Từ Chuyện Cây Bàng Trong Sân Trường

Sân trường tháng muời hai luôn đặc biệt bởi những chiếc lá bàng. Cây bàng không biết từ lúc nào đã tự nhuộm mình thành đỏ ối như một ngọn đuốc khổng lồ, cứ thầm lặng cháy trong trời đông xám lạnh. Mỗi ngày, ngọn đuốc ấy lại hao mòn đi một ít sắc đỏ vì những chiếc lá rụng.

Tháng mười hai Tây Nguyên cũng đã bắt đầu mùa gió, nên vừa rời cành lá bàng đã được gió đón lấy, nâng trên đôi cánh của mình mà đưa đi tít xa. Có những chiếc lá không theo gió, chỉ chao nhẹ đáp xuống rồi nằm thảnh thơi trên mặt đất, làm nên một tấm thảm màu nâu đỏ, đẹp đến ngỡ ngàng.

Cô giáo dạy văn mê đắm lá bàng, cứ ngẩn người xuýt xoa không ngớt trước vẻ xao xác của sân trường mùa lá rụng. Rồi tiếc nuối hụt hẩng khi thấy học trò của mình quét sạch lá rụng…
Không chỉ quét lá rụng, học trò còn leo lên cây tuốt hết những chiếc lá đã chín màu nâu đỏ, tuốt cả những chiếc lá mới chỉ vương chút nâu vàng… Lá bàng bị cưỡng bức rụng ào ào xuống sân trường.
Rồi trong chốc lát, tất cả những chiếc lá như những mảnh màu ấm áp tuyệt đẹp, đã bị dồn hết vào trong bao tải. Học trò mang những bao lá bàng ra để ở một góc đường, xe rác sẽ đến và mang chúng đi…

Thầy giáo phụ trách cơ sở vật chất của trường không thích lá bàng rụng, không thích màu sắc quá chói gắt của lá bàng trong mùa đông, không thích sự bay tung, sự sóng soãi, sự rực cháy của nó trên sân trường. Sân trường đầy lá rụng, trông chẳng giống sân trường một chút nào, trông cứ luộm thuộm như một công viên hay một góc rừng… Thầy muốn sân trường phải thật sạch sẽ thật nghiêm trang như một ông giáo mặc veston trong ngày khai giảng!

Cho học sinh tuốt sạch lá bàng! Không để cho cây bàng tự do sống đời sống của nó!
Không để cho tụi học trò ngớ ngẩn dạo qua dạo lại trong sân trường, nhặt mấy chiếc lá đỏ, lật đi lật lại trên tay mà ngắm nghía, mà xuýt xoa!
Không để cho cô giáo dạy văn đang giảng bài chợt sững người nhìn chiếc lá bàng vừa bay vào lớp. Rồi nhặt chiếc lá mà liên hệ với học trò về sự hữu hạn của mỗi đời sống trong vô hạn của thời gian. Sự cần thiết phải nỗ lực của mỗi con người, để có thể đi qua cuộc đời một cách lương thiện, đoàng hoàng, đẹp đẽ. Như chiếc lá bàng đã sống trọn đời với màu xanh trên cành làm nên bóng mát, rồi chọn một cái chết đẹp, với màu sắc rực lên, cháy đến tận cùng, dâng hiến đến tận cùng cho mùa đông, làm nên một đốm lửa ấm áp sưởi ấm không gian lạnh lẽo trước khi tan biến vào cát bụi đất đai!

Cô giáo dạy văn nhớ bài thơ Mùa lá rụng của Ôn ga Bec gôn với lời đề dẫn: Mùa thu ở Matxcơva người ta treo những tấm biển trên các đại lộ với dòng chữ: Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng… Và tiếc rằng, thầy giáo phụ trách cơ sở vật chất của trường, có thể không biết bài thơ đó. Không biết rằng ở nhiều nơi những chiếc lá vàng óng kia, đang được bảo vệ cẩn trọng như những báu vật.

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả…
Matxcơva, lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trên đời
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”



Bảo vệ từng chiếc lá cây trong mùa cây rụng lá, hoặc leo lên cây tuốt sạch hết lá vàng, hoặc bẻ đến kỳ hết những chùm trái bằng lăng khô khốc .. Đó không chỉ là những hành xử của con người với cây cỏ thiên nhiên. Đó còn là biểu hiện quan điểm của mỗi người về cái đẹp. Trong môi trường sư phạm, đó còn là quan điểm về vấn đề giáo dục cái chân, cái thiện, cái mỹ cho mỗi học sinh.

Nhưng làm sao có thể trách được người không biết. Mà vẻ đẹp kỳ diệu trong từng chiếc lá rụng, có phải ai cũng nhận biết hết cả đâu. Đâu phải ai cũng có thể tưởng tượng rằng ngày xưa, cái ngày xưa Thơ Mới đó, Xuân Diệu cũng đã từng choáng ngợp trước cây bàng lá đỏ mà viết:

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

Những cây bàng trong sân trường giờ đã trơ trụi lá, nhưng vẫn đẹp một vẻ rất riêng. Cành nhánh trên thân cây khẳng khiu trông như những cánh tay dang rộng, phả lên bầu trời cái màu khói sương bãng lãng.

Rồi ít lâu sau, bàng sẽ nhú lộc. Những mầm non đỏ tươi đậu chi chít trên cành như minh chứng cho sự trẻ trung, cho sức sống cuồn cuộn rạo rực chảy tuôn sau lớp vỏ dày nứt nẻ.
Rồi lá bàng sẽ to ra dựng đứng như tai thỏ.
Rồi lá bàng sẽ nhanh chóng lớn nữa, xoè rộng, tạo nên một vòm bình yên với tầng tầng lớp lớp lá non xanh như ngọc.
Rồi đến lúc tiếng ve báo hè vang dậy, dưới những tán lá bàng sẽ có những cô cậu học trò ngồi học bài.. Họ hái chiếc lá bàng ghi vài câu thơ vào đó, có khi tặng bạn, có khi ngần ngại ép vào cuốn sách mang về…
.


Xã hội càng hiện đại, những khoảnh khắc xúc cảm lãng mạn như vậy, phải chăng càng cần thiết? Phải chăng nhờ vào đó, bao tâm hồn của thế hệ trẻ sẽ có cơ hội cân bằng trước những xơ cứng của máy móc, của thao tác nhấp chuột tìm bạn bè, tìm trò chơi, tìm thông tin trên net?
Cũng như vò trong tay một lá cỏ hăng hắc, nghe bên tai lảnh lót một tiếng chim, phải chăng là một cách di dưỡng tinh thần, để con người chúng ta bớt cằn cỗi với café uống liền, trà xanh chai nhựa, nước trái cây đóng lon, cùng bao nhiêu sản phẩm đóng hộp khác, nhan nhãn trong xã hội hiện thời?

Vì vậy, hạnh phúc thay cho những ngôi trường có khuôn viên rộng, có nhiều cỏ cây, có bóng mát, mùi hương và tiếng chim. Để thiên nhiên, bậc thầy kỳ diệu, dạy cho những học sinh, những tâm hồn bé bỏng tình yêu cái đẹp, cái thiện…
Học sinh sẽ tự nhận biết trong mỗi cành cây ngọn cỏ, bài học về sự cho đi và nhận được, sự có mặt và khuất lấp, sự mạnh mẽ vươn dậy của những tạo vật mỏng manh.

Học sinh sẽ tự nhận biết thời gian đi qua, bốn mùa đi qua, không chỉ trên những tờ lịch, những con số đếm ngày đếm tháng vô hồn, mà còn trong sự luân chuyển đâm chồi, ra hoa, rụng lá của cây cối..

Yêu cái đẹp cái thiện học sinh sẽ biết hành xử hướng tới cái đẹp cái thiện. Nâng niu một chiếc lá, học sinh sẽ biết nâng niu một số phận, Ngắm nhìn một bông hoa, học sinh sẽ biết trân trọng, ngưỡng mộ một tài năng. Đứng trước một chùm quả, học sinh sẽ phải suy ngẫm về việc cần nghiêm túc, cần nỗ lực trong học tập, trong lao động để có được những thành công thực sự trong đời…

Yêu cây cỏ trong sân trường, học sinh sẽ còn thấy gắn bó hơn với thầy cô, bè bạn, những giờ học, giờ chơi, những hồn nhiên của lứa tuổi mình đang sung sướng được sống.
Và từ lòng yêu cây cỏ, gia đình, mái trường, thầy cô bè bạn, những học sinh, những công dân tương lai của đất nước, sẽ ý thức rõ hơn, nuôi dưỡng sâu xa hơn trong lòng họ tình yêu tổ quốc.
Để khi tổ quốc cần, họ biết nỗ lực bảo vệ hoặc dựng xây. Bởi vì, như nhà văn I li a Ê ren bua đã viết: Lòng yêu tổ quốc bắt đầu từ lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng trước cửa nhà, yêu con đường nhỏ dẫn ra bờ sông, yêu mái nhà tranh, yêu đồng lúa chín…

Đinh Thị Như Thúy

6 thoughts on “Từ Chuyện Cây Bàng Trong Sân Trường”

  1. Hay lắm Như Thúy à. Và rất giáo dục.

    Rõ ràng là nhiều người chúng ta đã thành quá máy móc đến nỗi chúng ta không thấy được giá trị cũng như cái đẹp của thiên nhiên.

    Thúy khỏe nha 🙂

    Like

  2. Cảm ơn Thúy, bài viết rất sâu sắc và gợi nhiều suy nghĩ về vẻ đẹp của cuộc sống, nhất là những thời khắc giá trị như thưở học trò. Biết yêu những cái quanh mình, tưởng nhỏ mà không nhỏ như cái cây trước nhà, quả là điều đáng để nhiều bạn trẻ ngày nay phải suy nghĩ.

    Chúc Thúy khỏe và đạt được ước mơ của mình 🙂

    🙂 🙂

    Like

  3. Như Thúy mến,

    Sáng nay chị ngồi dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường và nhận cờ thi đua của nhà nước tặng ở một ngôi trường trong thành phố.
    Nhìn ngắm những cây bàng và rất nhiều cây xanh đẹp trong sân, chị liên tưởng đến cây bàng trong bài của em mà chị đã rất thích ngay khi đọc lần đầu. Nếu chị có ít thời gian thì hôm qua đã đến chụp sân trường này với cây xanh để minh họa cho bài của em

    Thực ra bài em viết về cây bàng lá đỏ mà hiện giờ lá bàng ở trường này đang còn rất xanh.
    Chị đã đến nhiều ngôi trường vùng xa mà không có mấy cây dù ở vùng ven đất rộng. Chị luôn nghĩ học sinh nào được học ở một ngôi trường nhiều cây xanh thực sung sướng và may mắn. Sau này dù ở đâu và tuổi nào những hình ảnh ấy luôn ở trong hồi ức xanh tươi đẹp. Ngôi trườngTrung học chị học ngày xưa có 2 cây Bồ Đề tươi tốt; dù đã 40 năm hơn, chị còn hình dung lại được vị trí và tán cây vòm lá…

    Em đã rất tài trong tùy bút này: đi từ những suy nghĩ tản mạn mà rất sâu sắc của một cô giáo dạy Văn về những cái rất gần gũi trong cuộc sống của cô trò – ngôi trường, cảnh quan, phong cách và cảm nhận của con người với cây lá xung quanh … đến tâm tình với học trò mình và rồi nhắc cho người ta nhớ nên đối xử với thiên nhiên, môi trường thế nào cho phải . 😀

    Đúng là bút pháp của cô giáo dạy Văn, dạy cái đẹp và cách cảm thụ cái đẹp, nuôi dưỡng cái đẹp trong tâm hồn và tình cảm cho học trò.

    Chị cũng rất cám ơn em cho chị nhớ lại một bài thơ rất hay Mùa Lá Rụng của Ônga Becgôn, do học trò cũ chép tặng chị đọc lâu lắm rồi và thích nên nhớ. 😛

    Chị sẽ gõ tiếp đoạn cuối xem thử mình còn nhớ chính xác không, em chỉnh sửa cho chị nhé:

    “Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”
    Nhắc suốt đời cũng chỉ bấy nhiêu thôi
    Nếu không còn gì mơ ước nữa trong tôi
    Thì có nghĩa không còn gì để mất
    Không biết nói cùng ai cho đến hết
    Nhưng bây giờ còn phải nói gì thêm?
    Các ngã con đã tràn ngập màn đêm
    Những tấm biển dọc đường càng thấy trống
    “Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”

    Chị chúc em thật vui khỏe, giàu sáng tác ( thơ sẽ vui và dịu dàng như bài em hát vậy. Chị biết thơ em nhiều bài nghe như có hơi thu man mác )
    Chị mong được đọc nhiều tùy bút như vầy của em nữa nhé.
    Hẹn em hôm nào tái ngộ.

    😛 😀 😛
    :

    Like

  4. Sáng nay bận quay film, H. & em không kịp chụp chung tấm hình với chị Huệ & T. Nga để gởi anh Hoành xem vui.
    Quay đi quay lại hình như TN đã về từ lúc nào, H. cũng vào lớp, hơi tiếc.
    Mấy khi có dịp tình cờ gặp vui, chị Huệ nhỉ?

    Like

  5. Chào Như Thúy!
    Cảm ơn NT, bài viết rất đẹp về tình cảm về giá trị đạo đức và là một bài học rất sâu sắc. Thời gian đi qua trong sự đâm chồi nẩy lộc. Biết nâng niu chiếc lá, sẽ biết nâng niu một số phận… Xúc động lắm Như Thúy à! Cảm ơn Như Thúy rất nhiều!!!

    Like

  6. Thúy cám ơn anh Hoành, hoangkhanhhoa, Minh Tâm đã đọc và chia sẻ. Chúc mọi người luôn vui.

    Chị Huệ ơi,
    Em cũng rất thích “Mùa lá rụng” của Ôn ga Bec gôn. Em thấy ở đó một đơn côi rất đỗi dịu dàng. Chị nhớ đúng rồi nhưng chưa thực đủ chị ạ. Em chép hết ra đây để cùng nhớ lại chị nhé.

    Mùa lá rụng
    Olga Berggolts

    Mùa thu ở Matxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ : “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

    Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
    Mátxcơva, lại đã thu rồi!
    Bao khu vườn như lửa chói ngời
    Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,

    Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
    Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi
    Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
    “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”

    Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi
    Ðập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
    Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
    Khẽ rung lên bên khuôn cửa sáng đèn
    Ở đây tôi cần ai, khi xuôi ngược một mình,
    Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng?
    “Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!”
    Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

    Nếu không có gì ao ước trong tôi
    Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất!
    Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất
    Sao phút này làm người bạn cũng không?
    Tôi chẳng hiểu vì sao, cứ ngùi ngẫm trong lòng
    Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn.
    Anh – con người không vui, con người bất hạnh
    Con người đi cô độc quá trên đời!
    Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
    Thôi hãy biết kiên tâm. Mọi điều đều phải đợi…
    Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
    Cơn mưa rơi thầm thì lúc chia li
    Mưa tối rầm, nhưng ấm áp nhường kia
    Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá…
    Anh hãy cố vui lên, con đường hai ngả,
    Tìm hạnh phúc yên bình trong ấm áp cơn mưa!…

    Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
    Một mình với mình thôi, không cần ai tiễn biệt.
    Tôi không biết nói cùng anh đến hết
    Nhưng bây giờ, còn phải nói gì thêm!
    Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
    Những tấm biển dọc đường càng thấy trống
    “Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!”

    Olga Berggolts, 1938
    (Bản dịch của Bằng Việt)

    Like

Leave a comment