Hành trình không điểm cuối

Chào các bạn,

Truyện “Ông già và Biển cả” của Ernest Hemingway ảnh hưởng lớn đến mình: nhìn cuộc đời như là một cuộc chiến đấu để thắng, chỉ là để chiến đấu, chứ chẳng để được gì hơn.

Truyện được tóm tắt trên Wikipedia thế này:

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống đánh cá lênh đênh, gian nan của ông lão người Cuba, Santiago, người đã cố gắng chiến đấu trong ba ngày đêm với một con cá kiếm khổng lồ trên biển vùng Giếng Lớn khi ông câu được nó. Sang đến ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và mang về nhưng đàn cá mập lại đánh hơi thấy mùi của con cá mà ông bắt được nên đã ùa tới, ông cũng rất dũng cảm đem hết sức mình chống chọi với lũ cá mập, phóng lao và thậm chí dùng cả mái chèo để đánh. Cuối cùng ông giết được khá nhiều con và đuổi được chúng đi, nhưng cuối cùng khi ông về đến bờ và nhìn lại thì con cá kiếm của mình, nó đã bị rỉa hết thịt và chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng.


Mình đã giới thiệu tác phẩm này trước đây, lấy tên tiếng Việt là Ngư ông và Biển cả, theo một dịch giả nào đó xưa kia.

Trong bài đó mình có viết:

“Sống là tranh đấu” (La vie c’est une lutte – Life is a struggle). Chúng ta sinh ra là đế chiến đấu và chiến thắng – chiến đấu với thú dữ, chiến đấu với bệnh tật, chiến đấu với khó khăn, chiến đấu với nghịch cảnh, chiến đấu với những yếu kếm của mình – và chiến thắng. Chiến đấu từ trận nhỏ đến trận lớn hơn.

Để làm gì? Để chẳng làm gì cả, vì “Sống là chiến đấu” – chiến đấu là bản chất của sự sống. Sống là chiến đấu để sống, chẳng để có một mục đích hay lợi lộc nào khác.

Có lẽ chiến đấu là điều đã có sẵn trong gene của chúng ta rồi, chiến đấu với bên ngoài – thiên nhiên, bệnh tật, thú dữ, nghịch cảnh – và nhất là chiến đấu bên trong với những yếu kém của chính mình, để dần hoàn thiện mình, như một nghệ sĩ luôn muốn những tác phẩm của mình càng ngày càng đẹp càng hay. Để làm gì? Chẳng để làm gì cả. Hoặc chỉ để làm mình thích thú vì mình luôn tạo ra được những tác phẩm hay hơn, đẹp hơn, sâu sắc hơn. Để làm gì? Chẳng để làm gì cả. Đó chỉ là một hành trình kiện toàn chính mình mà không có điểm cuối.

Không có điểm cuối. Cái điều này trước đây thường làm mình phân vân cũng như hàng tỉ người khác. Điểm cuối là gì? Sao lại không có điểm cuối?

Thiên hạ thích nói về Thiên đàng hay kiếp sau như là một điểm cuối hay là một trạm lớn. Mình chẳng thích nói như thế nghiêm chỉnh – nói một chút cho vui với thiên hạ thì được – vì mình chẳng biết gì bên sau bức màn bí mật gọi là sự chết đó. Nhưng mình có triết lý của mình: Dù có gì bên sau bức màn, thì nó cũng phải là hệ quả của cách sống của mình hiện tại ở trước bức màn. Cứ sống tử tế hết sức thì hậu quả sẽ đến bên sau bức màn nhất định sẽ phải tốt, vì “nhân” tốt thì đương nhiên sinh cây tốt, “quả” tốt. Hơi đâu mà lo!

Dù sao thì ngày nay mình chẳng còn phân vân gì về “điểm cuối”. Có một điểm cuối hay không? Chà, điều này chẳng quan trọng, vì cuối hay không cuối chỉ là chuyện suy tưởng và tưởng tượng, về một tương lai, chẳng phải là sống.

Sống là chỉ sống “ở đây lúc này”. Tư duy gì, hít thở gì, làm gì ở đây lúc này? Đây mới đúng là câu hỏi cần thiết.

Chỉ có một cuộc sống ta biết chắc chắn là sống ở đây lúc này, và ta chỉ có một cơ hội duy nhất để sống. Vậy thì hãy làm tốt cơ hội duy nhất đó, bằng cách sống ở đây lúc này. Hãy sống, hãy vui, hãy buồn, hãy cười, hãy khóc, và… chiến đấu không ngừng.

Vì, cuộc đời ta là gì nếu không là một hành trình hoàn thiện chính mình không có điểm cuối?

Không có điểm cuối. A, chính cái điều không có điểm cuối này làm cho cuộc hành trình trở thành cực kì lãng mạn, vì nó đi rất dài, rất dài, chẳng bao giờ ngưng.

Điểm cuối để làm gì? Chỉ là một dấu chấm hết chán phèo.

Chúc các bạn luôn hứng thú chiến đấu.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Hành trình không điểm cuối”

  1. Bai viet hay tuyet voi Thay a ! Lang mang tich cuc , Lang mang day suc song , Lang mang yeu doi ( optimiste) ….Bai nay cua Thay dang cuu hang van nguoi , dang choi voi ….day la Phap thi cua Bo Tat .

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s