Hệ thống tư duy

Chào các bạn,

Hệ thống là một sắp đặt mọi thứ rời rạc thành một cỗ máy chặt chẽ để làm việc có hiệu quả hơn. Ví dụ: Một hệ thống nhà cửa là một nhóm nhà cửa được xây dựng theo một trật tự nào đó để mọi người có thể ở trong mỗi nhà và đi lại giữa mọi nhà một cách dễ dàng và thoải mái. Một hệ thống thông tin là một tổ chức làm việc để tìm tin, nhận tin, chọn tin, phát tin ra cho mọi người một cách hữu hiệu. Hệ thống giáo dục là một cỗ máy khổng lồ có mặt ở khắp nơi để nghiên cứu giáo dục, soạn và thi hành chính sách giáo dục, dạy mọi thứ, và học mọi thứ.

Hệ thống tư duy là sắp đặt mọi tư tưởng, cảm xúc, suy nghĩ, suy niệm vào một trật tự rõ ràng để ta có thể suy nghĩ, tư duy một cách hiệu quả hơn.

Câu hỏi là bạn tư duy có hệ thống không? Hay, bạn có một hệ thống tư duy không?

Đây là một câu hỏi lớn và khó trả lời, vì phần lớn các câu trả lời sẽ là: “Ừm, ừm… Tôi chẳng biết hệ thống tư duy là gì,” hay “Tôi suy nghĩ cả đời mà có thấy hệ thống gì đâu? Gặp chuyện tốt thì vui, gặp chuyện xấu thì buồn, gặp đứa mất dạy thì cáu… Có phải đó là hệ thống không?”

Sự thật là mỗi chúng ta đều có một hệ thống tư duy, dù ta có biết là ta có hay không. Tối thiểu là bạn có hệ thống tư duy (hay nói giản dị ra là “cách tư duy”) của nền văn hóa sản sinh ra bạn, như là hệ thống tư duy của “Phật giáo Việt Nam” – tức là, văn hóa Phật giáo cộng với văn hóa Việt Nam, hay tư duy “Công giáo VN”, hay tư duy “Tràng An” (dân Hà Nội chính thống), hay tư duy miền Trung (đất đai cằn cỗi, bão lụt, và đời sống khó khăn), tư duy miền Tây (đất đai phì nhiêu, sông nước, cua cá đầy đồng)…

Nếu bạn không biết hệ thống tư duy thì bạn sẽ dùng hệ thống tư duy bạn tự nhiên có, tức là tư duy của nền văn hóa, phong tục, tập quán của quê bạn, nơi bạn ở. Nhưng nếu bạn có kiến thức khá hơn, thì bạn sẽ từ từ thiết lập hệ thống tư duy của bạn theo kiến thức văn hóa bạn đã hấp thụ được nhờ giáo dục và kinh nghiệm sống, và sắp xếp chúng thành một cỗ máy tư duy cho riêng bạn.

Và đây là vấn đề: Rất nhiều người trong chúng ta có một “hệ thống” tư duy rất là “thiếu hệ thống.” Chúng ta học đủ mọi thứ trên đời, và trong đầu do đó có đủ mọi thứ – thần học Kitô giáo, Phật triết, triết lý hiện sinh, New Age, chủ nghĩa Marxism, chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa kinh tế tự do, Plato, Decartes, Khổng tử, Lão tử… và cả trăm “tử” và “ism” khác… Mọi thứ này nằm thành một hệ thống, đúng hơn là nằm thành một đống trong đầu ta, đụng chuyện gì, thần kinh chạy đụng bánh răng cưa nào, thì bánh đó hoạt động và làm việc, và ta cũng không chắc là bánh răng cưa nào đã bị đụng.

Người tư duy như thế chẳng có hệ thống nào cả, và đương nhiên là hiệu quả tư duy cực kỳ thấp, rất giống người thợ làm việc mà mọi dụng cụ cày, cuốc, xẻng, búa, kềm, thước, dao, kéo… luôn nằm trong một đống như là một trái núi.

Cách tư duy hiệu quả nhất cho bạn là thiết lập một hệ thống tư duy chính, dựa trên văn hóa bạn yêu thích nhất, làm sườn chính. Rồi sau đó thêm một số các thứ khác chung quanh sườn chính đó như những ngoại lệ. Như vậy bạn sẽ có một hệ thống tư duy chính cho đa số mọi chuyện bạn gặp trên đời, và một số những “modules” phụ thuộc để áp dụng vào những trường hợp ngoại lệ mà bạn muốn dùng các modules phụ, thay vì dùng phần chính của cỗ máy tư duy.

Ví dụ: Bạn dùng Phật giáo Đại thừa Việt Nam làm sườn chính cho cỗ máy tư duy của bạn. Nghĩa là các tư tưởng và phương cách tư duy của Phật giáo Đại Thừa của Việt Nam (không phải Đại thừa Tây Tạng hay của các nước khác) làm nền tảng cho mọi tư duy của bạn về cách sống, đúng sai, thiện ác, sống chết… Và bạn có thể có thêm các modules phụ thuộc như là Khổng giáo, Marxism, kinh tế thị trường… cho một số vấn đề mà bạn thích dùng những modules phụ thuộc này hơn là dùng văn hóa Phật giáo Đại Thừa.

Khi các bạn có một hệ thống tư duy rõ ràng và trật tự như thế, các bạn sẽ thấy tự nhiên các bạn hiểu rõ mọi sự trên đời ít nhất là 10 lần hơn, nếu không là 100 lần hơn, và mọi tư tưởng của bạn cho mọi vấn đề đều nằm trong một hệ thống rất ngăn nắp trong đầu bạn, như là một hệ thống ngăn tủ trong các nhà thuốc Bắc với cả trăm ngăn chứa hàng trăm loại thảo dược.

Thiết lập hệ thống tư duy này, xem ra có vẻ như là xây một building cao 300 m và dài 1000 m. Nhưng thực sự thì dễ hơn vậy. Bạn chỉ cần làm hai việc:

1. Chọn một sườn tư duy chính, tạo nên bởi một (hay hai) văn hóa chính mà bạn yêu thích.

2. Rồi có những modules ngoại lệ cho những trường hợp bạn muốn tư duy bên ngoài sườn chính của cỗ máy.

Ngoại lệ thì có thể có nhiều, cho nên có thể có nhiều modules ngoại lệ. Nhưng cứ từ từ sắp đặt một hai modules ngoại lệ thôi. Rồi từ từ khi gặp ngoại lệ nào thì mình lại thêm vào một module nữa, như thế thì dễ dàng và có trật tự hơn là gắn vào một lúc 100 modules tức thì.

Các bạn, tư duy có hệ thống sẽ cho bạn hiệu quả không chỉ là 10 lần, mà ít nhất là 100 lần, hiệu quả hơn là những người tư duy thiếu hệ thống.

Chúc các bạn luôn thông thái.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Hệ thống tư duy”

  1. Dạ cháu cảm ơn bài viết của chú ạ.

    Cho cháu hỏi Tư duy tích cực – Thành Thật – Khiêm Tốn – Yếu người – Tĩnh lặng là một hệ thống tư duy đúng không ạ?

    Thích

  2. Thưa anh Hoành,
    Em thấy Bài viết này không phải ai cũng hiểu được. Nhưng đã hiểu được và làm theo thì sẽ thành công lớn (theo anh nói là mạnh hơn ít nhất 10 lần).
    Em cảm ơn anh đã viết bài mỗi ngày.
    Em xin cầu nguyện để anh, gia đình anh và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Thích

  3. Thiết lập hệ thống tư duy
    B1: lập sườn chính – Modules chính: Tâm tĩnh lặng, yêu người, khiêm tốn, chân thành
    B2: Ngoại lệ- Modules phụ: lãnh đạo quyết đoán, thẳng thắn, kỷ luật sắt thép, kiên trì
    Như vậy bạn sẽ có một hệ thống tư duy chính cho đa số mọi chuyện bạn gặp trên đời, và một số những “modules” phụ thuộc để áp dụng vào những trường hợp ngoại lệ mà bạn muốn dùng các modules phụ, thay vì dùng phần chính của cỗ máy tư duy.
    Con cảm ơn Chú Hoành
    Con chúc Chú và Gia Đình dotchuoinon Bình An- Hạnh Phúc!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s