Chào các bạn,
Hầu như mọi chúng ta đều có lỗi: dạy, cho ý kiến, góp ý, tư vấn… khi người nghe chưa muốn nghe, hay không muốn nghe.
Thường thì đó là do lòng tốt của chúng ta, muốn góp ý để giúp đỡ bạn bè, muốn bạn gỡ rối, muốn bạn hiểu sâu hơn, muốn bạn hay hơn, v.v…
Ý tốt đó không đủ là lý do để bạn nói gì khi người nghe chưa muốn nghe, hay không muốn nghe.
Kể cả khi bạn mình đến tâm sự chuyện riêng với mình, kể chuyện cho mình nghe, thường là để giải tỏa nỗi lòng, muốn nói ra tâm sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn muốn nghe mình tư vấn cách giải quyết vấn đề của bạn. Cách hay nhất là tỏ dấu thông cảm, như là: “Mình hiểu điều bạn nói. Mình biết tâm sự của bạn. Hay là tụi mình đi một vòng phố tìm quán kem nào ngon vào ăn nhé.” Rủ bạn đi chơi như thế thường là một cách rất hay để (1) tỏ lòng mình quan tâm đến bạn, (2) bạn có mình bên cạnh, và (3) bạn giải khuây.
Tư vấn, dạy, góp ý… khi người ta chưa muốn nghe hay không muốn nghe thường chẳng lợi lạc gì mà còn có thể làm người kia bực mình, có cảm tưởng lúc nào mình cũng muốn lên mặt dạy đời.
Điều này đặc biệt xảy ra thường xuyên khi bạn bè nói chuyện với nhau. Bạn mình nói gì đó, và mình nhào vô, mang triết lý, Phật pháp, Thánh kinh… ra giảng cho một lúc. Rất là vô duyên, và hợm hĩnh.
Đừng bao giờ làm thầy khi trò không muốn học.
Đợi khi được hỏi thì hãy trả lời. Đã rất nhiều lần, nhiều người nói đại khái là: “Anh Hoành có vẻ gì đó rất đáng tin và rất thuyết phục. Em muốn học điều đó ở anh.” Mỗi trường hợp khác nhau một chút, nhưng tựu trung là cũng đến điểm mình nói: “Mình học được từ Thánh kinh (hay kinh Phật).” Tiếp theo là bạn hỏi mình giải thích: “Sao lại có trong Thánh kinh/kinh Phật.” Mình giải thích và rốt cuộc bạn xin mình một cuốn Thánh kinh hay bài kinh Phật, và hỏi mình cách đọc. Mình chẳng bao giờ nói gì nếu không được hỏi.
Như thế thì không làm ai bực mình vì nói chuyện người ta không muốn nghe.
Đôi khi mình thấy ai làm gì đó mà mình cảm tưởng là không hiệu quả, mình muốn tình nguyện tư vấn quá, thì mình sẽ nói một câu rất nhẹ nhàng, như: “Mình có cảm tưởng bà kia [mà người bạn mình đang bực] nói câu đó có nghĩa gì đó khó hiểu. Có thể vấn đề là câu nói đó có ý gì đó mà ta chưa thấy.” Nếu bạn nghe mà hiểu, muốn đào thêm, thì mình sẽ từ từ giải thích. Nếu bạn không thấy, chẳng nói năng gì, thì mình lờ luôn, vì có thể là cố nói thì bạn cũng chẳng thèm nghe.
Đây cũng là khái niệm chữ Thời. Làm gì thì cũng đúng giờ giấc, thời gian của nó, thì mới thành. Không thì bại.
Đôi khi mình nói nhưng đợi 20 năm để điều mình nói được người kia thực hiện, nhưng mình biết trước là phải 20 năm thì điều mình mong đợi mới xảy ra. Đây cũng là biết chữ Thời – biết nên nói ngay bây giờ, để 20 năm sau điều mình tư vấn mới xảy ra.
Không biết khi nào nên nói, khi nào không, thì mọi thứ ta nói đều trở thành lảm nhảm, vì chẳng ai nghe, và có ai nghe thì người đó cũng bực mình.
Nếu không muốn tỏ vẻ kênh kiệu luôn luôn, thì tốt nhất là để được hỏi rồi thì mới nên cho ý kiến, tư vấn, lý giải.
Chúc các bạn luôn là thầy đúng lúc.
Mến,
Hoành
© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Theo Thánh kink Mark 4:23
Ai có tai thì nghe.
Con người nếu làm được ba điều , không nghe, không nói, và không nhìn thì cuộc đời họ sẽ không còn đau khổ , và khi nhìn,khi nói và khi nghe bằng cái Tâm với tình yêu thương, bác ái ,họ sẽ thực hành như Chúa Giêsu đã dạy cách đây 2000 năm , nhưng có it người nghe và làm theo.
Xin Chúa cho con được suy gẫm bằng, mắt,tai,mũi,miệng,và trí óc để nhận biết được tình yêu thương để từ đó con có thể nhìn, nghe và hành động với tình yêu thương đấy. Amen.
Cám ơn Anh bài này rất hay và có ý nghĩa
Mến.
Thùy Phạm
ThíchThích
Điều này E có nhiều trải nghiệm A à. Khi E chữa bệnh cho người khác, thời gian để người đó đủ lòng tin, có khi mất gấp 2-3 lần thời gian chữa bệnh. Chữa 1h mà mất tới 2-3h nói chuyện, mà chúng E hay nói là tiền trị liệu (mặc dù bây giờ E chủ yếu là giúp mọi người, không lấy tiền).
Đừng làm Thầy khi trò chưa muốn học, là điều rất cần ghi nhớ để thực hành.
E rất cám ơn anh Hoành!
ThíchThích
Em rất thích chữ “thời” của a
Nếu mình hiểu được chữ thời này thì mình sẽ biết phải làm gì và không làm gì.
ThíchThích