TĐH: Chào các bạn, anh Nguyễn Mai Anh Kiệt vừa thăm thành cổ Quảng Trị, và bàng hoàng trước một di tích lịch sử không được chăm sóc tử tế và có nguy cơ suy sụp, anh Kiệt lên tiếng báo động với chúng ta. Nhờ các bạn chuyển bài này rộng rãi trên facebook, các diễn đàn và các mạng xã hội trên Internet. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Nguyễn Mai Anh Kiệt
Sáng nay mình vừa đi thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra trận chiến ác liệt bậc nhất của chiến tranh Việt Nam. Nhưng ra về cứ có cảm giác buồn buồn, cứ có cảm giác hình như chúng ta có đôi chút lẫn lộn giữa “bảo quản di tích lịch sử” và “xây dựng đài tưởng niệm” tại đây. Có phải chúng ta quá quan trọng việc xây dựng “đài tưởng niệm” mà xem nhẹ hơn chuyện “bảo quản di tích lịch sử”?
Mình không hề có ý xúc phạm hàng ngàn con người đã ngã xuống nơi đây. Việc xây dựng 1 đài tưởng niệm lớn ở giữa thành mình hoàn toàn ủng hộ. Phải có nơi để con cháu chúng ta đến thắp hương và tưởng nhớ.
Nhưng nếu bỏ thời gian đi dạo dọc theo tường thành cũ, là nơi cuộc chiến đã từng diễn ra ác liệt, thì không khỏi xót xa khi những đoạn thành này không được chăm sóc cẩn thận. tất cả tường thành đều phủ 1 lớp cỏ dày. Cỏ dày như thế này theo thời gian sẽ làm hỏng thành
Có những đoạn tường mình băn khoăn chừng nào sẽ sụp ? Theo mình đọc thì tường này vốn cao 4m, sau trận chiến cổ thành thì sụp đổ hầu hết, vậy trên đoạn tường này, cái nào là do bom đạn Mỹ, cái nào là do mục nát của thời gian ?
Thậm chí có những đoạn tường phủ dưới lớp cỏ dày đến độ không thể thấy đâu nữa
Nếu quan sát kỹ hơn thì có rất nhiều lối đi xuyên qua tường, vậy lối đi nào là do chiến tranh, lối đi nào là do những em bé hằng ngày chạy chơi ? (lúc mình đến vẫn thấy các em chạy chơi trong khu vực này)
Là một người hơi yêu thích lịch sử, khi đến thành cổ, mình đi tìm góc trong hình này, mà tìm không ra. Mình cũng mong muốn nhìn thấy những bức tường như trong hình này, mà không thấy (vì cỏ đã phủ hết rồi)
Trong trận chiến, 2 bên vì giành giật nhau cắm 1 lá cờ này, mà biết bao con người ngã xuống (đây là 1 trận giành giật nổi tiếng trong trận chiến này) Cái đài này trong chiến tranh không còn nữa, hay chúng ta đã phá bỏ nó ? mình đi tìm không ra. Nếu không thì cũng nên có ghi chú địa điểm
Trong 4 cổng thành, có 1 cổng thành trùng tu (trùng tu lại như trước khi diễn ra trận đánh) là được chăm sóc. Nhưng cổng thành này không giúp người xem tưởng tượng được sự ác liệt của trận đánh. Mình đồng ý cổng này dùng để đón khách vào viếng
Còn những cổng khác cũng giống tường thành, có cảm giác như bị bỏ quên.
Những vết loang lổ trên cửa này là do đạn bắn, hay do cái gì khác ? và những cách cổng này đã mục phía dưới (chắc chắn không phải do chiến tranh) và sẽ đứng được bao lâu nữa ?
Giờ nói về những phần chúng ta đang đầu tư sửa đổi.
Khi mình vào trong thành, thì thấy rất nhiều công nhân đang đổ bê tông cho con đường đi vào. Mình thấy không nên, vì đây không phải là khu dân cư, đâu có nhất thiết phải thay những con đường đất bằng con đường bê tông (và mở rộng đường ra nữa). Có lẽ nhà phụ trách nghĩ đài tưởng niệm rất lớn sẽ cần một con đường rất rộng bằng bê tông dẫn vào. Nhưng mình nghĩ không nên vậy, nó phá vỡ cảnh quan của cả thành cổ
Giờ nói về các cảnh quan xung quanh thành cổ.
Con đường tiếp tế từ bờ sông Thạch Hãn đến thành cổ (ngày xưa thành cổ bị bao vây thì được tiếp tế qua sông Thạch Hãn) thì mọc lên công trình tưởng niệm. đoạn đường này chỉ có vài trăm mét, nếu có thể chúng ta nên giữ nguyên vì bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trên con đường di chuyển từ bờ sông vào thành cổ. để con cháu chúng ta biết cha ông chúng chạy trên con đường thế nào.
Bến sông theo lời kể ngày xưa bộ đội bơi qua hàng ngày, có đêm trôi mất mười mấy người, tại sao chúng ta không giữ nguyên để con cháu còn biết, và họ dùng dây và xuồng máy nào để qua ?
Hiện nay ở 2 bên bến sông xây 2 cái nhà cực lớn là Bến Thả Hoa, và cả 2 bờ đều đã làm kè kiên cố.
Đồng ý là phải có một nơi tiến hành lễ tưởng niệm thật trang trọng, nhưng con cháu chúng ta cũng cần biết cha ông đã phải qua sông trên 1 bến sông như thế nào để hy sinh nhiều như thế.
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Mình vẫn xót xa mỗi khi đọc 4 câu này, những con người ra đi mà người thân, đồng đội không thể tìm được xác . Nhưng chúng ta có nên cân nhắc vẫn thả hoa trên đúng bờ sông có cảnh quan ngày xưa không ?
Giờ nói đến du khách và quy trình tham quan.
Hôm em đến có 3 đoàn khách, không rõ có hướng dẫn hay không, nhưng họ chỉ đến bàn thờ, thắp nhang, vào bảo tàng nhìn qua, rồi thời gian mà họ dành nhiều (bằng thời gian thắp nhang) là săm soi các hình chụp từ thợ , em không thấy đoàn nào đi thăm chiến tích xưa. Em không dám kết luận gì ở đây, chỉ cảm thấy sao mọi người không đi 1 vòng thăm các nơi rồi hãy về.
Để các di tích trong thành không lạnh lẽo, hầu như không dấu chân người và có vẻ cũng không được chăm sóc.
Băn khoăn đọng lại:
– Xây các công trình tưởng niệm là điều rất đúng, nhưng có nhất thiết phải thay đổi cảnh quan lịch sử không ? và thay đổi đến mức nào để người thăm còn cảm giác được không khí ngày xưa.
– Trong khi chúng ta bỏ rất nhiều tiền xây đài tưởng niệm, sao không bỏ tiền chăm sóc các di tích ? Các di tích này không chăm sóc, thời gian sẽ xói mòn và xoá nhoà.
20 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ xem gì ở thành cổ quảng trị khi những bức tường đã bị cỏ phủ kín và ăn mòn ? Hiện giờ mình (tự nhận là 1 người mê lịch sử) thấy đã thấy khó tưởng tượng chiến trường xưa, vậy 20 năm nữa, ai sẽ tưởng tượng ra ? hay là lúc đó chúng ta lại phải trùng tu tái tạo các di tích này.
Sau này khi con cháu đến thành cổ, chúng ta dự định sẽ KỂ suông cho con cháu nghe những câu chuyện của cha ông và cho chúng xem hình, hay chúng ta định cho chúng nó THẤY về những chứng tích lịch sử thật sự?
Nguyến Mai Anh Kiệt
Em hoàn toàn đồng ý và chia sẻ với các suy nghĩ của anh Kiệt trong việc bảo tồn di tích lịch sử này. Cám ơn anh đã đi, ghi lại và lên tiếng. 🙂
“Trong khi chúng ta bỏ rất nhiều tiền xây đài tưởng niệm, sao không bỏ tiền chăm sóc các di tích ?” Phải chăng luẩn khuất trong câu trả lời là hình bóng của … tham nhũng?
ThíchThích
Mong được một lần về thăm thành cổ Quảng Trị…
ThíchThích