Phúc cho người nghèo khổ trong tâm linh, vì nước Thiên đàng là của họ

Chào các bạn,

Đây là câu đầu tiên trong Beatitudes, tức là Những Điều Phúc (hay Phúc Thật Tám Mối trong Công giáo), đoạn mở đầu của “Bài giảng trên núi” của Chúa Giêsu.

Mình đã viết một chút về câu này trước đây. Nhưng mình đang đọc một quyển sách nổi tiếng trong đó có một chương bình giải về Beatitudes, và mình rất thất vọng là tác giả bình giải đoạn này hai cách: 1. Đó là hứa hẹn về Thiên đàng sau khi chết, cho những người nghèo khổ của thế giới này—với đủ loại lý luận như là người nghèo thì thường khiêm tốn, không đòi hỏi, dễ gần gũi Chúa, dễ mở rộng đầu óc để học hỏi, v.v… 2. Nói về đời này, thì những người tuyệt đối bất bạo động, bằng lòng chịu khổ hình, nhục hình như Gandhi hay Martin Luther King sẽ làm được việc phi thường.

Dù là tác giả có đúng hay sai trong các lý giải này, điều đáng thất vọng là tác giả chẳng nói gì về chính kinh nghiệm sống của tác giả đã sống câu “Phúc cho…”, mà toàn là biện luận, lý giải, phỏng đoán. Chẳng nghĩa lý gì cả.

Đây là vấn đề lớn cho thế giới chúng ta—trong những vấn đề về cuộc sống, chúng ta có quá nhiều thầy nói qua lý giải và phỏng đoán, mà không qua kinh nghiệm sống của chính họ. Cho nên những lời họ nói thực là không hơn một lý luận của một cậu sinh viên năm thứ nhất đại học là bao nhiêu, vì lý luận dù nghe hay cách mấy cũng có thể chỉ là… lý luận, và chẳng phải là sự thật. Ví dụ: Dù ta lý luận rất hay, có thể thuyết phục được mọi người là cô A đã yêu anh B; nhưng nếu cô A thực sự không yêu anh B, thì dù lý luận nói gì, thì sự thật vẫn là cô A không yêu anh B. Giản dị có vậy. Lý luận có hay bao nhiêu đi nữa, mà sai sự thật thì vẫn sai sự thật.

Các quy luật tâm linh là quy luật sống. Nếu ta không sống chúng, mà chỉ dùng lý luận, biện luận để lý giải, thì chẳng khác gì người không tập võ bao giờ mà lý giải câu “dụng ý bất dụng lực” của võ gia.

Thái độ “giảng” như thế thường làm cho chinh họ và những người đi theo họ lạc đường mà không biết. Và rất khó cho họ nắm vững được các quy luật tâm linh, vì họ có thực sự thực hành đâu mà biết.

Trong bài trước, chúng ta đã viết:

Thiên đàng hỏa ngục ở trong tâm ta. Tâm ta xung động nổi lửa, đó là hỏa ngục. Tâm ta dịu dàng tĩnh lặng, đó là thiên đàng. (Xem “Cửa thiên đàng”).

Nhưng “Nghèo khổ trong tâm linh” là gì?

Bản tiếng Anh đọc: “Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven”. “Nghèo khổ trong tâm linh” là nghèo khổ trong tinh thần của mình.

Spirit của mình, tâm linh của mình, tinh thần của mình, thì chỉ có mình biết, người khác không biết được. Cho nên nghèo khổ trong tâm linh là cái nhìn của mình về chính mình.

Tôi yếm kém quá.
Tôi dễ sa ngã quá.
Tôi được Trời ưu đãi quá, nhiều người hiền từ nhân hậu hơn tôi mà lại cực khổ hơn tôi.
Tôi yếu lòng tin quá.
Tôi rất cố gắng nhưng cứ vấp ngã hoài.
Tôi cần Trời Phật thêm sức cho tôi.
Tôi cầu Chúa tha lỗi và dẫn dắt tôi.
Có nhiều điều về chiều sâu tâm linh tôi không biết gì cả, xin Trời Phật mở mắt tôi và mang trí tuệ đến cho tôi.

Nói chung là một thái độ khiêm tốn về mình, những cái mình có, và những cái mình thiếu sót, và một nguyện ước mình sẽ được giúp đỡ để được “giàu có hơn” trong tâm linh.

Đó là nghèo khổ trong tâm linh, và thái độ đó sẽ đưa mình đến thiên đàng, tức là hạnh phúc trong tâm.

Đó là cách sống hàng ngày.

Nghèo khổ trong tâm linh là:

(1) Ta thấy rõ được tâm ta—thấy được tâm ta có những yếu đuối gì, những thiếu sót gì… và

(2) Ta mong ước được thêm “giàu có” trong tâm linh.

Ước muốn được “giàu có”, được “thịnh vượng” trong tâm linh là điều kiện tất yếu để ta “thấy” được ta “nghèo khó” trong tâm linh. Nếu ta không ước muốn được “thịnh vượng” thì ta không bao giờ thấy được ta “nghèo khó”.

Đây chính là thái độ của người khiêm tốn, biết được các điểm yếu của mình, và hằng ao ước cải thiện chính mình mỗi phút mỗi giây.

Thái độ khiêm tốn và “biết mình” đó, chính là “nghèo khó trong tâm linh”.

Và sống khiêm tốn và biết mình như thế, thì tự nhiên ta sẽ được tĩnh lặng, an lạc trong tâm. Tức là ta có được “nước thiên Đàng”.

Đây là một kinh nghiệm sống. Hãy sống tĩnh lặng, khiêm tốn, biết mình, thì bạn sẽ có được thiên đàng trong tâm bạn.

Người nghèo khó trong tâm linh sẽ luôn luôn thấy mình nghèo khó trong tâm linh. Càng cố gắng luyện tâm, càng thấy mình nghèo khó, vì người càng học càng thấy bể học mênh mông.

Nhưng người sống với nhận thức là mình nghèo khó trong tâm linh, thì thấy được thiên đàng.

Các quý vị giải thích các quy luật tâm linh cho “đời” sau khi chết, thì không hề biết sống trong đời sống này, nhưng lại lý giải về các điều họ không thể biết (sau khi chết).

Các quý vị giải thích các quy luật tâm linh bằng lý luận và biện luận, thì không hề biết sống thật với các quy luật tâm linh, vì nếu biết sống thật thì người ta đã kể ra kinh nghiệm sống thật, chẳng cần biện giải.

Đừng giải thích “nghèo khó trong tâm linh” là gì. Hãy sống cách làm bạn cảm nhận được rất rõ ràng là bạn thực sự nghèo khó trong tâm linh.

Đùng giải thích thiên đàng là gì. Hãy sống cách bạn cảm thấy được bạn đang bước vào cửa thiên đàng.

Các quy luật tâm linh là để ta sống, không phải để ta lý giải.

Chúc các bạn một ngày sống thực.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

 

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Phúc cho người nghèo khổ trong tâm linh, vì nước Thiên đàng là của họ”

  1. Em đã nhận ra mình mắc thói quen lý luận và em nghĩ mình hiểu những điều mình đang lý luận. Nhưng tới gần đây, em mới thấy rằng lý luận chỉ làm cho mình có cảm giác mình hiểu vấn đề còn thực ra mình chẳng biết gì về điều đó nếu mình không thực tập sống với điều đó. Đúng là lý luận nhiều mà không thực tập sẽ khiến mình sai đường và không phát triển được trên con đường tâm linh, hoàn thiện bản thân mình. Em sẽ gửi bài viết này cho một người bạn của em. Cám ơn anh Hoành rất nhiều!
    Chúc anh khỏe! ^_^

    Thích

  2. Cảm ơn a Hoành đã giải thích rất cặn kẽ. Hôm nào anh viết tiếp về khái niệm “Heaven” và “Kingdom of Heaven” trong Bible đi anh ơi.

    Có lần bọn em ngồi với mấy người bạn thảo luận về khái niệm này thì có vẻ như đa phần mọi người nghĩ rằng Kingdom of Heaven hay Heaven là đều nói về Life after Dealth. Thành ra mọi người lại càng tin là chúng ta phải sống tốt để được lên thiên đàng sau khi chết, cũng giống như giải thích trong cuốn sách mà anh nói.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s