Cảm hứng từ bức tranh “Quo Vadis, Domine?” – Từ tác phẩm tiểu thuyết cũng như bộ phim cùng tên

Giữa bóng đêm chập chùng ẩn tàng ánh nắng của hừng đông, giữa thực tại u buồn của tang thương chết chóc, mầm sống của sự Phục sinh đang âm thầm trỗi dậy. Đứng trước cảnh tượng kinh hoàng, tàn bạo mà các tín hữu Kitô đang phải hứng chịu do sắc chỉ của hoàng đế Nêrô, không ai mà không cảm thấy bàng hoàng, sợ hãi. Tự trong thâm tâm con người vốn yếu đuối, sợ đau đớn, chết chóc gặp thảm trạng trên thì chạy trốn, để bảo toàn mạng sống.

Màu sắc tương phản trong bố cục của bức tranh cho thấy cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa chạy trốn và dũng cảm đối diện… luôn đeo đuổi, giằng xé con người trong cuộc sống, trong những chọn lựa. Tuy nhiên, người tín hữu cần dứt khoát để chọn lựa theo thánh ý và đường lối Chúa cho dù phải trả giá bằng những đớn đau, thiệt thòi… nhưng đem lại sự tự do đích thực của con cái Chúa.

Quo Vadis Domine

Ánh mắt, hình ảnh của một Đức Giêsu vác thập giá mạnh mẽ, dứt khoát, cương quyết trái ngược với một Phêrô sợ hãi, kinh hoàng, quần áo xộc xệch. Hình ảnh của Chúa Giêsu cho Phêrô và cho mỗi người thấy rằng: Đời theo Chúa không phải là một cuộc đời không có thập giá, khổ đau nhưng là một hành trình vác thập giá liên lỉ của thân phận con người, vác thập giá của chính mình và của tha nhân.

Như một lời nhắc nhớ cho Phêrô về bài học xưa mà Thầy đã dạy: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15, 18-20) Chúa Giêsu đã phải chịu lăng nhục, bắt bớ, sỉ vả, tra tấn, cực hình và chịu chết nhục nhã. Làm người môn đệ Chúa, sao lại trốn chạy?

Ngón tay của Chúa Giêsu chỉ cho Phêrô hướng thẳng về Rôma, nơi ấy, bao nhiêu đồng bào tín hữu đang chịu bách hại, giết chóc. Nơi ấy, con (Phêrô) sẽ làm chứng cho Thầy. Nơi ấy, chính vinh quang của Đấng Phục Sinh được tỏ lộ. Phêrô không bước đi một mình, nhưng còn có sự đồng hành của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cùng chịu chung số phận như Thầy, không chỉ có Phêrô nhưng còn có biết bao con người qua mọi thời đại đã làm chứng cho tình yêu của Đấng chịu đóng đinh.

Ơn gọi theo Chúa, tôi và anh, mỗi người không đi một mình nhưng luôn có sự đồng hành của Chúa, có sự hiện diện của anh em. Vậy cớ sao còn sợ hãi? Chúa Phục Sinh trở thành nguồn động lực để các Tông đồ phá tan cánh cửa của sợ hãi, truy lùng của người Do Thái để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Một Phêrô đã hăng say rao giảng về Đấng Phục sinh đã lay động và thu hút 3000 người theo đạo, nhưng đứng trước những bắt bỏ, hiểm nguy, tàn ác của bạo chúa Nêrô, Phêrô đã tháo lui…

Để có thể trở thành một con bướm xinh, con sâu phải chịu đau đớn khi chui ra khỏi kén, những mệt mỏi khi cố gắng thoát ra khỏi cái vỏ là điều không thể tránh. Thành công nào cũng đòi phải có hy sinh. Phục sinh nào cũng đòi phải bước qua thập giá. Đường đời theo Chúa còn lắm chông gai, nhưng cứ vững tin hướng về phía trước bởi ở đó sẽ có vòng hoa nguyệt quế cho người chiến thắng, cho người dám đón nhận tất cả những nghịch cảnh chỉ vì sống và làm chứng cho Đấng đã hiến mạng sống vì bạn hữu của mình và nay đã Phục Sinh.

Có khi nào trong đời sống, người tín hữu dễ dàng làm chứng cho Chúa khi lãnh nhận được ơn lành, còn khi gặp nghịch cảnh, đàn áp thì bỏ chạy, tháo lui, thậm chí là chối Chúa? Gặp Phêrô trong tình trạng khiếp đảm, sợ hãi và trả lời cho câu hỏi của người môn đệ: “Quo Vadis, Domine?” (Thầy đi đâu đó?) Chúa Giêsu không trách móc, không la mắng. Ngài vẫn luôn trìu mến nhìn người môn đệ, vẫn với sự nhẹ nhàng của một người Thầy, trả lời để gợi mở: “Ta đi vào thành để chịu đóng đinh thêm lần nữa.”

Câu nói ấy đã chạm tới tầng sâu thẳm của một tâm hồn đang hoang mang, sợ hãi cho những gì đang diễn ra trước mắt. Ngay lập tức Phêrô đã thức tỉnh để rồi chọn một cách khác, là quay trở lại chịu đóng đinh vì Thầy. Lời nói ấy phát xuất từ một tâm hồn thấu hiểu cho những yếu đuối, vấp ngã của phận người, đã có lúc Chúa Giêsu cũng sợ hãi khi phải đối diện với cực hình khổ đau. Ngài đã thốt lên: “Lạy Cha, nếu được thì xin cất chén đắng này khỏi Con, nhưng xin đừng theo như ý Con, một xin vâng ý Cha.” (Lc 22, 42) Trước nghịch cảnh mà mình sắp phải gánh chịu Chúa Giêsu vẫn một lòng tín thác vào tình thương của Cha, và nguồn tình yêu mãnh liệt Ngài cho con người. Ngài dũng cảm để chọn lựa, chết cho nhân loại tội lỗi, hiến mình cho người mình yêu…

“Ta đi vào thành để chịu đóng đinh thêm lần nữa.” Câu nói là một sự tra vấn cho từng người trong cuộc sống. Đã bao lần ta để cho Chúa chịu đóng đinh thêm lần nữa vì những thói ươn hèn của mình? Chúng ta chọn Chúa hay chọn thế gian, an nhàn hay khổ đau, trốn chạy hay dũng cảm đối mặt?

Sứ mạng của người môn đệ không là gì khác hơn là ra đi khắp nơi khắp chốn để nói về Giêsu, rao truyền tình yêu Chúa, thắp lên giữa lòng muôn dân niềm hy vọng về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Đòn roi, gông cùm, thậm chí là cả cái chết cũng không làm cho họ chùn bước.

Vì thế, đời sống của người môn đệ là chứng tá cho Đấng chịu chết và nay đã Phục sinh. Đời sống ấy là một chọn lựa, một thái độ, rời bỏ hay trung tín ở lại?

Hạt Cát

Leave a comment