Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Tiếp theo Dân ca Cơ Tu, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Dao.
Người Dao (các tên gọi khác: Mán, Đông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền, Lù Gang, Làn Tẻn, Đại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn, Sơn Đầu v.v) là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc ở Việt Nam với số dân là 751.067 người (2009). Ở Việt Nam, người Dao tuy có dân số không đông nhưng các bản làng của họ trải rộng tại các miền rừng núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang,…) đến một số tỉnh trung du như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và miền biển Quảng Ninh (người Dao Thanh Y).
Ngoài ra, người Dao còn chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, với những nét riêng về phong tục tập quán mà biểu hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng,… Mặc dù, họ có nhiều nhóm người khác nhau như vậy nhưng ngôn ngữ của họ là thống nhất để đảm bảo mối quan hệ gắn kết giữa các cộng đồng người Dao với nhau.
Người Dao cũng là một trong số 56 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc (tiếng Hán: 瑶族, Pinyin: Yáo zú, nghĩa là Dao tộc) với dân số là 2.637.000 người. Dân tộc này cũng là một dân tộc thiểu số ở Lào, Myanma, Thái Lan.

Dân tộc Dao cư trú chủ yếu ở biên giới Việt-Trung, Việt-Lào và ở một số tỉnh trung du và ven biển Bắc bộ Việt Nam. Cụ thể, đa phần tại các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hòa Bình v.v.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Dao ở Việt Nam có dân số 751.067 người, cư trú tại 61 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Dao cư trú tập trung tại các tỉnh: Hà Giang (109.708 người, chiếm 15,1% dân số toàn tỉnh và 14,6% tổng số người Dao tại Việt Nam), Tuyên Quang (90.618 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh và 12,1% tổng số người Dao tại Việt Nam), Lào Cai (88.379 người, chiếm 14,4% dân số toàn tỉnh và 11,8% tổng số người Dao tại Việt Nam), Yên Bái (83.888 người, chiếm 11,3% dân số toàn tỉnh và 11,2% tổng số người Dao tại Việt Nam), Quảng Ninh (59.156 người, chiếm 5,2% dân số toàn tỉnh), Bắc Kạn (51.801 người, chiếm 17,6% dân số toàn tỉnh), Cao Bằng (51.124 người, chiếm 10,1% dân số toàn tỉnh), Lai Châu (48.745 người, chiếm 13,2% dân số toàn tỉnh), Lạng Sơn (25.666 người), Thái Nguyên (25.360 người)
Ở Việt Nam, người Dao cư trú chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, và gần đây mới có một số nhỏ chuyển vào Tây Nguyên… Tuy nhiên, dù cư trú phân tán và có nhiều nhóm Dao khác nhau như Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao quần trắng,… chúng ta vẫn có thể nhận ra nét đặc trưng về nhà ở của tộc người này. Về cơ bản, người Dao có ba loại hình nhà ở chính: nhà đất, nhà sàn (người Dao quần trắng ở Yên Bái) và nhà nửa sàn nửa đất (người Dao đỏ ở (Tả Phìn) Sa Pa – Lào Cai). Song, cùng với sự phát triển chung của xã hội, những nét đặc trưng này đang phai nhạt dần, nhất là từ sau năm 1945 và đặc biệt là những năm gần đây. Để tìm hiểu quá trình phát triển nhà ở của dân tộc Dao cũng như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, người ta đặc biệt quan tâm đến kết cấu của bộ khung nhà mà đơn vị kết cấu của bộ khung nhà là các kiểu vì (vì cột, vì trung gian giữa vì kèo – vì cột và vì kèo). Nhà ở của người Dao là các kiểu vì kèo và một yếu tố khác vô cùng quan trọng là tổ chức mặt bằng sinh hoạt. Bởi vì sự khác biệt giữa nhà ở của dân tộc nước ta chủ yếu ở hai yếu tố đó, còn yếu tố khác chỉ là thứ yếu.

Họ có phong tục thờ tổ tiên là Bàn Hồ. Có thể xác định dòng họ và thứ bậc của người Dao qua tên đệm. Ma chay của người Dao được làm theo tục lệ xa xưa. Vài vùng có tục hỏa táng cho người chết từ 12 tuổi trở lên. Tục ở rể có thời hạn và vĩnh viễn.
Bàn Hồ là nhân vật huyền thoại, thủy tổ của dân tộc Dao, đã được nhắc tới trong truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ, trong đó đặc biệt phải kể tới sách “Quá Sơn bảng văn, Bàn Hồ (truyện thơ) và Đặng hành và Bàn Đại Hộ (truyện thơ). Các tác phẩm nêu trên vừa được truyền miệng trong dân gian, vừa được các trí thức người Dao ghi chép thành sách bằng chứ Nôm Dao (kiểu chữ dùng mẫu tự Trung Quốc để ghi tiếng Dao).
Quá Sơn bảng văn (hay Bảng Văn, Bình Hoàng khoán điệp) được viết trên tấm vải dài, rìa được đệm vải cho cứng chắc. Toàn bộ tài liệu này được ghi bằng chữ Nôm Dao, hai đầu có vẽ cảnh triều đình, vua ngồi trên ngai vàng, dưới chân là con chó Bàn Hồ, nội dung của Quá Sơn bảng văn có thể tóm tắt lại như sau:
Bàn Hồ là con long khuyển mình dài ba thước, lông đen vằn vàng, mướt như nhung, từ trên trời giáng xuống trần, được Bình Vương yêu quý, nuôi trong cung vua. Một hôm bình vương nhận được chiếu thư của Cao Vương liền hội triều đình lại để bàn cách đánh lại Cao Vương. Trong khi mọi người còn đang yên lặng vì chưa tìm ra được kế gì, thì con long Khuyển Bàn Hồ nhảy ra phủ phục trước nhà vua xin đi giết Cao Vương. Trước khi Bàn Hồ đi, vua hứa nếu Bàn Hồ giết được Cao Vương thì sẽ gả công chúa cho. Bàn Hồ phải mất 7 ngày 7 đêm mới tới được chỗ Cao Vương. Cao vương thấy con chó Bàn Hồ từ chỗ Bình Vương tới thì cho đó là điềm may, liền mang Bàn Hồ về cung cấm nuôi. một hôm nhân lúc Cao Vương uống rượu say. Bàn Hồ cắn chết Cao Vương, ngoạm đầu mang về báo công với Bình Vương. Giữ lời hứa, Bình Vương gả con gái cho Bàn Hồ. Sau lễ cưới, Bàn Hồ mang vợ về núi Cối Kê (Chiết Giang), sau đó vợ chồng Bàn Hồ sinh được 6 con trai và 6 người con gái; 12 người con của Bàn Hồ đều được Bình Vương ban sắc thành 12 họ. Riêng con cả lấy họ cha, họ Bàn, còn các con khác lấy tên họ sau: Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Lý, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu. Con cháu Bàn vương sinh sôi ra ngày một nhiều. Tới thời Hồng Vũ (1368-1398), bị hạn ba năm liền không có gì ăn, nhà vua cung cấp cho mỗi người một cái búa, một con dao để đốn rừng làm rẫy. Con cháu Bàn Hồ phát hết rừng núi của Bình Vương, khiến cho nhà vua phải cấp cho Quá Sơn bảng văn để phân tán đi các nơi tìm đất sinh sống.

Sách cổ đã sưu tầm và kiểm kê có tới 68% là các bộ kinh thư, các sách về tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán. Sách văn học tuy chiếm một tỉ lệ nhỏ (22,8%) nhưng có giá trị quan trọng. Bên cạnh một số dân ca (nhất là dân ca giao duyên) được những người biết chữ cổ chép lại còn khá nhiều tập truyện văn học, bao gồm một số bộ tiểu thuyết cổ của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu lúc đầu chỉ sưu tầm được 2 truyện thơ, trong một dự án đã tìm thấy 23 truyện thơ lần đầu tiên được phát hiện ở vùng người Dao như: “Hàn Bằng”, “Đàm Thanh”, “Bát Nương”, “Lâu Cảnh”, “Trạng Nghèo”, “Đô Nương truyện”, “Đặng Nguyên Huyện truyện”, “Bá Giai truyện”, “Thần sắt ca”… Trong số đó, truyện thơ kể về hành trình tìm đất vất vả của người Dao chiếm số lượng nhiều hơn cả (40%). Một số truyện tuy có chủ đề khác nhưng trước khi đề cập đến nội dung chính cũng kể về cuộc hành trình của người Dao.



Trong trang phục truyền thống, người Dao nam mặc quần và áo đơn giản, nữ trang phục phong phú hơn với những trang trí hoa văn truyền thống, đầu đội khăn.
Dưới đây mình có các bài:
– Dân tộc Dao (trích)
– Hát Páo dung của đồng bào dân tộc Dao, Tuyên Quang
– Tết nhảy – Nét văn hoá độc đáo của người Dao Đỏ
– Lễ Pút – tồng của người Dao đỏ, Cao Bằng
– Lễ cấp sắc – Nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dao, Tuyên Quang
– Lễ hội cầu mùa của người Dao Tuyển ở Lào Cai
Cùng với 11 clips tổng thể văn hóa truyền thống dân tộc Dao để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng

Làng xóm:
Người Dao có hai loại hình cư trú là cư trú tập trung và cư trú phân tán. Sự khác biệt này do điều kiện canh tác và thế đất nơi cư trú. Tuy nhiên đến nay một số nơi điệu kiện canh tác và cảnh quan đã thay đổi nhưng người ta vẫn giữ nếp sống cũ.
Loại hình cư trú phân tán, làng xóm kiểu này thấy rõ nhất những nhóm Dao chuyên sống bằng nương rẫy du canh như: Dao Quần Chẹt, Dao Đỏ, Dao Thanh Y. Mỗi điểm tụ cư chỉ mươi nóc nhà, nhà nọ cách nhà kia khá xa, có khi vài kilomet. Sự kết hợp các hộ trong các cư điểm khá lỏng lẻo vì nhà phải chạy theo nương rẫy.
Loại hình cư trú tập trung phổ biến ở những nhóm Dao đã định cư. Đặc biệt là nhóm Dao Tiền, nhà nọ liền kề nhà kia. Các nơi các nhà trong làng còn có số như đường phố.
Dù với loại hình cư trú nào, ở độ cao nào đối với người Dao cũng cần có những điều kiện nhất định: nơi khuất gió, cao ráo, gần nguồn nước, có bãi để chăn nuôi, gần rừng để kiếm chất đốt và rừng còn là nguồn thực phẩm tự nhiên ( măng rau, củ, tôm,cá, chim muông) gần bà con thân thích. Một trong những điều kiện được coi là quan trọng nhất là nguồn cung cấp nước, có khả năng đưa nước về tận nhà ít nhất là về tới xóm.

Nhà cửa:
Dao là một trong những dân tộc có các loại hình nhà ở: nhà đất, nhà nửa sàn – nửa đất và nhà sàn. Song không phải ở bất cứ nhóm Dao nào cũng có đủ ba loại hình nhà như vậy.
Dù là loại hình nhà nào thì vật liệu xây dựng chính là thảo mộc (tranh, tre, gỗ, dây rừng…) Những vật liệu kiếm tại nơi cư trú.
Dụng cụ được dùng trong việc làm nhà khá đơn giản. Trước đây với nhà ngoãm, công cụ chủ yếu là cái rìu, con rựa quen thuộc với công việc làm nương. Gần đây đồng bào có thêm các loại cưa, đục, bào. Giống như các đồng bào khác, người Dao có thợ chuyên làm nhà. Mà mỗi khi có ai làm nhà mới thì bà con lối xóm tới giúp đỡ nên hoàn thành công việc rất nhanh. Với người Dao trong việc làm nhà đặc biệt là người Dao Tiền, phụ nữ cũng có thể làm được những công việc dành cho đàn ông: cưa, bào, đục…
Kết cấu bộ khung nhà:
Bộ khung của nhà người Dao dù là nhà đất, nhà nửa sàn – nửa đất, hay nhà sàn cũng đều hình thành trên cơ sỏ các vì kèo.
– Vì kèo hai cột.
– Vì kèo bốn cột.
Nhà đất
Loại hình nhà đất có từ lâu đời, phổ biến ở người Dao đã định canh hay người dao chuyên làm ruộng nước.Bộ sườn nhà đơn giản ,thường có 3- 5 gian, không có chái.
Loại hình nhà sàn.
Loại hình nhà này phổ biến ở người Dao đã làm ruộng nước và sống gần người Tày, Nùng…nhà thường được xây ở chân núi, gò thấp .

Nhà nửa sàn – nửa đất.
Loại hình nhà này phần lớn ở những người Dao sống du canh,thường cu trú trên nền đất dốc. Loại nhà này không phải bỏ nhiều công sức để làm. Bộ sườn nhà loại này còn đợn giản hơn nhà đất.
Văn nghệ dân gian:
Truyện kể.
Gồm truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện thơ với nội dung chính:
Phản ánh quan niệm về các hiện tượng tự nhiên, nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc loài người, nguồn gốc của người Dao:
– Truyện thơ Bàn Hồ dài trên 5000 câu viết ông thủy tổ huyền thoại Bàn Hồ đồng thời là bài cúng phản ánh quan niệm của người Dao về nguồn gốc vũ trụ, muôn vật, nguồn gốc loài người, nguồn gốc của người Dao.
“Thái cực tiên sinh, sinh Bàn cổ
Khai bảo nguyên niên vua ra đời,
Chưa có trời mà đã có đất
Trước có Ngọc Hoàng với Bàn cổ
Tôi ra cùng lứa với Ngọc Hoàng
Ngọc Hoàng ba trăm sáu hóa cách
Bàn cổ ba trăm sáu hóa thân
– Truyện quả bầu kể rằng có một nông dân nghèo mưu bắt Thiên lôi để ăn thịt. Bắt được thiên lôi sơ ý chàng để sống mất nên mới có chuyện ngập thiên hạ làm chết người và muôn vật chỉ sống sót có hai chị em. Qua nhiều lần thử thách hai chị em đành lấy nhau sinh ra 360 họ gốc gác của loài người trên trái đất hiện nay. Bàn Vương thủy tổ của người Dao cũng là một trong 360 họ đó.
– Truyện Sự tích mặt trời mặt trăng: kể lại rằng xưa có 12 mặt trời, 12 mặt trăng. Thời ấy rất nóng, mọi sinh hoạt đều phải làm ban đêm. Có lần mặt trời thiêu chết con trai của một nhà nọ người chồng liền đứng ở bờ biển dương cung bắn rơi 11 mặt trời chỉ để lại một mặt trời, và11 mặt trăng cũng chết theo vỉ mặt trời là chồng, mặt trăng là vợ. Người vợ tức giận băm nhỏ mặt trời làm vô vàn mảnh tung lên trời thành các vì sao như ngày nay.
Phán ánh quá trình thiên di đầy gian truân tìm đất làm ăn:
Các truyện thơ Đặng Hành và Bàn Đại Hội. Câu chuyện kể về cuộc hành trình của hai nguời họ Dao sang Việt Nam tìm đất làm ăn, hai người này đến Việt Nam (theo truyện đời nhà Lý ?) không biết tiếng nên bị triều đình nghi là kẻ gian, giam giữ mấy năm. Sau đó nhân trời rét người đó lấy “quá sơn bảng ra đắp” tờ lệnh vua Trung Quốc cấp cho đi tìm đất làm ăn, triều đình thấy vậy thả họ cho họ đi tìm đất làm ăn.
Phản ánh quan hệ xã hội:
Các truyện đề cập mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa người chăm làm và kẻ lười biếng, kết thúc có hậu nói lên ước mơ về cuộc sống ấm no.
Truyện người “Người mồ côi” do ông Bàn Văn Tiến ở nhóm Cooc mùn ở Trung Minh kể. “Chiếc sừng nai”, “Chuyện con cóc” do ông Phùng Chương Chí ở nhóm Dao đỏ ở Thổ Bình kể.
Kể về sự tích các loài vật, các hiện tượng tự nhiên xã hội:
Vì sao con chuột ăn lúa, sự tích con ve sầu, sự tích cây bông…
Văn học:
Thơ ca cũng như các sáng tác dân gian khác là món ăn tinh thần không thể thiếu được với nhân dân lao động Dao. Qua một vài mẩu thơ nhỏ dưới đây có lẽ đã phản ánh được bước nào tâm hồn và cuộc sống của người Dao trước đây.
Với cuộc sống du canh du cư thật là bấp bênh khổ cực:
“Thiếu rượu uống vì năm mùa mất
Hạn kéo dài nương đất nẻ khô
Gặt xong đổ thóc vào bồ
Lưng lửng nửa bồ thóc nép thóc rơm”
Cuộc sống đầy vất vả khó khăn, đầy lo âu, sợ hãi, nhưng đồng bào vẫn tin vào đôi tay rắn chắc, cần cù lao động của mình.
Nữ: “Trên đời quý nhất thứ gì?
Mong anh giải đáp em thì được ngay”.
Nam: “Em hỏi anh trả lời ngay
Trên đời quý nhất bàn tay cần cù”.
Cuộc sống như vậy nhưng con người vẫn cần cù lao động vẫn yêu đời hơn ai hết. Họ là những người rất giàu tình cảm với thiên nhiên, với cuộc sống và con người. Họ rất yêu quý mùa xuân bởi vì mùa xuân là mùa xuân của sinh sôi nảy nở, mùa hy vọng, mùa ca hát của lứa đôi, họ mong đợi họ khao khát:
“Anh lo thì em cũng lo
Anh lo sao có cơm no trâu cày
Em lo nương rẫy luôn tay
Mong sao xuân tới được ngày hát vui”
Tục ngữ của người Dao cũng rất phong phú và đặc sắc:
“Đường ngọt chết kiến
“Chuối nhà không vun, vun chuối rừng.”
“Có trồng mới có ăn, không trồng bụng đói quanh năm.”
“Gai song nhọn, nhọn từ trong bẹ.”
Người Dao cũng có rất nhiều câu đố:
“Ba anh em vần chung nhau một cái khăn (cái kiềng)”
“Rồng mẹ đẻ ra dím con (cây dứa).”
“Nước qua bên trên thuyền qua bên dưới (máng nước).”
“Dây dài chém không bao giờ đứt. (dòng nước).”
Người Dao chỉ có một số truyện thơ được ghi thành sách bằng chữ Hán (phát âm theo tiếng Dao) còn phổ biến là truyện kể miệng:
Hai chị em, Con quạ và cái trống, Lò sủ ní, Yêu tinh, Chàng Sùng Sièng….
Ngoài ra còn một số truyện cổ của Trung Quốc lưu truyền trong người Dao.
Hát tiếng Dao là dủng, nhưng người ta thường nói là páo dung hay ay dủng.
Ca hát chỉ có một số làn nhất định như: páo phây (ngâm thơ), páo dung om hay còn gọi là páo dung tòi tồm dòi lủng (hát đối đáp giữa trai chưa vợ chưa chồng với nhau), páo dung muộn (hát ghẹo)….
Khi được tin có trai làng khác tới hát, các cô gái trong lang ra tiếp đón mời về nhà thiết cơm. Tối đến họ xin phép ông bà cha mẹ và những người tới dự để cuộc hát được bắt đầu. Trước tiên bên trai hát chúc mừng gia chủ rồi hát khiêu khích để bên gái lên tiếng với làn điệu páo phây. Bên trai hát rất lâu bên gái mới chịu lên tiếng, khi bên gái lên tiếng bên trai chuyển sang làn điệu páo dung om. Cuộc vui đó cứ kéo dài cho tới sáng….
Lễ hội
Lễ cúng thóc giống.
Một trong những lễ cúng không thể thiếu được là lễ cúng thóc giống. Thường thường lễ cúng này được tiến hành trước khi đem thóc giống ra tra nương hoặc cúng trong dịp Tết Thanh minh. Lễ cúng này được tiến hành trong nhà. Người ta lập một đàn cúng trước bàn thờ tổ tiên đặt vào đó một cum thóc giống, lấy một tờ giấy bản vẽ hay cắt thành những hình khuyết: trên cùng là một hình tròn tượng trưng cho mặt trời, hình một người đứng thẳng, tay cầm nông cụ (dao rìu hay cuốc) và một bó lúa bên dưới là một cái bát, một đôi đũa một con chó, một đàn gà, một con cá và một con rắn. Tờ giấy này được kẹp chặt vào một que nứa và được cắm vào cum thóc giống đem ra để cúng. Trên đàn cúng, bên cạnh cum thóc giống, còn có một bát nước, một bát gạo, xôi và một con gà luộc. Họ bắt đầu cúng, đại khái khấn rằng: “Một hạt thóc sau này sinh thành trăm hạt, một cum thóc giống sau này được trăm cum…” Cúng xong họ lại đặt bó lúa với tờ giấy có hình vẽ hay hình khuyết ấy vào đống thóc giống như cũ, khi tra nương thì đem cum thóc ấy ra tra trước. Tra nương xong mới đốt tờ giấy ấy đi.
Trong khi làm lễ cúng thóc giống, họ cấm người ngoài kể cả bà con thân thích vào nhà sợ rằng hồn thóc hồn lúa sẽ theo người ấy đi mất, hoặc sợ rằng hồn của người ngoài không tốt vào nhà sẽ ảnh hưởng đến lễ cúng. Sau khi cúng xong trong vòng một đêm một ngày những người trong gia đình không được đi đến nhà người khác, sợ hồn thóc giống đi theo và ở lại nhà người ta, sau này lúa của gia đình sẽ không được tốt.
Ở những nơi có bàn thờ chung của dòng họ hay của gia tộc thì lễ cúng này được tiến hành tại nhà trưởng họ. Nhiều nơi có lễ cúng thóc giống chung của cả xóm vào cuối tháng tư đầu tháng năm. Sau đó người đứng đầu thôn xóm được tra nương hoặc cấy ruộng trước, rồi mới phân phát thóc giống hay mạ đã đem cúng tại thổ công cho từng gia đình trong thôn xóm.
Lễ cúng nương.
Chọn được ngày tốt đồng bào bắt đầu tra nương. Ngày hôm đó chủ nương dậy thật sớm, đi nương sớm hơn mọi người mang theo một con gà luộc, một nắm xôi một chai rượu và ít giấy (tiền ma) để đốt. Đến giữa nương, người chủ nương chọn một chỗ tương đối bằng phẳng hay chọn chỗ có vách đất, dựng một lều cúng, trong lều kê một hòn đá phẳng để có thể đặt được những vật cúng, rồi lấy nứa làm độ 3-4 cái chén con. Chuẩn bị xong xuôi chủ nương bắt đầu thắp hương và cúng. Trong lễ cúng nương, chủ yếu là cúng các vị thần ở nương, thần thổ địa, thần bảo vệ mùa màng, thần nông thần chăm sóc lúa… Sau khi tra nương xong chủ nương đem thóc giống còn thừa vãi xung quanh lều cúng. Sau này mỗi lần đi thăm nương thì nhớ đến thăm nom lều cúng, rót rượu, nước chè (hay nước lã cũng được) tỏ ý tôn kính và mong các thần luôn luôn phù hộ bảo vệ mùa màng.
Vào tháng sáu, sau khi đã làm xong cỏ đợt thứ nhất, đồng bào còn làm một lễ cúng nương nữa. Lễ cúng nương này được tiến hành trong nhà. Họ cũng lập đàn cúng và dung những lễ vật như mọi lần cúng bái khác, chủ yếu là họ cúng gia tiên, thần nông, thần bảo vệ nương, cầu mong các thần phù hộ cho nương tốt, không cho sâu bọ cắn và thú rừng phá hoại…Ở nhóm Dao Áo Dài, trong lễ cúng này còn một nghi thức nữa là đồng bào đặt vào cạnh đàn cúng một cây mía (đào lấy cả rễ) và một ống nứa có cắn thêm một cây lau. Sau khi cúng cây mía được đem trồng trên nương lúa, còn ống lúa có cắm cây lau thì để vào một chiếc sọt đặt lên sàn gác cạnh đống thóc. Nghi thức này có ý nghĩa là mong lúa tốt tươi cao to như cây mía, bông lúa to như bông lau.
Lễ cúng vào dịp tết lập thu.
Lễ cúng này xuất phát từ một câu chuyện như sau: xưa có một người phụ nữ đi làm nương vào ngày lập thu nghe được tiếng ma nói chuyện với nhau và rủ nhau xuống hạ giới kiếm tiền tiêu. Người phụ nữ ấy hồn xiêu phách lạc về nhà thuật lại “những điều ma nói với nhau cho bà con họ hang biết, rồi đột ngột ốm nặng và chết. Từ đó có tục kiêng vào ngày lập thu và làm lễ cúng vào ngày ấy. Lễ cúng rất đơn giản. Họ lấy giấy (tiền ma) treo khắp ngả đường trên nương ngoài ruộng…để ma qua lại thấy lấy về sẽ không bắt hồn của người sống nữa.

Lễ cúng cơm mới.
Đây là một trong những lễ cúng quan trọng. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Cúng cơm mới là lễ tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt, lúa ngô đã có thể thu hoạch được. Trước hết họ gặt một ít thóc đầu mùa mang về phơi khô, giã thành gạo và nấu cơm; nếu lúa chưa chin, họ lấy gạo cũ thổi cơm ngắt lấy mấy bông lúa bỏ vào nồi cơm để có hương vị lúa mới và coi đó là cơm mới. Sau đó đặt cơm mới và các thức ăn khác như thịt cá, rượu, một bát canh đa vị gồm: bí, đọt bí, mướp, rau cải, hành, dưa, cà chua… lên bàn thờ tổ tiên và cắm những bông lúa đã được hấp trong nồi cơm vào bát nhang hay trên những tấm liếp vây xung quanh bàn thờ.
Chủ gia đình đứng nghiêm trang trước bàn thờ, kể lể công ơn của tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để cho công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Cúng xong, toàn thể gia đình quây quần ăn uống với nhau, người chủ gia đình ăn trước, ăn khắp lượt mỗi món một miếng, rồi vợ con mới bắt đầu cùng ăn, cuối bữa cơm mọi người cố ý để thừa trong bát một ít cơm và vài miếng rau, và hôm ấy người ta không được rửa bát ngụ ý là sau này cơm gạo thừa thãi. Hôm cúng cơm mới họ cấm người ngoài, kể cả bà con thân thích vào nhà.
Lễ cúng hồn lúa.
Lễ cúng này thường được tổ chức vào tháng một đầu tháng chạp, tức sau khi gặt xong, kết thúc một chu kì sản xuất. Hôm gặt lúa đầu tiên, chủ gia đình đến nương trước tiên đem theo một ống nứa. Người chủ gia đình niệm thần chú, rồi bắt đầu thu nhặt mỗi nơi vài bông lúa bỏ vào ống nứa, tức thu hồn lúa vào đó, lấy một hòn đá mỏng và phẳng đậy ống nứa lại cất vào lều cúng và tất cả mọi người bắt đầu gặt. Gặt xong, họ lấy những bông lúa trong ống nứa buộc ghép vào cum thóc cuối cùng và cum thóc này được gánh về nhà sau cùng.
Đem về đến nhà, cum thóc ấy được đặt vào dưới bàn thờ tổ tiên để ngay tối hôm ấy hoặc ngày hôm sau người ta sẽ làm lễ cúng hồn lúa. Mục đích cúng là mừng lúa đã về nhà. Và theo quan niệm của đồng bào, mỗi bông lúa đều có hồn, trước lúc gặt chúng cùng sinh sống yên ấm trong một “cộng đồng” trên nương rẫy, nhưng trong lúc gặt không tránh khỏi một số bông lúa tức hồn lúa bị bỏ sót lại trên nương rẫy, hồn chúng bơ vơ không được ai chăm sóc nên đồng bào thường làm lễ cúng này để thu hết tất cả hồn lúa về nhà và cứ như vậy trong những vụ sau lúa mới được tốt tươi.
Ngoài các lễ cúng vừa kể trên là những lễ cúng có tính chất riêng của từng gia đình, còn có những lễ cúng chung của toàn thể làng xóm gọi là các lễ “chìu tàn” (cầu thần cầu mùa). Thường thường trong một năm có tới 5-6 lần cúng như vậy. Như người Dao Áo Dài có một tổ chức gồm ba người gọi là “xá chấu”, “xa thầy” và “thóc làu”. Thường thường các lễ cúng chung thường được tổ chức tại miếu thổ công đầu làng, người Dao Thanh y người ta tổ chức lễ cúng ngay tại nhà người đứng đầu công xã. Sau lễ cúng tất cả những người đại diện cho các gia đình cùng ăn uống tại đó, không được dành phần đem về nhà. Riêng trong lễ cúng ngày mồng hai tháng hai âm lịch của người Dao Áo dài, sau khi cúng, mỗi người được mang về nhà một bánh chưng và một đùi gà tượng trưng cho may mắn của vụ sản xuất trong năm.
Ngoài những vị thần được cúng, còn có ma của những người đứng đầu công xã được coi là linh thiêng và cũng được thờ chung ở miếu thổ công gọi là “piền pung ti chiêu” tức “ bản phương địa chủ”, người Dao đeo tiền gọi là “tẩy chiêu miên’ địa chủ thần. Những vị thần này có nhiệm vụ bảo vệ mùa màng, bảo vệ thôn xóm để nông dân yên ổn làm ăn.

Thờ cúng tổ tiên.
Thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình của đồng bào Dao. Tổ tiên có thể được thờ cúng tại nhà tộc trưởng hay ở từng gia đình.
Đồng bào cho rằng khi ông bà cha mẹ mất, linh hồn trở về thế giới bên kia mà quê hương là Dương Châu đại điện. Tuy vậy những linh hồn ấy, tức tổ tiên, vẫn thường xuyên có mối quan hệ với con cháu, tức những người còn sống trên dương thế, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy được. Tổ tiên cũng làm ăn sinh hoạt như người ở trần thế, chăm sóc bảo vệ con cháu như lúc còn sống. Do đó, con cháu phải có nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, tức cung cấp những thứ cần thiết cho sinh hoạt hang ngày của tổ tiên.
Tổ tiên thuộc loại ma lành phù hộ cho con cháu.Tuy nhiên nếu không thờ cúng cẩn thận, tổ tiên cũng có thể bắt tội, bắt phạt, làm cho con cháu ốm đau bệnh tật, sinh ra thiếu thốn, vất vả. Tuy xuất phát điểm của nó là vật linh giáo và tục thờ cúng thần thị tộc, gia tộc nhưng về sau khi quan hệ phong kiến phát triển và do ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc vào xã hội người Dao, nên việc thờ cúng tổ tiên của người Dao chịu ảnh hưởng ít nhiều của hệ tư tưởng Khổng giáo.
Thường thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn, như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong dịp lễ lớn của gia đình. Trong những dịp ấy, đồng bào thường khấn tổ tiên từ đời thứ chín trở xuống. Nhưng trong dịp thờ cúng hàng ngày chỉ cần cầu khấn đến ông tổ ba đời, có khi chỉ cầu khấn đến đời ông bà cha mẹ.
Ở nhiều nơi đồng bào còn thờ cúng tổ tiên chung của dòng họ hay của gia tộc. Bàn thờ chung của gia tộc gọi là “hồng lầu”, được đặt tại nhà tộc trưởng. Ở một số nhóm Dao, ngoài “hồng lầu” ra, còn những bàn thờ riêng ở từng hộ gia đình, và tổ tiên được thờ cúng trong trường hợp này chỉ bắt đầu từ đời bố mẹ. Ở người Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, bàn thờ chung của gia tộc không còn tồn tại nữa, mỗi khi con cháu ra ở riêng thì tổ tiên cũng được phân chia để thờ riêng ở mỗi gia đình. Tổ tiên phân chia bằng cách: những người tách ra ở riêng lấy hương thắp vào bàn thờ cũ bàn thờ của gia tộc sau đó lấy vài nén hương đang cháy cắm vào bát hương của mình và đem về nhà đặt vào thờ đã dựng sẵn.

Bàn thờ tổ tiên dù là hồng lầu hay bàn thờ nhỏ ở mỗi hộ gia đình, đặt ngay ở gian giữa nhà. Bàn thờ là một tấm ván hay một cái giàn con treo trên vách, có mái che bằng tranh hay bằng phên, hai bên sườn che bằng liếp. Cũng có khi bàn thờ tổ tiên được dựng như một mô hình nhà hay một cái bục con tại gian nhà giữa. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ (hồng lầu hay bàn thờ tổ tiên của các thầy cúng, thầy tào) người ta treo một cái trống, trống này chỉ được đánh trong các dịp lễ tết để tấu thỉnh gia tiên và để báo cho bà con trong họ ở cùng thôn xóm về làm lễ.
Cái trống đó được treo bằng một chiếc dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách hồng lầu người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh “Tam thanh lớn” và “Tam thanh nhỏ”. Tam thanh lớn gồm 13 bức tranh. Tam thanh nhỏ chỉ có ba bức vẽ Ngọc Thanh, Thái Thanh và Thượng Thanh. Hai bộ tranh này theo đồng bào là rất linh thiêng. Mỗi khi vẽ chúng, dù là vẽ lại, phải mổ hàng mấy con lợn để cúng, còn những tranh cũ thì không được đem đốt nhất là không được đem dùng vào việc “uế tạp”. Khi có tranh mới hoặc không còn ai có khả năng quản lí hai bộ tranh nữa thì phải bí mật đem cất giấu vào một hang đá nào đó.
Hai bộ tranh này không được tùy tiện mở ra xem, cho rằng như thế “âm binh” sẽ nổi loạn. Hai bộ tranh này chỉ được treo khi làm những nghi lễ lớn như cấp sắc, cúng Bàn Vương, “làm nhà mới cho tổ tiên”, trong hai ngày Tết Nguyên đán và Trung nguyên (14 tháng 7 âm lịch) và chỉ được đem phơi nắng vào ngày mồng sáu tháng sáu âm lịch. Trong các ngăn bàn thờ tổ tiên của thầy cúng, thầy tào, người ta còn để những nhạc cụ và đồ cúng tế như: trống, thanh la, não bạt, mũ, áo và các sách cúng…
Bàn thờ tổ tiên được coi là chỗ tôn nghiêm nhất trong gia đình (trong căn nhà). Phụ nữ đặc biệt là các cô dâu, ít khi được đến gần. Cả khi quét nhà người ta cũng luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên.
Đồng bào quan niệm rằng không phải lúc nào tổ tiên cũng trú ngụ ở bàn thờ mà chủ yếu ở “Dương châu đại điện” thỉnh thoảng tổ tiên mới lai vãng về trần gian thăm con cháu thường thường vào ngày mồng một và ngày rằm của mỗi tháng và trong những dịp tết lễ. Những ngày mồng một và ngày rằm đồng bào chỉ cúng tổ tiên bằng trà, rượu, trầu cau, nhiều khi cả hương nhang cũng không đốt. Trong dịp lễ cúng bằng xôi, thịt, rượu, bánh nghĩa là đồng bào ăn uống thứ gì thì cúng thứ đó, còn những ngày lễ lớn phải mổ lợn để cúng.
Việc thờ cúng tổ tiên thường do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu trong gia đình không còn một người đàn ông nào nữa, con gái với tư cách là người kế thừa kế sẽ lo liệu công việc thờ phụng, nhưng phải nhờ một người đàn ông khác trong họ đến cúng.
Trong việc thờ cúng tổ tiên còn phải kể đến hai nghi lễ nữa:
Lễ tảo mộ
Ở những nhóm ít chuyển cư, việc tảo mộ thường được đồng bào coi trọng. Hàng năm cứ vào ngày tết mồng ba tháng ba, đồng bào sắm sửa các lễ vật như: thịt rượu, xôi, bánh….mang ra tận mồ mả ông bà cha mẹ để cúng. Những người đi tảo mộ cùng nhau phát cây cỏ, đắp đất, sửa sang mồ mả. Làm xong họ ăn uống trước mồ mả, rồi ra về.
Ở những nhóm chưa định cư, nếu có mồ mả ở gần, họ cũng làm lễ tảo mộ, nếu mồ mả ở xa, họ chỉ làm một lễ cúng chung tại gia đình. Lễ cúng này phổ biến ở người Dao quần trắng và Dao thanh y. Đồng bào thường lấy ba nắm đất cùng với các lễ vật đặt vào đàn cúng lập ngay trước cửa ra vào, rồi khấn ông bà cha mẹ ở các nơi về nhận lễ vật.
Lễ “chảy chấu”
“Chảy chấu” là một hình thức lễ tảo mộ, nhưng chỉ là lễ tảo mộ có tính chất tượng trưng. Ở một số nơi đồng bào còn gọi là “lễ làm nhà mới’ cho tổ tiên. Do việc di chuyển thường xuyên và ngày càng đi xa những địa phương mà tổ tiên của họ đã từng cư trú, nên đồng bào không có điều kiện trở lại những nơi ấy để làm lễ tảo mộ được. Hơn nữa số mồ mả lại rất nhiều, rải rác tại nhiều địa phương, cho nên đồng bào phải làm lễ tảo mộ tượng trưng.
Khi đã chọn được ngày lành tháng tốt, đồng bào bắt đầu làm lễ “chảy chấu”. Trước hết họ làm một lễ cúng nhỏ để báo cho tổ tiên biết họ sắp làm nghi lễ ấy. Sau đó đồng bào dựng một chiếc lều ở ngoài đồng (ngoài bãi), trong lều người ta đắp mả giả, số lượng mả giả bằng số lượng từ đời tổ tiên thứ chín trở xuống. Trên mỗi mồ mả người ta treo một đèn lồng. Công việc chuẩn bị xong các thầy cúng, thầy tào bắt đầu cúng và mời tổ tiên về nhận lấy mả mới.Trong lễ cúng này có một nghi thức đáng chú ý là khi thầy cúng đọc đến tên vị tổ tiên nào thì những người trong gia đình phải quỳ lạy vảo mả giả và sau đó dùng cuốc xẻng phá mả giả ấy và xúc hết đất hất ra khỏi lều, đó chính là lễ bắc cầu “đưa” mả về đến tận nơi của tổ tiên.
Thường thường trong một đời người đời đồng bào phải làm lễ ấy vài lần. Có nơi chín hoặc mười năm làm một lần, có nơi hai mươi làm một lần có nơi còn lâu hơn nữa, có khi cả đời mới làm một lần, có khi cả đời không làm được lần nào.
Thờ cúng Bàn Vương “Chẩu đàng”
Thờ cúng Bàn Vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Ở bất cứ nhóm Dao nào họ đều chú trọng đến việc thờ cúng này. Nhưng tục thờ cúng Bàn Vương lại rất đậm nét ở nhóm phương ngữ thứ nhất thì lại rất mờ nhạt ở nhóm phương ngữ thứ hai. Ở các nhóm thuộc phương ngữ thứ hai không có những lễ cúng Bàn Vương riêng, trong khi đó việc thờ cúng lệnh công và Phật bà rất phổ biến. Tuy vậy Bàn Vương được kết hợp khi làm ma chay, cấp sắc…cho nên Bàn Vương vẫn cứ là biểu tượng chung của người Dao.
Ở người Dao phân biệt rất rõ giữa Bàn Vương và Bàn Cổ. Đồng bào gọi Bàn Cồ là “piền cấu sỉnh miền” (Bàn cổ thánh nhân) gọi Bàn Vương là “piền hùng sỉnh tỉa” (Bàn Hoàng thánh đế)
Bàn Vương được đồng bào Dao gọi là thủy tổ của các dòng họ của mình nên cũng được coi là một loại ma nhà và được cúng bái chung với tổ tiên của từng họ, từng gia đình. Thường thường Bàn Vương được thờ cúng với gia tiên và năm vị thần khác là: thần thóc gạo, thần coi sóc việc ca hát văn nghệ, thần săn bắn và hai vị thần trông nom việc chăn nuôi. Trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, chảy chấu, tết nhảy, ma chay… đều phải cúng Bàn Vương.
Ngoài việc thờ cúng hàng ngày, còn có những lễ cúng Bàn Vương riêng. Trong Bình Hoàng Khoán Điệp có ghi rằng cứ ba năm cúng một lần và cúng liền trong ba năm.
Tuy mỗi nhóm Dao có một số chi tiết riêng, nhưng tục cúng Bàn Vương căn bản vẫn giống nhau. Nó bao gồm những nghi lễ chính sau đây:
Lễ khất:
Vào những năm làm ăn thất bát, sinh hoạt gia đình gặp nhiều khó khăn, người ta làm một lễ cúng để khất, hứa rằng nếu Bàn Vương phù hộ tai qua nạn khỏi, làm ăn mát mặt hơn thì sẽ tổ chức lễ cúng Bàn Vương.
Trước hết họ nuôi hai con lợn, mộ cho Bàn Vương một cho các vị thần khác và gia tiên. Khi bắt đầu nuôi hai con lợn đồng bào phải làm một lễ cúng nữa để báo cho Bàn Vương biết trước. Hai con lợn này gọi là hai con lợn cúng (lợn của thần) được nuôi trong hai ngăn chuồng riêng. Nhiều khi họ nuôi trong một chuồng kín khác (người Dao quần chẹt nuôi hai con lợn thần ấy ngay ở gầm sàn) để người ngoài, nhất là khách lạ không trông thấy. Vì đây là hai con lợn của thần thánh nên không được bán, không cho bà con vay mượn, thậm chí không được đánh chửi mắng chúng, chúng ăn thế nào cũng mặc, gầy béo không được khen hay chê.
Trước ngày làm lễ cúng độ vài tuần, đồng bào bắt đầu nấu rượu. Rượu sau khi cất thường được để vào hai chum hay vò riêng (một chum cho Bàn Vương một cho các vị thần và gia tiên) và được cất kín trong buồng phía sau bàn thờ tổ tiên, nhưng phải che kín để người ngoài không thấy, rau cỏ được chuẩn bị đầy đủ.
Lễ cúng Bàn Vương.
Trước hết ba thầy cúng được mời đến làm lễ lập đàn cúng và lập đàn cho các thánh tướng và âm binh của ba thầy cúng. Sau đó thầy cúng làm phép tẩy uế bằng cách lấy “ nước phép” vẩy khắp nhà, sau đó làm phép “trấn an” cho gia đình trong cả quá trình tiến hành nghi lễ bằng cách dán những lá bùa xung quanh nhà, rồi làm lễ khấn Bàn Vương, gia tiên và các vị thánh đến chứng giám buổi lễ. Liền sau đó người ta mổ lợn để cúng. Con thứ nhất cúng gia tiên và các vị thần thánh. Con thứ hai cúng Tam miếu vương “Puô miếu hùng”, trong đó có Bàn Vương. Để cúng Bàn Vương nhất thiết phải lập đàn cúng riêng. Đó là một chiếc mâm cao khoảng 30 cm trên đó để con lợn cúng, một bát nước, một bát gạo và một ít giấy (tiền của ma) một chai rượu vài cái chén và mấy đôi đũa. Đồng bào còn kê hai chiếc ghế dài song song với nhau ở hai phía đàn cúng. Ba thầy cúng và ba người đàn ông đứng tuổi khác ngồi vào hai ghế đối diện với nhau. Sáu người thay nhau hát những bài cúng. Nội dung của những bài hát đó là kể về sự tích khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy….Sáu người này vừa hát vừa ăn uống, thức ăn chỉ có một món là thịt sóc đã sấy khô xào với măng khô. Sau đó ba đôi thiếu niên (ba nam, ba nữ) khoảng 13-14 tuổi, nam chưa cấp sắc, nữ chưa lấy chồng đứng thành hai hàng đối đáp với nhau. Nội dung của các bài hát là kể về công ơn của Bàn Vương. Trong lúc ấy một người phụ nữ trạc tuổi 40-50 ngồi ngay trên bậc cửa ra vào, quay mặt vào nhà cũng hát những bài với nội dung tương tự và cầu mong Bàn Vương phù hộ cho con cháu trong gia đình và gia tộc. Một người đàn ông khác cũng trạc tuổi ấy không hát mà chỉ đứng nghiêm trang trước bàn thờ tổ tiên trong suốt quá trình nghi lễ ấy.
Lễ tiễn đưa.
Làm xong lễ cúng Bàn Vương , các thầy cúng bắt đầu đốt giấy (vàng mã nếu có) và làm lễ tiễn đưa Bàn Vương, gia tiên và các thần thánh về thế giới bên kia. Tất cả mọi người theo thầy chủ đám ra tận sân nhà, sáu thiếu niên lại hát những bài tiễn đưa.
Kể từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc nghi lễ người ta phải kiêng kị nghiêm ngặt. Không phải chỉ có các thầy cúng, mà tất cả mọi người trong buổi lễ phải ăn chay. Đồng bào kiêng mắng chửi nhau, vợ chồng phải cách ly không được ăn làm với nhau, nam nữ không được ngồi lẫn lộn….

Múa và nhạc cụ dân gian
Múa.
Múa cấp sắc: có ở chín nhóm Dao.
Múa màng: múa cầu mùa của các nhóm Dao Đỏ, Dao Tiền ở Nà Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên.
Múa tết nhảy: múa kiếm của các nhóm Quần Chẹt, Dao Tiền ở Sơn Dương và Yên Sơn.
Múa bắt ba ba: trong lễ tết nhảy phản ánh công việc của người Dao Tiền và Dao Quần Chẹt.
Múa vui ngày tết có điệu múa đẵn gỗ, xúc tép động tác mạnh, dứt khoát phản ánh lao động sản xuất.
Nhạc cụ dân gian.
Trống: Có hai loại: trống con (dồ náng) trống tang sành (dồ đao). Trống con có ở 9 nhóm dao, cấu tạo tang gỗ hình trụ đường kính 20-40 cao 20-30cm phần giữa tang trống phình to hơn 2 đầu, hai mặt trống bịt da thú hoặc da trâu bò, để vừa bền dẻo vừa tạo âm tốt, dùi trống làm bằng gỗ chắc, nặng. Trống Tang sành còn gọi là trống dài, chỉ có ở nhóm Dao áo Dài và Dao quần Trắng. Trống dài từ 40-60cm, tang trống bằng sành,hai đầu loe đường kính 30-40cm, để bịt da thú, giữa thân trống thót lại theo quan niệm của đồng bào Dao rất linh thiêng, tiếng trống phát ra có thể thấu đến thần linh.

Chuông: làm bằng đồng cao 10cm, đầu loe có đường kính 5-6cm,phía trong có thanh sắt nhỏ linh động, để khi lắc thì va đập vào vỏ chuông tạo âm thanh. Phía bên ngoài có thanh cầm dài khoảng 7-10cm. Thầy cúng thường lắc chuông lúc múa.
Kèn: bằng đồng hay gỗ có 3 phần:loa, thân ken, lỗ thổi.
Chũm Choẹ: có 2 loại: chũm choẹ nhỏ là chũm choẹ cái, loại to là đực, được đúc bằng đồng, đường kính 10-15cm loại nhỏ và loại to là 30-35cm, mỗi chũm choẹ có 2 chiếc giống hình 2 con ba ba úp bụng vào nhau, tâm mặt trong mỗi nửa chũm choẹ có chỗ lõm sâu đường kính 5-6cm, mặt ngoài có núm tròn lồi ra để cầm cho chắc.
Thanh La: đức từ đông hình trụ, cao 4-5cm, một mặt trống có dây sách và dùi gỗ, đường kính mặt 20-30cm, ở tâm có điểm nổi để gõ, thanh la dùng để đệm cho trống.
Tù và: là chiếc sừng trâu có dáng đẹp khoét thủng lỗ phía đầu nhọn để thổi.

Hát Páo dung của đồng bào dân tộc Dao, Tuyên Quang
(TH-Cinet–DTV)
Đối với người Dao (Tuyên Quang) hát Páo dung không chỉ là làn điệu dân ca ngọt ngào, là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn… mà nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.
Đồng bào dân tộc Dao ở Tuyên Quang đến nay vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, từ tiếng nói đến trang phục, phong tục tập quán đến các làn điệu dân ca truyền thống. Trong số các làn điệu dân ca của người Dao, nổi bật nhất phải kể đến làn điệu Páo dung.
Được ra đời từ rất lâu, bắt nguồn từ trong lao động sản xuất, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, làn điệu Páo dung đã gắn bó với cộng đồng dân tộc Dao, phản ánh hiện thực đời sống xã hội của họ. Thông qua hát Páo dung, người Dao gửi gắm tâm tư tình cảm, ước nguyện của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Với mỗi nhóm Dao khác nhau thì lối hát Páo dung cũng có sự khác biệt trong âm hưởng của làn điệu. Dù cho phong cách ứng khẩu tại chỗ có tạo ra vô vàn bài hát khác nhau ở mỗi địa phương, song những bài hát đều có một nội dung thống nhất là đề cao tinh thần lao động sáng tạo, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi tình yêu đôi lứa.

Nét độc đáo trong hát Páo dung giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, thể hiện trình độ tư duy, tài năng ứng biến của người hát. Còn trong các nghi lễ, hát Páo dung lại được thể hiện theo từng bài bản sẵn có.
Trước kia, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản nọ sang bản kia. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, quên tháng, nên dẫu có tàn cuộc, chia tay, nhưng dường như những cuộc páo dung vẫn chưa bao giờ kết thúc. Để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái trong bản lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào. Ngay cả những người có gia đình rồi cũng đi “dung” với nhau như để cùng sẻ chia bao nỗi niềm trong cuộc sống. Giờ đây, trong lao động sản xuất, hay trong các đám cưới, bà con vẫn thường tổ chức hát Páo dung với mục đích là để làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình có cơ hội phát triển lâu bền trong đời sống của cộng đồng. Từ những buổi hát như vậy đã có tác động tích cực để thế hệ trẻ hiểu thêm về kho tàng văn hóa phi vật thể của cha ông mình để lại.
Hát Páo dung đã thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất ở đây chính là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.

Tết nhảy – Nét văn hoá độc đáo của người Dao Đỏ
(TH-Cinet–DTV)
Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên bản làng quê hương của người Dao Đỏ ở Tả Phìn (Lào Cai) lại rộn ràng đón Tết nhảy.
Người Dao Đỏ đón xuân theo tập tục truyền thống tổ tiên từ nhiều đời nay. Bắt đầu từ ngày 28 Tết, khắp làng trên, xóm dưới, đồng bào dân tộc đã bắt tay vào mổ lợn béo, gà trống thiến, làm bánh nếp… Đây chính là thời điểm các thành viên trong dòng họ tụ tập quây quần tại nhà trưởng họ, cùng nhau nâng chén rượu mừng xuân, cầu chúc cho nhau ngày càng làm ăn phát đạt, cháu con khoẻ mạnh… và bàn việc tổ chức nghi lễ Tết nhảy.
Người Dao Đỏ chuẩn bị đón Tết khá công phu. Trước hết nam thanh niên ôn luyện các điệu múa cổ truyền, các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới cho chồng con đi chơi Tết. Tết nhảy sẽ diễn ra ở nhà ông trưởng họ, nên các thành viên trong họ đều tấp nập giúp trưởng họ chuẩn bị Tết.
Ban đầu, một tốp nam thanh niên “sài cỏ” theo sự hướng dẫn của thầy cả “chái peng pi” tổ chức 14 điệu nhảy dẫn đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về “ăn” Tết. Để chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất, điệu nhảy chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao; Để mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, điệu nhảy được diễn tả bằng múa cò “pẹ họ”, mô phỏng cảnh chim cò sải cánh bay xa, rồi dáo dác tìm chỗ đậu lại; Điệu nhảy mời thần linh “ăn” Tết được diễn tả bằng nhịp bước khoan thai và uy lực của loài hổ… Các điệu múa mang tính hình tượng cao và độc đáo. Không biết có từ bao giờ, nhưng đêm của những vũ điệu vẫn được người Dao Đỏ lưu giữ cho tới ngày nay, và coi như một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày đất trời vào xuân.

Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ tiến hành điệu nhảy rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên làm bằng gỗ tốt, là tác phẩm điêu khắc độc đáo của người Dao đỏ. Tượng được chạm khắc đẹp với nét hoa văn trang phục thời cổ xưa, dài khoảng 25 cm, đường kính thân 5 cm, bàn tay phải của tượng có cầm thẻ bài ghi rõ tên ông tổ.
Ngày thường trong cả năm, tượng được bọc kín bằng vải trắng. Đến ngày Tết, con cháu rước tượng xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm cho tượng cũng làm từ lá thơm qua một quy trình chưng cất nghiêm ngặt.
Sau lễ tắm gội cho tượng tổ tiên, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà, xôi và lễ vật. Thầy cả và 3 thanh niên tay cầm con gà trống sống, nhảy theo điệu dâng gà, có động tác rước gà lên đầu, có động tác vác gà qua hai vai, rồi vừa nhảy múa vừa vặt đầu gà làm thịt… Kết thúc là điệu nhảy múa cờ.

Trong Tết nhảy, người Dao đỏ còn hát các điệu hát nói về công lao của đấng tổ tiên, sự tích dòng họ, các sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn… Mục đích chính của nghi lễ này là để cầu cúng tổ tiên, cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thum, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh…
Trong Lễ hội còn có hội hát giao duyên của trai gái trong bản và các trò chơi mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: ném còn, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, leo cột mỡ, đi cầu tre… thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham gia và khám phá.

Lễ Pút–tồng của người Dao đỏ, Cao Bằng
(TH-Cinet–DTV)
Lễ Pút – tồng là một nghi lễ cực kỳ linh thiêng chỉ dành cho những người muốn làm thầy cúng của người Dao đỏ ở bản Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Dân tộc Dao ở Cao Bằng chiếm gần 10% dân số, với 2 nhóm chính là Dao đỏ và Dao tiền. Trong đó, người Dao đỏ chiếm 2/3 dân số và cư trú tập trung ở vùng cao, vùng núi đất các huyện Thông Nông, Hà Quảng, Hòa An, Bảo Lạc… Tuy cư trú ở núi cao, xa xôi, còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào Dao đỏ có truyền thống văn hoá phong phú và giàu bản sắc.
Lễ Pút – tồng hay theo cách gọi khác “tắm than” là một nghi lễ cực kỳ linh thiêng của người Dao đỏ, thường chỉ tiến hành vào 2 ngày trong năm: Ngày 1 Tết Nguyên đán và ngày rằm tháng Giêng âm lịch tại nhà những người làm nghề thầy cúng.
(ảnh- Bên đống than hồng, họ sẽ ngồi kiên nhẫn, lòng hướng về thần linh, chờ đợi mình sẽ được “chọn”.)
Lễ chỉ dành cho những người muốn làm thầy cúng – có năng lực giao tiếp với thần linh và ông bà tổ tiên, được cộng đồng người Dao đỏ đặc biệt tôn trọng. Chuẩn bị cho lễ, những người đàn ông ấy phải “dọn mình” thật sạch sẽ trước khi bước vào vòng “tắm than”. Bên đống than hồng, họ sẽ ngồi kiên nhẫn, lòng hướng về thần linh, chờ đợi mình sẽ được “chọn”.
Người được “lựa chọn” bất thần lao mình vô thức vào đống lửa, dùng than nóng để “tắm”, gột rửa hết những “nhơ bẩn” của cuộc sống trần tục để tiếp xúc với thế giới tâm linh. Sau lễ những người được tắm sẽ được các thầy cúng truyền nghề. Để thành một thầy cúng của cộng đồng người Dao đỏ cần qua 3 lễ Pút – tồng.
“Pút tồng” là điệu nhảy của những người Dao đỏ. Rất đặc trưng và huyền bí, điệu nhảy xuất thần độc đáo này như sự hòa quyện giữa cõi dương và âm trong tiếng kèn pí lè và tiếng trống âm vang với mục đích đón tổ tiên, thần linh.

Lễ cấp sắc – Nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dao, Tuyên Quang
(TH-Cinet–DTV)
Lễ cấp sắc ra đời và là một trong những nghi lễ độc đáo được lưu truyền hàng nghìn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao (Tuyên Quang).
Đồng bào dân tộc Dao, xã Thái Hòa, huyện Hàm yên (Tuyên Quang) luôn gìn giữ và bảo tồn lễ cấp sắc – một nghi lễ không thể thiếu để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao.
Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy tên gọi quá tang có nghĩa là trải qua lễ soi đèn, soi sáng người được thụ lễ trong tiến trình cấp sắc. Ngoài ra, ở một số ngành Dao, địa phương khác nhau lễ cấp sắc còn có tên gọi khác là say cháy, tẩu sai, lập tịch…

Lễ cấp sắc được người Dao truyền tụng rằng, ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn trên các triền núi, bỗng đâu ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi… Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong thầy để cùng quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc (quá tăng) cho người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời và là một trong những nghi lễ độc đáo được lưu truyền hàng nghìn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao.
Lễ cấp sắc thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc tháng giêng (âm lịch). Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ông thầy trong lễ cấp sắc là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem như không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ…
Trong mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, gồm 3 thầy chính và 3 thầy phụ. Thầy chính thứ nhất (thầy cả) thường mặc áo tạo – loại áo thêu hình rồng và nhiều họa tiết trang trí, thầy thứ 2 mặc áo vàng, thầy thứ 3 mặc áo đỏ; 3 thầy phụ giúp các thầy chính mặc áo, thay áo trong quá trình thực hiện nghi lễ.

Trình tự lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày, ngày thứ nhất lễ cấp sắc diễn ra ở ngoài trời, ngày thứ 2 người thụ lễ vào nhà để nghe thầy cả đọc các loại sách cúng, thầy cả đọc lệnh cấp sắc, lúc này người thụ lễ đã trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Sau đó, người thụ lễ được các thầy dạy múa như múa chùm cheng (múa chuông), múa sa ma. Ngày thứ 3, tiến hành lễ tạ ơn tổ tiên.
Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao tỉnh Tuyên Quang. Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông người Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng… chính vì nét văn hóa độc đáo, lễ cấp sắc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.

Lễ hội cầu mùa của người Dao Tuyển ở Lào Cai
(MC–SS-TQ-DVT)
Cầu mùa, một lễ hội dân gian truyền thống tốt đẹp của người Dao Tuyển, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng.
Lễ hội thường diễn ra vào ngày Tý tháng giêng hàng năm. Địa điểm chọn cho lễ cầu mùa là các khu đất bằng phẳng hay ở một khu ruộng với không gian thoáng đãng thuận tiện cho tổ chức các nghi lễ. Qua các nghi lễ truyền thống, lễ hội cầu mùa thể hiện sự tôn kính của bà con dân bản với thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Nó mang nhiều nét tâm linh huyền bí trong tín ngưỡng thờ cúng các nhiên thần của cộng đồng các dân tộc. Trên tất cả đó là ước vọng của người dân cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cốt tốt tươi cho nhiều bông nhiều trái, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy chuồng, bản làng no ấm…
Trước khi mở hội, những người già trong bản là những người cao tuổi, có uy tín sẽ chịu trách nhiệm làm bàn thờ chuẩn bị cho việc cúng tế. Cột bàn thờ được làm bằng bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời, có đất và có con người, trong có đặt một ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía như muốn cho mọi điều ngon ngọt, tốt lành sẽ đến với thôn bản.

Ngày lễ chính, các gia đình trong làng góp tiền mua sắm lễ vật gồm: lợn, gà, bánh chưng, bánh mật, giấy tiền, vàng mã… để cầu mong các vị thần tiên trên trời, dưới đất phù hộ cho dân làng có cuộc sống yên ổn, ấm no. Lễ vật dâng cúng các vị thần được dân làng bày thành từng mâm và được các thanh niên mang đến địa điểm tổ chức. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam có nữ vì thế nhất thiết là các con gà trên mâm lễ phải có cả gà trống, gà mái.
Khi vào lễ, bốn người trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Sau đó thầy mo đọc bài cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ, cầu mong mọi sự bình yên, cái đói cái nghèo không còn nữa. Xong các nghi thức tế lễ, mọi người cùng nâng chén, chúc mừng một mùa vụ mới với nhiều may mắn.
Sau phần lễ là phần hội náo nhiệt thu hút đông đảo bà con dân bản, đặc biệt nam thanh nữ tú tham gia. Đặc biệt không khí lễ hội sôi nổi hơn cả trong các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn… Trong trò chơi ném còn, người Dao còn quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm.
Lễ cầu mùa đầu năm đã tạo không khí vui tươi, hào hứng cho mọi người trong bản trước khi bước vào mùa vụ mới. Hiện nay lễ hội vẫn thường xuyên được tổ chức và trở thành món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Dao nơi vùng cao này.
oOo
Sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao:
Dân tộc Dao – Lễ cấp sắc tộc ở Tuyên Quang:
Điệu múa của dân tộc Dao – Tỉnh Sơn La:
Múa dân tộc Dao (mán) : Trăng trên đầu núi:
Múa Dân tộc Dao – Đoàn NT Cao nguyên xanh – Mèo Vạc:
Múa dân tộc Dao – (Biên đạo: Lò Hải Lam):
Đặc sắc với làn điệu Páo Dung:
Giai điệu Páo Dung – người Dao đỏ:
Lễ cưới người Dao đỏ:
Lễ hội Qua Tiết của người Dao đỏ:
Người Dao Đỏ – Sắc màu thổ cẩm dân tộc:
Dear Chị Hai
Ở tình Đăknông có Bản Làng của anh em sắc tộc Dao đỏ, một số chị của em cũng chuyên về mảng chăm sóc cho người Dao đỏ, em nghe các chị kể nhiều nhưng em chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp.
Chắc đến một dịp nghỉ nhiều ngày nào đó em sẽ đến Đăknông đi theo các chị vào Bản làng của họ cho biết.
Em cảm ơn chị Hai đã giới thiệu cho em có cơ hội biết thêm về một số anh em đồng bào sắc tộc của mình.
Em chúc chị Hai ngày mới an lành.
Em M Lành
ThíchThích
Ừ, chị mà được ở gần bản làng các dân tộc như Lành thì chị sẽ đi suốt hết. Nếu có dịp thì em nên đến thăm và giao lưu với nhóm này thì hay lắm đó.
Chị nhớ em rất thích múa, mà tộc người Dao Đỏ có nhiều điệu múa truyền thống rất hay lại vui nữa. Lại có thêm việc cho em học rồi. 🙂
Chị Hai cám ơn em đã chúc lành. Bình an của Cha luôn ở cùng em. XO
ThíchThích