Chào các bạn,
Chúng ta hiểu luật nhân quả là luật của nhà Phật và nghĩ đến nó như một loại luật linh thiêng thần bí. Thực sự thì luật nhân quả rất khoa học. Muốn biết luật này khoa học đến đâu bạn có thể thử nghiệm cách này: Bước ra đường, nơi có nhiều người qua lại, chọn một người – cô, cậu, ông, bà gì cũng đều được – đến trước mặt người đó, chận lại, nắm cổ áo, và thẳng tay cho một cái tát nẩy lửa. Đó là nhân. Bạn sẽ thấy quả hiện ra tức thì. 🙂
Nhân là lõi bên trong như bánh ít nhân thịt, bánh cam nhân đậu xanh, bánh bao nhân trứng vịt. Chữ nhân cũng là hạt/hột bên trong trái cây, như là hạt thị, hạt mít, hạt xoài… Quả là trái. Nhân quả là gieo “nhân”, nhân sẽ mọc thành cây, và cây sẽ cho ta “quả”. Gieo nhân thì gặt quả.
Người ta thường nói “quả báo nhãn tiền”. Quả là trái. Báo là đền đáp, đáp trả. Nhãn là mắt. Tiền là trước. Quả báo nhãn tiền là “trái đáp lại ngay trước mắt”, hay “hậu quả đáp lại ngay trước mắt”. Ví dụ bạt tai mình nói bên trên là ví dụ quả báo nhãn tiền, vì sau khi bạn bạt tai người kia xong, bạn sẽ được đáp lại bằng hàng chục bạt tai và đấm đá của mọi người đang ở đó, ngay trước mắt. Đó là buôn một lãi một trăm.
Luật nhân quả (tiếng Anh, the law of cause and effect, hay the law of causation) dựa chính vào tâm lý và sinh hoạt của con người. Bạn ăn trộm mãi cũng phải có lúc bị người ta bắt được đánh cho nhừ xương và còn gọi công an bắt giam, nếu bạn còn sống sót sau trận đòn. Người siêng năng học hành thì thường đỗ đạt làm cao. Người làm việc chăm chỉ thường thành công sau một thời gian tích lũy… Chẳng có gì là bí ẩn.
Đôi khi luật nhân quả kéo dài ra một chút, và hậu quả đến chậm một chút. Như người làm ăn gian tham trở thành giàu có nhiều năm, nhưng ai cũng ghét. Đến lúc gặp vận hạn gì đó mà tuột dốc, thì mọi người quen biết chẳng ai muốn giúp một tay, đối thủ kinh doanh thì lại chờ dịp đó để tấn công cho tuột luôn đến đáy vực. Sự nghiệp tiêu tan chỉ vì có thù mà không có bạn. Hoặc con cái cũng âm thầm khinh thường cách sống và cách làm ăn của bố mẹ, nên chẳng nghe lời bố mẹ dạy, chỉ muốn chơi bời phá của, dính dấp vào nghiện ngập bệnh hoạn. Đó là “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, nhân gieo đời cha mẹ, quả đến trong đời con cái.
Nói chung là bạn gieo nhân thiện thì gặt quả thiện, gieo nhân ác thì gặt quả ác. Chẳng chạy vào đâu được. Đôi khi quả xảy ra trước mắt trong vòng nửa tiếng, vài ngày, một tháng… Đôi khi quả phát triển từ từ phải một vài năm, hay vài chục năm mới thấy rõ, có thể chưa thấy rõ đời cha, nhưng đến đời con đời cháu thì hiện ra rất rõ.
Cho nên, luật nhân quả là một luật tâm lý rất khoa học, chẳng có gì là bí ẩn hay thần thoại.
Một điều quan trọng nữa các bạn cần nhớ về nguyên tắc sống với luật nhân quả: “Bồ tát sợ nhân, phàm phu sợ quả”.
Bồ tát – tức Người Tỉnh Thức, Người Trí Tuệ – cẩn trọng với mọi điều mình làm, mọi điều mình nói, mọi điều mình tư duy, ở đây lúc này. Bồ tát muốn chắc chắn là trong mỗi lúc mình sống, mình chỉ gieo nhân tốt. Phàm phu – tức Người Si Mê, Người Ngu Dốt – chẳng quan tâm gì đến “nhân” lúc này, tự do tham sân si xả láng, và cứ lo sợ “quả” sẽ đến trong tương lai – bệnh hoạn, tai nạn, tù tội, địa ngục, luân hồi làm trâu ngựa…
Các bạn, người trí tuệ, hãy luôn quan tâm đến nhân mình gieo ở đây lúc này.
Chúc các bạn luôn đầy trí tuệ.
Mến,
Hoành
© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Ở ta nhiều quan chức ăn mặn quá, các vị ấy đọc được bài này thì phúc lắm đó.
ThíchThích
Càng nhiều người tin vào Luật Nhân quả, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn!
Mình rất thích lời khuyên của ai đó: “Hãy sống với nguyên nhân và để lại thành quả cho đại luật vũ trụ vận hành!”.
ThíchThích
Cám ơn anh Thảo chia sẻ.
chúc anh chị vui khỏe.
Hoành
ThíchThích
Cảm ơn Phượng chia sẻ.
a. Hoành
ThíchThích