duyên, hay nhân quả, là nếu ta gieo nhân thì sẽ gặt quả. Gieo nhân tốt thì gặt quả tốt, gieo nhân xấu thì gặt quả xấu. Tiếng Anh gọi là the law of cause and effect (luật nhân quả).
Rộng hơn nhân quả một chút thì gọi là nhân duyên. Nhân là nguyên nhân trực tiếp ta tạo ra. Duyên là những nguyên nhân không do ta tạo ra. Như ta trồng cây thì tưới nước và phân bón là nhân, và mưa nắng khí hậu là duyên. Cả hai thì gọi là nhân duyên. Tiếng Anh là causes and conditions. Đây cũng chỉ là luật nhân quả nói rộng ra một chút thôi.
Nhân duyên còn được gọi là cơ duyên. Cơ là cỗ máy, duyên là nguyên nhân (cả nguyên nhân gần lẫn nguyên nhân xa). Tức là cỗ máy nhân duyên của trời đất.
[Chú thích: Nhân quả hay nhân duyên được hệ thống hóa để lý giải 12 bước con người đi từ “vô minh” đến “khổ”. Mười hai bước này gọi là Thập nhị nhân duyên. Tiếng Anh là The law of dependent origination (hay Pháp Duyên Sanh – The Doctrine of Paticcasammupada, mỗi thứ trong vũ trụ sinh ra vì bị lệ thuộc vào những thứ khác):
Thập nhị nhân duyên
1. Vô minh (Không ánh sáng, si mê, ignorance, avijjā)
2. Tùy thuộc vô minh (avijjā), hành (volitional actions or kamma-formations, saṅkhāra) phát sanh.
3. Tùy thuộc hành (saṅkhāra), thức (consciousness, viññāṇa) phát sanh.
4. Tùy thuộc thức (viññāṇa), danh sắc (tên và hình, mental and physical phenomena, nāmarūpa) phát sanh.
5. Tùy thuộc danh-sắc (nāmarūpa), lục nhập (đi vào ngũ quan và đầu óc, the six faculties – five physical sense-organs and mind, salāyatana) phát sanh.
6. Tùy thuộc lục nhập (salāyatana), xúc (tiếp xúc, sensorial and mental contact, phassa) phát sanh.
7. Tùy thuộc xúc (phassa), thọ (cảm giác, sensation. vedanā) phát sanh.
8. Tùy thuộc thọ (vedanā), ái (thèm muốn, desire, taṇhā) phát sanh.
9. Tùy thuộc ái (taṇhā), thủ (nắm, clinging, upādāna) phát sanh.
10. Tùy thuộc thủ (upādāna), hữu (có, the process of becoming, bhava) phát sanh.
11. Tùy thuộc hữu (bhava), sinh (birth, jāti) phát sanh.
12. Tùy thuộc sinh (jāti ), lão tử (già chết, decay and death, jarā maraṇa), sầu (buồn, sorrow, soka), bi (than, lamentation, parideva), khổ (khổ, pain, dukkha), ưu (đau đớn, grief, domanassa), não (tuyệt vọng, despair, upāyāsa). Nghĩa là toàn bộ khối đau khổ cùng phát sanh.
Vậy 12 bước Thập nhị nhân duyên bắt đầu từ vô minh (si mê) và tận cùng bằng già chết, đau khổ.]
Trở lại chữ Thời, khái niệm chữ Thời của người Việt nói về thời gian, nhân duyên, và ý Trời. Yếu tố nào cũng rất khó tính toán, nhất là ý Trời và nhân duyên. Cho nên chữ Thời, dù là yếu tố có lẽ là quan trọng nhất cho thành bại, thì lại rất khó biết. Không dễ tính toán như khi chỉ nói về thời gian của kim đồng hồ như trong văn hóa Âu Mỹ.
Dù bí ẩn thế nào thì chữ Thời cũng rất lớn trong văn hóa Việt Nam – chúng ta thường nói thời đến thì thành và thời đi thì bại. Thiên hạ tìm cách đón bắt chữ Thời bằng cách xem tử vi, dịch học, bói toán, v.v… Mình nghĩ rằng tin vào các thứ đó thì nằm há miệng chờ sung hay mua vé số còn chắc ăn hơn.
Tuy vậy, vẫn có một cách người xưa, và cả người nay, sống tốt với chữ Thời. Đó là để chữ Thời tự nhiên làm việc cho mình. Mình không tìm Thời, mà để Thời tự đến tự đi.
Nghĩa là, chúng ta cứ sống và làm việc tử tế chăm chỉ mỗi ngày, không cần phải ngóng đợi gì cả. Rồi một lúc nào đó Thời tới thì Thời tới. Và khi Thời tới thì ta sẽ “bất chiến tự nhiên thành.” Đây là cách sống rất giống với sống theo ý Trời trong văn hóa Âu Mỹ – cứ sống tử tế rồi khi nào Trời muốn mình thành lớn thì Trời sẽ cho mình thành lớn để mình làm việc lớn hơn cho Trời. Đó cũng là cách sống tùy duyên của Thiền tông:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền
Trần Nhân Tông
Nghĩa là,
Sống đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có của đừng tìm nữa
Nhìn cảnh tâm Không, hỏi chi Thiền
TĐH dịch
Nếu bạn cứ sống và làm việc tử tế mỗi ngày, một lúc nào đó lối làm việc tử tế của bạn sẽ đưa đến kết quả tốt – dù đó là do Trời giúp hay do cơ duyên của bạn. Chẳng có lý do gì mà cứ phải đợi Thời cho mệt. Khi nào Thời đến thì Thời đến. Việc của ta là sống và làm việc tử tế để tạo nhân tốt cho quả tốt sau này. Còn khi nào quả đến thì chẳng quan trọng – chỉ cần biết rằng mình sống và làm việc tốt thì một lúc nào đó quả tốt sẽ tới.
Đó là sống với chữ Thời bí ẩn mà chẳng phải trông đợi nó từng ngày cho stress.
Chúc các bạn biết sống với chữ Thời.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com