Chào các bạn,
Các bạn đã làm quen với Thuý Vân trong 2 bài Gửi em, tuổi 20! và Những thành công đầu tiên.
Thuý Vân hiện là sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Chào mừng Thuý Vân tới ĐCN. 🙂
Chúc Thuý Vân và các bạn luôn vui nhé. 🙂
Thu Hương,
*****
Học hạnh nhẫn nhục giữa đời
Trong chuyến hằng hóa độ sanh, báo phật ân đức Đại Sư Neten Rinpooche Tuiku (Được Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận là hóa thân đời thứ 9 của Phật) đã tới Việt Nam để thuyết giảng về nhiều đề tài, trong đó ngài đã xiển dương tinh thần từ bi, trí tuệ của đức Phật làm căn bản trong cuộc sống.
Trong bồ tát đạo, lục độ ba la mật được cho là tiêu chí hàng đầu gồm: Bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, thiền định ba la mật, tinh tấn ba la mật và trí tuệ ba la mật. Trong đó nhẫn nhục ba la mật là hạnh công năng để làm cho chúng ta sáng tỏ đức tính từ bi và trí tuệ.
Là con người ít nhiều chúng ta đều có những phút giây nổi lên cơn giận dữ và khi giận dữ thì ta dễ dàng mất bình tĩnh, nóng nảy, vội vàng. Có thể trong những phút giây ấy, ta không làm chủ được lời nói và hành vi của mình mà nói ra những lời gây thương tổn cho người khác, làm những việc hủy hoại hạnh phúc của mình và của người.
Những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, anh chị và em, giữa bạn bè, thầy trò hay có khi với người xa lạ…Đó là những mâu thuẫn của ta với những con người và sự vật bên ngoài. Khi con người ấy, sự việc ấy chống đối lại mong muốn của ta thì sân hận nổi lên, và Đại Sư chỉ ra rằng đó là kẻ thù bên ngoài. Ta chẳng thể đếm hết số lượng kẻ thù ấy, hàng phục toàn bộ kẻ thù bên ngoài quả là một công việc khó khăn làm ta phân tán tâm trí và hao tổn biết bao năng lượng.
Bên cạnh đó chúng ta cũng có những mâu thuẫn đến từ bên trong ta. Nhiều khi ta tự nổi giận với chính mình:
“Tại sao mình lại kém cỏi vậy?”
“Tại sao lại thi trượt?”
“Tại sao em yêu anh nhiều như thế, chung thủy như thế, hy sinh như thế mà anh lại nỡ phụ bạc em?”
“Tại sao tôi phải chật vật kiếm tiền cho cô tiêu xài mà lúc nào cô cũng đeo bộ mặt cau có, cằn nhằn suốt ngày?”…
Đó, những mâu thuẫn, đau khổ cứ tự nhiên bùng phát làm ta cảm thấy nóng ruột, nôn nao, mất bình tĩnh…Và kéo theo đó là cả một dây chuyền phiền não tích tụ từ quá khứ đến hiện tại được ta thổi phồng lên. Đại sư chỉ rõ phiền não đến từ bên trong ta đó chính là kẻ thù bên trong ta.
Có một điều đúng với hầu hết cơn giận là cái giận bên ngoài hay bên trong đều làm ta khổ sở, tiêu cực trong cuộc sống.
Vậy thì nhẫn nhục là gì?
“Nhẫn” là một lưỡi đao ở trên cái tâm, gặp chuyện mà không nhẫn nhịn tốt thì sẽ buồn phiền, nếu nhẫn nhịn được thì sẽ thấy trời biển mênh mông, tiêu tan tai vạ tránh được đại họa. Đây chỉ là một quan điểm của người xưa được lưu truyền lại chứ không phải là một định nghĩa buộc chúng ta phải công nhận. Nhưng từ đó ta hình dung được phần nào về hạnh nhẫn.
Theo đại sư, ta chỉ có thể nhẫn nhịn khi gặp phải chướng duyên, tức là những việc không theo ý nguyện của mình. Ta bất bình khi điều đó xảy ra với ta, sự bất bình ấy có cội gốc từ tam độc tham – sân – si. Do vậy, tu tập hạnh nhẫn nhục chính là tiêu diệt tam độc, lấy nhu thắng cương, lấy không giận thắng giận, không oán thù diệt thù. Ta có thể hiểu nôm na “Nhẫn nhục” là ứng xử của ta trước chướng duyên.
Ta chẳng thể học hạnh này từ chư vị bồ tát, vì các vị bồ tát đều có tâm đại từ đại bi, không có chút sân hận nào. Do vậy không thể học nhẫn ở nơi chỉ có an lạc mà ta học nhẫn chính là tại nơi cuộc đời ô trọc này.
Học nhẫn nhục tức là thực tập để tiêu diệt kẻ thù: kẻ thù bên ngoài và kẻ thù bên trong ta.
Khi ta muốn leo lên một đỉnh núi cao đầy gai nhọn, ta không thể trông chờ vào một phương tiện thần thông nào. Lát da toàn bộ đỉnh núi hay trang bị cho mình một đôi giày da, phương án nào hiệu quả hơn ?. Câu chuyện này cho ta thấy, hàng phục kẻ thù bên trong (tức tâm ta) giống như sắm một đôi giày tốt vậy, ta có thể chinh phục đỉnh núi dễ dàng hơn so với việc tìm cách lát da toàn bộ hành trình (tức hàng phục kẻ thù bên ngoài).
Thực tập:
Những lời thuyết giảng của đại sư đã cho ta thấy tầm quan trọng của hạnh nhẫn và do vậy, muốn có được an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống chúng ta cần tu học, thực hành nhẫn nhục trong cuộc sống.
Chúng ta hãy bắt đầu thực tập hạnh lành này trong cuộc sống qua ba điểm chủ đạo sau:
- Nhẫn thực hành qua sự bình tĩnh chịu đựng sự hãm hại từ người khác (đó là lại oán hại nhẫn): Ta có thể thực tập chuyển hóa trạng thái cảm xúc khi bị hàm oan bởi vì trong cuộc sống có nhiều lúc ta bị hiểu lầm hoặc bị kẻ xấu hãm hại. Khi gặp chướng duyên này ta nên quán tưởng tới quy luật nhân quả mà đạo Phật đã dạy “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”. Biết đâu nỗi hàm oan này chẳng bắt nguồn từ một nhân quá khứ mà ta đã quên. Quán tưởng như vậy ta dễ chấp nhận hơn những gì đang xảy đến với mình.
- Nhẫn thực hành qua sự chấp nhận khổ đau (đó là kham thọ khổ nhẫn): Khi khổ đau đến ta cũng cần học cách chấp nhận vì trên thế giới này đâu đâu cũng có khổ đau, chấp nhận khổ đau để chấp nhận chính mình, yêu thương chính mình. Trong cuộc sống vẫn luôn có những em nhỏ không được đến trường, vẫn có những vùng đất không yên bình mà con người phải sống trong chiến tranh loạn lạc, có những người tàn tật thiệt thòi, có những tai nạn bất ngờ xảy đến…Do vậy chấp nhận những khổ đau đó là bước đầu để ta tiến đến con đường chuyển hóa và thực tập lối sống hạnh phúc.
- Nhẫn thực hành qua niềm tin vững chắc về Phật pháp (đó gọi là pháp nhẫn): Trước khi nhập diệt Đức Phật dạy các đệ tử phải “lấy Pháp làm thầy”. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của Pháp trong tu học. Niềm tin vững chắc về Phật Pháp sẽ là ánh sáng soi đường cho ta trên con đường học và hành đạo.
Biết chấp nhận rồi ta sẽ có thể chuyển hóa chướng duyên, hóa giải hận thù, tiêu diệt tam độc.
Sẽ không khó để ta nhường đường khi tham gia giao thông, giữ im lặng trước cơn thịnh nộ của người đối diện, bình tĩnh chấp nhận quan điểm của người khác, bỏ ngoài tai những lời bàn tán thị phi không có chứng cứ xác thực, không chỉ trích nhân viên, lắng nghe những lời góp ý từ đồng nghiệp….Đó sẽ là những bài thực tập nho nhỏ cho chúng ta tăng trưởng hạnh nhẫn nhục.
Chúc mọi người một ngày đầy an lạc!
Thân mến,
Đỗ Thị Thúy Vân
Đây là một bài pháp thoại rất hay. Cám ơn Thúy Vân
ThíchThích
“..Ta chẳng thể học hạnh này từ chư vị bồ tát, vì các vị bồ tát đều có tâm đại từ đại bi, không có chút sân hận nào. Do vậy không thể học nhẫn ở nơi chỉ có an lạc mà ta học nhẫn chính là tại nơi cuộc đời ô trọc này..
..Ta có thể hiểu nôm na “Nhẫn nhục” là ứng xử của ta trước chướng duyên..”
Rất hay. Cám ơn Thúy Vân đã chia sẻ.
ThíchThích