Chào các bạn,
Chiều Thứ Bảy hằng tuần mình có giờ gặp gỡ các mẹ trong giáo xứ, để chia sẻ với các mẹ về đời sống đức tin, đời sống nhân bản, cách giáo dục con cái cũng như những gì liên quan đến đời sống gia đình trong bổn phận trong trách nhiệm của người mẹ và nhất là cách phòng chống bệnh tật như bệnh đau mắt, bệnh ghẻ, bệnh phụ khoa… Những khâu này liên quan đến vệ sinh trật tự ngăn nắp trong gia đình… Đây là khâu họ còn rất kém!
Mình thường đến chơi nhà họ nhưng khi được mời uống nước mình rất ngại vì không uống thì sợ họ buồn, nhưng uống thì nuốt không nổi. Làm sao nuốt nổi khi mình nhìn thấy em nhỏ trong nhà vừa ăn cơm xong, miệng còn dính đầy cơm với cá đến bưng ly nước uống, sau đó người nhà lại lấy chính cái ly ấy rót nước mời mình uống. Hoặc một em trong nhà vừa ăn thịt chuột xong đến bưng ly nước uống, sau đó lại rót nước vào ly và mời mình… Mình chỉ còn cách là bưng ly nước mãi trong tay ngồi nói chuyện cho đến khi ra về, thì nhẹ nhàng đặt lại ly nước trên bàn!
Nếu đến thăm gia đình các em đã ở các nhà Lưu Trú của mình rồi thì đỡ hơn một chút, các em đã biết rửa ly trước khi rót nước mời mình. Tuy đó không phải là việc lớn lao gì nhưng nó cũng đem đến cho mình niềm vui, vì những gì mình đã nỗ lực gieo thì ít nhiều mình cũng đã nhận thấy được một phần nhỏ kết quả!
Mình nhớ hôm mình đến thăm gia đình em H’Chung là học sinh lớp mười trong nhà Lưu Trú sắc tộc. Gia đình em ở Buôn Hra là Buôn người dân tộc Êđê ở cách Tp. Buôn Ma Thuột khoảng 25 km đi về hướng Lạc Thiện. Em H’Chung là con thứ hai trong gia đình có năm người con. Mình đến thăm gia đình và được chị của em H’Chung cho biết, trước khi em H’Chung đến ở nhà Lưu Trú thì mọi việc nấu nướng trong gia đình là do chị của em H’Chung làm hết, nhưng từ khi em H’Chung đến ở nhà Lưu Trú, mỗi lần em H’Chung về thăm gia đình hoặc về nghỉ Tết, thì việc nấu nướng trong gia đình là do em H’Chung làm. Em làm rất ngon, sạch sẽ, gọn gàng, biết rửa ly rửa ấm mỗi sáng nên ly ấm trong nhà sạch sẽ hơn trước nhiều…
Nghe những điều đó từ gia đình của các em trong nhà Lưu Trú, mình thấy rất vui. Niềm vui đó lại được nhân lên khi mình đến thăm gia đình em H’Rômô, mười hai tuổi, là học sinh lớp một trường Tình Thương. Gia đình em ở Buôn Cưnao, là một Buôn mới của người sắc tộc Êđê. Em H’Rômô cũng là con thứ hai trong gia đình có ba người con.
Hôm đó gần đến ngày Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, mình cần một số trái bầu khô để các em diễn văn nghệ nên mình gọi điện vào Buôn Cưnao nhờ bố em H’Rômô kiếm cho mình. Khi bố em H’Rômô tìm đủ số bầu khô như mình nhờ thì bố H’Rômô nhắn mình vô lấy. Vì đến gia đình em H’Rômô nên mình chở em H’Rômô đi, sẵn dịp cho em H’Rômô thăm gia đình luôn.
Vào nhà gặp bố mẹ em H’Rômô, mình nói chuyện một lúc với họ thì không thấy em H’Rômô lên chơi. Mình hỏi bà mẹ: Em H’Rômô đâu? Bà mẹ cười nói với mình: Em đang quét đó! Lúc đó mình để ý nghe tiếng chổi cau ai đó đang quét… Mẹ em H’Rômô cho biết: Trước kia ở nhà, em chẳng bao giờ quét dọn, nhưng từ khi em H’Rômô đi học trên nhà Lưu Trú đến giờ, khi nào về em H’Rômô cũng quét dọn thật sạch sẽ dù về ở nhà nhiều ngày hay chỉ vài giờ. Mỗi lần em H’Rômô quét dọn mà có ai đó hỏi là em H’Rômô nói đúng một câu: Mình muốn gia đình mình có văn hóa!
Matta Xuân Lành
Cảm ơn Xuân Lành về những nổ lực và vất vả với Buôn Làng!
Mỗi lần quét dọn mà có ai đó hỏi là em H Rômô nói đúng một câu: “Mình muốn gia đình mình có văn hóa!”.
Nói “đúng một câu”. Và đó là…”một câu đúng”.
Văn hóa thể hiện ở tất cả các sinh hoạt – không kể lớn nhỏ – hằng ngày.
Sự thật là một em bé dân tộc ít người, 12 tuổi, học lớp một, ở Buôn Làng – như H Rômô – có nơi có lúc, và rất nhiều khi, lại có văn hóa hơn nhiều một ai đó có học vị cao.
ThíchThích