Chào các bạn,
Hôm qua mình viết khi bạn có trái tim tinh khiết bạn sẽ thấy Thượng đế. Đó là câu trả lời cho câu hỏi triết lý căn bản nhất trong lịch sử loài người: Có Thượng đế hay không? Giờ, nếu đã thấy được Thượng đế rồi thì ta làm gì?
Đây cũng là một câu hỏi triết lý thường nghe, liên quan đến Thượng đế. Nhưng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn không cần thiết, vì bạn chỉ hỏi như thế – Có Thượng đế thì ta làm gì? – khi bạn chưa thấy và chưa biết Thượng đế. Nếu bạn đã thấy và đã biết Thượng đế thì bạn chẳng bao giờ hỏi.
Câu hỏi “làm gì” này hầu như vắng bóng trong kinh sách, vì kinh sách đều biết đó là câu hỏi thừa. Hầu như không có câu “Con đã thấy God vậy giờ con làm gì?” hay “Tôi đã giác ngộ, giờ tôi phải làm gì?”
Khi người ta đã thấy, người ta sống với bản năng của người thấy. Đây là vấn đề “bản năng” (instinct), còn gọi là trực giác (intuition) – biết trực tiếp mà không cần thông qua chữ nghĩa và lý luận, như sờ tay vào lửa thì biết lửa nóng.
Đương nhiên là kinh sách luôn có các giới luật nên theo – như là không trộm cắp, không dối trá, không giết người, yêu mọi người – nhưng những giới luật này dù nói đó là lời Chúa Trời dạy, Phật dạy, hay con đường tất yếu để giác ngộ – đều là chỉ để cho người chưa thấy, chưa hiểu, chưa ngộ. Người đã thấy, đã ngộ thì chẳng cần ai bảo gì, tự biết mình phải làm gì, phải sống thế nào.
Trong các truyền thống Abraham – Do Thái giáo, các nhánh Kitô giáo và Hồi giáo – có những mệnh đề mà người ta nói lên tự nhiên như là bản năng: Chúa là nơi trú ẩn và là sức mạnh của tôi; Chúa là đấng chăn dắt tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi; Chúa ở trong tôi và tôi trong Chúa; Ta là cây nho, các con là cành nho… Những mệnh đề này không phải là luật lệ hay mệnh lệnh, mà chỉ để diễn tả một sự thật của bản năng – Chúa là mẹ, con là baby, baby nhận ra mẹ và ôm lấy mẹ, và mẹ bồng baby, và cho baby bú. Đó là bản năng sống với mẹ khi nhận ra mẹ, bản năng sống với Chúa khi nhận ra Chúa. Và đó là một bản năng tự nhiên, không phải là một hệ thống giới luật.
Đã thấy Chúa thì sống với Chúa như baby sống với mẹ, hay như cành nho sống với cây nho – cành nho là một với cây nho, sống cùng nguồn nhựa sống của cây nho, và là một phần của cây nho. Đó là bản năng sống làm một cùng Thượng đế, một cách tự nhiên, như cành nho và cây nho.
Các bạn, cho nên khi bạn đã thấy được Thượng đế bạn sẽ biết cách sống làm một cùng Thượng đế như là một bản năng tự nhiên, không cần ai dạy. Khi bạn đã giác ngộ bạn sẽ biết sống với Không như một bản năng tự nhiên mà chẳng cần ai dạy.
Nếu bạn còn cần ai dạy, thì bạn đang chưa tới đó.
Chúc các bạn tới nơi.
Mến,
Hoành
Bài cùng chuỗi:
– Có Thượng đế hay không?
– Có Thượng đế thì bạn làm gì?
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Dạ, em xin phép trả lời ạ:
Khi thấy Thượng Đế mà em lại đặt câu hỏi “Có thấy Thượng Đế rồi thì em làm gì?” Mới chỉ vừa đặt câu hỏi này thôi thì ngay lập tức em liền không thấy Thượng Đế nữa ạ. Em thấy xấu hổ khi đặt câu hỏi và viết câu trả lời anh ạ.
Nhưng em cũng xin được chia sẻ 1 hình ảnh, đúng như anh nói, đó là em chỉ thấy Thượng Đế khi trái tim tinh khiết, an lành, nồng ấm.
Và khi có trái tim như thế rồi thì máu từ trái tim ấy đi đến từng tế bào của cơ thể cũng là máu đã được tinh khiết, an lành, nồng ấm.
Nhờ máu ấy mà các tế bào của cơ thể cũng được dưỡng nuôi trong sự tinh khiết, an lành, nồng ấm.
Và rồi các tế bào của cơ thể liên kết lại với nhau mà sinh ra các suy nghĩ, các hành động, các lời nói tinh khiết, an lành, nồng ấm.
Tất cả những điều này thật là huyền diệu. Nhưng em tin rằng đây chỉ là những điều huyền diệu rất nhỏ bé của Thượng Đế.
Em nguyện cầu Thượng Đế luôn ở trong anh, đi cùng anh trong mỗi bài viết, để chúng em nhờ đó mà cũng có thể thấy được một hình ảnh của Thượng Đế!
Em Thắng.
ThíchThích
Dạ, em xin chia sẻ thêm 1 câu chuyện nữa ạ.
Hôm trước, cách đây khoảng 5 tháng, em có hỏi Thầy của em một câu như sau: ví dụ như em tìm ra sự Giác Ngộ rồi thì để làm gì. Thầy có nói với em rằng tìm ra rồi thì để giúp đỡ mọi người.
Lúc đấy em ngạc nhiên quá đỗi. Vì Thầy dặn em là muốn tìm ra sự Giác Ngộ thì đừng làm hại ai và hãy giúp đỡ mọi người.
Ô, thế để tìm ra sự Giác Ngộ thì cũng chỉ có cách là giúp đỡ mọi người, mà tìm ra sự Giác Ngộ rồi thì cũng để giúp đỡ mọi người. Vậy thì cứ giúp đỡ mọi người thôi chứ bận tâm Giác Ngộ làm gì nữa.
Thì khi đó Thầy có dặn thêm với em là giúp đỡ cái mọi người Cần, chứ không phải giúp đỡ cái mình Có.
Từ hôm đấy, em không quan tâm đến sự Giác Ngộ nữa anh ạ.
Em Thắng.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Đúng vậy đó Thắng. Còn quan tâm đến giác ngộ là còn bám vào giác ngộ, thì không thể ngộ được. Phải không bám chấp thì mới có thể giác ngộ.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người