Chuyến tàu chợ vô Nam

Dù khoảng cách và thời gian đã trôi qua hơn ba mươi năm nhưng để lại cho tôi một kỉ niệm không thể nhạt mờ. Đôi lúc tôi cứ ngỡ câu chuyện như vừa xẩy ra ngày hôm qua.

Quê tôi thời bấy giờ quá nghèo, không thể có gì gọi là nghèo hơn nếu đem để so sánh. Nhà tôi quanh năm thiếu cái ăn cái mặc. Có khi đói, đói đến vàng mắt, thuở ấy tôi thèm bữa ăn no, hoặc có thịt lợn cho tôi tai bữa cho đã đời (“tai” tiếng địa phương quê tôi gọi là “ăn”). Nhưng làm gì có, con thì con đàn, đất cát cằn cội trồng cây gì cũng khó mà phát triển. Mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông thì rét tê tái. Những ngày nghỉ học thường đi mò cua bắt ốc. Quê tôi miền biển.

Tôi chưa bao giờ đi xa hơn 30 km, chỉ trừ đi mót lúa, mót khoai. Quang gánh đi xa hơn để mót những hột lúa chủ nhà gặt còn sót lại. Vừa mới lớn lên tôi cứ nghe họ nói vào trong Nam dễ làm ăn hơn. Cuối hè năm ấy tôi đã nhờ anh tôi nộp hồ sơ xin cho tôi vào dự thi trường sư phạm.

Khi tôi nhận được giấy báo vào dự thi tôi mừng lắm nhưng trong nhà tôi không có lấy một xu, cha tôi đi làm thuê xa lâu lâu mới về lần.

– “Mẹ ơi, lo tiền vé cho con để con đi vào thi mẹ ạ!”

– “Để mẹ đi mượn bác con.”

Cuối cùng mẹ tôi đã mượn cho tôi chút tiền để tôi đi vào Tây Nguyên.

Có cái rương thô thô bằng gỗ đựng quần áo thường tôi vẫn nghe cha tôi bảo sau này tôi là con gái lớn nên được ưu tiên, khi nào tôi lớn lên đi lấy chồng cho đem theo cái rương đó để làm vốn.

Đúng thật mẹ tôi chuẩn bị kỹ lưỡng của hồi môn cho tôi mang đi, trong rương chỉ có một bộ quần áo cũ mèm, cộng thêm cái giấy báo của trường.

Tôi nhờ thằng em con ông chú chở tôi vào ga Vinh, chở tôi tới ga nó quay trở về. Tôi cứ thất thểu tay khư khư ôm cái rương cũ kĩ đã đổi màu cháo lòng ấy. Nhìn lên bầu trời trăng rằm sáng vằng vặc, cộng thêm ánh đèn điện của sân ga, người lạ lạ nằm đầy sân ga chờ tàu. Tôi nhớ nhà lắm và thấy mình lạc vào một cõi xa lạ mà chưa bao giờ đặt chân tới.

Tôi quyết định nhảy tàu. Tôi ngồi toa cuối cùng, trong toa tôi ngồi có cả mấy người đi buôn, tôi hỏi mấy người sao lại gọi là “tàu chợ”, họ bảo, nghĩa là tàu đó chỉ dùng cho người đi buôn, rất hôi hám, có cả phân người trên toa nữa.

Cha tôi về nghe mẹ tôi kể lại vội vàng đạp xe vào sân ga tìm tôi. Từ nhà tôi vào ga Vinh khoảng 30 km. Cha tôi chạy tìm tôi khắp ga nhưng không kịp nữa.

– “Con ơi, thế là xong đời rồi con ơi… hu hu… vì con gái chưa bao giờ đi xa. Con gái ơi làm sao bây giờ?…”

Dọc đường cứ mỗi lần nhân viên kiểm tra vé, tôi không có là ngay tức thì bị đuổi xuống. Tôi vất vơ mỗi khi bị đuổi ra khỏi tàu. Tôi cứ ôm thật chặt cái của riêng của tôi đi bộ lang thang dọc đường, phần đói rét, nhìn xuống hai bàn chân thiếu dép đau ê ẩm. Lúc đó ước gì có đôi dép đi cho đỡ đau. Đầu trần chân đất thật mệt mỏi, vừa đi vừa khóc thầm.

Biết là không thể mua được vé tàu, tôi lại nấp nấp nhảy tàu tiếp ở các ga, tôi không nhớ rõ là từ Vinh vào tất cả bao nhiêu ga tàu. Tôi thường lẻn vào toa cuối cùng, tối hôm tàu chạy xình xịch, xình xịch gần vào đến ga Đà Nẵng tôi rất khó ngủ, tôi ngồi dựa lưng vào vách tàu, trong người tôi gần hết tiền, có bàn tay của kẻ gian mò mò vào người tôi nhưng không tìm được thứ gì hết, tôi sợ run bắn người. Sau đó người đàn ông đưa tay sờ sờ vào ngực đang vừa mới nhú nhô nhô của tôi. Tôi, tôi bình tĩnh lấy can đảm và nghĩ bụng, “Có chết tao cũng phản lại mày.” Tôi hất tay thật mạnh, cùi chỏ trúng vào mặt hắn. Hắn thấy tôi rất cứng rắn sau đó hắn không dám…

Tôi trốn trốn chui chui vào đến ga Quy Nhơn tôi bị đuổi xuống tàu tiếp. Thành phố Quy Nhơn giăng giăng đèn điện sáng như ban ngày, người xe cộ qua lại nhộn nhịp. Tôi lững thững đi bộ hình như tôi đã đuối và đói lắm rồi. Hai tay mỏi nhừ tại vì ôm cái rương to đùng kia. Tôi như muốn ném nó vào thùng rác cho nhẹ tay, nhưng tôi nghĩ lại không thể vứt nó được vì của quý của nhà tôi mà cha mẹ tôi có ý cho tôi làm vốn. Ngoài bốn cái chum sành gia tài ra nó quý giá biết chừng nào, và không dễ gì nhà nào cũng có được. Mà thôi bỏ ý định đó đi, bây giờ mình có điều ước như cô bé bán diêm… trong đầu tôi lóe lên bao điều. Tôi lại tưởng tượng mẹ tôi cho tôi cái trứng gà luộc. Rồi tôi thấy mình đang đi mót khoai lang đến giờ nghỉ trưa vào chỗ bóng mát của khóm tre nhà ai đó ngã đòn gánh ra nằm ngủ giấc. Tôi khát khao nhiều lắm…

Tôi thấy rạp chiếu phim, bãi người đứng ngồi xem đông đen. Tôi vào đó người lạ họ cứ nhìn tôi ngây ngô ngô phờ phạc. Có người hỏi:

– “Cô bé này đi đâu về đâu như này?”

– “Dạ, cô bác ơi cháu bị lỡ đường ạ?”

– “Cháu đi đâu mà lỡ đường?”

– “Dạ, dạ xin mời bác xem giấy này của cháu đây ạ.”

– “Thưa bác, bác làm ơn cho cháu về nhà ngủ qua đêm với ạ?”

– “Được tôi sẽ cho cô về ngủ.”

– “Dạ, cháu cảm ơn bác nhiều ạ.”

Bác phụ nữ ấy dẫn tôi về nhà, tôi rất ngạc nhiên vì bác ấy là chủ có khoảng mười phòng trọ. Bác chỉ cho tôi một phòng đầu tiên. Trong túi tôi tiền không còn xu nào dính túi.

– “Cháu ăn uống gì chưa?”

– “Dạ, cháu chưa ăn bác ạ, vì cháu không còn tiền.”

– “Đây cơm đây cháu ăn đi!”

– “Da, vâng! Cháu, cháu… rất cảm ơn bác đã giúp đỡ cháu ạ.”

– “Không có gì cháu ạ, lỡ đường mà cháu.”

Tối đó tôi được ăn ngon, ngủ ấm, một giấc ngủ mà gần cả tuần lễ mới có được. Tôi đã tắm mát và dội rửa hết bụi bám và mồ hôi cơ nhỡ ấy.

Trời đã cho tôi gặp may, sáng dậy người tôi như tỉnh hẳn.

– “Cháu chào bác và xin được cảm ơn bác.”

Tôi đứng trước một ngôi nhà khang trang, lúc đó người chủ nhà vừa dắt xe ra, tôi nhanh nhẻn.

– “Em chào chị.”

– “Có chuyện gì không em?”

– “Dạ, dạ… chị làm ơn mua dùm cái rương này ạ? Em, em… bán.”

– “Không em, chị không mua đồ đó.”

Tôi thất vọng, tôi nhìn lại thấy cái rương cũ kĩ quá ai mà mua. Tôi không dám hỏi đến người thứ hai…

Phần kết

Tôi gặp được bác tài xế tốt bụng chở hàng lên Buôn Ma Thuột, bác dừng xe lại hỏi tôi, sau khi nghe tôi nói hoàn cảnh của mình xong, bác ấy đã bảo tôi lên xe, tôi mừng rơi nước mắt.

Đến bến vào lúc phố phường vừa lên đèn. Tôi cảm ơn bác tài rối rít.

Tôi lần đi bộ khoảng 5km tìm đúng địa chỉ nhà anh trai tôi ở khu tập thể.

– “Em chào anh!”

– “Em tìm nhà ai vậy ?”

– “Dạ, dạ…”

– “Ui… ui… cái Lai em gái mình mà mình ko nhận ra. Vì em thay đổi khác hơn so mấy năm trước nhiều.”

Tôi đến bưu điện và nhờ cô nhân viên điện về nhà, “Cha mẹ ạ! Con đã vào tới nơi an toàn.”

… Có xưa mới có nay…

Cao Thị Lai

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s