Sáng tạo, phản biện, và kỷ luật làm việc

Chào các bạn,

Bạn của mình nói: Quản lý trong các công ty ngày nay chẳng biết quản lý các bạn trẻ thế nào vì các bạn vừa lười, vừa không biết làm việc, vừa luôn phản biện mỗi khi mình bảo các bạn điều gì.

Hình như chúng ta bị nghe phàn nàn về thế hệ trẻ (gen Z?) hơi nhiều. Mình cũng biết sơ sơ vì có mấy đứa cháu.

Đây là thế hệ sinh ra với Internet, Smart phone và đủ thứ dụng cụ điện tử, muốn có thông tin gì cũng có thể có chớp nhoáng. Các cô cậu lại được ăn uống dư thừa và mức sống tốt, vì Việt Nam đã phát triển kinh tế vùn vụt liền tù tì cả 30 năm qua. Các cô cậu chẳng được huấn luyện về làm việc bao giờ, chỉ biết ăn, học và chơi. Cho nên, các cô cậu nghĩ rằng làm giàu rất dễ và nhanh (như chơi game điện tử), chẳng thích làm việc chăm chỉ, thường xem người lớn như lạc hậu vì biết ít đồ điện tử hơn các bạn, thường được bố mẹ nuông chiều quá đáng và bố mẹ chẳng dám cãi lại các cô cậu vì bố mẹ không muốn bị chê là lạc hậu và độc tài.

Đến khi đi làm, hoặc làm parttime khi còn học đại học hay fulltime khi ra trường, các cô cậu thường chẳng biết làm việc, chán mọi công việc như nhàm chán, lương ít (tối ngày trông mong các cơ hội làm giàu dễ dàng), và thích cãi lại với mọi người trong công ty.

Bố mẹ cũng như các nhà quản lý đã được nhồi sọ nhiều năm nay là phải dân chủ, phải giúp người dưới biết phản biện và sáng tạo. Cho nên khi nói gì các cô cậu nhỏ cũng phản biện, các vị người lớn lúng túng, không biết làm sao để quản lý mấy nhóc này cho hợp lý, hợp thời và hợp văn minh.

Các bạn, làm việc trong một công ty, một department, một phòng, một nhóm, luôn cần có kỷ luật làm việc của tập thể. Kỷ luật đó rất giản dị: “Khi người chỉ huy của bạn bảo bạn làm gì, bạn làm điều đó, thật tốt, không thắc mắc.” Bạn chỉ có thể thắc mắc về kỹ thuật – tức là làm thế nào – nếu bạn chưa hiểu làm thế nào thì hỏi: “Em chưa rành việc này mấy, anh chỉ giúp, em cần phải làm gì?” Nếu bạn là người nhận lệnh, bạn không có quyền hỏi tại sao: “Tại sao phải làm việc này? Tại sao không làm cách khác?” Kỷ luật làm việc trong một tập thể, gọi là teamwork, là như thế. Khi you được ra lệnh làm, you làm thật tốt. Chấm hết.

Vậy phản biện để làm gì? Sáng tạo để làm gì?

Phản biện và sáng tạo, nói chung là những việc thuộc về ý tưởng mới, là chỉ để lúc “sinh hoạt tư duy”, thường là các lúc ngồi họp. Có nhiều loại họp khác nhau:

Brainstorm (động não): Đây là là những buổi họp đầu tiên về một vấn đề. Động não là ngồi chung và mọi người thảy lên bàn bất kì ý tưởng nào đến trong đầu họ về vấn đề đang thảo luận – không cần biết tốt xấu, tích cực tiêu cực, thực tế không thực tế… Có bất kì gì đến trong đầu thì thảy ra bàn, để mọi người thấy được càng nhiều thứ từ nhiều góc cạnh của vấn đề càng tốt. Mục đích là “thấy tất cả.”

Các brainstorm này không nhằm có kết luận gì. Cuối cuộc họp, mỗi người có một đống rác ý tưởng lộn xộn trong đầu.

Người lãnh đạo sẽ nghiên cứu mọi ý tưởng lộn xộn đó, loại bỏ một số, và giữ lại một số ý tưởng quan trọng, thành một dàn bài rõ ràng, để các cuộc họp sau chỉ nói đến các điểm có trong dàn bài, để từ từ đi đến kết luận và chiến lược.

Trong các cuộc họp này, phản biện và sáng tạo rất cần thiết. Các bạn nên nói nhiều để cuộc họp được phong phú.

Nhưng ngoài những cuộc họp như thế, trong công việc hằng ngày, khi boss bảo bạn làm việc gì, thì trả lời “yes” và làm cho tử tế đúng thời hạn, không cãi lệnh.

Nếu bạn chưa rõ lệnh của boss hay chưa rõ cách làm, thì hỏi để boss giải thích thêm, nhưng đó không phải là lúc phản biện.

Nếu trong lúc thi hành lệnh, bạn chợt khám phá ra một cách làm có thể tốt hơn cách boss chỉ, thì rất lịch sự đển hỏi boss: “Em đang làm, và em khám phá ra cách làm này thấy có vẻ hay, em muốn anh nghe thử thế nào?” Rồi kể chi tiết cho boss. Nếu boss trả lời: “Em cứ làm đúng cách anh nói,” thì cứ như vậy mà làm. (Có thể vì cách của bạn không hay và boss không có đủ thời giờ để giải thích lăng nhăng lúc này, hoặc cách đó hay nhưng chưa tiện dùng lúc này vì lý do gì đó. Từ từ bạn sẽ hiểu).

Nói tóm lại, khi làm việc, bạn phải làm việc với kỷ luật làm việc. Nghĩa là, có lệnh thì nhận lệnh và thi hành tức thì, tử tế và tốt. Phản biện và sáng tạo chỉ để dành lúc ngồi họp, hoặc lúc gặp nhau nói chuyện ngoài hành lang, không phải lúc bạn được ra lệnh làm việc.

Và bố mẹ cũng như các cấp quản lý cần cho các cô cậu nhỏ hiểu kỷ luật lao động là gì. Kỷ luật là: “Khi tui bảo you làm gì, you làm việc đó, không càu nhàu, không thắc mắc, không phản biện, không cãi lại. Và làm với phẩm chất tốt nhất của lao động.” Còn dân chủ, sáng tạo, phản biện, hay thảo luận, là những lúc chúng ta ngồi nói chuyện với mục đích tìm hiểu và phân tích về một vấn đề, trong một cuộc họp, không phải lúc làm việc.

Giới trẻ cần được học sáng tạo và phản biện một tay, tay kia thì học kỷ luật làm việc với team.

Chúc các bạn quản lý tốt.

Mến

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s