Chào các bạn,
Có một điều này rõ như ban ngày mà rất nhiều người không hiểu được. Đó là: Bạn càng yêu người, bạn càng thông thái.
Có phải bạn yêu ai bạn rất hiểu người đó không? Dù người đó là ai – mẹ, anh, chị, bạn thân, người yêu, con, cháu? Đây là điều ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, khi ta yêu ai thì ta quan tâm và để ý đến từng chi tiết nhỏ của người đó, nhạy cảm với những cảm xúc và ý muốn của người đó, thấy rõ những gì người ấy thích hay cần, vui hay buồn, mừng hay giận. Bản tính của tình yêu là như thế, yêu ai thì ta hiểu người đó rất sâu sắc.
Nếu bạn yêu tất cả mọi người thì bạn hiểu sâu sắc tất cả mọi người. Và đây là nền tảng của trí tuệ rất sâu sắc và rộng rãi.
Tại sao?
Tại vì mọi việc trên đời đều liên quan đến “người” – công việc trong sở, trong trường, trong nhà hàng, trong nhà sách, trên đường phố, chính trị, kinh tế, xã hội, kinh doanh, giáo dục, tôn giáo, báo chí, điện ảnh… Mọi thứ trên đời đều là làm với người, để phục vụ người, để giải quyết vấn đề cho người, để làm người thoải mái hơn, hạnh phúc hơn… Nếu bạn hiểu sâu sắc mọi người thì đương nhiên là mọi việc liên hệ đến người bạn đã có vốn liếng trí tuệ lớn để thành công. Rất dễ hiểu, phải không?
Nhưng đại đại đại đa số người trên thế giới chẳng hiểu điều này. Xưa nay thiên hạ đều nghĩ rằng các vị như Chúa và Phật dạy vậy là nói cho vui, chẳng ai làm, hoặc có người làm thì chỉ vài thánh nhân trăm năm mới có một người, làm để thành thánh, người thường thì không ai làm vì chẳng mấy ai muốn thành thánh. Làm người dễ hơn.
Nhưng mình đang nói chuyện người, chẳng là chuyện thánh (dù đó là chuyện thánh). Mình nói đến trí tuệ. Mình nói đến những môn bạn học trong trường và làm việc – kinh tế học, xã hội học, chính trị học, tiếp thị… Bạn càng hiểu trái tim người sâu sắc, bạn càng thành công trong những công việc bạn làm.
Đó là kinh nghiệm của mình. Mình thường thấy khủng hoảng kinh tế trước các kinh tế gia, vì thấy được cảm xúc của những người buôn bán trên phố thị – họ đang vui hay đang căng, và căng hay vui đến mức nào, thế có nghĩa là đời sống kinh tế đang tốt hay tệ đến đâu, và tệ đến mức này thì bao lâu nữa các kinh tế gia mới nhận ra trong các con số thống kê kinh tế?
Trong các vụ kiện mình cũng thường hiểu rõ được tâm tình của phía bên kia, để biết cách thương lượng giải quyết vấn đề, mà không phải đánh nhau chí tử ở tòa làm cả hai bên đều tốn tiền cho luật sư rất cao đến mức người thắng cũng vẫn là thua.
Các bạn, mình lấy một ví dụ cụ thể dễ thấy. Thời chiến tranh Việt Mỹ, người Mỹ không những dùng những vũ khí tối tân nhất thế giới, mà còn dùng đủ thứ tính toán của vi tính mà hồi đó chẳng mấy ai trên thế giới biết – để tính bao nhiêu quân, bao nhiêu vũ khí, dùng để đánh nhau thế nào thì bao lâu sẽ thắng.
Well, người Mỹ lúc đó không biết là dân VN đánh nhau với nước xâm lược thì đánh không sợ chết, không hàng, và đánh chí tử cho tới thắng. Máy computer chẳng tính mảng “đánh tới chết, tới thắng” được. Chẳng biết cho con số nào vào máy để tính “không sợ chết” vào phương trình nào. Nhưng hồi đó, mình đang học năm thứ 3, thứ 4 đại học, nhóc tì nhưng đủ thông minh để biết miền Bắc sẽ thắng và mình giải thích cho vài bạn hay chơi với mình:
– Nếu nước ngoài mang quân đội và súng ống vào Việt Nam, thì đó là xâm lăng. Chẳng có cách nào giải thích cho người Việt chấp nhận là “chúng tôi là bạn các bạn, đến để giúp các bạn bảo vệ tự do”. Chẳng người Việt nào cả Nam lẫn Bắc tin điều đó, nhất là khi you đang bắn giết người Việt, dù hắn có là Việt Cộng thì cũng là người Việt.
– Mà đã xâm lăng thì dân Việt sẽ chống tới chết. Đánh nhau với người quyết tử, thì you nhất định phải thua, không hôm nay thì ngày mai. Người ta đánh giữ nhà thì còn một người còn sống là còn đánh, có nghĩa là cuộc chiến kéo dài 100 năm thì người ta vẫn đánh. Mấy you vào nước người ta, đánh thì cũng chỉ là đánh với tâm lý xâm lược nhà người, bao nhiêu quân của you bằng lòng chết như vậy, trong bao nhiêu năm, tốn bao nhiêu nhân mạng, đốt bao nhiêu tiền, trước khi you phải bỏ cuộc vì trái đắng này nuốt không vô?
(Ngày nay đọc lại sách của các tướng như Võ Nguyên Giáp, mình thấy tư duy đó của mình hồi còn nhóc tì đúng y như tư duy của các tướng lĩnh và quân đội miền Bắc. Tại sao con nít Việt Nam hiểu được điều đó mà người Mỹ không hiểu? Thưa, vì người Mỹ không hiểu người Việt. Lãnh đạo miền Nam không nói sự thật, hay không muốn đối diện sự thật. Lãnh đạo miền Bắc nói rất thường xuyên, nhưng Mỹ không tin vì đó chỉ là “lời tuyên truyền của phía bên kia.”)
Cho nên, các bạn, hiểu trái tim con người là yếu tố quyết định. Và 1000 năm nữa thì máy tính cũng không hiểu được trái tim con người. Đừng trông vào máy tìm vợ cho bạn. Đời mà làm gì cũng phải nhờ máy thì con người chỉ là đứa trẻ con 3 tuổi cả đời. Mà có tin máy cũng không được. Đừng tin máy nói cô vợ này sẽ trung thành với bạn cả đời. Tát cô một cái tát nổ đom đóm hay chửi cô một mạch cho sướng miệng bạn, rồi sẽ thấy cô trung thành tới đâu.
Các bạn, yêu mọi người, rồi bạn sẽ hiểu mọi người. Và bạn sẽ thấy được mọi điều trong những công việc xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao, kinh doanh… của bạn mà những người khác không thấy. Và bạn chẳng dạy cho họ được, vì nếu bạn dạy “Yêu mọi người” có lẽ chẳng ai tin và chẳng ai muốn học môn quá khó khăn như thế.
Chúc các bạn luôn yêu người và thành công.
Mến,
Hoành
Bài cùng chuỗi:
Tình yêu và trí tuệ
Thành kiến và trí tuệ
Đời sống đơn giản
Thấy cuộc đời thật
© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em sẽ luôn luôn cố gắng, luôn luôn cố gắng. Cám ơn anh, rất rất nhiều.
E.Thắng.
ThíchThích
Dung la Luat su co tai Hùng bien , day khi phach Vietnam !!! Minh nho
nhung co vo …!!!
Kinh chuc tat ca ACE, vui nhu Tet , voi DCN.
ThíchThích