Chào các bạn,
Thường thường chúng ta có cảm tưởng là phẩm và lượng ít đi đôi với nhau. Ví dụ, quán cơm bình dân đại trà thì đông khách nhưng chất lượng món ăn không bằng quán cơm chém cổ nhìn vào chỉ có 3 cặp tình nhân sang trọng ngồi ăn.
Nhưng đó là nhìn vào từng trường hợp cá nhân. Nếu nhìn vào tổng thể thì vấn đề thấy khác đi, và lượng thường giúp tạo ra phẩm. Ví dụ: Một quốc gia mà đại đa số dân chúng học Tae Kwan Do như Nam Hàn thì có lẽ đại đa số cao thủ Tae Kwan Do của thế giới là từ Nam Hàn. Đa số người Việt Nam, Tây Tạng, Nhật… theo Phật giáo, nên các danh sĩ Phật giáo đương thời là từ các quốc gia này mà đến, dù là ở Âu Mỹ cũng có một số kha khá trí thức theo Phật giáo. Đại đa số học sinh Mỹ bơi lội thường xuyên nên Mỹ thường có nhiều giải Olympic về bơi lội…
Nếu nhìn vào tổng thể như thế ta thấy có sự liên hệ rất rõ giữa số đông và phẩm chất. Điều này rất dễ hiểu. Nếu ta có một nhóm 1000 người biết bơi và chọn trong đó ra người bơi giỏi nhất, và một nhóm khác chỉ có 3 người biết bơi và chọn ra người giỏi nhất, thì thường là người số 1 của 1000 người giỏi hơn người số 1 của 3 người. Tiến trình tuyển chọn gay go từ số đông đến số 1 tạo ra nhân tài xuất chúng. Càng đông thì con đường đến số 1 chàng gay go, và người giành được chức vô địch càng giỏi.
Vì thế muốn cho nhân tài giỏi ở mức cao ta cần có đông nhân tài ở mức thấp. Nếu học ở Mỹ các bạn sẽ thấy là dễ hơn học ở Việt Nam rất nhiều. Dân Mỹ mà xong cử nhân nhưng viết một câu tiếng Anh vẫn không thể đúng là chuyện thường. Tùy theo trường. Trường tạo cử nhân dốt ở Mỹ cũng không thiếu. Đặc điểm của nền giáo dục Mỹ là tự do, mở rộng, và giúp cho mọi người đều có thể đi học và đều có thể có bằng, từ bằng loại vàng đến bằng loại rác. Và trong số đông lớn lao có học thức và bằng cấp đó, sự tuyển chọn gắt gao của nền kinh tế từ từ đưa đến nhân tài cao cấp… và các giải Nobel rơi vào tay nước Mỹ thường xuyên.
Đây là các điểm chúng ta cần quan tâm trong việc tổ chức xã hội. Muốn giáo dục Việt Nam khá thì mở rộng hệ thống giáo dục để mọi học sinh sinh viên đều có đủ trường và đủ cơ hội để đi học và ra trường, thay vì loại bỏ một số người hàng năm, tạo ra chênh lệch xã hội mà lại thu nhỏ nhóm người tài.
Muốn cho Việt Nam có được Nobel văn chương thì quản lý cần lỏng lẽo một tí để có được nhiều nhà văn ra đời và viết được nhiều vấn đề.
Muốn Việt Nam giỏi Anh Văn thì làm cho mọi người đều biết Anh văn. Càng nhiều người biết Anh ngữ, trình độ Anh ngữ của cả nước sẽ tự nhiên tăng lên.
Muốn trường bạn giỏi tư duy tích cực thì hãy tìm cách cho mọi học sinh trong trường biết tư duy tích cực. Hàng nhập môn cũng được, nhưng từ số đông ta sẽ từ từ có phẩm chất cao.
Phát triển thực sự thường có hai chiều—chiều rộng và chiều cao—rộng là số đông và cao là phẩm chất.
Nếu chúng ta phát triển chiều rộng tức là số đông, và khuyến khích số đông trao đổi tư tưởng và kinh nghiệm, cạnh tranh, tranh luận, đàm thoại, thì tự nhiên các hoạt động trao đổi đó của số đông sẽ tạo ra phẩm chất. Số đông chỉ cần hoạt động là đẻ ra phẩm chất. Mốt số đông ù lì không nhúc nhích thì rất khó tăng phẩm chất vì số đông ù lì thực ra chỉ là số 1 hay số 0.
Đây là nguyên lý căn bản về hiệu năng để quản lý xã hội trong mọi lãnh vực, và nguyên lý về hiệu năng này cũng là nguồn gốc của nguyên lý phát triển quốc gia bằng quản lý dân chủ: “Muốn quốc gia phát triển thì mọi người dân đều phải có cơ hội đồng đều về mọi vấn đề. Càng nhiều người dân có cơ hội học cao làm cao thì phẩm chất nhân tài của quốc gia sẽ tăng cao nhờ sự tuyển chọn tự nhiên của nền kinh tế.”
Ngay trong các lãnh vực tâm linh cũng thế. Phật giáo đại thừa phát triển cực độ so với Phật giáo nguyên thủy, nhờ thoát khỏi gò bó của Phật giáo nguyên thủy và tạo cơ hội bình đẳng về Phật pháp cho mọi người—nam nữ, cư sĩ cũng như tăng ni.
Nguyên lý hiệu năng này cũng là lý do mà các hệ thống kinh tế chính trị dân chủ thường phát triển mạnh hơn các hệ thống kinh tế chính trị khép kín.
Trở lại ví dụ quán cơm bình dân và quán cơm xịn ở đầu bài. Nhìn riêng từng quán thì ta thấy tiền nào của nấy. Quán rẻ tiền, đông người, thì món ăn không bằng quán cao cấp ít người. Có vẻ như càng ít khách thì quán càng có phẩm chất cao.
Những nếu nhìn vào tổng thể thì: Vì trong thành phố có rất nhiều quán ăn đủ loại, từ đại bình dân đến vừa vừa đến cao cấp, cho nên số đông quán ăn đó cạnh tranh nhau, mới sinh ra được một loại quán cực cao chỉ lèo tèo vài ba đại gia ngồi ăn. Các quán cực cao này cũng hiện diện nhờ tiến tình cạnh tranh của số đông trong thị trường. Nếu trong thành phố chỉ có tổng cộng 50 tiệm ăn, thì rất khó có được một quán cực cao nào như thế.
Vì vậy, các bạn, muốn xã hội ta có được điều gì thật khá, thì hãy khuyến khích nhiều người học điều đó, biết điều đó, làm điều đó. Rồi số đông tự nó sẽ giúp tạo nên phẩm chất.
Mở rộng hệ thống, phá bỏ rào cản, giúp cho mọi người đều có cơ hội học, biết, và làm như nhau.
Dùng lượng để kích phẩm.
Chúc các bạn một ngày đầy chất lượng.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Cám ơn anh!
Một bài viết rất hay.
ThíchThích