Dân ca dân nhạc VN – Quan Họ Bắc Ninh

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo “Ca Trù”, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn “Quan Họ Bắc Ninh”.

Bắc Ninh là vùng đất sinh ra nhiều Hoàng Hậu và có nhiều dấu tích lịch sử quan trọng. Dân ca Quan Họ Bắc Ninh là hát đối đáp nam nữ. Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về thời điểm ra đời của Dân ca Quan Họ trong lịch sử. Đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, có thể nghĩ rằng Dân ca Quan Họ phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỉ XVIII, Chủ nhân của quan họ là những người nông dân Việt (Kinh), chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước.

Mỗi làng quan họ đều có lễ hội riêng. Quan họ tồn tại song hành cùng lễ hội làng, nơi mà người dân thờ thành hoàng, nữ thần, một đôi trường hợp là tín ngưỡng phồn thực.

Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất.

Sinh hoạt vǎn hoá Quan Họ của liền anh, liền chị xứ Kinh Bắc có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Cuộc hát Quan Họ được xem là Canh hát chính thống thường phải tuân thủ đủ trình tự các chặng: Lề lối, Giọng vặtGiã bạn.

Trong ba chặng hát: Lề lối, Giọng vặt, Giã bạn – mỗi giai đoạn đều có những biểu hiện khác biệt ở phần nội dung cũng như hình thức cấu trúc bài bản.

Lề lối là các bài Quan Họ cổ, thường được hát ở nhịp độ chậm, bài bản có nhiều tiếng đệm, lời phụ. Người hát những bài Quan Họ Lề lối phải biết kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt mới có thể thực hiện tốt và “đúng chất” Quan Họ.

Giọng vặt có số lượng bài bản phong phú, nội dung vǎn học cũng như ngôn ngữ âm nhạc có sức hấp dẫn nhiều đối tượng thưởng thức âm nhạc trong và ngoài nước.

quanho11

HÁT CANH MỘT TRONG NHỮNG LỀ LỐI HÁT QUAN HỌ

Nhiều nơi kiêng chữ hát, nên Canh hát còn được gọi là Canh ca; chẳng hạn: ca một canh. Một Canh hát Quan Họ đúng lề lối xưa thường diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu, mùa của hội chùa, hội đình làng vào đám, giữa những nhóm Quan Họ nam và nữ mời nhau đến nhà “ca một canh cho vui bàu vui bạn, vui xóm, vui làng, cầu may, cầu phúc”.

Canh hát thường được giữ đúng các lề lối như Quan họ đã định ra và thường kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Ðôi khi, hội làng mở nhiều ngày, cũng có những canh hát kéo dài 2, 3 ngày đêm. Trình tự một canh hát đúng lề lối có thể chia thành 3 chặng. Trong chặng đầu tiên, sau những nghi thức giao tiếp giữa Quan Họ khách và Quan Họ chủ, thường là bên nam, bên nữ, Quan Họ đi vào CHẶNG HÁT ĐẦU TIÊN. Ở chặng hát này, người ta hát những giọng cổ cũng gọi là giọng lề lối. Truyền rằng xưa Quan Họ có đến 36 giọng cổ đã được ghi nhận trong một bài văn vần theo thể lục bát về tên các giọng. Nhưng cho đến trước tháng 8-1945 thì chặng hát này thường chỉ hát chừng 5, 6 giọng: Hừ la, La rằng, Ðương bạn (Bạn lan), Tình tang, Cây gạo, Cái ả…

Các giọng cổ thường mang âm điệu cổ kính, chậm rãi, rền, nẩy, nhiều tiếng đệm lót, mang nhiều dấu hiệu đặc trưng của ca hát Quan Họ truyền thống. Vai trò của giọng LA RẰNG đặc biệt quan trọng trong việc chi phối nghệ thuật ca hát ấy, cả hai bên sớm đi vào sự ăn nhập về cao độ, trường độ về sự vang, rền, nền, nẩy… của nghệ thuật ca hát. Có khi hai bên hát đến hàng mười giọng khác nhau rồi mà âm thanh ca hát vẫn cứ chênh vênh, hụt hơi, với (cao) hoặc sỉn (thấp)… thì các bậc bề trên của Quan Họ ngồi nghe thường nhắc: “Bắt lại Là rằng một lần nữa đi, không thì lại chênh vênh đến sáng”. Hầu hết người Quan Họ đều cho rằng không ca được bài Là rằng cho vang, rền, nền, nẩy thì đừng nói chuyện ca Quan Họ.  Chặng ca những bài cổ là chặng bắt buộc, được duy trì rất nghiêm, có thể coi là tiêu chuẩn để đánh giá sự nghiêm chỉnh, đúng lề lối Quan Họ. Không làm như vậy sẽ bị chê cười.

quanho4_

Chặng giữa tiếp theo sau chặng hát những bài giọng cổ như trên. Lúc này, Quan Họ hát sang những bài thuộc hệ thống mà người Quan Họ gọi là GIỌNG VẶT. Tuyệt đại bộ phận trong hệ thống bài ca Quan Họ còn sưu tập được đến hôm nay là GIỌNG VẶT, trong đó bao gồm nhiều những bài mà hôm nay coi là những ca khúc dân gian mẫu mực ở trình độ nghệ thuật hoà hợp thơ ca và âm nhạc. Vào chặng ca giọng vặt, không phải ca theo một trình tự bắt buộc theo thứ tự tên các bài ca. Nhưng cũng do tập truyền lâu đời, về đại quát, các canh hát cũng có những trình tự không khác nhau nhiều. Trình tự này đã được người Quan Họ chỉ rõ bằng một câu nói quen thuộc, cửa miệng:

“Quan Họ càng về khuya càng bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa.”

Nhờ vậy, canh càng về khuya những bài hát thiết tha gắn bó, về nỗi nhớ, niềm thương, đôi khi, kể cả những nỗi trăn trở về cuộc đời, về số phận con người… càng được người Quan Họ hát, ca, đối, đáp, khiến canh hát, nói như cách nói hôm nay, càng đẩy tới cao trào của tình cảm và sự tài hoa, bay lượn, luyến láy của nghệ thuật ca hát. Người Quan Họ như tỉnh, như say trong tình bạn, tình yêu, tình người trong chặng ca này.

CHẶNG CUỐI thường diễn ra vào khoảng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, có thể cuối hoặc gần cuối chặng hát giữa, có lúc người Quan Họ mời nhau xơi tiệc mặn và tiệc ngọt có nơi uống rượu, có nơi không. Nếu nơi có uống rượu thì Quan Họ chủ thường nâng chén rượu hát bài ca chuốc rượu để mời bạn:

Đôi Tay nâng chén rượu đào
Đổ đi thì tiếc uống vào thời say.
Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau…

quanho13

Xong bữa tiệc và tuần trầu, nước, Quan Họ cũng có thể hát đối đáp thêm một số câu nữa rồi chuyển sang ca những bài ca giọng vặt và GIÃ TỪ BẠN, cũng tức là chuyển sang chặng cuối của Canh hát. Mở đầu chặng hát này thường là Quan Họ khách bắt đầu ca một câu giã bạn tỏ ý xin tạm biệt ra về, và, để đối lại (không buộc phải theo lệ đối giọng) Quan Họ chủ cũng ca bài giã bạn nhưng mang ý níu giữ khách. Những bài ca giã bạn được cất lên vào lúc giã hội hoặc vào khi tàn một Canh hát, khoảng 2, 3 giờ sáng, trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc không nguôi…nên tình, ý, giai điệu, âm thanh bài ca rất xúc động lòng người. Những bài ca giã bạn quen thuộc và nổi tiếng còn lưu hành vẫn là các bài:

Người ở đừng về
Tạm biệt từ đây
Chia rẽ đôi nơi
Kẻ bắc người nam
Con nhên giăng mùng
Ai xuôi về
Rẽ phượng chia loan
Nhớ mãi không nguôi
Đêm qua nhớ bạn… 

…Tiếp theo là cuộc tiễn đưa nhiều lưu luyến và Quan Họ hẹn rằng “…đến hẹn lại lên”…

Tháng 10, 2009 – cùng với “Ca Trù”, “Hát Quan Họ” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

???????????????????????????????

Dưới đây mình có bài “Giải Thích Về Trang Phục Quan Họ” để các bạn tham khảo tìm hiểu thêm về các bộ trang phục truyền thống của bộ môn nghệ thuật đặc trưng này được đề chọn tham gia các cuộc thi trang phục quan họ đẹp nhất hàng năm do BTC Hội Lim tổ chức. Các bạn có thể đọc thêm bài “Dân Ca Quan Họ Vùng Kinh Bắc” của anh Nguyễn Chí Thuận ở đây.

Đồng thời mình còn có 1 clip “Giới Thiệu Quan Họ Bắc Ninh”, 1 clip “Trẩy Hội Xuân”, 2 clips “Hội Lim Tiên Du – phần 1 & phần 2”, và 20 clips các bài hát Quan Họ Bắc Ninh tiêu biểu do các nghệ nhân đặc truyền biểu diễn để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Vietnam Traditional Music)

quanho31_trang phục 2

Giải thích về trang phục quan họ

Trang phục quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị. Trong các lễ hội quan họ có cả những cuộc thi trang phục quan họ.

Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, hoặc đối với người khá giả hơn thì áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may hai lần với một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh…gọi là áo kép.

Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp.

Thời trước, đàn ông còn nhiều người búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu. Sau này phần nhiều cắt tóc, rẽ đường ngôi nên chuyển sang dùng loại khăn xếp bán sẵn ở các cửa hàng cho tiện. Cùng với quần, áo, khăn xếp, dép,… các liền anh thường có thêm nón chóp với các dạng chóp lá thường hoặc chóp dứa, có quai lụa màu mỡ gà.

Ngoài ra cũng thường thấy các liền anh dùng ô đen. Các phụ kiện khác là khăn tay, lược, những “xa xỉ phẩm” theo quan niệm thời xưa. Khăn tay bằng lụa hoặc bằng vải trắng rộng, gấp nếp và gài trong vành khăn, thắt lưng hoặc trong túi trong.

quanho39_nam

Trang phục liền chị thường được gọi là “áo mớ ba mớ bảy”, nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba. Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (dùng cho trung niên) và yếm cổ viền (dùng cho thanh nữ).

Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu để may áo đẹp nhất thời trước là the, lụa. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm v.v. Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà.

quanho41_yem

Yếm thường nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển)… Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Bao của các cô gái quan họ xưa thường sử dụng chất liệu sồi se, màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng.

Thắt lưng thường là loại bao nhỏ bằng chừng 1/3 bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Cũng tương tự yếm, thắt lưng làm bằng lụa nhuộm các màu tươi sáng như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thủy. Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước người con gái.

quanho35_nữ

Liền chị mặc váy váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép với váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the, đoạn; váy ngoài bằng the, lụa. Váy màu đen. Người biết mặc váy khéo là không để váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người như mặc quần mà phải thu xếp sao cho phía trước rủ hình lưỡi chai xuống gần tới mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên chớm tầm đôi con khoai phía gót chân.

Liền chị mang dép cong làm bằng da trâu thuộc theo phương pháp thủ công; có một vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai khiến khi đi lại, không rơi được dép. Mũi dép uốn cong và người thợ làm dép phải biết nện, thuộc cho mũi dép cứng, như một lá chắn nhỏ, che dấu đầu các ngón chân. Ngoài áo, quần, thắt lưng, dép, người liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích.

oOo

Giới Thiệu Quan Họ Bắc Ninh:

 

Quan họ Bắc Ninh “Trẩy hội xuân” – Nguyễn Đình Vinh:

 

Hội Lim Tiên Du, Bắc Ninh 2012 phần 1 – Quan Họ Trên Thuyền:

 

Hội Lim Tiên Du, Bắc Ninh 2012 phần 2 – Quan Họ Trên Thuyền:

 

Mời Trà:

 

Mời Trầu:

 

Ba Vì:

 

Cây Trúc Xinh:

 

Còn Duyên:

 

Giữa Tối Đêm Rằm:

 

Gọi Đò:

 

Tương Phùng Tương Ngộ:

 

Vào Chùa:

 

Năm Liệu Bảy Lo:

 

Thân Lươn Bao Quản Lấm Đầu:

 

Tình Bắc Sông Cầu:

 

Liên Khúc – Giả Bạn:

 

Sở Cầu Như Ý:

 

Ngồi Tựa Sông Đào:

 

Người Ngoan:

 

Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan:

 

Cái Hời Cái Ả:

 

Đôi Bên Bác Mẹ Cùng Già:

 

Dưới Giời Mấy Kẻ Biết Ra:

 

9 thoughts on “Dân ca dân nhạc VN – Quan Họ Bắc Ninh”

  1. Dear Chị Hai

    Những giới thiệu của chị Hai về Dân ca dân nhạc VN thật công phu, Phong phú.

    Em có kỷ niệm về bài hát “Cây trúc xinh” Năm 2008 em đã dạy em Lan Anh học sinh lớp Lá múa bài “Cây trúc xinh” để tham gia cuộc thi văn nghệ ở Huyện Krông Buk và được giải nhất 🙂

    Em cảm ơn chị Hai đã dày công nghiên cứu và giới thiệu những nét đẹp của làn điệu quan họ quê hương.

    Em M Lành

    Like

  2. Chi Phuong oi! Que Ngoai em o Bac Ninh do chi. Cac bai viet cua chi ve Dan Ca cac Vung, Mien hay qua.
    Em xin chuc Anh Chi luon khoe manh, binh an. ❤

    Like

  3. Hi Lành,

    Cám ơn em chia sẻ và đồng hành cùng chị.

    À há… “Cây Trúc Xinh” là bài hát được xem là một trong những bài hát kinh điển trong dân ca Quan Họ Bắc Ninh và được nhiều người rất ưa thích. Cộng với yếu tố em Lan Anh được em dạy múa nữa thì đậu giải nhất cuộc thi văn nghệ ở Huyện Krông Buk là phải rồi. Vui ghê hè. 🙂

    Em luôn vui nghe.

    Like

  4. Hi Quỳnh Như,

    Đúng là trái đất này nhỏ thật. Thì ra em là người có nguồn gốc Kinh Bắc. Chị thật vui khi biết điều này đó. Xưa giờ bạn xứ Bắc thì chị có nhiều nhưng hình như chị chưa gặp bạn nào có nguồn gốc từ Kinh Bắc cả. 🙂

    Cám ơn em chia sẻ và đồng hành cùng chị Quỳnh Như nhé. Bình an Thiên Chúa luôn ở cùng em và gia đình. ❤

    Like

  5. Chị Quỳnh Như và chị Phượng ơi,

    Hôm nay có quan họ vui quá vào đây trò chuyện. Em ở HN nhưng ông bà ngoại gốc ở Hà Bắc cạnh Bắc Ninh. Mẹ em kể các bà các bác cứ gặp nhau trong ngày lễ, Tết thậm chí đám cưới, đám hỏi là tụm lại ngồi hát quan họ cùng nhau vui lắm, rất dễ thương mà ai cũng thích hát 🙂

    Trong các thể loại dân ca em thích và quen thuộc nhất với Quan họ Bắc Ninh. Hồi bé em nghe không vào nhưng rồi có một lần được đến làng quan họ nghe liền anh liền chị hát live, được hướng dẫn và tập hát cùng em rất là mê.

    Cảm ơn chị Phượng ^^

    Like

  6. Thu Hằng ơi ới ời,

    Whoa… Vậy là em với chị Quỳnh Như đích thị là bà con hàng xóm với nhau rồi nhỉ. Chị càng vui thêm đấy. 🙂 🙂 🙂

    Hình như chị thấy các bà các bác của mình ở vùng miền nào cũng thế. Họ đều thích tụ hội với nhau hát hò ca múa mỗi khi Tết đến, Xuân về. Đây là một culture rất unique đặc biệt của người Việt. Thời còn nhỏ ở quê nhà hình ảnh ngoại chị nói thơ Vân Tiên và mẹ chị + dì Ba chị ngâm nga câu hò điệu hát rồi dạy chị hát theo rất gần gũi thân quen với chị mãi đến giờ. Nghe Hằng kể chuyện lòng chị thật ấm áp.

    Giờ thì mẹ chị mất được chục năm hơn. Còn dì Ba chị thì mất mấy năm trước đó. Em thật may mắn còn mẹ kể chuyện cho nghe đó. Chị mà như em thì chị sẽ tiếp tục đòi mẹ kể chuyện cho nghe tiếp. 🙂

    Bình an Thiên Chúa luôn ở cùng em. XO

    Like

  7. 🙂 Chi Phuong oi! Ho Ngoai nha em o Bac Ninh va Bac Giang do chi, nhung me em chang biet gi ve Quan ho ca vi luc con tre Cu khong duoc ra Dinh tham du cac buoi hoi he. Nhung em duoc huong cac bai Ru Em rat hay cua Ba, thuong la cac bai Ca Dao nhu bai:

    Con cò lặn lội bờ sông
    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
    Nàng về nuôi cái cùng con,
    Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

    Làm trai cho đáng nên trai
    Xuống Đông, Đông tĩnh. Lên Đoài, Đoài yên

    Cái cò cái vạc cái nông,
    Sao mày dẵm lúa nhà ông hỡi cò.
    Không, không, tôi đứng trên bờ,
    Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi.
    Chẳng tin thì ông đi đôi,
    Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia.

    Dieu hat ru rat dac biet va reo rat. Va em thay rang khi tieng ru cat len thi cac em be dang khoc tro nen rat ngoan va tu tu ngu yen ca Chi oi!

    Em cung da duoc nghe Quan Ho Bac Ninh o cac Dai Hoi La Vang, khi Doan Quan Ho Bac Ninh vao tham du Dai Hoi va bieu dien, rat hay va co y nghia a.

    Em xin chuc Anh Chi moi su tot lanh

    @ Thu Hang oi! Chi rat vui khi biet ho ngoai em cung o Ha Bac. Chi mong se co ngay ve tham que Ngoai Bac Ninh va duoc tham du Hoi Lim. toi bay gio chi van chua thuc hien duoc dieu mong uoc nay.
    Chi cam on em nhieu! 🙂 ❤

    Like

  8. Quỳnh Như ơi,

    WOW. Em còn nhớ chi tiết các lời ru của mẹ hay như thế. Chị thật ấn tượng. Ừ, Hát ru em miền Bắc cũng là một thể loại dân ca truyền thống của VN mình đó em. Chị sắp có một bài giới thiệu về thể loại này. Em đón đọc nhé.

    Riêng về Quan Họ Bắc Ninh chị cũng chưa từng được tham dự Hội Lim bao giờ và rất mong muốn nhưng vẫn chưa có dịp. 😦

    Duy chỉ có xem hát live thì chị được xem rất nhiều lần từ các nghệ nhân trong nước và ngoài nước, kể cả Hát Chèo. Riêng chị cũng biết hát thể loại này và đã từng trình diễn chung với các anh chị trong hội đoàn Trung Tâm Văn Hóa Truyền Thống Dân Tộc Việt từ năm 1992 cho đến nay. 🙂

    Cám ơn em đã chia sẻ Quỳnh Như nhé. ❤ XO

    Like

Leave a comment