Thành kiến và trí tuệ

Chào các bạn,

Điều này thì các bạn có lẽ đều đã có kinh nghiệm rất nhiều. Có lẽ đã nhiều lần bạn đã nói với ai đó: “Thôi đi anh/chị ơi, anh/chị nhiều thành kiến quá.” Và có lẽ đã nhiều lần, bạn bè hay người thân cũng đã nói với bạn như vậy. Và đương nhiên là chúng ta đều hiểu: Người có thành kiến về điều gì thì rất cứng đầu trong cái nhìn của họ về điều đó, và thường có kiến thức rất hạn hẹp về điều đó.

Ví dụ: Gia đình bạn người Nam, và bạn có một người chú vì lý do nào đó (rất có thể vì khi xưa bị một cô bắc kỳ nào đó gài số de) mà rất có thành kiến với “bắc kỳ rau muống.” Well, nếu bạn có một “cô em bắc kỳ nho nhỏ” (tác giả: Phạm Duy), thì chắc là bạn chẳng dám giới thiệu với ông chú và chẳng hy vọng có cách nào để thuyết phục rằng “Cô em bắc kỳ nho nhỏ của cháu hiền và dễ thương kinh khủng, chú ơi. Chú thấy thì sẽ cảm thấy cuộc đời dễ thương tức thì.” Và đương nhiên, bạn cũng biết là kiến thức của ông chú về dân bắc kỳ ở mức zero, và nếu có kiến thức nào thì toàn là kiến thức bị bẻ méo thành trù ếm bắc kỳ.

Đó nghĩa là gì các bạn? Nghĩa là, nếu bạn có thành kiến về điều gì, thì bạn thành dốt về điều đó. Nếu bạn thành kiến về 20 điều, thì bạn dốt về 20 điều đó. Nếu bạn thành kiến cả trăm điều, thì bạn dốt kinh khủng, chẳng biết xuống đến mức nào.

Và “thành kiến” chính là điều nhà Phật gọi là “chấp”. Bạn có thấy giáo pháp liên hệ đến đời sống thường ngày của bạn chưa? Đến việc bạn có thể có bạn gái bắc kỳ hay không chưa?

“Chấp” vào điều gì có nghĩa là bạn bám vào điều đó, bám vào tư duy của bạn, và làm bạn bị mù mắt. Chấp/thành kiến hoạt động như một bức màn đen che trước mắt bạn, làm bạn thành “si mê”. Si mê (ignorance) là không biết, là ngu dốt. Nhà Phật nói có 3 độc: tham, sân, si – tham lam, nóng giận, si mê. Nhưng cả 3 độc dồn vào một: bạn tham lam hay nóng giận thì bạn cũng thành si mê.

Chấp/thành kiến tạo si mê. Và si mê là đối lập của giác ngộ. Giản dị và dễ hiểu như thế.

Nếu bạn bỏ hết mọi thành kiến, thì mọi bức màn che mắt rơi xuống hết, và bạn thấy được mọi điều, trí tuệ bạn rất cao, đó là ngưỡng cửa vào giác ngộ. Nói nghe như là chuyện Phật pháp, chuyện chùa, nhưng thật là chuyện sống hằng ngày của bạn.

Thành kiến làm bạn ngu. Hết thành kiến làm bạn sáng.

Bạn đi qua cuộc đời, càng nhiều thành kiến bạn càng ngu. Cứ nhìn một vòng quanh bạn, xem mỗi người có thành kiến nhiều đến đâu, và thấy trí tuệ của mỗi người như thế nhiều đến đâu, thì bạn có bằng chứng rõ ràng ngay. Chẳng tốn hơn 15 phút suy nghĩ.

Bạn muốn hiểu mọi người, thì chỉ có hai bước: (1) Không thành kiến, và (2) Yêu mọi người. Không thành kiến làm cho mắt bạn sáng. Yêu mọi người để bạn hiểu sâu tận trái tim mọi người.

Và “thành kiến” chẳng chỉ là thành kiến về điều xấu như người ta thường hiểu lầm. Chấp vào điều gì, bám cứng vào điều gì cũng là thành kiến/chấp. Như là ông chú của bạn bám cứng vào tư duy “con Bắc kỳ nho nhỏ nào cũng không tin được” về nàng tiên ngọt ngào của bạn. Bám vào điều mình gọi là tốt, cũng là điều tệ, vì mình sẽ chống lại những người không cùng quan niệm. Nếu bạn có thành kiến người không đi nhà thờ thường xuyên là xấu, thì bạn tính sao với người đi chùa? hay người chẳng vào đền thờ nào bao giờ nhưng ăn ở tử tế thành thật với mọi người?

Chính vì vậy mà Phật gia dạy rằng: Học Phật pháp thì tốt, chấp vào Phật pháp thì ngu.

Điều này thì chúng ta thấy cực kỳ thường xuyên. Rất nhiều người đi nhà thờ, đi chùa, có khuynh hướng tự xem là mình đạo đức, và nhìn mọi người khác như người xấu, người đi lạc, người tội lỗi.

Chính vì vậy mà Chúa Giêsu chẳng hề nói một câu nào như là “hãy siêng năng đi nhà thờ, lễ lạy, kinh kệ, chay tịnh…” Chúa Giêsu chỉ dạy “Yêu Thượng đế và Yêu mọi người.”

Tình yêu làm mắt bạn sáng và sâu. Thành kiến/chấp che mù mắt bạn.

Và đây không phải chỉ là chuyện nhà thờ, nhà chùa, chỉ vì mình nhắc tên Phật, tên Chúa vào đây. Các bạn muốn làm được những điều quan trọng to tát ở đời, để giúp dân giúp nước cách cao nhất mà bạn có thể, thì bạn không được quyền có thành kiến.

Có zero thành kiến (tức là không chấp vào đâu). Thì mắt bạn sáng hoàn toàn.

Yêu mọi người (chẳng chừa ai) thì mắt bạn sâu để thấy được mọi trái tim.

Và đây là cách tốt nhất để bạn sống và làm việc hữu hiệu nhất trong thế giới nhiều lộn xộn này.

Chúc các bạn luôn thông thái.

Mến,

Hoành

Bài cùng chuỗi:
Tình yêu và trí tuệ
Thành kiến và trí tuệ
Đời sống đơn giản
Thấy cuộc đời thật

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

One thought on “Thành kiến và trí tuệ”

  1. Điều khó chịu nhất của thành kiến là phần lớn trường hợp ta không biết mình bị thành kiến về vấn đề/con người nào đó cho đến khi ta vượt qua được thành kiến đó và nhìn lại. Giống như với vô minh hay si trong Phật giáo.

    Em thấy học yêu mọi người với tình yêu Jesus là cách hữu hiệu giúp ta vượt qua thành kiến về con người. Khi đó, dù chưa cởi bỏ được hoàn toàn thành kiến thì mình cũng ít gây ra sai lầm do thành kiến nhất.

    Liked by 1 person

Leave a comment