Chào các bạn,
Bất kỳ môn học nào cũng có một điểm để tập trung. Tập trung vào điểm đó thì bạn học đến đâu hiểu đến đó, học một có thể hiểu mười.
Học nhạc, dù là học hát hay chơi một nhạc cụ, điểm chính là nghe. Tai phải rất nhạy với âm thanh, nghe được các đặc tính khác nhau trong mỗi âm, nghe được cảm xúc trong âm, nghe được âm của mình, nghe được âm của người, có thể nghe mọi âm của cả ban nhạc để tìm cách đưa âm của mình vào trong ban một cách hòa hợp.
Học võ thì phải chú trọng vào vận tốc. Tay chân phải chuyển động nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn mọi người (không nhẹ thì không nhanh được), các động tác của tứ chi và cơ thể phải được phối hợp cách hiệu quả nhất để mỗi đòn chỉ tốn một chớp mắt, các chuyển động phải uyển chuyển đến nỗi đối thủ không nghĩ là mình có thể bước như thế, các đòn phải được biến chế để đơn giản đến mức tốn một chớp mắt là xong, tay chân phải nhuần nhuyễn đến độ có thể xuất đòn dù mình đang đứng ở bất kì vị thế nào (mà không phải xoay người lại để đấm chẳng hạn).
Học kinh tế học thì phải rất rành luật cung cầu và các thay đổi và ảnh hưởng đến luật cung cầu. Mọi vấn đề kinh tế phức tạp đều là thay đổi ứng dụng của cung cầu.
Học luật thì chú trọng vào lý luận và thuyết phục (lý luận hay mà tác phong như ăn cướp thì không thuyết phục được ai).
Muốn hiểu Khổng từ thì tập trung vào “nhân” hay/và “quân tử”.
Muốn hiểu Chúa Giêsu thì tập trung vào Giêsu trong 4 cuốn Tin Mừng trong Thánh kinh.
Muốn hiểu Phật Thích Ca thì tìm hiểu Kinh Chuyển Pháp Luân.
Muốn làm kinh doanh thì phải tập trung vào sản phẩm. Sản phẩm là do bạn sáng tạo, không chỉ là vật người ta cầm trong tay, mà còn có thể là văn hóa cửa tiệm, cung cách giao hàng, cung cách ứng xử… Bạn phải biết sản phẩm của bạn là gì.
Hồi nhỏ mình học rất nhanh, thi đâu đậu đó (dù rằng chơi nhiều hơn học), mình nghĩ mãi không ra tại sao. Nhiều năm sau mình nhận ra là khi đọc một cuốn sách, mình nắm được điểm chính của cuốn sách ngay khi đọc chương 1. Tất cả các chương sau, mình vừa đọc vừa suy nghĩ “Điểm này có liên hệ gì đến điểm chính đã nói trong chương một”. Thế là đọc xong một lượt là nắm được cả cuốn sách.
Cho nên các bạn, luôn tìm cách tập trung. Có nhiều bạn mình thấy đầu óc tản mạn đến nguy hiểm, nên càng học càng lạc.
Mình có hai người thầy tâm linh – Chúa Giêsu và Phật Thích Ca. Các bạn không cần học từ mình, mà có thể học từ hai vị thầy của mình, miễn là các bạn tập trung vào hai vị mà không tập trung vào tôn giáo hay thầy bà nào.
Các bạn, tập trung! Và cuộc đời bạn sẽ sáng hơn rất nhiều.
Chúc các bạn luôn tập trung tốt.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Về ý này em có tâm đắc nhất 1 đoạn trong “Tôi tự học”,xin trích lại như sau : “Cái thuật của tôi là biết quy tất cả tinh thần của tôi vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đến nó.Tôi trị cái tay tôi,trị cái thân thể tôi cho đến chừng nào thành một khúc gỗ,không còn xao lãng nữa.Tuy trời đất là lớn,vạn vật là nhiều nhưng tôi chỉ có thấy con ve mà tôi muốn bắt nó thôi.Không chi làm tôi xao lãng ngoài cái ý muốn của tôi đó,con ve làm gì cũng không thoát khỏi tay tôi”
ThíchThích
Hi Lượng,
Lời lẽ đoạn này thấy quyết tâm hết sức, để bắt con ve, “con ve làm gì cũng không thoát khỏi tay tôi.” Có vẻ như không có lòng thương yêu loài vật.
Hơn nữa, bắt ve mà đã thế, bắt người chắc còn kinh hơn nhiều. Thế ký 20 có những người quyết tâm tổ chức loài người như thế – Mao Trạch Đông, Stalin, Polpot, Hitler – cương quyết giết hàng triệu người để đạt mục đích xây dựng xã hội kiểu của họ.
Tâm là chính. Không có tâm thì rất dễ thành đồ tể.
ThíchĐã thích bởi 2 người