Chào các bạn,
Đây là truyện Ryonen đắc ngộ, 101 Truyện Thiền bình giải, TĐH.
Ni cô Ryonen sinh năm 1797. Cô là cháu của Shingen, một võ tướng nổi tiếng của Nhật. Thiên tài thi phú và sắc đẹp khuynh thành của cô tuyệt đến mức mới 17 tuổi cô đã thành người hầu cận của hoàng hậu. Dù còn trẻ thế, danh vọng đang chờ đợi cô.
Hoàng hậu yêu quý chết bất thần và mọi giấc mơ của Ryonen tiêu tán. Cô thấy rất rõ tính vô thường của đời sống trong thế giới này. Vì vậy cô muốn học thiền.
Tuy nhiên, thân nhân của cô không đồng ý và ép cô lập gia đình. Với lời hứa hẹn là cô có thể đi tu sau khi đã sinh ba đứa con, Ryonen đồng ý. Cô làm tròn điều kiện này trước khi đầy 25 tuổi. Chồng cô và mọi người thân chẳng thể cản cô được nữa. Cô cạo đầu, lấy tên là Ryonen, có nghĩa là đạt ngộ sáng lạn, và bắt đầu hành hương.
Cô đến thành phố Edo và xin thiền sư Tetsugya nhận làm đệ tử. Nhưng chỉ liếc mắt qua một tí là thiền sư đã từ chối, vì cô quá đẹp.
Ryonen đến gặp một thầy khác, Hakuo. Hakuo cũng từ chối với cùng lý do, nói là sắc đẹp của cô chỉ gây rắc rối.
Ryonen lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt. Chỉ trong một lúc là sắc đẹp của cô đã tiêu tán vĩnh viễn.
Hakuo bèn nhận cô làm đệ tử.
Để kỷ niệm chuyện này, Ryonen viết một bài thơ trên mặt sau của một tấm gương nhỏ:
Phục vụ Hoàng Hậu, ta đốt hương xông thơm quần áo lụa là
Nay khất thực không nhà, ta đốt mặt để vào thiền viện.”
Khi sắp sửa lìa đời, cô viết một bài thơ khác:
Sáu mươi sáu lần đôi mắt này đã chứng kiến mùa thu thay đổi.
Ta đã nói đủ về ánh trăng,
Đừng hỏi nữa.
Hãy chỉ lắng nghe tiếng nói của thông và tuyết tùng khi gió lặng.
.
Ryonen đắc ngộ khi nào? Khi “Hoàng hậu yêu quý chết bất thần và mọi giấc mơ của Ryonen tiêu tán”, Ryonen “thấy rất rõ tính vô thường của đời sống trong thế giới này”? Khi “lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt” để sắc đẹp “tiêu tán vĩnh viễn”, để được chấp nhận vào học thiền? Khi “sắp sửa lìa đời” và viết bài thơ thiền?
Rốt cuộc truyện thiền này nói về điều gì? Phải chăng nói về phụ nữ đẹp và con đường để được học thiền?
Xin lưu ý, “con đường để được học thiền”, không phải là “con đường để đạt thiền”. Thường thì, khi nói về thiền, mọi người thường nói đến “con đường đạt thiền”, nhưng ở đây lại là “con đường để được học thiền”. Có lẽ vì khi nam giới muốn học thiền, chàng chỉ cần đi học thì được học; còn phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đẹp, không phải nàng muốn học thiền thì được học.
Dù đây là câu chuyện “con đường để được học thiền”, đây cũng là câu chuyện “con đường đạt thiền”. Tại sao hai con đường tuy khác nhau nhưng lại là một?
Ryonen đẹp. Không chỉ đẹp, nàng còn trí tuệ. Nàng “thấy rất rõ tính vô thường của đời sống trong thế giới này” nên nàng hiểu, sắc đẹp, cũng như mọi điều trong thế giới này, là vô thường.
Sắc đẹp là vô thường vì hôm nay ta đẹp nhưng ngày mai ta không đẹp. Không đẹp vì nhiều lý do như tuổi tác, bệnh tật, tai nạn bất ngờ, môi trường sống và làm việc…
Vì Ryonen hiểu sắc đẹp là vô thường, nàng không chấp vào sắc đẹp. Không chấp, nghĩa là không bám chặt; nếu cần bỏ, thì bỏ. Nếu muốn học thiền nhưng vì các thầy không chấp nhận sắc đẹp, vì “sắc đẹp chỉ gây rắc rối”, thì sẵn lòng từ bỏ sắc đẹp, bằng cách “lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt” để sắc đẹp “tiêu tán vĩnh viễn”.
Ryonen có sắc đẹp nhưng nàng hiểu sắc đẹp là vô thường, nàng sẵn sàng từ bỏ sắc đẹp khi cần, sẵn sàng từ bỏ một điều được coi là giá trị lớn nhất của phụ nữ thời đó. Đó là không chấp vào sắc đẹp. Nếu Ryonen không hiểu sắc đẹp là vô thường, nàng sẽ chấp vào sắc đẹp, nàng sẽ bám chặt sắc đẹp và nàng không từ bỏ sắc đẹp.
“Lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt” để sắc đẹp “tiêu tán vĩnh viễn”, còn ví dụ nào cụ thể và rõ ràng hơn ví dụ sống vô chấp của thiền sư Ryonen? Dù lúc này nàng chưa được chấp nhận là thiền sinh và chưa được học thiền, nàng đã hành động như một thiền sư – một người sống vô chấp. Vì thế, đây là câu chuyện “con đường để được học thiền” và cũng là câu chuyện “con đường đạt thiền”.
Có thể Ryonen đã đắc ngộ trước đó, đắc ngộ khi “Hoàng hậu yêu quý chết bất thần và mọi giấc mơ của Ryonen tiêu tán”, nhưng bằng chứng đắc ngộ rõ ràng có lẽ là khi Ryonen “lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt” để sắc đẹp “tiêu tán vĩnh viễn”.
Khi ta có trong tay một thứ có giá trị lớn nhất, ta có sẵn sàng từ bỏ thứ đó khi cần không?
Ta có thể sống vô chấp không?
Phạm Thu Hương bình